Sức khỏe hôm nay

Sự phát triển bất ngờ về kích thước, hệ cơ quan khi thai nhi 6 tuần tuổi

Bước sang tuần thứ 6, thai nhi đã bước vào giai đoạn giữa của tam cá nguyệt thứ nhất. Lúc này, em bé của bạn đã có kích thước tương đương 1 hạt đậu và có sự phát triển vượt bậc về hình dáng, các cơ quan.

Để biết những điều thú vị về sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi, các mẹ bầu đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Siêu âm thai nhi 6 tuần tuổi, mẹ sẽ thấy những thay đổi nào?

Thay đổi về hình dáng bên ngoài

Kích thước thai nhi: Ở tuần thai thứ 6, thai nhi có chiều dài khoảng 0,6cm. Kích thước này tương đương với kích thước của một hạt đậu nhỏ.

Các chi: Tuần thứ 6 cũng là thời điểm mà tứ chi của thai bắt đầu phát triển. Quan sát kỹ có thể thấy, bàn tay và bàn chân bé đang nhô ra từ cánh tay và cẳng chân, giống như hình mái chèo.

Khuôn mặt: Các đường nét, bộ phận trên gương mặt bắt đầu hình thành. Qua hình ảnh siêu âm, mẹ có thể thấy mắt, chóp mũi và tĩnh mạch nhỏ ẩn dưới lớp da mỏng manh của con. Mắt của bé lúc này là hai đốm đen nhỏ chiếm gần 1⁄4 diện tích khuôn mặt, lỗ mũi cũng đã xuất hiện.

Sự phát triển của hệ cơ quan bên trong

Tim: Tuần thai thứ 6, nhịp tim của bé sẽ vào khoảng 110 lần/phút. Đây cũng là thời điểm mà van tim hình thành.

Hệ hô hấp: Các đường dẫn khí từ cổ họng đến phổi bắt đầu được hình thành.

Não: Hai bán cầu não của thai nhi phát triển mạnh mẽ ở tuần thai thứ 6.

Gan: Phát triển, đảm nhiệm chức năng tạo ra tế bào hồng cầu cho tới khi tủy xương được hình thành.

Ruột: Một đoạn ruột sẽ phát triển thành dây rốn, có mạch máu riêng biệt để mang các chất dinh dưỡng, oxy và chất thải ra khỏi cơ thể của bé.

2. Sự thay đổi của cơ thể người mẹ trong tuần thứ 6 của thai kỳ

Cùng với sự phát triển của thai nhi, ở tuần mang thai thứ 6, cơ thể của người mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi rất rõ rệt.

Thay đổi về thể trạng

Mệt mỏi, uể oải: Đây là điều rất dễ gặp phải ở mẹ bầu. Tình trạng mệt mỏi này là do cơ thể mẹ phải thích nghi khi có một sinh linh mới. Điều này cũng được xác định do yếu tố thay đổi nội tiết.

Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn yên tâm bởi đây là những thay đổi bình thường và mẹ sẽ nhanh chóng cân bằng được trạng thái.

Ốm nghén, buồn nôn: Giai đoạn xuất hiện mạnh mẽ nhất của hiện tượng này. Vì vậy, mẹ bầu có thể lựa chọn những món ăn mình yêu thích hay thực hiện các hoạt động thư giãn để cảm thấy ổn hơn.

Đi tiểu nhiều hơn: Xảy ra do khối lượng máu và lượng chất lỏng thận cần xử lý tăng lên. Lượng máu đã tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước thai kỳ. Bên cạnh đó, sự phát triển kích thước của tử cung, gây áp lực lên bàng quang khiến bạn muốn đi tiểu thường xuyên hơn.

Sự thay đổi về tâm trạng

Buồn vui thất thường: Do sự thay đổi lên xuống không đều của các hormone trong thai kỳ khiến mẹ không thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân.

3. Siêu âm thai 6 tuần tuổi qua những hình thức nào?

Rất nhiều mẹ bầu phải tới tuần thứ 6 mang thai mới tới bệnh viện lần đầu để thăm khám, siêu âm. Hiện nay, việc siêu âm thai 6 tuần sẽ được thực hiện qua hai phương pháp phổ biến nhất là siêu âm ổ bụng và siêu âm đầu dò.

Siêu âm ổ bụng

Là phương pháp đặt thiết bị siêu âm, kết hợp với gel siêu âm và thu lại hình ảnh thai nhi thông qua vùng bụng. Để kết qủa của phương pháp này được chính xác thì mẹ nên nhịn tiểu, bàng quang căng.

Nhược điểm của phương pháp siêu âm qua ổ bụng đó là hình ảnh ít chính xác do sóng siêu âm phải cần phải được đi qua nhiều lớp mô khác nhau như lớp mỡ, lớp cơ thành bụng… rồi mới tới tử cung.

Siêu âm đầu dò

Đây là phương pháp mà các bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò để tiến hành thu lại hình ảnh thai nhi qua đường âm đạo. Ưu điểm của phương pháp này đó là cho hình ảnh thai nhi có độ chính xác cao cũng như dễ dàng phát hiện những bất thường ở cơ quan sinh sản.

Phương pháp siêu âm đầu dò là một hình thức siêu âm rất an toàn, được áp dụng ở nhiều phòng khám, bệnh viện. Vì vậy, mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm khi thực hiện phương pháp này nhé.

4. Lời khuyên dinh dưỡng khi mang thai 6 tuần

6 tuần là thời điểm quan trọng để thai nhi phát triển cả hình thái cũng như các hệ cơ quan trong cơ thể. Vì vậy ở thời điểm này, mẹ bầu nên chú ý bổ sung đầy đủ những dưỡng chất quan trọng như sau.

Thực phẩm giàu canxi: 1000mg canxi mỗi ngày là lượng mẹ cần bổ sung khi mang thai tuần 6. Nếu mẹ không bổ sung đủ canxi ở giai đoạn này thì thai nhi sẽ phải sử dụng canxi từ xương, răng cuộc mẹ để tiếp tục phát triển. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bà bầu.

Vì vậy khi mang thai 6 tuần, mẹ nên lựa chọn bổ sung canxi từ những nguồn thực phẩm như sau: tôm, cua, cá, trứng, váng sữa, sữa chua,…

Thực phẩm giàu vitamin D: Vitamin D là vi chất quan trọng để cơ thể có thể hấp thu canxi hiệu quả. Những thực phẩm rất giàu vitamin D có thể kể đến như lòng đỏ trứng gà, tôm, nấm, cá hồi, cá trích… Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể bổ sung nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời buổi sớm.

Các loại thực phẩm giàu chất béo Omega 3: Omega 3 chiếm tới 70% vai trò trong hình thành não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Theo các chuyên gia, trong suốt quá trình mang thai, mẹ cần bổ sung thêm tối thiểu 500mg mỗi ngày và tăng hàm lượng vào cuối thai kỳ.

Những loại thực phẩm mà mẹ có thể lựa chọn để bổ sung nguồn Omega 3 đó là mỡ cá, dầu oliu, dầu ăn,… hoặc trong các viên uống tổng hợp.

Những thực phẩm giàu sắt cho mẹ bầu: Thiếu sắt sẽ gây thiếu máu ở mẹ bầu, gây nguy cơ suy thai và tăng khả năng sinh non. Trong suốt quá trình mang bầu, sắt giữ vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, vận chuyển oxy. Vì vậy mỗi ngày, mẹ nên bổ sung tối thiểu 60mg sắt và điều này cần thực hiện kéo dài sau sinh ít nhất 1 tháng.

Những loại thực phẩm giàu sắt mà mẹ có thể lựa chọn đó là thịt đỏ, đậu đỗ, trứng gà,… và viên uống sắt tổng hợp.

Axit folic: Đây là vi chất đặc biệt cần thiết để hạn chế dị tật ống thần kinh, nhất là trong những tuần đầu mang bầu. Các bác sĩ nhi khoa khuyên rằng, để đảm bảo thai kỳ ổn định, mẹ nên sử bổ sung acid folic trước mang thai 3 tháng với hàm lượng 400 microgam mỗi ngày. Trong thời gian thai kỳ, phụ nữ được khuyên sử dụng 600 microgam acid folic mỗi ngày.

Axit folic rất giàu trong gan động vật, các loại rau màu xanh thẫm, đậu,… và viên uống tổng hợp.

Chất đạm: Có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, nấm. Protein đóng vai trò quan trọng trong hình thành hệ cơ, xương và máu. C

Kẽm: Vi chất này có nhiều trong hải sản, sữa, thịt gia cầm,… Thiếu kẽm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển cân nặng và kích thước vòng đầu của bé. Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung kẽm trong thời gian cho con bú để bé phát triển toàn diện hơn.

5. Những câu hỏi thường gặp khi mang thai 6 tuần

Ở tuần thai thứ 6, chắc hẳn mẹ sẽ có rất nhiều băn khoăn cần tư vấn, giải đáp. Những câu hỏi phổ biến của các bà bầu ở tuần 6 thai kỳ có thể kể đến như:

Mang thai 6 tuần có được quan hệ tình dục không?

Hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc quan hệ tình dục có thể ảnh hưởng tới thai nhi 6 tuần. Tuy nhiên, thời điểm 6 tuần là thời điểm tương đối nhạy cảm, thai nhi chưa bám chắc vào tử cung của người mẹ. Vì vậy, mẹ bầu nên hạn chế quan hệ tình dục trong những tuần đầu tiên này.

Nếu vẫn muốn duy trì hoạt động tình dục ở tuần thai thứ 6, mẹ có thể thực hiện với tần suất thưa hơn, các công tác nhẹ nhàng, tránh kích động.

Mang thai tuần thứ 6 có còn máu báo thai?

Ở những mẹ bầu rụng trứng cuối kỳ kinh và quá trình thụ tinh xảy ra muộn, điều này vẫn có thể xảy ra. Lúc này cũng là thời điểm bào thai đã thụ tinh tiến hành quá trình làm tổ, dẫn tới việc bong một vài lớp niêm mạc tử cung.

Tuy nhiên khi bước sang tuần thứ 6, nếu thấy xuất hiện máu với lượng nhiều hoặc máu kèm đau bụng bất thường, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và đánh giá tình trạng.

Mang thai 6 tuần cần kiêng gì?

Ở tuần mang thai thứ 6, tương đương với khoảng tuần 4 sau thụ tinh, sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu cần tránh để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi cũng như bản thân.

- Tránh những thực phẩm sống, tái: Phở tái, trứng tái, thịt tái, sushi…

- Không ăn rau sống, những thực phẩm chưa chín khác

- Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích dưới bất kỳ hình thức nào

- Tránh xa khói thuốc, bao gồm cả thuốc lá điện tử

- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không có sự chỉ định từ bác sĩ

Thai nhi 6 tuần tuổi đã bắt đầu thành hình với các chi và hệ cơ quan phát triển mạnh mẽ. Lúc này cũng là thời điểm mà mẹ bầu thường xuyên bị những cơn ốm nghén hành hạ. Vì vậy, mẹ hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đủ chất, khoa học, thư giãn tinh thần để có một hành trình mang thai trọn vẹn nhất nhé.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/su-phat-trien-bat-ngo-ve-kich-thuoc-he-co-quan-khi-thai-nhi-6-tuan-tuoi-33149/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY