Theo kết quả phân tích 10 mẫu nước biển ven bờ và 2 mẫu trầm tích biển ven lấy trong 2 ngày 4 và 5/12 cho thấy: Có 5/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số Tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt từ 1,2 đến 9,0 lần. Đồng thời xuất hiện số lượng lớn các loài tảo Silic trong các mẫu thực vật đáy (phytoplankton), lên đến hơn 420.700 tế bào/l, trong đó loài Asterionellosis glacialis có mật độ cao nhất trong số các loài thuộc ngành tảo sillic, lên đến 304.213 tế bào/l. Có 10/10 mẫu nước biển ven bờ có thông số Tổng hợp chất Lignin và Tanin với hàm lượng trung bình là 0,88 ml/l, thấp nhất là 0,22 mg/l và cao nhất là 1,74 mg/l.
Từ kết quả phân tích trên, Tổng cục Môi trường nhận định hiện tượng nước biển dọc bờ biển khu vực bãi tắm Khe Hai, xã Bình Thạnh có màu đen xuất phát từ tổng hợp của 2 nguyên nhân, đó là do sự xuất hiện của các loại tảo silic với mật độ cao và hợp chất lignin- tanin có trong nước biển.
Đối với sự xuất hiện của hợp chất lignin và tanin trong nước biển, đây là hợp chất gây ra hiện tượng nước biển đổi sang màu nâu hoặc đen. Hợp chất lignin và tanin thường phát sinh từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, chế biến gỗ, dăm gỗ và bột giấy từ dăm gỗ. Trong khi đó, khu vực biển Khe Hai (nơi xuất hiện nước biển có màu đen) có hoạt động sản xuất dăm gỗ thuộc khu kinh tế Dung Quất.
“Như vậy, hiện tượng xuất hiện vệt nước màu đen xảy ra vào đầu tháng 12/2019 trên vùng biển xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ngoài nguyên nhân do tảo silic với mật độ cao còn do nguyên nhân nước mưa thấm qua bãi chứa dăm gỗ không được xử lý thải ra biển làm cho nước biển có màu đen”- văn bản khẳng định.