12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Sốc: Phía trong những lò giết mổ

(SKGĐ) Trong khi người tiêu dùng chỉ biết nhìn vào những con dấu kiểm định còn tươi rói trên thịt gia súc, gia cầm để tin rằng chúng sạch, chúng an toàn thì đằng sau đó là những sự thật chỉ có ở… Việt Nam.

Gần 4 giờ sáng, trong khi đa số người dân Hà Nội vẫn còn say giấc nồng, chị Nguyễn Thị Hoa đã phải thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới với việc bán thịt lợn ở chợ Thổ Quan. Phải thuyết phục rất lâu chị Hoa mới chịu chấp nhận cho tôi cùng đi lấy hàng tại lò giết mổ.

Từ lò mổ có phép

4h20 phút chúng tôi có mặt tại lò mổ có tên X ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại đây công việc giết mổ gần như đã hoàn thành, những con lợn đã được xả thịt đang được chất đống la liệt dưới nền xi măng lầy lội nước và chất thải. Cách đó chừng 20m là những thùng tiết được thả nổi mặc cho ruồi nhặng bu quanh thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn.

Trong khi chờ khách đến lấy hàng, mấy nhân viên lò mổ đeo ủng đen đến đầu gối, mặt bịt kín bởi khẩu trang to bản đang ra sức dùng vòi xịt nước để rửa sạch thịt, lòng… mùi phân lợn, mùi tanh của thịt tươi không ngừng bốc lên nồng nặc. Dù đây là công việc hằng ngày, nhưng mùi hôi thối vẫn khiến các nhân viên ở đây khó chịu, họ (nhất là nhân viên nam) liên tục bỏ khẩu trang và khạt nhổ nước bọt ngay tại chỗ.

Nằm cạnh đó là không gian nhỏ hẹp hơn, đây là khu vực dành riêng cho việc giết mổ gia cầm. Tại đây không khó để bắt gặp cảnh nhân viên lò mổ mang ủng bước vào chuồng bắt gà, vịt. Dù ủng đang dính đầy chất phế thải, họ vẫn thản nhiên bước thẳng vào chỗ gia cầm đã được giết mổ và làm sạch đang chất đống trên sàn chờ đóng dấu kiểm định để xuất lò.

Tại khu vực xử lý nội tạng, lòng, tim, gan,... gia cầm cũng bị vứt đầy dưới sàn gạch ướt lẫn phân và lông gà vịt. Nếu là người “yếu tim” mà nhìn phải cảnh tượng có một không hai này, có lẽ bạn sẽ phải kiêng ăn thịt trong nhiều tuần vì… sợ hãi.

Được biết, với không gian khoảng 4.000-5.000m2 nhưng mỗi ngày, lò mổ này cung cấp đến vài trăm tấn thịt lợn và hàng chục nghìn gia cầm cho người dân thủ đô. Vì vậy việc nhân viên ở đây bỏ qua công đoạn, quy trình giết mổ làm ảnh hưởng đến vệ sinh thực phẩm là điều dễ hiểu.

Theo quy định chuẩn của một quy trình giết mổ thì thịt sau khi làm sạch phải được đặt trên bệ cao cách mặt đất ít nhất là 30cm, nhưng ở đây điều đó dường như không tồn tại. Các cán bộ thú y vẫn thản nhiên “đóng dấu kiểm dịch” một cách thành thục như máy lên núi thịt đang được chất đống dưới sàn nhà lầy lội và bẩn thỉu.

Đến vấn nạn lò mổ chui

Đó là những gì đang diễn ra hàng ngày trong lò giết mổ lớn có giấy phép, thử hỏi tại những lò giết mổ chui thì việc giữ vệ sinh thực phẩm sẽ như thế nào?

Quy trình giết mổ chuẩn

- Vị trí lò mổ phải đảm bảo cách xa khu vực dân cư đang sinh sống, để tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân sống xung quanh.

- Chỉ dùng nước sạch để giết mổ.

- Sau khi giết mổ, thịt gia súc, gia cầm rửa sạch phải được đặt trên bệ cao ít nhất là 30cm so với mặt đất.

- Dao và dụng cụ chứa dụng phải được sạch thường xuyên và không bị rỉ sét. Chất thải từ gia súc, gia cầm phải được xử lý và chuyển đi khỏi lò mổ ngay trong ngày.

- Phải có cơ quan thú y đến kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch trước khi đem thịt ra ngoài thị trường.

Anh Hoàng Thành Công, nhân viên giết mổ tại lò X. cho chúng tôi biết: “Tôi đã từng có hơn 1 năm làm trong lò giết mổ chui. Thành thật mà nói, việc giữ vệ sinh ở đó kém hơn ở đây rất nhiều, nếu không muốn nói là kinh khủng. Ở đó làm gì có chuyện gia cầm, gia súc trước khi giết mổ phải qua kiểm định nên rủi ro cho người làm công chúng tôi là rất cao. Nhân viên chúng tôi không có đủ nước sạch để rửa thịt nói chi đến chuyện đảm bảo vệ sinh. Làm ở đó được một thời gian thì tôi bị nấm chân, nấm tay và bị viêm xoang nặng vì ngày nào cũng phải hít phải mùi hôi thối. Đó là tôi còn may mắn, chứ mấy người bạn của tôi còn thê thảm hơn khi chẳng may để tay chân bị trầy sướt rồi bị dính máu lợn, gia cầm bị bệnh vào nên bị nổi ban ngoài da, giảm khả năng nghe… Thậm chí có anh làm mới 2 năm đã bị suy thận. Thịt khi làm xong sẽ được chuyển ngay cho bạn hàng mang ra chợ bán mà không qua bất cứ khâu kiểm tra nào và càng không được đóng dấu kiểm định. Một số lò mổ chui “cao tay” có thể đóng dấu giả để đánh lừa người tiêu dùng. Hơn 1 năm làm ở đó tôi có thấy lò bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất 3 lần. Nhưng lần nào cũng vậy, chỉ sau vài giấy phạt hành chính thì đâu lại vào đấy”.

Anh Công còn cho biết thêm, để rút ngắn công đoạn, làm màu thịt trong tươi ngon bắt mắt hơn, giảm mùi hôi thịt lợn bị ốm… lò mổ chui nào cũng có sẵn các loại hóa chất chuyên dùng để tẩy rửa thịt. Nhân viên thường không biết rõ nguồn gốc các loại hóa chất này.

Nói về hiện trạng các lò giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Việc đảm bảo vệ sinh trong các lò giết mổ vô cùng quan trọng. Nếu quy trình giết mổ không được đảm bảo thì các loại vi khuẩn có trong không khí, nguồn nước, trong phân động vật… sẽ nhanh chống xâm nhập vào thịt sống trong quá trình xả thịt gây hại cho người tiêu dùng.

Đó lá chưa nói đến vấn nạn giết mổ chui. Thịt thành phẩm ở những cơ sở này phần lớn đều không qua kiểm định trước khi đưa vào thị trường sẽ làm tăng nguy cơ người tiêu dùng ăn phải thịt lợn tai xanh, lợn bị lở mồm long mống hay gia cầm mắc cúm H5N1…

Đấy là chưa kể đến trong quá trình giết mổ người ta dùng các hóa chất để tẩy mùi hôi, làm thịt trông ngon hơn đánh lừa thị giác người tiêu dùng thì nguy hại tăng lên cấp nữa.

Hơn nữa, đây cũng sẽ là nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát được dịch. Các hóa chất tẩm tẩy mùi sẽ nhanh chống ngấm vào máu đi vào cơ thể sẽ phá hủy các bộ phận trong cơ thể như gan, thận, có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn và nhiễm trùng huyết…

Người tiêu dùng cũng cần thay đổi

Trước thực tế không kiểm soát được hoạt động của các lò giết mổ, các cơ quan chức năng đã có đưa ra nhiều chính sách nhằm tập trung các lò mổ gia súc, gia cầm vào một nơi được quy hoạch cụ thể có quy trình giết mổ đúng theo tiêu chuẩn, nhưng việc này đòi hỏi mất nhiều thời gian và chi phí nên đến nay vẫn còn dang dở.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội thừa nhận việc kiểm soát các lò mổ nhỏ, lò mổ chui hiện nay là nhiệm vụ bất khả thi. Một khi đã không kiểm soát được thì việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều dễ hiểu. Ông cũng cho biết, hiện tại, vẫn chưa có chế tài nào mạnh tay đối với các doanh nghiệp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế tài hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính. Do đó, mặc dù ngành y tế, quản lý thị trường đã nhiều lần bắt được và xử lý các lò mổ chui vi phạm an toàn thực phẩm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các lò mổ chui này lại tiếp tục “chứng nào tật ấy” nên việc giải quyết vấn đề tận gốc là rất nan giải.

Rõ ràng các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm chính trong việc để các lò mổ chui hoạt động, nhưng bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm khi vẫn chỉ muốn mua được thịt sạch, thịt ngon với giá rẻ. Chiều lòng khách hàng, các chủ sạp thịt thay vì lấy thịt ở các lò mổ hợp pháp đúng chuẩn đã tìm đến các lò mổ chui để có giá rẻ hơn, vì thế các lò mổ chui mới có cơ sở để tồn tại một cách vững vàng như hiện nay.

Vì vậy, để có thể dẹp được các lò mổ chui, ngoài sự nỗ lực không ngừng của các ban ngành chức năng thì người tiêu dùng cũng nên có sự nhìn nhận khách quan về “tiền nao của nấy”. Người tiêu dùng chỉ nên mua những loại thịt gia súc, gia cầm đã kiểm định, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bày bán ở các sạp thịt có giấy phép buôn bán hay ở các siêu thị... dù giá có đắt hơn thông thường. Có thể gọi khoản chênh lệch về giá đó là khoản bảo hiểm an toàn cho chính người tiêu dùng.

Khôi Nguyên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/soc-phia-trong-nhung-lo-giet-mo-16468/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY