Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Sản phụ đẻ mổ trong khu cách ly Covid-19

Hà Nội-Trên đường đến phòng sinh, sản phụ nằm trên cáng, bác sĩ đi bên cạnh, phía sau là đội ngũ khử khuẩn. Cáng đi đến đâu, nơi đó được khử khuẩn ngay.

Khi nhận thông báo sắp có sản phụ sắp sinh chuyển đến từ khu cách ly, bác sĩ Hằng trong bộ quần áo bảo hộ, sẵn sàng tiếp nhận.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng là Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, phẫu thuật viên chính cho ca đẻ mổ ngày 5/3. Từng đỡ đẻ cho nhiều sản phụ nhưng đây là lần đầu tiên chị tiếp nhận trường hợp đặc biệt. Một sản phụ vừa từ Hàn Quốc về Việt Nam ngày 27/1, trong diện nghi nhiễm, đang được cách ly tại khu cách ly tập trung huyện Thạch Thất.

"Ca sinh có nguy cơ gây lây nhiễm bệnh cao", bác sĩ nhận định.

Từ khi có dịch bệnh, bác sĩ Hằng được huấn luyện và chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác phòng chống nên hoàn toàn tự tin, không bị rối loạn. Hơn nữa, ê kíp còn có các bác sĩ khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Khoa Sản, Hồi sức cấp cứu, Khoa Nội, Ngoại... phối hợp.

Ai vào vị trí người nấy. Nhân viên bảo vệ triển khai công tác ban đầu kiểm soát dịch bệnh tại cổng. Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn chuẩn bị các bình khử trùng để khi xe cấp cứu viện vào sẽ được khử trùng ngay. Các phòng cách ly của viện cũng được chuẩn bị sẵn sàng. Bác sĩ Hằng cùng gần 20 y bác sĩ, nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ theo tiêu chuẩn, túc trực sẵn.

"Tối hôm đó nhộn nhịp hơn bao giờ hết, vất vả nhưng vui", chị chia sẻ. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ các khâu cho một cuộc sinh đẻ, bác sĩ còn phải chuẩn bị về tâm lý. 

Kíp bác sĩ trong phòng phẫu thuật được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ theo tiêu chuẩn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Xe cấp cứu chở sản phụ từ khu cách ly chạy thẳng vào sảnh Khoa Truyền nhiễm. Sản phụ được đưa lên tầng 2 phòng cách ly, nơi có bác sĩ Hằng và tổng cộng khoảng 10 y bác sĩ túc trực sẵn. Bên cạnh bác sĩ Hằng có thêm bác sĩ và hộ sinh của Khoa Phụ sản trực tiếp theo dõi, giám sát cuộc chuyển dạ.

Sản phụ bị cách ly nên không có người thân bên cạnh. Gia đình ở Thái Nguyên đã nghe tin, đang sắp xếp đồ đạc trên đường đến viện. Lần đầu tiên tiếp nhận một bệnh nhân trong trường hợp đặc biệt thế này, chị không khỏi lo lắng, song phải cố kìm lòng mình.

"Ai đi đẻ cũng đều có gia đình bên cạnh nhưng sản phụ này thiệt thòi hơn. Nếu bây giờ mình cũng lo lắng nữa thì lấy ai làm công tác tư tưởng cho họ", các bác sĩ xác định như vậy. Tối đó, bác sĩ dành hết thời gian trấn an tinh thần cho sản phụ yên tâm, để quá trình sinh nở bệnh nhân không cảm thấy áp lực.

Bác sĩ Hằng có dự tính cho tình huống xấu xảy ra là bệnh nhân có thể xuất hiện những bệnh lý phối hợp khác. Vì vậy, chị điều phối các khoa phòng đều phải bắt tay phối hợp với nhau cho ca sinh này, tổng cộng gần 20 người.

Bác sĩ mặc đồ bảo hộ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Sáng 5/3, nhận thấy cổ tử cung sản phụ mở hết, bác sĩ Hằng dự tính sẽ cho sản phụ đẻ thường nhưng em bé không lọt. Bệnh nhân được chỉ định mổ lấy thai tại phòng mổ cách ly đặc biệt.

Kíp phẫu thuật gồm bác sĩ Thúy Hằng và 6 bác sĩ khác thực hiện, bên ngoài là gần 20 bác sĩ sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Bác sĩ phải tuân thủ đúng quy định khi phẫu thuật các ca bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, vừa phải đảm bảo ca phẫu thuật thành công, bé chào đời khỏe mạnh, vừa đảm bảo sự an toàn cho tất cả ê kíp trong mọi hoàn cảnh.

Chia sẻ cảm giác khi lần đầu tiên trong đời phẫu thuật với bộ đồ bảo hộ, chị Hằng cho biết: "Bạn cứ tưởng tượng mình đang mặc bộ quần áo mưa, đội thêm mũ bảo hiểm, đi đi lại lại tầm 3 tiếng, thì sẽ biết cảm giác thế nào".

Chị hiểu, đó là điều khó khăn. Nhưng trên tất cả, chị cùng ê kíp luôn động viên nhau và nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Bé gái được sinh ra khỏe mạnh ngày 5/3.  Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trưa 5/3, bé gái chào đời nặng 3,1 kg. Sức khỏe của mẹ và bé tốt. Thông thường, quá trình chăm sóc sau mổ sẽ tầm 5-6 ngày. Nhưng sản phụ đang trong thời gian cách ly, dự kiến 14 ngày nữa mới được xuất viện. "Đây là một trong những ca sinh dành được nhiều sự chú ý nhất trong năm", bác sĩ Hằng nói.

Chứng kiến giây phút hạnh phúc khi nữ hộ sinh ôm em bé trong lòng, bác sĩ Hằng xúc động. Nữ hộ sinh phải chăm sản phụ suốt đêm. "Đến uống nước không dám uống bởi uống thì lại phải đi vệ sinh. Sáng hôm sau cô ấy mặt mũi tái nhợt, vừa thay bộ đồ bảo hộ đã vào uống nước ừng ực", bác sĩ kể.

Sau khi sinh thành công, người mẹ của sản phụ vừa từ Thái Nguyên đến. Bà mặc bộ quần áo bảo hộ bệnh viện, ngồi cạnh chăm con gái. Bên ngoài phòng cách ly là những người thân khác đang túc trực. Thông thường, công việc chăm sóc sản phụ sau sinh, đặc biệt là sản phụ bị cách ly, sẽ có nhân viên y tế chăm lo, người thân không được vào. Nhưng, bác sĩ Hằng vẫn đồng ý cho mẹ sản phụ vào giúp.

"Biết một người nhà vào sẽ có thêm nguy cơ lây nhiễm, nhưng nếu không có ai bên cạnh, hai mẹ con sẽ tủi thân lắm", bác sĩ nói. "Sau đó bà phải tuân thủ quy định cách ly vì tiếp xúc với người nghi nhiễm".

Thúy Quỳnh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/san-phu-de-mo-trong-khu-cach-ly-covid-19-4065074.html#box_comment)

Tin cùng nội dung

  • Đau đầu sau đẻ hay còn gọi là sản hậu đầu thống - là biểu hiện ở phụ nữ sau khi sinh đau đầu kèm theo cắn nhức hai thái dương, nặng đầu, choáng váng, cơ thể hư nhược hoặc người bệnh vốn có chứng bệnh đầu thống sau đẻ lại càng đau tăng.
  • Đối với sản phụ sau sinh nếu không vấn đề gì thông thường ngày hôm sau sản phụ và bé sẽ được về nhà trường hợp sinh mổ sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, khi về nhà sản phụ có thân nhiệt từ 38 độ C trở lên thì cần tái khám, nếu để lâu có thể gặp nguy hiểm.
  • Vào lúc 14h30 ngày 31/01/2013, trên website www.tuvansuckhoe24h.com.vn sẽ diễn ra buổi tư vấn trực tuyến chủ đề:“Cập nhật phương pháp điều trị đau bụng kinh bằng thảo dược”...
  • Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạng bí tiểu.
  • Sản phụ sau khi sinh khoảng 2 - 5 ngày hầu như ai cũng có cảm giác căng ngực. Lúc này, tình trạng phù nề mô tuyến sữa gây ra cảm giác nặng ngực, đau nhẹ hay nóng, đi kèm với cảm giác căng ngực.
  • Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 phụ nữ bị Tu vong liên quan đến việc mang thai, sinh con; trên 60 triệu sản phụ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, 30% trong số này bị tổn thương suốt đời.
  • Một ca bệnh sa dây rau bất ngờ trong quá trình chuyển dạ chuẩn bị sinh đã được các y bác sĩ khoa Nhi, BV Bạch Mai cứu sống cả mẹ lẫn con, khiến gia đình bệnh nhân vô cùng cảm kích...
  • Gút là một bệnh khớp vi tinh thể, do các tinh thể urat lắng đọng vào trong màng hoạt dịch khớp gây nên sưng nóng đỏ đau khớp. Nguyên nhân là do rối loạn chuyển hóa đạm của cơ thể (nhân purin), làm tăng acid uric máu.
  • Chứng bệnh tâm thần lưỡng cực, (hưng cảm hoặc trầm cảm), đã giúp có được những phát minh, cống hiến về văn học, nghệ thuật, vô cùng vĩ đại cho nhân loại.
  • Theo y học cổ truyền, rau mùi có vị cay, tính ấm. Lá rau mùi có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm Thu*c bổ, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, làm gia tăng sự bài tiết nước tiểu và làm hạ sốt.Rau mùi tươi được dùng để làm gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Là loại rau dùng để nêm và trang trí trên các món ăn cho đẹp vì màu xanh tươi và mùi thơm của lá, bên cạnh đó rau mùi còn là một vị Thu*c.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY