Theo Đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc.
Thường dùng quả sim trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.
Ở Việt Nam, sim là loài cây quen thuộc ở vùng đồi trọc, khắp các tỉnh vùng trung du, núi thấp, đồng bằng.
Các bộ phận dùng làm Thuốc: lá, quả và rễ (Folium, Fructus et Radix Rhodomyrti Tomentosae).
Lá thu hái vào mùa hè, dùng tươi hay phơi khô.
Quả chín hái vào mùa thu, người ta thu hái về rửa sạch, để ráo rồi đồ chín, phơi khô, bảo quản để sử dụng.
Rễ thu hái quanh năm, rửa sạch đất cát, thái nhỏ, phơi khô.
Thuốc từ quả sim
Trong quả sim có chứa một ít protein, chất béo, chất bột, đường, chất màu đỏ anthocyanin, các flavon-glucosid, malvidin-3 glucosid, các hợp chất phenol, các acid amin, và acid hữu cơ.
Chất anthocyanin trong quả sim là hợp chất màu hữu cơ thiên nhiên, thuộc nhóm flavonoid có màu đỏ, cho màu sắc đẹp, an toàn, có những hoạt tính sinh học tốt đối với con người, có khả năng giúp cơ thể chống ung thư, chống oxy hóa, chống tia tử ngoại, chống viêm,
chống lão hóa.
Quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc. Thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.
Ngày dùng 10 - 15g quả khô, đun sôi sắc nước để uống.
-
Thuốc bổ huyết, bổ thận, bồi dưỡng cơ thể:
Quả sim khô 12g, đậu đen (sao) 16g, sâm đại hành (sao thơm) 12g, lá dâu non (sao sơ)). Nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần, uống trước bửa ăn.
- Thai phụ thiếu máu, người suy nhược sau khi ốm:
Quả sim khô 15 - 20g, rửa sạch, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
- Phụ nữ bị băng huyết, thổ huyết:
Quả sim khô sao đen tồn tính (như than), nghiền thành bột mịn, cất vào lọ, nút kín để dùng dần.
Mỗi lần uống 12 - 15g, với nước đun sôi để nguội.
Bột Thuốc này còn được dùng để bôi chữa vết thương ngoài da.
- Lòi dom (trực tràng lòi ra ngoài hậu môn):
Quả sim tươi 30 - 60g (khô 10 - 20g), nấu chung với bao tử heo, nêm gia vị vừa ăn, dùng ăn trong bữa cơm.
- Kiết lỵ, bụng quặn đau, đại tiện nhiều lần, lượng phân ít có lẫn máu, mót rặn:
Quả sim tươi 30 - 50g (khô 12 - 20g) rửa sạch, sắc với nước uống, khi uống hoà thêm chút mật ong.
Người ta còn chế biến rượu sim theo cách sau:
Quả sim chín loại bỏ những trái hư, rửa thật sạch, cắt bỏ phần đầu, cho vào hủ sạch, ướp với đường.
Cứ đặt 1 lớp sim thì cho thêm 1 lớp đường bên trên. (Có thể dùng đường cát trắng hoặc bột đường phèn).
Đậy nắp kín lại và đợi đến khi nào sim lên men thành rượu là lấy ra uống được. Nước này còn gọi là mật sim, uống có vị ngọt, chát và có hương thơm đặc trưng của sim.
Hoặc dùng quả sim quả chín, rửa thật sạch, để ráo nước, xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỉ lệ nhất định trong môi trường hiếm khí từ 40 - 45 ngày.
Sau khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh ta sẽ được một loại rượu màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ khoảng 11,5%.
Rượu quả sim có tác dụng trợ tiêu hóa, giúp ăn ngon, ngủ ngon, mạnh gân cốt, chống nhức mỏi tay chân, nhất là ở người cao tuổi, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Thuốc từ lá sim
Thân và lá sim có nhiều hợp chất triterpen như betullin, acid betulinic; taraxerol…
Lá sim còn chứa nhiều chất ellagi tannim, khi kết hợp với các chất từ hoa sim, quả sim để tạo thành một loại Thuốc chữa trị bệnh viêm gan khá tốt.
Chất rhodomyrtone trong lá sim có vai trò như một chất kháng sinh, giúp chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn như escherichia coli và staphylococcus aureus, là những vi khuẩn gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, rối loạn đường tiêu hóa.
Theo Đông y, lá sim có vị ngọt, chát, tính bình, tác dụng làm giảm đau, cầm máu, tán nhiệt độc, tiêu mủ, sinh cơ. Dùng chữa đau đầu, tả lỵ, ngoại thương xuất huyết, ghẻ lở, lở loét bàn chân… Ngày dùng 12 - 16g lá khô (25 - 30g tươi), sắc uống.
Lá sim được sử dụng chế thành Thuốc cao, dùng chữa bỏng có kết quả rất tốt. Cao lá sim không gây xót, giảm đau nhanh, chống loét lây lan, làm vết thương sạch khô và mau lành.
Cách làm: lá sim 1kg, rửa sạch, băm nhỏ, nấu với 20 lít nước, nấu nhiều lần rồi cô thành 250g cao.
Ngày bôi nhiều lần vào chổ bỏng, thường chỉ dùng khoảng 10 - 12 ngày là có kết quả.
Thuốc từ nụ sim
Nụ sim có nhiều tanin, acid nicotinic, flavonic, riboflavin…
Theo Đông y, nụ sim có vị ngọt, chát, tính bình, tác dụng làm cầm máu, trừ nhiệt độc, tiêu mủ, chỉ tả. Dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Ngày dùng 8 - 10g, sắc uống.
Dùng ngoài, nấu nước cô đặc, dùng rửa vết thương, vết loét.
- Chữa tiêu chảy do lạnh:
Nụ sim 8 - 10g, gừng tươi (nướng cháy sém vỏ ngoài) 8 - 10g, củ riềng 10 - 12g, củ sả 10 - 12g. Tất cả sao chín, nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Chữa tiêu chảy do nhiệt:
Nụ sim 8 - 10g, búp chè 12 - 16g. Hai thứ rửa sạch, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
- Chữa kiết lỵ:
Nụ sim 20-30g, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Thuốc từ rễ sim
Rễ sim có vị ngọt, hơi chua, tính bình, tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt lạc, thu liễm, cầm máu, chỉ tả. Thường được dùng chữa phong thấp, đau nhức các khớp xương, đau lưng, viêm gan truyền nhiễm, lỵ, viêm dạ dày - ruột cấp tính, ăn uống không tiêu, băng huyết, lòi dom (thoát giang).
Ngày dùng 15 - 30g khô, sắc uống.
Dùng ngoài, sao cháy tồn tính, tán thành bột mịn, trộn với dầu mè đắp chữa bỏng.
- Viêm gan truyền nhiễm cấp tính:
Rễ sim khô 30g, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống sau bữa ăn. Mỗi liệu trình 20 ngày.
Nếu vàng da nặng, thêm các dược liệu: cốt khí củ, nhân trần, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi thứ 15g, kê cốt thảo 30g, nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống sau bữa ăn.
- Phong thấp, các khớp xương đau nhức:rễ sim khô 60g, sắc lấy nước, hòa với ít rượu để uống.
- Đau lưng, phong thấp, nhức mỏi các khớp: rễ sim 30g, rễ cỏ xước 10g, lá lốt 10g, thổ phục linh 12g, ngũ gia bì (hoặc thiên niên kiện) 12g, rễ tranh 10g. Nấu với 750 ml, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Lá sim, búp sim và rễ sim có chứa nhiều chất chát nên những người bị táo bón do nhiệt không nên dùng để uống.
Ngoài cây sim nói trên, còn có một loại sim có tên là sim rừng (sim ba gân, tiểu sim) mọc trong các rừng thứ sinh và trên các đồi hoang vùng trung du. Sim rừng có tên khoa học Rhodamnia dumetorum (Poir) Mern. Et Perry. Quả sim rừng ăn được, các bộ phận dùng làm Thuốc là quả, lá, rễ. Tác dụng cũng như loài sim nói trên.
Cần lưu ý một điều là, cây sim ngoài là một dược liệu quý, nó còn có tác dụng giữ đất, nước, chống xói mòn, chống trôi màu, là thảm thực vật quan trọng giữ nguồn nước cho vùng đất cao. Để có một cây sim trưởng thành phải mất trên mười năm, cho nên tốt nhất là khai thác trái sim để dùng làm thực phẩm và làm Thuốc.
Chỉ nên dùng rễ sim làm Thuốc khi thật sự cần thiết (không có Thuốc nào khác). Sự tận diệt cây sim để lấy rễ là một việc làm cần báo động và phải kịp thời ngăn chặn.
Lương y Đinh Công Bảy