Sức khỏe hôm nay

SOS: Dỗ con ăn bằng… thuốc kích ăn

(SKGĐ) Nhiều bà mẹ cho rằng con mình biếng ăn và tự mua thuốc kích thích ăn cho con. Theo các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng việc làm này rất nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.

Đánh vật với bát cơm

Vừa xót con vừa mệt mỏi với những bữa ăn… cực hình. Chị Mai (Q.7, Tp.HCM) cũng lên mạng tìm các thông tin về thuốc kích thích ăn cho trẻ. Chị cho biết, trên các diễn đàn có nêu rất nhiều loại thuốc kích thích cho trẻ mà không biết chọn loại nào. Trong đó, thuốc Sterogy được các mẹ bàn tán nhiều nhất.

Như tìm được vị cứu tinh giúp mình “dỗ” cho con ăn, chị kể: “Hai tháng nay, cháu biếng ăn quá, không tăng cân nào nên được biết Sterogy giúp ăn ngon miệng là tôi mua liền. Cháu nhà tôi ăn được hơn một chút, tôi mừng quá. Một số mẹ khác mới được giới thiệu và áp dụng cũng có hiệu quả đều khoe “chiến tích” trên diễn đàn.

Ảnh minh họa

Một bà mẹ có con trai 1 tuổi ngụ Q.5 được nhiều người khuyên dùng thuốc ống nước Dynamogen và khẳng định, sau khi uống, con mình “có vẻ” cũng thích ăn hơn.

Nhìn đứa con nhà hàng xóm bụ bẫm, ăn cả bát cơm ngon lành, nhẹ nhàng như ăn kẹo, chị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) lại buồn cho cu tí nhà mình cùng tuổi í mà trông gầy gò và rất lười ăn. Chị ngán ngẩm: “Mỗi lần đến bữa ăn là cả nhà loạn lên như cái chợ. Người thì đem đồ chơi ra dụ ngọt, người khoa chân múa tay làm trò…

Mong cho con ăn được nhiều để mau lớn, khỏe mạnh nên nghe nói có thuốc kích thích ăn chị hứng thú như “bắt được vàng”. Qua giới thiệu, chị Liên đến một nhà thuốc trên đường Hoàng Hoa Thám mua liền mấy liều thuốc kích thích cho trẻ ăn. Theo chị Liên, hôm uống liều đầu tiên, cháu ăn ngon miệng và nhiều hơn hẳn những bữa trước.

Được đà, hôm sau chị cho uống “nặng đô” hơn để con ăn được nhiều. Đến hôm thứ 3, đứa trẻ bắt đầu có biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn và đi tiêu phân lỏng, sau đó thì tiêu chảy liên tục, bé bỏ ăn và suy kiệt, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Không thể dùng bừa

Ôm đứa con gái bị rối loạn tiêu hóa đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Tp.HCM gần 3 ngày nay, chị Trần Hoài Phương (Đồng Nai) cho biết: “Con bé biếng ăn quá. Nghe mấy bà chị quảng cáo, tôi mua thuốc kích thích ăn cho cháu. Ai ngờ…”.

Bác sĩ điều trị của bé cho biết, do dùng thuốc kích thích quá liều, bé không hấp thu được gây tiêu chảy kéo dài. Đó cũng là lời cảnh báo trước tình trạng lạm dụng thuốc kích thích cho trẻ hiện nay…

Theo điều tra của bệnh viện Nhi Đồng I, mỗi tháng bệnh viện có hơn 3.000 trẻ đến khám và tư vấn dinh dưỡng thì có đến 70% trẻ đến khám do biếng ăn, vừa biếng ăn và chậm tăng cân có 19.1%. Trong số đó, không ít trẻ phải cấp cứu có tiền sử biếng ăn và sử dụng thuốc kích thích. Còn tại Trung tâm Dinh dưỡng Tp.HCM, hầu như ngày nào cũng đầy ắp những bà mẹ trẻ đưa con tới xin tư vấn về dinh dưỡng vì “con mình uống thuốc kích thích mà vẫn gầy nhom”.

Có trường hợp biếng ăn là do bà mẹ cảm thấy và đưa trẻ đến khám, các gia đình luôn có một câu là “cháu chẳng ăn gì". Nhưng qua thăm khám của bác sĩ thì hầu như không phải. Có nhiều trường hợp đã không nghe lời khuyên của bác sĩ, các bậc cha mẹ tự ra ngoài mua thuốc bổ cho con uống hoặc đi đến những phòng mạch không chuyên khoa và chỉ định cho bác sĩ kê thuốc. Kết quả là con không lớn mà còn bị một số bệnh lý nội khoa khác.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc kích thích được quảng cáo dùng cho trẻ rất tốt, giúp trẻ ăn ngon, ngủ ngon, hấp thu dinh dưỡng tốt, phát triển chiều cao và trí thông minh… Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng các loại thuốc và hormone tăng trưởng gây rối loạn chuyển hóa, cơ thể chậm phát triển, thậm chí gây các bệnh lý rất nguy hiểm cho trẻ.

Các loại thuốc kích thích ăn ở trẻ thực ra thường dùng điều trị những bệnh về dị ứng và nội tiết nhưng có tác dụng phụ là làm cho thèm ăn, được khuyến cáo hạn chế sử dụng. Nếu ngưng dùng thuốc cũng đồng nghĩa ngưng cảm giác thèm ăn và dễ gây biến chứng. Do đó, trẻ lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc, không kích thích hệ tiêu hóa phát triển.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, thực chất một số loại thuốc kích thích ăn và làm tăng trọng, tăng trưởng dùng cho trẻ rất có hại. Đây là các loại thuốc không thể trị được chứng biếng ăn mà chỉ giữ nước, tạo béo giả tạo.

Từ đó, gây nguy cơ táo bón, tiêu chảy, gây khô miệng, khó tiểu tiện, phù nề và ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Việc biếng ăn, chậm tăng trưởng ở trẻ có nhiều nguyên nhân. Vì vậy, khi trẻ biếng ăn, thấp, còi các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho trẻ, không nên tự động mua thuốc biếng ăn để tiền mất, tật mang.

Quỳnh Như

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/sos-do-con-an-bang-thuoc-kich-an-18495/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY