Dinh dưỡng hôm nay

Sự phát triển của bé trong 1000 ngày đầu đời

Sức khỏe Việt Nam - Trang thông tin chính thức của Bộ Y Tế/

Khái niệm 1000 ngày đầu đời

Theo quan điểm quốc tế, 1000 ngày đầu đời của trẻ được tính từ khi thai nghén trong bụng mẹ cho tới khi trẻ sinh nhật tròn 2 tuổi[1]. Đây là giai đoạn cửa sổ quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời và cả sau này.

Đối với Việt Nam, chưa có bất kỳ một văn bản chính thống nào của nhà nước định nghĩa về 1000 ngày đầu đời. Tuy nhiên các tổ chức quốc tế như UNICEF, Save the Children đều đề cập đến 1000 ngày đầu đời theo quan điểm quốc tế. Các bài viết hoặc trình bày hội thảo trong nước thường tính 1000 ngày từ khi trẻ chào đời cho tới khi sinh nhật tròn 3 tuổi.

Tốc độ phát triển các khớp nối thần kinh từ bào thai tới 24 tháng đầu đời

Nghiên cứu khoa học cho thấy bộ não của trẻ ở giai đoạn 0-2 tuổi phát triển với tốc độ chóng mặt. Khoảng 70%-80% khả năng kết nối giữa các tế bào não được hoàn thiện trước khi trẻ tròn 3 tuổi. Các khớp nối thần kinh phát triển nhanh chóng từ lúc sơ sinh cho tới khi 9 tháng tuổi. Số lượng các khớp nối thần kinh có được ở trẻ 2 tuổi gần tương đương với số lượng ở người người thành (Hình 1). Tới giai đoạn trưởng thành, một số khớp nối còn bị ch*t đi do không được hoạt hóa và một số khác thì phát triển đa chiều do các trải nghiệm cuộc sống mang lại.

Hình 2 cho thấy các khớp nối thần kinh bắt đầu được hình thành từ khi thai nhi 28 tuần tuổi và đạt đỉnh điểm về phát triển số lượng khi trẻ 6 – 24 tháng. Trung bình có 700 khớp nối thần kinh được kết nối trong một giây ở giai đoạn trước 24 tháng tuổi[2]. Từ 2 đến 5 tuổi, sự phát triển các khớp nối thần kinh trêm 1mm3 vẫn tăng trưởng, nhưng có xu hướng giảm dần.

Hình 1: Sự phát triển các khớp nối thần kinhHình 2: phân bố số lượng khớp nối thần kinh/1mm3, phân bố theo độ tuổi
  

Sự phát triển các giác quan trong 1000 ngày đầu đời

Khoa học thế kỷ 21 đã đạt được nhiều tiến bộ trong nghiên cứu sự phát triển và tiềm năng con người, trong đó phải kể đến thành tựu nghiên cứu về sự phát triển các giác quan, làm nền tảng cho các định hướng giáo dục trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và những người có dự định sinh con.

Nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn cuối thai kỳ (7-9 tháng), các giác quan về nghe, nhìn, khả năng ngôn ngữ và nhận thức của trẻ đã bắt đầu manh nha phát triển. Bắt đầu từ lúc sơ sinh đến 6 tháng tuổi, thính giác và thị giác phát triển với tốc độ rất nhanh và phát triển với tốc độ chậm hơn trong giai đoạn 6 tháng đến 5 tuổi[3]. Do vậy các chương trình đánh giá phát triển trẻ toàn diện của Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định trong tổng số 9 đợt đánh giá phát triển từ sơ sinh tới 5 tuổi, giai đoạn 2 tuần tuổi và giai đoạn 6-8 tháng tuổi là giai đoạn vàng để đánh giá khả năng thính lực của trẻ.

Ngôn ngữ của trẻ có giai đoạn phát triển rực rỡ từ 4 đến 12 tháng và nhận thức phát triển đỉnh cao ở giai đoạn 12 tháng. Đồ thị hình 3 cho thấy đỉnh cao phát triển các giác quan,  ngôn ngữ và nhận thức của trẻ đều đạt đỉnh điểm trong giai đoạn 0-12 tháng đầu đời và cho đến năm 2 tuổi, sự phát triển này đã gần như hoàn thiện, ngoại trừ chức năng nhận thức, sẽ được tiếp tục tích lũy và phát triển. Tuy nhiên, khả năng phát triển nhận thức cũng giảm dần tốc độ khi trẻ ngoài 5 tuổi.

Hình 3: Quá trình phát triển các giác quan
 

Giáo sư Bruner (người Mỹ) đã chỉ ra rằng: tác động từ ngoại cảnh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ của trẻ thơ[4]. Ông đã làm thí nghiệm kiểm chứng như sau: Ông chia những đứa trẻ sơ sinh ra làm 2 nhóm, một nhóm được nuôi trong môi trường yên tĩnh và nhóm kia cho vào căn phòng xung quanh là tường và kính có thể nhìn thấy và nghe thấy rõ các bác sỹ, y tá đang làm việc, các dụng cụ trần nhà, giường chiếu trong phòng đều được trang trí hoa văn rất màu sắc, thêm vào đó phòng được mở nhạc thường xuyên. Hai nhóm trẻ được nuôi như vậy trong vòng 1 tháng, sau đó lần lượt đo chỉ số trí tuệ của mỗi đứa trẻ. Người ta đưa lại gần mắt trẻ một vật phát sáng nhỏ, rồi quan sát xem khi nào trẻ có thể đưa ra phản xạ cầm lấy vật sáng, dựa vào điều này để đánh giá chỉ số phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ. Kết quả cho thấy: nhóm trẻ được nuôi trong phòng yên tĩnh có trí tuệ phát triển chậm hơn nhóm kia chừng 3 tháng. Chúng ta cần biết sự phát triển bộ não của trẻ giai đoạn 0-3 tuổi tương ứng với sự phát triển bộ não của người giai đoạn 4 – 17 tuổi. Điều này cho thấy 1 tháng trong giai đoạn 0-3 tuổi có vai trò quan trọng như thế nào.

Hiệu quả đầu tư cho 1000 ngày đầu đời

Đầu tư sự phát triển của trẻ ở giai đoạn đầu đời là chiến lược giảm nghèo cho các nước đang phát triển[5]. Đây chính là thông điệp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và các nhà khoa học, được nhấn mạnh trong tạp chí Lancet 2011 với chủ đề chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ giai đoạn đầu đời[6].

Về mặt khoa học hành vi, khả năng thay đổi thích ứng của não với các trải nghiệm của cuộc sống thuận lợi nhất ở giai đoạn sơ sinh đến 10 tuổi và đặc biệt tốt ở giai đoạn 0-2 tuổi. Sau giai đoạn đó, những nỗ lực, cố gắng để thay đổi, để tiếp thu sẽ mất nhiều hơn để có được hành vi như ý. Điều đó giải thích vì sao khi về già, chúng ta khó thay đổi hành vi, mặc dù hiểu rằng thay đổi là rất tốt.

Hình 4: Hiệu quả kinh tế đầu tư cho giai đoạn đầu đờiHình 5: Khả năng thay đổi thích ứng của não bộ và hành vi con người giảm dần theo độ tuổi
  

Kết luận

    Đầu tư cho 1000 ngày đầu đời từ lúc mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là chiến lược đầu tư đúng, ở cả cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội (quốc gia).

Nguồn: phongkhamcaythongxanh.org.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5ce0a64c333085325d5108c2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY