Sự nguy hiểm của biến chứng bàn chân
Các biến chứng bàn chân do ĐTĐ là nguyên nhân gây cắt cụt chân ở các nước công nghiệp phát triển.
Theo thống kê có khoảng 5-7% số bệnh nhân ĐTĐ có biến chứng loét bàn chân và nguy cơ bị cắt cụt chân ở các bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 15 – 46 lần so với người không bị ĐTĐ. Còn tính trên phạm vi toàn thế giới thì cứ 30 giây lại có 1 bệnh nhân ĐTĐ bị cắt cụt chân.
Các nguyên nhân thuận lợi gây loét bàn chân
Biến chứng thần kinh: Biến chứng thần kinh, gặp ở khoảng 40% BN ĐTĐ, làm giảm khả năng cảm nhận đau, nóng hay lạnh, đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể cảm nhận được chân đã bị tổn thương. Bạn có thể dẫm lên 1 cái đinh hoặc một hòn sỏi nhưng vẫn đi suốt cả ngày mà không hề hay biết, tương tự chân bạn cũng có thể bị một vết xước hoặc vết rách nhưng không biết nên không được điều trị kịp thời và chỉ khi chân bạn sưng to lên hoặc có nhiễm trùng nặng thì bạn mới biết, khi đó là đã ở giai đoạn muộn, điều trị thường không đạt kết quả tốt.
Mạch máu: Các bệnh nhân ĐTĐ dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. Theo các nghiên cứu, có khoảng 20% bệnh nhân ĐTĐ có hẹp hoặc tắc các động mạch ở chân. Hiện tượng kém nuôi dưỡng do máu đến ít sẽ hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.
Nhiễm trùng: Các bệnh nhân ĐTĐ dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường, lý do là đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn. Đa số các bệnh nhân ĐTĐ Việt Nam là những người sản xuất trực tiếp tại các cánh đồng hoặc nhà máy, họ tiếp xúc trực tiếp với các nguồn vi khuẩn rất lớn, vì vậy nếu có bất kỳ một vết loét nào thì nguy cơ bị nhiễm trùng cũng như nguy cơ ổ nhiễm trùng lan rộng là rất lớn.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như béo phì (làm tăng áp lực lên bàn chân), giảm thị lực (gây dễ ngã hoặc chấn thương bàn chân, khó phát hiện các tổn thương ở bàn chân), bị bệnh ĐTĐ đã lâu, kiểm soát đường máu kém (khó liền vết thương), bệnh thận (gây mất protein nên khó liền vết thương), rối loạn mỡ máu gây xơ vữa các động mạch cấp máu cho chân, đi giày hoặc tất không thích hợp… và cuối cùng là những người đã có tiền sử bị loét chân hoặc cắt cụt chân thì nguy cơ bị loét chân cũng sẽ tăng lên.
Các tổn thương bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ
Biến đổi ngoài da: Bệnh ĐTĐ có thể gây những biến đổi ngoài da ở chân như làm da khô, bong da hoặc nứt nẻ. Nguyên nhân là do dây thần kinh chỉ huy các hoạt động làm ẩm da đã bị tổn thương.
Chai chân: Chai chân hình thành nhiều do tăng áp lực ở gan bàn chân các bệnh nhân ĐTĐ. Các chai chân này cũng có thể gặp nhiều ở người bình thường nên các bệnh nhân ĐTĐ thường chủ quan và không quan tâm, chính vì vậy các chai chân này có điều kiện phát triển nhiều hơn, dễ bị nứt, loét rồi trở thành ổ nhiễm trùng.
Biến dạng bàn chân: Do biến chứng thần kinh nên bàn chân bị mất cảm giác, khi đó mỗi khi đứng thì người bệnh sẽ không thể điều chỉnh tư thế bàn chân. Các vị trí chịu áp lực nhiều sẽ có những biến đổi của cơ và da kéo theo những thay đổi của các khớp. Hậu quả là bàn chân bị biến dạng, điển hình được gọi là bàn chân Charcot (nhưng may mắn là rất ít gặp), và rất dễ bị loét tại các chỗ phải chịu áp lực cao.
Loét chân: Hay xảy ra ở mu bàn chân, ngón cái, và thường do đi giày dép chật. Lưu ý là các vết loét thường bắt đầu chỉ là những vết xước hoặc phồng da rất nhỏ nhưng do không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách nên đã bị nhiễm trùng, tiếp sau đó nhiễm trùng ngày càng lan rộng ra toàn bộ bàn chân. Đến lúc này thì mọi biện pháp điều trị nội khoa bằng Thu*c hoặc cắt lọc thường không có kết quả. Vì vậy các bệnh nhân ĐTĐ cần báo ngay cho bác sĩ điều trị khi phát hiện bất cứ tổn thương hoặc bất thường nào ở chân.
Cắt cụt chân: Khác với người bình thường, vết loét chân các bệnh nhân ĐTĐ rất khó liền vì ít khi được cung cấp đủ máu, do đó vùng tổn thương vừa không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy, vừa không có đủ các tế bào máu như bạch cầu đến để tấn công vi khuẩn và các tế bào ch*t cũng không được dọn dẹp kịp thời. Mặt khác đường máu cao sẽ ức chế các hoạt động của bạch cầu, làm giảm hiệu quả của các phản ứng viêm chống nhiễm khuẩn. Do vậy vết thương rất dễ bị nhiễm trùng lan rộng và khó liền, khi đó bắt buộc phải cắt cụt. Điều đặc biệt là các động mạch có thể bị tắc hẹp ở các đoạn cẳng chân hoặc cao hơn như ở đùi nên một số trường hợp tuy chỉ có nhiễm trùng bàn chân nhưng lại cần cắt cụt đến trên đầu gối.
Khi phát hiện bất cứ tổn thương gì ở bàn chân thì bạn cũng nên đi khám bác sĩ ngay, tuyệt đối không được tự điều trị vì nếu điều trị không đúng cách thì từ một tổn thương nhỏ cũng có thể trở thành một tổn thương lớn, phải cắt cụt chân.
Các biện pháp chung:
Bỏ hút Thu*c lá hoàn toàn, càng sớm càng tốt.
Kiểm soát thật tốt đường máu với mục tiêu HbA1C nhỏ hơn hoặc bằng 6,5% và không để đường máu rơi vào vùng nguy hiểm.
Điều trị kịp thời các biến chứng mắt, thận, thần kinh do ĐTĐ.
Phát hiện sớm biến chứng mạch máu ở chân. Ngày nay có nhiều phương pháp thăm dò hiện đại như siêu âm Doppler, chụp mạch... có thể phát hiện được hầu hết các tổn thương mạch máu ở chân từ giai đoạn sớm nhất. Nếu có thì phải điều trị ngay bằng tất cả các biện pháp có thể.
Điều trị phòng xơ vữa động mạch bằng các Thu*c hạ lipid máu, aspirin. Hiệu quả của một số Thu*c được cho là làm tăng tuần hoàn như praxilene, torental... còn nhiều tranh cãi.
Các biến chứng bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ là rất đa dạng và thường do nhiều nguyên nhân phối hợp. Các tổn thương này dù rất nhỏ nhưng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì sẽ nặng lên rất nhanh và BN có nguy cơ rất cao bị cắt cụt chân. Điều trị các biến chứng bàn chân ở bệnh nhân ĐTĐ phải là điều trị toàn diện cả về thay đổi lối sống, dùng Thu*c, chăm sóc tại chỗ, đôi khi cần phẫu thuật. Tuy nhiên nếu chăm sóc tốt bàn chân, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa (có khi rất đơn giản) có thể làm giảm được rất nhiều tỉ lệ bị cắt cụt chân.
Một số biện pháp đề phòng loét chân:
Mỗi tối nên dành ra 3-5 phút để kiểm tra bàn chân xem có chỗ nào bị xước, phồng rộp... hay không. Dùng một chiếc gương nhỏ để kiểm tra những chỗ khó quan sát.
Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, sau đó lau khô từng ngón chân bằng loại giẻ hoặc gạc mềm, lau kỹ kẽ giữa các ngón chân. Nhớ phải thử nhiệt độ nước bằng tay, không được thử bằng chân. Không nên ngâm chân trong nước.
Có thể xoa chân bằng các Thu*c mỡ để giữ cho da ẩm và mềm nhưng không nên bôi vào kẽ giữa các ngón chân.
Cắt móng chân thẳng, tránh cắt sát các góc móng mà nên dùng các dũa để dũa. Nếu phát hiện móng mọc đâm vào trong thì báo bác sĩ ngay.
Không nên bôi các loại Thu*c sát trùng, Thu*c kháng sinh hoặc dán các tấm cao lên chân. Không nên chườm ấm hoặc chườm điện chân.
Luôn giữ ấm chân, buổi tối nên đi tất lỏng đi ngủ, mùa đông nên đi tất ấm và đi giày.
Không hút Thu*c lá hoặc ngồi gập chân vì có thể làm giảm máu đến chân.
Điều trị biến chứng thần kinh và mạch máu. Uống aspirin hàng ngày phòng xơ vữa động mạch.
Một số lời khuyên về việc chọn giày và tất:
Không bao giờ được đi chân trần kể cả ở trong nhà để hạn chế nguy cơ bị chấn thương chân.
Chọn giày cẩn thận: nên đi mua giày vào buổi tối khi chân to nhất, chọn giày vừa cả chiều rộng, chiều dài, vừa cả gót và mõm. Tránh các kiểu giày mũi nhọn hoặc gót cao. Nên đi giày da. Khi đi giày mới thì chỉ nên đi mỗi 2-3 giờ thì phải kiểm tra chân một lần vì có thể bị sưng phỏng chân mà không biết. Trước khi xỏ chân vào thì nên kiểm tra bằng tay phía trong giày. Không nên buộc dây giày quá chật hoặc quá lỏng.
Khi có biến dạng bàn chân thì nên đặt đóng loại giày được thiết kế riêng
Nên đi tất khô và sạch, thay tất hàng ngày. Nên chọn các loại tất cotton mỏng đi mùa hè, tránh các loại tất có lỗ hoặc có nếp nhăn.
Tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên về bàn chân mỗi năm một lần để được kiểm tra phát hiện nguy cơ bị loét chân cũng như được hướng dẫn các biện pháp đề phòng loét chân. Những biện pháp này có thể rất đơn giản nhưng nếu được thực hiện đúng và đủ thì hiệu quả sẽ rất lớn, có khi cứu được cả tính mạng và cuộc sống của bạn.
AloBacsi.vn
Theo ThS. Nguyễn Quang Bảy - Sức khỏe & Đời sống
Mạng Y Tế
Nguồn: Alo bác sĩ (http://alobacsi.com/su-nguy-hiem-cua-bien-chung-ban-chan-n5622.html)