Từ đầu năm 2020 đến nay, Quảng Ngãi đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, nhiều lĩnh vực kinh tế bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy duy trì được sự phát triển nhưng còn thấp so với mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp khu vực kinh tế nhà nước giảm 3,2% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,8%. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông sản xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Tiêu biểu nhất là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dưa hấu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, ứ đọng nhiều, giá bán thấp...
Việc tiêu thụ dưa hấu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 9%; doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ giảm 3,92% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, du lịch lữ hành và dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn tỉnh giảm mạnh.
Đối với tín dụng ngân hàng, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 54.400 tỷ đồng, giảm 0,21% so với cuối năm 2019; tổng dư nợ ước khoảng 49.100 tỷ đồng, giảm 0,25% và tỷ lệ nợ xấu chiếm khoảng 2,24% tổng dư nợ. Trước tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, không thực hiện phạt lãi suất khi quá hạn cho từng khách hàng để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.
Ngoài ra, số lượng DN đăng ký thành lập mới cũng giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 203 DN đăng ký thành lập mới (giảm 20,1%), trong khi đó có tới 188 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động và 33 DN giải thể tự nguyện. Cũng do đại dịch Covid-19, một số DN FDI, ngành dệt may, điện tử, giày da thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào do chủ yếu nhập khẩu nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu bị ngưng trệ sản xuất và giảm tiêu thụ như tinh bột mì, thủy sản chế biến, dăm gỗ nguyên liệu giấy, bánh kẹo các loại...
Ngành dệt là một trong nhiều ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.
Công tác thu ngân sách của Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn và khó đạt kế hoạch do tác động của dịch Covid-19. Đến nay, toàn tỉnh mới thu được 5.297 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán năm; dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ hụt thu nội địa khoảng 5.500 tỷ đồng so với dự toán giao đầu năm.
Bà Trần Thị Mỹ Ái- Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Ngãi nhận định, trước tình hình diễn biến phức tạp do tác động của dịch Covid-19 gây ra, việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra trong năm 2020 là rất khó khăn.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động của DN và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn. Vì vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần khẩn trương xây dựng các kịch bản, phương án, kế hoạch phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19. Trong đó, cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng và có phương án điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
“Trước mắt, tất cả các cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từng cơ quan, đơn vị, tích cực chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của DN. Hỗ trợ tối đa cho các DN, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch được hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp”, bà Trần Thị Mỹ Ái nói.
Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở đang tham mưu xây dựng các kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19.
UBND tỉnh Quảng Ngãi họp trực báo tình hình thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công (ảnh: cổng TTĐT tỉnh Quảng Ngãi).
Mới đây nhất, Chủ trì họp trực báo tình hình thực hiện, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công vào sáng 14/5, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Trần Ngọc Căng chỉ đạo các Ban Quản lý dự án đầu tư, địa phương, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư tập trung tổ chức triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, nhất là các dự án đầu tư từ nguồn vốn Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,…để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; rà soát, báo cáo kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Trước những tác động và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đối với các DN trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền về chính sách giảm một số khoản phí, lệ phí nhằm giảm chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh cho DN, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí logistics…
Cùng với đó là đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hướng dẫn thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc cho các dự án, công trình, DN lớn, trọng điểm, cấp thiết.