“Ai đẻ thì người đó nuôi”
Lúc đó con gái lớn của tôi mới 13 tuổi, đứa thứ hai học lớp 3 còn đứa út mới vào lớp 1. Cay đắng thay, 3 báu vật đó của đời tôi lại là lý do để người chồng bội bạc ruồng bỏ tôi vì tội “không biết đẻ”. Ngoài việc không nhận được sự trợ giúp của chồng, mẹ con tôi cũng nhận được sự thờ ơ từ gia đình anh ấy.
Gạt nước mắt và học cách chấp nhận sự thật, tôi đưa các con về quê ngoại sống. Trong tủi hờn và uất hận, tôi đã thề sẽ một mình lo cho các con thành tài bất chấp mọi khổ cực. Ấy vậy nhưng đôi lần tôi cũng đã rơi vào tình cảnh suy sụp với ý nghĩ từ bỏ cuộc đời thoáng qua trong đầu khi phải một mình vật lộn với đời.
Thấy hoàn cảnh ba mẹ con tôi khó khăn, anh chị em tôi có đánh tiếng cho chồng tôi biết, nhưng đáp lại chỉ là một câu nói bạc bẽo: “Ai đẻ thì người đó nuôi”. Với người cha “có đẻ nhưng không dưỡng” này, ba đứa con tôi tuy còn nhỏ nhưng chúng cũng cảm nhận được nên tuyệt nhiên sau đó không đứa nào nhắc đến cha.
Gạt nước mắt sau ly hôn, tôi một mình khổ cực lo cho các con mà người chồng cũ không thèm quan tâm đến chúng. (Ảnh minh họa) |
Thân cò và cơ hội
Vừa làm cha vừa làm mẹ, tôi đã phải tạo cho mình vẻ ngoài mạnh mẽ, cố gắng vui để các con không bị ảnh hưởng tâm lý, không mặc cảm với đời… Nếu trước đây tôi chỉ biết quanh quẩn chăm lo gia đình, hết mực thương yêu chồng con, thì giờ, ngoài việc bươn chải kiếm tiền, tôi còn đóng vai người đàn ông trong nhà khi lợp lại cái chái bếp bị dột, sửa cái cửa bị hỏng, thay cái cầu chì bị đứt… Tôi ứng xử như mọi chuyện đều bình thường, nhưng trong lòng thì đang rỉ máu, vừa tủi phận thân mình vừa thương con thơ còn nhỏ dại đã bị bạn bè trêu ghẹo là đồ không cha.
Để nuôi con, tôi tập theo mấy chị em bạn đi buôn đường dài, nhưng do không thạo việc tôi lỗ hết số vốn của chị gái và thằng em trai cho vay. Chẳng biết lấy gì để nuôi con và trả nợ, tôi bèn kiếm sạp bán hàng khô ngoài chợ làm kế sinh nhai. Việc buôn bán nhỏ không đủ để nuôi con, tôi phải nhận thêm việc may đồ gia công.
Cứ mỗi tối, sau khi cơm nước xong, trong khi thúc ép 3 cô công chúa học bài, tôi lại lôi đồ gia công ra may bên cây đèn dầu tù mù khói. Đêm nào cũng như đêm nào, phải đến hơn 1 giờ sáng tôi mới đi ngủ. Sáng 5 giờ đã phải dậy sắp xếp hàng họ để đi bán sớm.
Cô con gái lớn của tôi đã ở vào cái tuổi biết nghĩ nên rất thương mẹ. Ngoài việc lo học cho thật giỏi ở lớp, cháu còn thay mẹ dạy 2 em và quán xuyến việc nhà. Tối nào cháu cũng tranh thủ học bài thật nhanh rồi lúi húi bên mẹ phụ việc. Hai đứa bé như cũng biết hoàn cảnh éo le của gia đình nên rất vâng lời và tuyệt không bao giờ nhõng nhẻo đòi mẹ mua món này hay món kia như bao đứa trẻ khác.
Năm nào 3 cô công chúa của tôi cũng có mặt trong danh sách 5 học sinh xuất sắc nhất lớp khiến gia đình nhỏ chỉ toàn phụ nữ của 4 mẹ con tôi nhanh chóng trở nên nổi tiếng trong xóm về sự nề nếp, lễ phép và hiếu học. Vì vậy, dù phải đầu tắc mặt tối với việc sinh nhai, nhưng thấy các con ngoan ngoãn tôi cũng được an ủi phần nào.
Năm tôi 38 tuổi, một sự kiện diễn ra đã có thể làm thay đổi cả cuộc đời mấy mẹ con tôi theo hướng hoàn toàn khác ngày nay. Năm đó, đúng 3 năm sau khi ly dị chồng, tôi nhận được lời cầu hôn từ một người đàn ông góa vợ.
Anh lớn hơn tôi 5 tuổi, là quản đốc của một xí nghiệp may mặc. Cô bạn cung cấp hàng gia công cho tôi may chính là em gái của anh. Tôi gặp anh trong một lần chở hàng đến nhà giao cho cô ấy. Qua vài lần gặp mặt xã giao, anh bắt đầu năng đến nhà tôi chơi và chủ động trở thành “thợ riêng” của gia đình khi sửa bất cứ thứ gì trong nhà bị hư hỏng từ chiếc xe đạp bị bể bật đạn đến cái ghế gãy chân, cái bàn gãy gọng, cái nồi sức quay…
Anh vui tính và chân tình nên nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của cô gái út. Nhưng hai cô chị của nó thì không! Nếu cô con gái lớn của tôi chỉ thể hiện việc không bằng lòng với sự có mặt của anh bằng thái độ lãnh đạm, lãng tránh thì đứa thứ hai lại thật quyết liệt với những lần đá thúng đụng nia và thái đô bất mãn khiến tôi cũng sợ khi nghe con nói: “Mẹ mà lấy chồng nữa, con sẽ không ở nhà”.
Thật lòng mà nói, ở cái tuổi còn xuân và phải trải qua 3 năm dài cô đơn với gánh nặng cơm áo trên vai, tôi cũng ao ước lắm một bờ vai đàn ông để được san sẻ. Hơn nữa chân tình của anh ấy cũng khiến tôi xúc động. Mấy lần định gật đầu cùng anh, nhưng khi nhìn lại các con tôi lại thẩn thờ lắc đầu.
Và anh, cũng thật tội nghiệp, mất hơn 1 năm kiên trì theo đuổi tôi và cả các con tôi nữa đã phải ngậm ngùi nói lời từ biệt. Hôm gặp anh để nói rõ quyết định không đi bước nữa của mình, đêm về tôi đã khóc rất nhiều. Những ngày sau đó, 3 đứa nhỏ thấy tôi buồn cứ lắm lét nhìn nhưng không đứa nào dám hỏi. Để bù đắp cho tôi, 3 đứa càng cố gắng học giỏi và chăm ngoan hơn. Và tôi đã nhận lấy điều đó như lời cảm thông an ủi.
Thế là năm tháng cũng trôi qua. Sau anh ấy, cũng có thêm vài ba người đàn ông nữa có ý định tiến đến hôn nhân với tôi. Nhưng lúc này cửa lòng tôi đã đóng chặt, tôi chỉ biết sống cho con. Lấy niềm vui của con làm niềm vui của mình. Lấy nỗi lo của con để trăn trở. Tuy cuộc sống khổ cực nhưng tôi vẫn nuôi 3 con ăn học đàng hoàng. Hai cô con gái lớn của tôi đã tốt nghiệp đại học và có cuộc sống thành đạt, cô út đang học năm cuối đại học.
Ngày tôi gã con gái lớn, nhận miếng trầu từ tay con rể tôi đã bật khóc vì hạnh phúc. Hạnh phúc vì cuối cùng tôi đã nhìn thấy con mình hạnh phúc. Khóc vì ở cái tuổi 50, bằng kinh nghiệm của chính đời mình tôi đã hết lòng chúc phúc cho con và không quên dặn dò hai đứa về nghĩa tào khang. Cái nghĩa mà tôi đã không có cơ hội để có thể trả hay nhận từ một người đàn ông.
* Ghi theo lời kể của chị Hoàng Thị Hải, Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.
Lời khuyên cho người nuôi con một mình Theo bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Gia đình và Ly hôn Tp.HCM (FDC): Vượt qua những điều không thường để nuôi con một mình là một thực tế đầy thử thách. Nếu người phụ nữ không mạnh mẽ, bản lĩnh không nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của gia đình sẽ rất dễ gục ngã bởi cú sốc ly hôn. Đặc biệt khi họ phải nuôi con một mình và không nhận được sự trợ giúp nào từ người chồng thì khó khăn càng nhân lên gấp bội. Thực tế là trẻ con luôn quan tâm và quan sát các vấn đề xảy ra trong cuộc sống của gia đình. Và những gì trẻ biết thường nhiều hơn những điều người cha, người mẹ vẫn hiểu. Bởi vậy khi một mình nuôi con, người mẹ hãy để con trẻ cùng đồng hành giải quyết các vấn đề có thể xảy ra. Áp đặt hay quan trọng hóa mọi vấn đề chỉ làm phát sinh thêm những rắc rối không nên có. Vì vậy, bản thân cha mẹ luôn cần kiến thức để nuôi con, riêng những phụ nữ một mình đảm nhiệm trọng trách này lại càng cần thu nạp kiến thức để có thể vững vàng giải quyết các vấn đề khác nhau của đời sống. |
An Nhiên
Chủ đề liên quan: