Khoa học hôm nay

Quyết liệt ngăn dịch lây lan

MangYTe - Ngày 29-7 có thêm 12 bệnh nhân COVID-19, trong đó đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM đã ghi nhận có 3 bệnh nhân. Cuộc chiến phòng chống đại dịch tại VN đã bước sang cấp độ quyết liệt mới: ngăn dịch lây lan ở các tỉnh thành.

Từ ngày 29 đến 31-7, Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân, TP.HCM) ngưng nhận bệnh nhân sau khi có 2 ca nhiễm từng điều trị tại đây - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trong 12 ca bệnh COVID-19 mới được công bố hôm qua có 8 trường hợp ở Quảng Nam và Đà Nẵng, 2 ở TP.HCM, 1 ở Hà Nội và 1 ở Đắk Lắk.

Duy nhất bệnh nhân tại Hà Nội chưa tìm thấy mối liên quan với bệnh viện ở Đà Nẵng, 11 người còn lại đều là bệnh nhân, người nhà, người từng đến thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng...

Với 12 bệnh nhân mới, tính từ ngày 25-7 đến nay đã có 34 bệnh nhân lây từ cộng đồng được xác định, tổng số bệnh nhân ghi nhận tại VN tính từ đầu vụ dịch tăng lên 450 người.

Hà Nội: xét nghiệm nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng

Ca nhiễm tại Hà Nội là nam thanh niên 23 tuổi, nhân viên một quán pizza, từng đi du lịch Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số ghi nhận cuối tính đến ngày 29-7.

Tại cuộc họp cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thông báo có một bệnh nhân nam 71 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội cũng đã có kết quả dương tính.

Ca bệnh này hiện đang chờ Bộ Y tế xác nhận, nhưng thông tin ban đầu là bệnh nhân cũng đi du lịch tại Đà Nẵng thời gian qua và có đi khám bệnh ở Đà Nẵng trong thời gian đi du lịch.

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu từ tối qua 29-7 dừng hội chợ, lễ hội, hoạt động quán bar...., đồng thời sẽ xét nghiệm nhanh hơn 21.000 người về từ Đà Nẵng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết tính từ ngày 8-7 đến nay đã có trên 21.000 người Hà Nội đi du lịch ở Đà Nẵng về. Mới có rất ít số này (người có ho, sốt, dấu hiệu bệnh) được xét nghiệm.

Ngay bệnh nhân mới ghi nhận ở Hà Nội, trong số 18 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân thì chỉ có 4 người được xác định đã lấy mẫu xét nghiệm. Số còn lại sẽ được xét nghiệm trong những ngày tới.

Các chuyên gia trong ngành nhận định chắc chắn sẽ có thêm các ca mắc mới trong số những người vừa từ Đà Nẵng trở về như 2 ca bệnh ở Hà Nội.

"Việc cần làm ngay hiện nay là khuyến cáo những người về từ Đà Nẵng (từ ngày 8-7) ở yên trong nhà đợi xét nghiệm cũng như các khuyến cáo của ngành y tế", một chuyên gia trong ngành khuyến cáo và nhận định thêm: 34 ca bệnh COVID-19 mới được ghi nhận chắc chắn chưa phải là con số cuối.

Tần suất lây lan của bệnh rất nhanh, điều này cho thấy mức độ biến chủng về khả năng lây lan của chủng virus corona này là nguy hiểm.

TP.HCM: cấp bách ngăn "lọt" người nhiễm bệnh trong cộng đồng

Hai ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM là một người đàn ông quốc tịch Mỹ ở Đà Nẵng vào TP.HCM chữa bệnh cùng người phụ nữ Việt chăm sóc ông. Cả hai đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ngay sau khi phát hiện 2 trường hợp bệnh nêu trên, đơn vị lập tức vào cuộc phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra dịch tễ tại các nơi mà bệnh nhân từng ghé qua.

Theo ghi nhận sơ bộ, có tổng cộng 104 trường hợp tiếp xúc gần và 55 trường hợp tiếp xúc xa. TP.HCM đã xác minh 148 trường hợp, 10 trường hợp đang xác minh và đang truy vết những trường hợp còn lại. TP.HCM cũng lấy mẫu 147 trường hợp, 121 trường hợp âm tính, 21 chờ kết quả và 1 đang chờ lấy mẫu.

Liên quan đến 2 ca bệnh trên, sáng 29-7 Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) - nơi tiếp nhận chăm sóc, điều trị bệnh nhân - có thông báo tạm ngưng tiếp nhận bệnh, không đón khách thăm bệnh trong vòng 3 ngày.

Ngoài ra còn có hai địa điểm bị phong tỏa, phun Thu*c khử trùng gồm khách sạn Thanh Danh 2 (Q.11) và con hẻm trên đường Hoàng Ngân (Q.8). Đây là hai địa điểm được xác định là nơi hai bệnh nhân trên thường xuyên lui tới thuê trọ và sinh hoạt.

Trả lời câu hỏi liệu TP.HCM có tiến hành giãn cách xã hội không, ông Nguyễn Trí Dũng - giám đốc HCDC - cho rằng biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn nguồn lây lan trong cộng đồng. Điều này phụ thuộc vào mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, không gian và thời gian cụ thể.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc cấp bách ở TP.HCM hiện nay là tăng cường giám sát, lấy mẫu và xét nghiệm tất cả trường hợp có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm phổi trong cơ sở y tế, các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Một thực tế là hiện nay số lượng người dân đang sinh sống tại TP.HCM đến Đà Nẵng rồi trở về từ ngày 1-7 rất đông, lên đến hàng ngàn người.

Để ngăn chặn tình trạng "lọt" người nhiễm bệnh vào cộng đồng, việc tổ chức giám sát đường bộ (xe du lịch, xe hợp đồng, các bến xe) từ Đà Nẵng và các địa phương có dịch vào TP.HCM là việc làm vô cùng cấp bách, cần phải có sự giám sát chặt của tất cả các cơ quan.

TP.HCM bắt buộc phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Đặc biệt, tại các cơ sở khám chữa bệnh kích hoạt trở lại giải pháp tăng cường phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ Đà Nẵng và các địa phương có ca bệnh nhiễm COVID-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp.

Các bệnh viện như Dã chiến Củ Chi, Điều trị COVID-19 Cần Giờ... sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm COVID-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.

Những địa điểm tại TP.HCM 2 bệnh nhân 449 (người Mỹ ở Đà Nẵng) và 450 đã từng đến - Đồ họa: TUẤN ANH

Đà Nẵng: "giải cứu" bệnh viện

Sáng 29-7, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục tổ chức những chuyến xe đưa bệnh nhân và người nhà đến các địa điểm cách ly khác trong TP. Gần 10 xe khách loại 45 chỗ đến Bệnh viện Đà Nẵng đưa người cách ly đến khu vực cách ly mới.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng - cũng cho biết người thân bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được đưa đi cách ly tập trung ở Trường quân sự Quân khu 5 (quận Cẩm Lệ). Tại đây, người nhà bệnh nhân sẽ được các nhân viên y tế khu cách ly chăm sóc, theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày.

Đến chiều, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết trong những ngày qua đã hoàn thành việc đưa hơn 800 người nhà bệnh nhân đến các địa điểm cách ly, hiện không còn người nhà bệnh nhân bên trong bệnh viện.

Ngoài ra, trong những ngày qua bệnh viện cũng chuyển 552 bệnh nhân đến Bệnh viện 199 (Bộ Công an), Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phụ sản - nhi.

"Hiện còn hơn 650 bệnh nhân đang được theo dõi, cách ly và điều trị các bệnh lý nền. Trong thời gian điều trị, cách ly không có người nhà bên cạnh, các nhân viên y tế sẽ đảm nhận việc chăm sóc chuyên môn, hỗ trợ, đỡ đần người bệnh trong sinh hoạt" - đại diện Bệnh viện Đà Nẵng cho biết.

Cần Thơ: kiểm tra dịch tễ người đến từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Cần Thơ đã ban hành công văn vận động người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo

quy định.

Ông Cao Minh Chu, giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, cho biết sở phối hợp với UBND quận, huyện chỉ đạo rà soát, kiểm tra những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 5-7, hiện đang có mặt ở Cần Thơ.

Đến nay đã xác minh và điều tra dịch tễ 701 người từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi đến lưu trú tại TP từ ngày 5-7. Tất cả người từ các vùng đang có dịch như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam đến Cần Thơ đều được kiểm tra, giám sát thân nhiệt chặt chẽ.

T.Lũy

Huế: 7.200 người từ Đà Nẵng vượt qua đèo Hải Vân

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thừa Thiên Huế đã cho hoạt động thêm hai trạm kiểm soát xe ra vào cửa ngõ phía nam, giáp ranh Đà Nẵng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn chỉ đạo trạm kiểm soát đỉnh đèo Hải Vân chỉ cho phép người và xe cộ từ Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế đối với "các trường hợp đặc biệt".

Người từ Đà Nẵng ra Huế sau ngày 10-7 phải cách ly tại nhà - Ảnh: Nhật Linh

Theo ông Phạm Văn Lợi - trưởng trạm kiểm soát số 5 (huyện Phú Lộc), từ ngày 26 đến 28-7, chốt kiểm soát dưới chân đèo Hải Vân ghi nhận hơn 7.200 người từ Đà Nẵng đi xe máy vượt đèo về các tỉnh phía Bắc. Riêng ngày 27-7 có khoảng 5.000 người vượt đèo và kê khai y tế tại chốt kiểm soát này.

Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã yêu cầu tất cả các địa phương phải tích cực truy vết, tổ chức rà soát dịch tễ tất cả người từ vùng dịch trở về, đặc biệt từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Yêu cầu những người trở về từ 3 tỉnh thành trên từ ngày 10-7 phải được cách ly, tối thiểu là phải cách ly tại nhà.

Các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với COVID-19 hoặc từng có mặt tại các thời điểm và địa điểm theo thông báo của Bộ Y tế phải thực hiện cách ly tập trung. Các trường hợp có triệu chứng liên quan đến COVID-19 phải thực hiện cách ly tại cơ sở y tế.

NHẬT LINH - PHƯỚC TUẦN

Bình Định: lập "phòng tuyến" tại đèo Bình Đê

Bình Định là tỉnh giáp với 3 tỉnh thành đã có ca nhiễm là Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi nên đã làm chốt chặn cuối ngăn dịch COVID-19 tại đèo Bình Đê trên quốc lộ 1, ở khu vực ranh giới Bình Định và Quảng Ngãi. Đây là chốt kiểm tra quan trọng để lực lượng chức năng kiểm tra y tế các xe di chuyển từ phía Bắc vào.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt hành khách khi xe vào Bến xe trung tâm TP Quy Nhơn - Ảnh: LÂM THIÊN

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo tại các nhà ga Quy Nhơn, Diêu Trì, các bến xe, cảng biển và sân bay trong tỉnh lực lượng chức năng thành lập các điểm kiểm tra y tế tại chỗ, túc trực 24/24 giờ.

Nếu phát hiện những trường hợp khả nghi, lực lượng chức năng sẽ lập tức đưa người đó đi cách ly và tiến hành xét nghiệm.

LÂM THIÊN

TP.HCM, Hà Nội, Đắk Lắk ghi nhận 4 ca mắc COVID-19, Việt Nam có 450 ca

TTO - Cả bốn ca đều là các trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, trong đó TP.HCM có 2 ca, Hà Nội 1 ca và Đắk Lắk 1 ca.

LAN ANH - HOÀNG LỘC - TRƯỜNG TRUNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/quyet-liet-ngan-dich-lay-lan-20200730001835235.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY