Tình yêu và giới tính hôm nay

Sau nhiều năm làm dâu

Đây không phải giai đoạn bạn thích nghi với một gia đình chồng mà là lúc bạn chủ động xích lại gần họ hơn!

Chỉ cần cố những năm đầu

“Chị làm dâu đã hơn 10 năm rồi nhưng tình cảm với nhà chồng có bao giờ khá hơn đâu. Nếu đã không thương nhau được thì mình cũng không cần cố. Bây giờ với chị quan trọng nhất là con cái”.

Đó là chia sẻ của chị Nguyệt Hà với cô em mới lấy chồng. Chị còn nói thêm: “Về bên đó em cứ cố gắng nhịn nhục và chịu đựng thời gian đầu, sau đó ra ở riêng là ổn nhất”. Chính vì giữ khăng khăng trong đầu quan niệm này nên chị Nguyệt Hà lúc nào cũng trong tâm thế “mặc kệ” những chuyện liên quan đến gia đình chồng. Với chị, 10 năm chung sống và những đứa con là “tài sản” khá bền vững để chị tự tin trong hôn nhân. Giờ đây khi được ra rriêng, chị thấy thoải mái vô cùng, chẳng còn lo cha mẹ chồng xét nét.

Biết tính vợ nên chồng chị nhiều lần khuyên giải: “Hơn 10 năm rồi còn gì, em có phải như ngày mới về làm dâu đâu. Là người ai không có khiếm khuyết, nên em đừng chấp nê quá. Phận làm còn mình phải chịu lùi một bước. Hơn nữa cha mẹ cũng nhiều lần cố gắng nhịn và xem em là con cái trong nhà. Anh thấy nhiều khi em cứ làm như chúng ta ra riêng rồi thì coi như em không còn là con dâu nữa”. Nhưng chị vẫn khư khư giữ quan điểm của mình: “Em không quan tâm. Nếu cha mẹ vẫn không thích em, thì khi đám tiệc anh và con cứ về trước, em về ít hơn cho đỡ va chạm”…

Vì không khuyên bảo được vợ nên anh chồng luôn cảm thấy ấm ức và có lỗi với cha mẹ mình. Từ một người con có hiếu, một người chồng yêu vợ, anh trở thành người đàn ông chông chênh trên sợi dây phân định giữa bên tình và bên hiếu. Tình cảnh lâu ngày đó khiến tình yêu anh dành cho vợ ngày một nguội lạnh.

Cái gì đến cuối cùng cũng đã đến. Đúng 15 năm sau ngày cưới, chị Nguyệt Hà phát hiện chồng mình đang ngoại tình. Đứng trên bờ vực của hôn nhân, chị hoảng hốt cầu viện hết mọi sự giúp đỡ để có thể giữ được chồng, kể cả sự giúp đỡ từ gia đình chồng với những người chị vốn không ưa.

Và thật may mắn làm sao khi gia đình bên chồng đã trở thành phao cứu sinh nhiệm màu cho cuộc hôn nhân của anh chị. Sau lần “chết hụt” đó, không cần chồng phải nhắc nhở, chị Nguyệt Hà đã như người được giác ngộ khi trở nên rất biết ơn và yêu quý cha mẹ chồng một cách thật lòng.

Sự thật là…

Khi không còn là dâu mới, bạn không còn ở trong cảnh tự phải thương thân mình kiểu:

“Thiếp thương phận thiếp còn thơ

Lấy chồng xa xứ bơ vơ một mình”

Nên không cần phải quá giữ lễ khép nép, cố lấy lòng, cố gióng tai lên nghe mọi lời nhận xét, “đánh mắt” sang từng ánh nhìn từ phía nhà chồng... Lúc này, để cải thiện mối quan hệ với nhà chồng thêm khắng khít hơn bạn có thể là người chủ động thể hiện tình thân với tư cách một người con, người chị, người em trong nhà.

Nếu bạn vẫn ở chung nhà

Hành động

Cách thức

Chú ý

Quán xuyến nhà cửa

Dù muốn hay không thì trong vị trí con dâu đang ở cùng gia đình chồng, bạn cũng nên thể hiện mình là người biết “đưa vai gánh vát giang sơn nhà chồng” từ chuyện nhỏ như dọn quét cửa nhà đến chuyện lớn hơn như tổ chức đám tiệc hiếu hỷ…

Rõ ràng trách nhiệm này có thể quá sức với nhiều người. Nhưng bạn không thể không làm nếu muốn con cái mình lớn lên trong tình yêu thương đầm ấm của ông bà, cha mẹ, cô chú… Và để trách nhiệm này đỡ nặng nề, hãy tìm sự chia sẻ từ chồng và bạn nên làm với ý nghĩ mình đang thay chồng báo hiếu.

Tận tình chăm sóc cha mẹ chồng

Người già, dù có khó tính đến đâu nhưng nếu nhận được sự chăm sóc ân cần lúc đau ốm họ cũng rất dễ mở lòng và ghi nhận. Những hôm trời trở gió, chỉ cần bạn chủ động mang cho cha chồng đang phong phanh áo may ô ngồi ngoài hàng hiên chiếc áo khoác nhẹ. Hay mua cho mẹ chồng lọ dầu nóng xoa bóp chống nhức mõi… cũng đủ để họ biết bạn thật lòng với họ như thế nào.

Hãy bắt đầu chăm sóc cha mẹ chồng từ những hành động nhỏ đó, vì hành động nhỏ nhưng chứa đựng ân tình lớn sẽ khiến họ nhận ra phẩm chất của bạn.

Kính trên, nhường dưới

Dù không cần phải “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” nhưng bạn cũng cần chú ý lời ăn tiếng nói khi đứng trước cha mẹ chồng vì người già vốn dễ giận, dễ tủi thân. Mua món gì ngon về nhà bạn cũng nên mời cha mẹ chồng thử trước. Đi đâu về trễ bạn cũng nên nói trước với họ… Còn với anh em chồng, bạn hãy cư xử đúng mực

Không cần phải “lên gân” không cần khoa trương, cách cư xử nhã nhặn và tôn trọng mọi người của bạn sẽ nhanh chóng khiến mọi người nhà chồng phải tôn trọng bạn.

Nếu bạn đã ra ở riêng

Hành động

Cách thức

Chú ý

Tặng quà

Bạn có thể biếu cha mẹ chồng một loại thực phẩm chức năng, một chiếc khăn, chiếc áo... hay tặng họ thẻ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế. Với các cháu bên chồng những quà vặt: bánh kẹo, hoa quả, cuốn sách, cái bút… cũng có thể giúp bạn kết tình thân. Nếu cầu kỳ hơn, bạn có thể tự ngâm rượu, ngâm hoa quả, làm bánh… để “biếu” cha mẹ chồng.

Hãy có lý do tế nhị để khỏi bị nghi ngờ. Ví như bạn nói “vì một người bạn cùng cơ quan giới thiệu rất tốt cho người già, nên con muốn bố mẹ dùng thử xem sao”.

Họp mặt

Ngoài những ngày giỗ chạp bên nhà chồng, nhất thiết bạn phải có mặt sớm để thu vén công việc thì vào những dịp cuối tuần bạn có thể tự tay nấu một bữa cơm với các món đặc biệt mà cha mẹ chồng thích rồi mời họ cùng anh em bên chồng đến nhà tham dự. Hoặc vào dịp lễ tết, bạn có thể đứng ra tổ chức chuyến du lịch cho cả đại gia đình.

Nhiệt tình và thành ý, không quá rườm rà vì có thể sinh phiền phức theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”

Gần gũi

Mang về những tấm vé xem phim, kịch, chèo, cải lương để “rủ” mẹ chồng cùng đi xem. Hoặc mời mẹ chồng (chị em bên chồng) cùng đi chùa, xem bói, đi thăm họ hàng…

Đôi khi bạn có chiến lược nói dối rằng: “Vé của công ty phát, thấy hay con muốn mẹ đi cho vui”, bởi vì có thể bà sẽ xuýt xoa tiếc nếu bạn mua, hoặc lại sinh sự ‘tự dưng quan tâm, tôi có bao giờ đi xem”…

Bỏ chuyện cũ

Xin lỗi nếu từng có những xích mích, hiểu lầm. Không nhắc lại chuyện đã qua, không cố chấp giận hờn mà chủ động kết thân

Xin lỗi nhưng không kể lể, phân bua.

Trò chuyện nhiều hơn

Hỏi han mọi người trong nhà (kể cả những đứa cháu), xởi lởi với họ. Năng sang thăm cha mẹ, anh chị em chồng nhiều hơn. Gọi điện thường xuyên hơn nếu ở cách xa nhau. Khi gặp mặt nên nói về các vấn đề có mối quan tâm chung: mừng thọ bố mẹ, thăm hỏi họ hàng…

Tránh lôi lại những vấn đề vốn gây đụng độ, tranh cãi trước đây.

Lấy con làm cầu

Đưa con đi thăm cha mẹ, anh chị em chồng. Khích lệ con chơi cùng với cháu nhà chồng.

Qua con, bạn có cớ để thể hiện mối thâm tình với họ.

Ứng xử với chồng

Không kể xấu chồng trước nhà chồng hoặc nói xấu nhà chồng với chồng.

Cải thiện quan hệ với chồng là cách để bạn lấy sự tin tưởng, thiện cảm ở phía “giặc bên Ngô”.

Hiệu ứng “hàng xóm”

- Tỏ ra thân thiện với hàng xóm nhà chồng, có thể cho quà, hỏi han. Không nói xấu về những người thân ở gia đình chồng

Khi được hàng xóm khen, bạn cũng dễ cải thiện hình ảnh trong mắt nhà chồng.

Tạ Hà

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/sau-nhieu-nam-lam-dau-17133/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY