Tâm linh hôm nay

Pho tượng Chăm cổ có đủ 32 diệu tướng của Phật

Sở dĩ có các tướng này là bởi toàn thân tượng Đồng Dương có sức tỏa ánh hào quang, căn cứ theo chất liệu đồng được đúc thành đó là “kim sắc” hay còn gọi là ánh sắc vàng. Bên cạnh đó là làn da mịn trơn

Được xem là một pho tượng đồng cổ và đẹp nhất của Đông Nam Á, tượng Đồng Dương được phát hiện ngay tại trung tâm văn hóa Chăm. Nó là kết quả của sự kết hợp nghệ thuật đúc đồng trác tuyệt và 32 diệu tướng đỉnh cao, thanh thoát của nhà Phật. Bức tượng được đưa đi triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, nhằm giới thiệu với cộng đồng thế giới biết đến như một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Và đã có lần tượng phật Đồng Dương được mua bảo hiểm tới 5 triệu USD khi đi triển lãm nước ngoài.

Pho tượng phật có mức bảo hiểm cao ngất ngưởng


Tượng Đồng Dương được tìm thấy vào năm 1911. Vào thời kỳ bấy giờ, nước Pháp đang đô hộ Việt Nam. Chính vì vậy, tượng đồng Đông Dương được tìm thấy bởi một nhà khảo cổ người Pháp tên là Henri Parmentier. Ông tìm thấy pho tượng này ở vùng đất đầy nắng gió thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Bức tượng sau đó được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III. Và nó được công nhận là bức tượng phật bằng đồng cổ và đẹp nhất mang nhiều nét bí ẩn.


Hiện nay, tượng Phật Đồng Dương được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.HCM, là một bức tượng của tinh hoa văn hóa Chăm Pa để lại. Tượng Đồng Dương hay còn gọi chính xác hơn là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 1,22m, là pho tượng nổi tiếng nhất của vương triều Đồng Dương và pho tượng có niên đại thế kỷ thứ III. Tượng tạc theo tư thế đứng đang thuyết pháp (chuyển pháp luân) gốc từ Sanath (Lộc Uyển). Pho tượng Phật bằng đồng cổ này được làm hoàn toàn bằng một loại đồng thau, điểm đặc biệt là tượng không có phần bệ đỡ phía dưới như những pho tượng Phật khác.


Tiến sĩ Bá Trung Phụ, trưởng phòng trưng bày Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.HCM, (ông là người Chăm, chuyên nghiên cứu về các nền văn hóa Chăm Pa) cho biết: "Chúng ta đối diện với hình tượng với một đức Phật bắt nguồn từ các dạ xoa nặng nề có trước đó. Tượng Phật được các nghệ nhân khắc họa với khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng đang nhìn vào cõi xa xăm, muốn giải thoát con người khỏi dục vọng trần thế, với một tay tư thế chuyển pháp luân trong dáng điệu bắt ấn, một tay cầm áo cà sa phủ kín một vai, đôi chân đứng trên kệ sen”.

Tượng đồng.

Pho tượng có xuất xứ từ ngàn xưa được đánh giá cao, nên nó cũng được đi chu du khắp thế giới nhằm giới thiệu với cộng đồng thế giới về tinh hoa văn hóa dân tộc cũng như giao lưu các nền văn hóa với nhau. Ngay cả tại những nước có kho tàng cổ vật đồ sộ như Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc bức tượng vẫn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Tự hào về bức tượng có một không hai này, tiến sĩ Phụ cho biết: “Ấn tượng nhất với tôi có thể nói là lần pho tượng triển lãm tại Bảo tàng Guimet ở Paris, Pháp nhân triển lãm cổ vật Đông Nam Á. Khi ký kết hợp đồng triển lãm, pho tượng được mua bảo hiểm với mức 5 triệu USD. Có thể nói đây là một bất ngờ lớn và cho đến nay đây là pho tượng đầu tiên và duy nhất có được mức bảo hiểm ngất ngưởng đến vậy. Điều này cũng cho thấy chất lượng cũng như giá trị lớn của pho tượng đồng cổ nhất Việt Nam này”.


Bí ẩn 32 tướng của Phật trong tượng cổ


Vào thời Pháp thuộc, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.HCM có tên là Blanchard de la Brosse. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1979 được đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp.HCM. Hơn một phần tư thế kỷ hoạt động bảo tàng có hơn 25.000 hiện vật được trưng bày trong 10 kho bảo quản hiện vật, với diện tích 996m2. Hiện nay bảo tàng được mở rộng thêm và thay đổi cơ bản về nội dung hoạt động nhằm mở rộng thêm quy mô, đa dạng hiện vật để phục vụ công chúng. Trong đó kho trưng bày hiện vật của văn hóa Chăm Pa với đa dạng sản phẩm độc đáo về kiểu dáng, đa dạng về niên đại. Pho tượng cổ Đồng Dương được đặt ngay cửa chính của phòng, trong lồng kính khang trang và đây cũng là pho tượng đồng tương đối nguyên vẹn.


Nhìn từ bề ngoài, pho tượng được đặt trên một chiếc bệ trong dáng đứng thuyết pháp. Đôi bàn chân của tượng được gắn chặt vào bệ bằng những chiếc chốt. Trong đó, đôi bàn chân cũng thể hiện một tướng tốt đầu tiên của pho tượng, đó là “tam thập nhị tướng” (32 tướng) của Phật. Đó là một tướng tốt, mặt bàn chân sát với mặt đất không có một chút khe hở nào. Tiến sĩ Phụ cho biết: "Ngoài hai bàn chân thì hai tay, hai chân, hai mắt và giữa cổ (có khắc 3 ngấn chìm) gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn” là tướng thứ 17 trong nhà Phật. Vai bên phải để trần tròn trịa, bóng và đẹp là tướng thứ 21. Gương mặt tượng hiền hậu thể hiện tướng thứ 25 với hai má phẳng và rộng, đúng theo kinh chép: Khi Phật mở miệng thuyết pháp làm tắt tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng. Đây cũng chính là cái đức của nhà Phật mà tạo nên cái thần thế như vậy”.


Theo tiến sĩ Phụ cùng các tài liệu của nhiều nhà nghiên cứu khác thì mọi biểu hiện về tướng của tượng Phật được khắc họa chủ yếu trên khuôn mặt. Điều độc đáo của tượng Phật này là mắt Phật Đồng Dương không nhắm hẳn lại, cũng không mở hết cỡ. Biểu hiện này rất nhân từ, như một bậc chí tôn từ trên cao nhìn xuống, thể hiện diệu tướng thứ 29, là đôi mắt đẹp, thanh khiết như hai hòn ngọc. Giữa trán là tướng thứ 32 được gọi là “bạch hào”, đó là một vòng tròn biểu tượng của sự thanh khiết, vững bền. Theo tiến sĩ Phụ thì: "Các nghệ nhân Chăm Pa đã rất tinh tế khi thể hiện một tướng hết sức tôn nghiêm. Đó là trên đỉnh đầu của tượng với một cục u nổi lên giữa búi tóc cuộn quanh. Tướng này có hình tròn của một khối thịt tức là nhục, nổi cao như búi tóc tức là kế, gọi là nhục kế. Tướng này được hình thành qua nhiều kiếp do tu luyện, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, khai thông trí tuệ và nhân duyên ban tặng. Hào quang của Phật Thích ca đã phóng xuất từ đỉnh đầu đó trước khi đọc thần chú Lăng Nghiêm. Ngoài tượng Đồng Dương, nhiều pho tượng khác thể hiện tướng trên theo nhiều cách khác nhau như búi tóc có đính đá quý, kim cương để thể hiện cái chân tu của Phật”.


Nhìn toàn diện bức tượng cân đối, hài hòa lại có thêm ba tướng khác nữa của Phật. Theo tài liệu nghiên cứu của Phật pháp thì đó là tướng thứ 14, 15 và 16. Sở dĩ có các tướng này là bởi toàn thân tượng Đồng Dương có sức tỏa ánh hào quang, căn cứ theo chất liệu đồng được đúc thành đó là “kim sắc” hay còn gọi là ánh sắc vàng. Bên cạnh đó là làn da mịn trơn, bóng nhẩy như những cánh hoa sen đượm sương sớm, thanh khiết và mát mẻ đó là tướng thứ 16. Với tướng này ngụ ý, dù cho phong ba bão táp, bụi trần ai có dày đặc thì cũng không thể bám trụ trên thân kim sắc mịn trơn ấy. Đó là những tướng độc đáo nhất trong pho tượng, khiến cho nó càng độc đáo, huyền bí, cổ kính và ngày càng nổi tiếng trên thế giới.


Tiến sĩ Bá Trung Phụ cho biết: "Hiện tại pho tượng cổ Đồng Dương được đặt tại bảo tàng để người dân và du khách đến tham quan chiêm ngưỡng. Trên thực tế từ khi được phát hiện cho đến nay pho tượng đã được đưa đi nhiều nước trên thế giới nên được nhiều người biết đến. Đối với những nước có nền văn hóa lớn, có những cuộc triển lãm liên quan đến văn hóa Chăm Pa họ đều tìm đến và ký hợp đồng mang đi triển lãm. Vì thế, đối với pho tượng này không cần phô trương mà luôn giữ cho nó phần huyền bí vốn có thì nhiều nước trên thế giới vẫn biết và tìm đến khi có nhu cầu”.

Sự độc đáo của pho tượng Đồng Dương


Tiến sĩ Phụ cho biết: "Mỗi lần triển lãm kéo dài thường là 6 tháng đến một năm và họ chịu trách nhiệm trưng bày, quản lý, mình chỉ dự ngày khai mạc. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khi tham gia triển lãm với tôi có lẽ là khi trưng bày ở Hàn Quốc. Tại đây họ rất thích xem về phong cách của tượng Đồng Dương vì nó mang đầy đủ những cái đẹp, bình dị của con người phàm tục. Họ giải thích rằng nếu so với các tượng Chăm Pa của các nước khác thì tượng của mình khác xa, ví dụ của Trung Quốc thì mặt tượng Phật thường bầu bĩnh, tròn trịa quá xa rời thế tục, còn tượng của người Thái thì mặt dài, người Campuchia thì mắt to quá. Đối với tượng Đồng Dương, tất cả những nét đẹp của trần tục hiện hữu trên mặt Phật, khuôn mặt trái xoan, mũi thẳng, mắt bình thường nên hình ảnh như gần gũi, gắn bó với con người hơn. Hơn nữa, nét văn hóa của người Chăm Pa ở Việt Nam đặc sắc và độc đáo, họ mang cái thần của nhà Phật đặt ở nghệ thuật đúc trác tuyệt và vì vậy có thể nói đây là nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Theo Hà Hưng - Hoàng Minh (Báo Người Đưa Tin)

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/pho-tuong-cham-co-co-du-32-dieu-tuong-cua-phat-d9415.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY