Sức khỏe hôm nay

Sâu róm đốt: nguy hiểm khi bị biến chứng

(SKGĐ) Nhiều trường hợp trẻ bị sốc phản vệ nặng vì đụng phải sâu róm khi bắt chơi hoặc vô tình bị sâu rơi, bám vào người. Cha mẹ cần biết cách phòng tránh và xử trí thích hợp trong tình huống này để tránh biến chứng nặng cho trẻ.

Ảnh minh họa

Tai biến vì chậm xử trí

Em H.V.Q,13 tuổi ở Đắc Lắc nhập viện vì khó thở. Theo lời của người nhà thì trong lúc đang chơi ngoài vườn em bị đau nhói ở tay và thấy một con sâu róm bám trên cánh tay mình. Dùng tay còn lại phủi bỏ sâu, em thấy vùng da sâu đốt bị nổi đỏ ngứa rát dữ dội, càng gãi càng ngứa. Một lúc sau cảm thấy mệt em được mẹ đưa đến bệnh viện trong tình trạng thở mệt, tay chân lạnh ngắt. Bác sĩ chẩn đoán em bị sốc phản vệ nguyên nhân do sâu róm, phải cấp cứu đến 3 ngày mới ổn định sức khỏe.

Chị Yến (Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) trong lúc chờ đến lượt khám vừa chỉ vào chân con trai 4 tuổi lên vừa kể: “Cháu bị thế này từ mấy hôm nay do nghịch dại sâu róm bắt được. Dù đã cẩn thận gỡ hết lông nhưng cháu vẫn ngứa ngáy liên tục và hay gãi nhiều về đêm. Các vết cứ loang ra, có lúc khô nhưng khi cháu gãi lại lở loét, gây đau đớn”.

BS. Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ; Bác sĩ điều trị tại Phòng khám bác sĩ Trúc cho biết, trên mình sâu róm có rất nhiều lông độc. Tùy từng vị trí bám trên cơ thể và tùy nọc đọc của từng loại sẽ gây nên hậu quả khác nhau. 90% trường hợp ghi nhận hầu hết có triệu chứng ở da như: phát ban, ngứa ở da, và có cảm giác đau nhức có gai, lông sâu đâm vào da.

Nguyên nhân là khi chạm phải sâu róm, lông độc ở bên ngoài cơ thể sâu róm sẽ châm vào bên trong da người, đầu nhọn bị đứt và dịch độc lập tức chảy vào da thịt, gây bỏng, rát buốt. Các lông sâu trên da không bị thoái biến đi mà mắc lại suốt cả năm sau khi bị ngộ độc, gây ra những cơn đau bất chợt trong suốt thời gian này.

Khi sâu róm dính vào mắt có thể gây tổn thương mắt. Biểu hiện là tổn thương nốt. Các nốt đó chính là do tổ chức đạm của gốc lông, khi lọt vào mắt, gây phản ứng tụ tập bạch cầu đa nhân, tạo các nốt tròn trắng tại gốc lông sâu gây viêm giác mạc, viêm màng bồ đào trước, làm lấp tắc đồng tử hoặc mủ nội nhãn, gây mù lòa.

Ngoài ra còn có thể bị sưng hạch lân cận và sưng cả tay chân. Đối với một số trẻ có cơ địa nhạy cảm có thể dẫn đến ngộ độc nặng với những triệu chứng như nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong.

Loại bỏ độc chất càng nhanh càng tốt

Hiện người ta chưa biết nhiều về thành phần nọc độc của sâu róm. Người ta cũng tìm thấy histamin và serotonin trong thành phần độc tố của một số loài sâu róm. Điều này giải thích nguy cơ phản ứng dị ứng nặng có thể xuất hiện.

Theo bác sĩ Trúc, điều quan trọng là loại cần loại bỏ chất độc và làm dịu triệu chứng. Khi bị sâu bám nên cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được, dùng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm sâu, còn sót lại. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch da bằng nhiều nước và xà phòng. Đắp lạnh để làm giảm sưng và giảm đau. Đối với gai mắc ở hầu họng và thực quản phải dùng thuốc tê cho bệnh nhân mới có thể lấy gai ra được. Tránh gãi nhiều lên vết đâm vì sẽ làm lông sâu cắm thêm vào da.

Không có thuốc giải cho các trường hợp ngộ độc do sâu róm. Nếu tổn thương vẫn kéo dài nhiều ngày nên đưa các em đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để chữa trị kịp thời. Những trẻ ngộ độc nặng bị hạ huyết áp phải được xử trí cấp cứu trong bệnh viện như tiêm adrenaline và truyền dịch kịp thời. Không nên sử dụng các phương pháp chữa dân gian như nhai gạo nếp, đậu xanh đắp lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

Phòng tránh sâu róm đốt thế nào?

Bác sĩ Trúc khuyến cáo, sâu róm tăng trưởng trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, chúng có số lượng lớn vào mùa sinh trưởng, khoảng tháng 3 đến tháng 7. Sâu róm thường phát triển ở những nơi có cây cỏ, những khu vườn ẩm và nơi có nhiều bã thực vật. Trẻ em cần được cảnh báo mối nguy hiểm gặp sâu vào những thời điểm này. Do vậy, nên cho trẻ mặc áo dài tay và đội nón rộng vành khi đi chơi ngoài vườn, nơi có cây cảnh.

Dạy trẻ không chơi bắt sâu, không sờ vào sâu ngay cả khi chúng đã chết vì vẫn có độc tố như lúc sâu còn sống. Đặc biệt, lông sâu róm có thể phát tán trong không khí nên vào mùa sâu róm lưu ý đóng cửa sổ, cửa ra vào và phải vệ sinh các máy điều hòa nhiệt độ có chức năng mang không khí từ bên ngoài vào nhà. Không treo áo quần ngoài vườn vì lông sâu róm có thể dính vào.

Đồng thời, làm mất hoặc giảm nơi sinh sống của sâu róm bằng cách dọn sạch lá rụng, đốt bã thực vật mục và vệ sinh quanh khu vực sinh sống. Trường hợp nơi cư trú xuất hiện quá nhiều sâu róm thì nên cho trẻ tạm di cư đến nơi khác một thời gian.

Bạn có biết?

Ở nước ta chưa có số liệu thống kê, nhưng ở các nước như Mỹ thì từ cuối những năm 90, các Trung tâm Độc chất đã báo cáo có hơn 3.700 trường hợp ngộ độc do sâu róm hàng năm, trong đó có khoảng 30% xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi. Một số trong những loài sâu róm gây ngộ độc phổ biến với các gai nhọn và hạch độc ở chân là loài Megalopyge opercularis (Pus caterpillar), Megalopige crispate (Flannel moth caterpillar), Sibine stimuli (Saddleback caterpillar) có khả năng tự vệ rất cao, đồng thời có gai và lông chứa các độc tố. Sâu róm Megalopyge opercularis là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ngộ độc nặng ở Mỹ. (Theo MYC)

Hạ Uyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/sau-rom-dot-nguy-hiem-khi-bi-bien-chung-18136/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY