12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Sống chung với bệnh tiểu đường: Dễ hay khó!?

Dù y học hiện đại vẫn chưa thể điều trị dứt điểm căn bệnh tiểu đường, nhưng người bệnh vẫn có thể sống khỏe nếu biết cách.

Để minh chứng cho việc có thể “sống khỏe cùng đái tháo đường”, chúng tôi đã có cuộc ghi nhận và thảo luận với những bệnh nhân tại phòng khám Bệnh viện Thủ Đức, Tp.HCM, Câu lạc bộ Đái tháo đường (Bệnh viện Thủ Đức, Tp.HCM) về tình trạng bệnh tiểu đường và quá trình điều trị.

Ảnh minh họa

1001 cảnh bệnh

1. Trường hợp 1

Bệnh nhân Đoàn Thanh Hải (67 tuổi, quận Thủ Đức, Tp.HCM) cho biết ông mắc bệnh cách đây 14 năm. Vào thời điểm đó, những hiểu biết về bệnh đái tháo đường vẫn còn khá mới đối với người dân và phương pháp điều trị cũng chưa được tiến bộ như ngày nay đã khiến ông rất hoang mang khi hàng ngày phải trực tiếp đội mặt với những biến chứng lăm le.

Ông đã phải sống trong sợ hãi với cảm giá mệt mỏi, căng thẳng thường trực suốt 2 năm trời. Tuy nhiên, sau nhiều năm điều trị, ông rút ra cho mình kinh nghiệm “xương máu” là một khi đã không thể loại bỏ được bệnh thì nên học cách sống chung với nó.

Thế là ông bắt đầu tuân thủ nghiêm túc theo sự hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục và điều trị thuốc một cách khoa học. Do bị đau chân nên phương pháp thể dục của ông là đứng khởi động tại chỗ và tập máy với các động tác nhẹ nhàng. Ông cũng tham gia các câu lạc bộ do phường, quận tổ chức như: Câu lạc bộ Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Câu lạc bộ Đái tháo đường...

Hiện tại sức khỏe của ông Hải khá ổn định và tinh thần cũng lạc quan hơn nhiều so với cách đây 3 năm.

2. Trường hợp 2

Với bệnh nhân Nguyễn Xuân Thảo (55 tuổi, ở Long Thuận, Q.9, Tp.HCM), thì “thâm niên” sống chung với bệnh đái tháo đường lên tới 15 năm. Trong 15 năm qua, bác luôn sống khỏe mạnh với tinh thần lạc quan, yêu đời và bình thản chấp nhận sự tồn tại của căn bệnh trong cơ thể mình.

Quan điểm của bác là “không có gì phải sợ, cứ xem bệnh như “bạn” mà sống chung một cách hòa đồng, vui vẻ” thì mọi khó khăn sẽ qua nhanh. Quan điểm đó giúp bác hình thành thói quen chăm đọc báo, nghe đài, xem tivi để lấy thông tin mới về bệnh đái tháo đường. Thấy thông tin nào hay, phù hợp với mình bác sẽ trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn cách áp dụng đúng nhất như luôn kiêng ăn đồ ngọt và đi bộ một cách đều đặn vào mỗi buổi sáng…

Sau 15 năm sống chung với tiểu đường, đến nay hàng ngày bác vẫn có thể tự chạy xe máy đi khắp nơi và làm tất cả mọi việc như người bình thường mà không phiền hà đến con cái.

3. Trường hợp 3

Thế nhưng bên cạnh đó lại có một số bệnh nhân đái tháo đường có tuổi đời còn khá trẻ so với 2 bệnh nhân trên và thời gian phát hiện bệnh cũng ngắn hơn nhưng bệnh tình lại phát triển nhanh và nặng hơn. Đơn cử như trường hợp chị của chị Hồ. L (40 tuổi, ở Nguyễn Du, Q.1, Tp.HCM). Là bà chủ một nhà hàng ăn uống đông khách, chị Hồ. L luôn bị công việc bủa vây nên ít có thời gian để tự chăm sóc mình.

Vào đầu tháng 11/2010 khi thấy mắt mình cứ ngày một mờ dần trong khi cân nặng thì giảm sút, chị đi khám tổng quát và phát hiện mình bị tiểu đường. Hoang mang và lo lắng, chị chạy đôn chạy đáo hết mua thuốc Tây đến thuốc Bắc để chữa bệnh. Bạn bè, người thân nào giới thiệu bài thuốc hay chữa đái tháo đường là chị ứng dụng ngay. Nhưng của đáng tội, chị đôn đáo được chừng 1 tháng thì vướn vào dịp Tết Nguyên Đán công việc chất chồng phải cần tay chị giải quyết.

Sau tết, đầu tháng 3/2011 vừa rồi đi khám lại, chị mới tá hỏa khi bị bác sĩ điều trị “rầy la” về tội để lượng đường trong máu lên tới hơn 200mg/dl. Ngay sau có kết quả về đường huyết đó, theo lời khuyên của bác sĩ chị phải gác hết mọi việc để nhập viện sớm hòng ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Khó hay dễ đều do ta

Theo BS. Ngô Thế Phi (Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Thủ Đức, Tp.HCM): “Người bình thường hoặc phụ nữ đang mang thai, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường như ăn nhiều, tiểu nhiều, uống nhiều, sụt cân, thì cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được chẩn đoán và điều trị”.

Cứ mỗi phút, trên thế giới có 6 người chết vì bệnh tiểu đường, tương đương 3,2 triệu người chết/năm = Số người chết do HIV/AIDS.

Bác sĩ Phi đưa ra một số lời khuyên sau cho bệnh nhân tiểu đường:

- Khi bác sĩ đã chẩn đoán chắc chắn bạn bị tiểu đường, bạn không nên quá hốt hoảng, lo lắng hoặc, ngược lại, không quan tâm gì đến bệnh. Nên tìm hiểu về bệnh tiểu đường để có những kiến thức nhất định.

- Bệnh có tính chất mãn tính và có thể gây nhiều biến chứng. Do đó cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống... và cách sống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh.

- Người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30-45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe. Thể thao chính là một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường.

- Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tính năng lượng cần thiết, thành phần các loại thức ăn cụ thể cho từng người bệnh để đảm bảo một chế độ ăn thích hợp cho mỗi người. Tất cả 2 biện pháp này là nhằm giúp cho bạn đạt được cân nặng lý tưởng của mình, duy trì sức khỏe để sống và làm việc có hiệu quả và góp phần giảm lượng đường huyết bị tăng cao trong máu.

- Khi cả hai biện pháp trên vẫn không làm ổn định được đường huyết ở mức bình thường, bạn sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc giảm đường huyết để điều trị. Dùng thuốc nào là phù hợp với bệnh của bạn? Điều này sẽ do bác sĩ quyết định, dựa trên tình trạng của bệnh.

- Để điều trị có kết quả tốt,bạn cần tuân thủ việc điều trị, nên phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi bệnh liên tục.

Bệnh tiểu đường tuy rất nguy hiểm và ngày càng phổ biến do chưa có một phương thuốc đặc trị chữa tận gốc, cũng như sự thiếu hiểu biết của mọi người trong ăn uống và sinh hoạt. Song, nếu có một chế độ điều trị chặt chẽ, đúng bài bản, đúng thuốc, đúng bác sĩ kết hợp với ăn uống hợp lý, tập luyện khoa học, lạc quan yêu đời thì người bệnh có thể yên tâm về căn bệnh tiểu đường. Người bệnh hoàn toàn có thể “sống chung” với nó mà không phải lo sợ về bất kỳ điều gì cả.

*Ghi chú: Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Nguyên Anh (thực hiện)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/song-chung-voi-benh-tieu-duong-de-hay-kho-18696/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY