Động thái này được Sở Y tế TP HCM đưa ra trong cuộc họp với lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định, sau vụ việc các bác sĩ khoa cấp cứu liên tiếp bị thân nhân người bệnh hành hung, chiều 10/8. Đại diện ban giám đốc Công an quận Bình Thạnh cũng tham dự cuộc họp, cho biết những ngày qua đang khẩn trương điều tra làm rõ hai vụ hành hung bác sĩ xảy ra ngày 27/7 và 6/8, khi đủ chứng cứ sẽ khởi tố vụ án để xử lý nghiêm minh đúng theo quy định pháp luật.
"Code grey" là quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự, do Bệnh viện Nhân dân Gia Định triển khai, bốn năm trước. Khi có tình huống mất an ninh trật tự, y bác sĩ nhấn nút báo động, hệ thống tự động sẽ trực tiếp gọi lực lượng bảo vệ đến hỗ trợ và liên lạc ngay công an khu vực. Quy trình này đến nay đã được nhân rộng ở nhiều cơ sở y tế khác, nhằm xử trí kịp thời những trường hợp gây rối, sử dụng hung khí đe dọa, hành hung y bác sĩ.
Y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu bệnh nhân. Ảnh: Bích Hạnh
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng mong các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý nghiêm để răn đe, sớm chấm dứt được nạn hành hung để nhân viên y tế toàn tâm toàn ý cứu người, chăm lo người bệnh.
Ông Thượng cho rằng hành động tấn công nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu người bệnh là hoàn toàn không chấp nhận được cho dù bất cứ lý do nào. Đặc biệt, nhân viên cấp cứu luôn hoạt động 24/7, không ngừng nghỉ, phải tập trung cao độ cả sức lực và tinh thần cho công tác cấp cứu người bệnh, nhất là các bệnh viện tuyến cuối của thành phố.
Bên cạnh củng cố quy trình "code grey", lãnh đạo ngành y tế yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu triển khai thêm các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình huống thân nhân người bệnh bất ngờ gây rối hoặc hành hung nhân viên khoa cấp cứu của bệnh viện.
Các bệnh viện cần tổ chức quy trình sàng lọc cấp cứu, hạn chế cho nhập vào khoa cấp cứu những trường hợp không có chỉ định cấp cứu. Thay vào đó, cho bệnh nhân nhập viện nếu có đủ tiêu chuẩn nhập viện hoặc triển khai phòng lưu bệnh để điều trị, theo dõi trong thời gian ngắn khoảng vài giờ đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện nhập cấp cứu hoặc nhập viện.
Bệnh viện triển khai "nguyên tắc 4 giờ hoặc 6 giờ", tức thời gian tối đa cho người bệnh lưu lại tại khoa cấp cứu và cho bác sĩ khoa cấp cứu có quyền chuyển người bệnh vào các khoa nội trú, không để người bệnh lưu lại quá lâu tại đây.
Ngoài ra, các bệnh viện có giải pháp tăng cường giao tiếp với thân nhân người bệnh trong thời gian nằm điều trị tại khoa cấp cứu, giúp tạo sự an tâm, giảm lo lắng, bức xúc không cần thiết. Khuyến khích phòng xã hội của bệnh viện cử nhân viên xã hội đến khoa cấp cứu để tham gia hoạt động này. Tình huống số bệnh nhân tăng đột ngột như ngộ độc hàng loạt, tai nạn thương tích..., cần điều phối tăng cường nhân viên hỗ trợ cấp cứu.
Mỗi bệnh viện tăng cường phân bổ nhân viên bảo vệ có chốt trực tại khoa cấp cứu, hướng dẫn thân nhân người bệnh tuân thủ các quy định "một người bệnh, một thân nhân", bố trí tủ để vật dụng có khóa cho thân nhân người bệnh gửi vật dụng mang theo trước khi vào khu vực buồng bệnh. Nhân viên bảo vệ kết nối ngay với công an phường nơi bệnh viện trú đóng để được hỗ trợ kịp thời khi phát hiện có tình huống gây rối hoặc đe dọa nhân viên y tế.
"Các bệnh viện cần có thêm các giải pháp mang tính sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn từng nơi nhưng phải đảm bảo nguyên tắc thêm giải pháp an toàn cho nhân viên nhưng không làm tăng thêm khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh", lãnh đạo Sở Y tế TP HCM đề xuất.
Ngày 27/7, một bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định bị người nhà bệnh nhi đẩy vào tường, bóp cổ. Hôm 6/8, cũng tại khoa này, thêm một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công bởi một vật bằng sắt nhọn.
Ngày 9/8, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tăng cường tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần bệnh viện nhất, kịp thời hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cấp.
Chủ đề liên quan:
an ninh bệnh viện bác sĩ bị hành hung Chính sách sức khỏe tấn công bác sĩ tin nóng