12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

SOS: Nguy kịch vì chó mèo

(SKGĐ) Mỗi bệnh nhân với một bệnh án khác nhau, nhưng họ đều nhiễm bệnh từ cùng nguyên nhân ít người nghĩ đến - nhiễm giun đũa chó mèo.

 

Mắc bệnh nan y chỉ vì giun đũa

PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Đề, Trưởng Bộ môn Ký sinh Trùng, Trường Đại học Y Hà Nội vừa cho biết: Từ đầu năm 2012 tới nay, 10% mẫu xét nghiệm ký sinh trùng gửi từ Bệnh viện Bạch Mai, Viện các bệnh nhiệt đới TW, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện TW Quân đội 108 có kết quả dương tính với ấu trùng sán chó mèo. Trong số đó, mỗi bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán với bệnh tình khác nhau như viêm não, viêm màng não, u gan, viêm phổi, suy tủy, dị ứng… Nhiều trường hợp không được xác định rõ nguyên nhân; chỉ sau khi xét nghiệm huyết tương thì bác sĩ mới phát hiện họ đều bị bệnh do nhiễm giun đũa chó mèo.

Bác sĩ Đề kể trường hợp anh Phạm Văn Đ. (Từ Liêm, Hà Nội) thấy trên cơ thể có một khối u di chuyển, khi ở tay, lúc ở thân, khi chạy ra sau gáy, lúc to, lúc nhỏ. Khối u này di chuyển liên tục khiến cơ thể anh đau mỏi, đến mức anh nghĩ mình bị ung thư. Khi vào viện, bác sĩ cũng nghi ngờ anh bị ưng thư. Chỉ khi có kết quả xét nghiệm ký sinh trùng thì bệnh của anh mới được chẩn đoán là bị u do nhiễm giun đũa chó.

Còn bé Lê Thị Quỳnh Anh, 10 tuổi (Kiến An, Hải Phòng) được chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Nhi TW vì viêm màng não tăng bạch cầu ái toan. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bé bị dương tính với giun đũa chó. Giáo sư Đề còn kể lại trường hợp rất đặc biệt là anh Nguyễn Duy H. sống tại Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội nhập viện Bệnh viện TW Quân đội 108 điều trị suy tủy không rõ nguyên nhân. Đến khi làm xét nghiệm mới phát hiện ra anh bị nhiễm giun chó. Qua các hồ sơ bệnh án do bác sĩ Đề cung cấp cho thấy nhiều bệnh nhân đến viện điều trị u gan, viêm não, đau nửa đầu, sẩn ngứa ngoài da, viêm phổi, giảm thị lực... nhưng kết quả xét nghiệm chứng tỏ họ đều bị bệnh do nhiễm giun chó, mèo.

Giải thích nguyên nhân giun đũa chó mèo có thể gây nhiều bệnh, bác sĩ Đề phân tích: Vì khi vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường máu có thể “chu du” đến khắp nơi như não, mắt, gan, phổi… Do đó, chúng gây ra các triệu chứng cho tất cả các cơ quan này.

Bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm

PGS.TS. Đề cho biết, giun đũa chó chiếm một tỷ lệ rất lớn trong cộng đồng, biểu hiện rất đa dạng ở từng nơi trú ngụ nên dễ bị bỏ qua. Đặc biệt, không chỉ người dân không biết đến bệnh mà ngay cả các bác sĩ lâm sàng (bác sĩ chẩn đoán qua việc khám trực tiếp tại giường bệnh) cũng dễ bỏ sót. Nguyên nhân là có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng gì mặc dù có huyết thanh dương tính với giun đũa chó mèo. Hơn nữa trên thực tế có rất ít bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân gây bệnh từ ký sinh trùng, có chăng cũng chỉ nghĩ đến giun sán đường ruột và cho tẩy giun là giải quyết được nguyên nhân do ký sinh trùng. Chính vì thế nhiều bác sĩ lúng túng trong chẩn đoán bệnh và tìm nguyên nhân gốc rễ.

Cùng quan điểm này, BSCKI. Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh, Viện Quân y 103 cho biết thêm, nếu giun chó mèo gây ra bệnh ở não thì càng khó chẩn đoán đúng nguyên nhân và dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Bởi vì bệnh diễn tiến âm thầm, không có tính chất đặc hiệu, diễn biến từ từ tăng dần với biểu hiện đa dạng như sốt ẩm ỉ kéo dài, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, co giật động kinh, gày sút cân. Các hình ảnh tổn thương trên chụp CT scanner hoặc MRI sọ não không điển hình, nên bệnh cũng dễ nhầm với lao màng não, viêm não, đột quỵ não, ung thư... Điều này dẫn tới điều trị sai, bệnh nhân thêm nặng, dễ tử vong.

Không nuôi chó mèo cũng nhiễm

Một số bệnh nhân sau khi nhận kết quả dương tính với giun đũa chó mèo, đã sửng sốt: “Nhưng nhà tôi không bao giờ nuôi chó mèo”. Thực chất bạn có thể nhiễm chúng từ nhiều nguồn khác nhau.

Bác sĩ Đề phân tích: Giun đũa chó mèo sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo và trứng của chúng sẽ theo phân ra ngoài. Chính vì thế những người hay vuốt ve, cưng nựng chó, mèo chó dễ bị nhiễm ký sinh này. Nhưng những người không nuôi, không tiếp xúc với chó mèo cũng có thể bị nhiễm loại ký sinh này. Vì phân chó mèo phóng uế bừa bãi hoặc thói quen cho chó đi vệ sinh ngoài trời của chủ nuôi đã gây ra tình trạng phát tán trứng giun trong môi trường, nhiễm vào rau, đất, nguồn nước... thậm chí cả thịt, rau củ. Những người thường xuyên làm làm vườn, tiếp xúc với đất, chơi chân trần ở khu công viên, ăn thực phẩm tái sống dù không nuôi chó mèo vẫn có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng này.

Tránh giun chó mèo

- Định kỳ tẩy giun cho chó mèo nuôi trong nhà.

- Không cho chó mèo ngủ chung với người, cần vệ sinh tắm rửa cho chúng thường xuyên.

- Khi làm vườn hoặc tiếp xúc với đất, bạn nên đi bao tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ.

- Cẩn thận với các loại rau sống mua ở chợ. Dù bạn ngâm nước muối hay rửa bằng máy rửa hoa quả cũng khó loại trừ hết trứng giun đũa. Để hạn chế tối đa bạn nên rửa rau nhiều lần dưới vòi nước chảy.

Tường Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/sos-nguy-kich-vi-cho-meo-7793/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY