Sức khỏe hôm nay

Sự phát triển của thai nhi 35 tuần và những thay đổi của mẹ bầu nhất định phải biết

Thai nhi 35 tuần tuổi đã gần đạt được sự hoàn thiện như một em bé sơ sinh với kích thước tương đương như một quả dưa lưới cỡ vừa. Ở tuần này, bé sẽ ít nhào lộn do tử cung tương đối chật chội, tuy nhiên bé sẽ đạp nhiều hơn.

Mẹ bầu khi mang thai tuần 35 cũng có những thay đổi đáng kể về sắc vóc, tâm sinh lý. Để biết cụ thể hơn sự phát triển của thai nhi cũng như cách chăm sóc bà bầu mang thai 35 tuần, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

1. Tổng quan về sự phát triển của thai nhi 35 tuần

1.1. Chiều dài, cân nặng

Thai nhi 35 tuần sẽ đạt khoảng 2,38kg - 2,5kg. Chiều dài tính từ đầu - chân của thai nhi sẽ vào khoảng 46cm. Từ tuần này, mỗi tuần thai nhi có thể tăng trưởng thêm 200 gram và dài thêm khoảng 1cm mỗi tuần.

Các chỉ số khác của thai nhi ở tuần 35 sơ bộ như sau:

BPD: Đường kính lưỡng đỉnh: 81 - 93mm, trung bình khoảng 87mm

FL: Chiều dài xương đùi: 62 - 74mm, trung bình 67mm

AC: Chu vi bụng: 279 - 350mm, trung bình 315mm

HC: Chu vi đầu: 304 - 341mm, trung bình 322mm

1.2. Các cơ quan trong cơ thể

Làn da: Làn da hồng hào, căng mịn hơn; lớp lông tơ cũng không còn rõ rệt

Tóc, lông mày, lông mi: Mọc dài hơn, dày hơn và rõ nét màu sắc

Móng tay, móng chân: Phát triển dài ra liên tục và cứng cáp

Cơ quan nội tạng: Đã hoàn thiện, thận được phát triển và sản sinh nước tiểu hằng ngày

Gan: Bắt đầu hoạt động ổn định và đã có thể xử lý một số sản phẩm thải

Trí não: Tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vai trò là trung tâm chỉ huy mọi hoạt động của cơ thể.

1.3. Hoạt động của thai nhi

Bước sang tuần 35, thai nhi dần ổn định vị trí và di chuyển dần thấp hơn trong khung xương chậu của mẹ. Ở tuần này, khoảng trống trong tử cung cũng như trong bụng mẹ đã thu hẹp dần. Vì vậy, thai nhi sẽ rất khó để thực hiện các cú nhào lộn. Thay vào đó, thai nhi sẽ có xu hướng đạp mẹ, xoay người trái phải nhiều hơn.

Với những trường hợp song thai thì sự chật chội sẽ còn tăng lên đáng kể. Thậm chí nếu mẹ theo dõi hằng ngày thì còn thấy vòng bụng sẽ tăng từng ngày.

Các hoạt động khác trong bụng mẹ như nuốt, thở, nghịch dây rốn, mút ngón tay chân… cũng diễn ra liên tục.

2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 35

Khi bước vào tuần thai 35, cơ thể mẹ bầu sẽ nặng nề hơn và có những thay đổi rõ rệt về mặt tâm lý cảm xúc. Cụ thể những thay đổi của mẹ ở tuần thai 35 như sau:

Đi tiểu nhiều hơn

Thai nhi lớn cũng là lúc tử cung, bàng quang và hệ bài tiết phải chịu nhiều áp lực hơn. Với bàng quang lúc này sẽ chứa được rất ít nước tiểu và liên tục phải đào thải ra ngoài. Vì vậy mà mẹ bầu luôn cảm thấy buồn tiểu và đi tiểu nhiều hơn.

Mặc dù việc đi tiểu nhiều sẽ dẫn đến không ít những phiền phức, khó chịu song mẹ vẫn cần bổ sung đầy đủ nước, không được để cơ thể thiếu nước. Uống đủ nước sẽ giúp việc chuyển hoá năng lượng, dưỡng chất được trơn tru, thai nhi ổn định và không gây ra các vấn đề về tiêu hoá.

Ợ nóng kéo dài

Tương tự như việc tạo áp lực lên bàng quang, thai nhi lớn cũng sẽ tạo áp lực lên dạ dày của mẹ và gây ra chứng ợ nóng thai kỳ. Điều này dự báo sẽ còn tăng trong những tuần tiếp theo và chỉ biến mất khi em bé chào đời.

Táo bón

Chắc hẳn mẹ bầu đã gặp hiện tượng này ở các tuần trước đó rồi phải không ạ? Tuy nhiên đến tuần 35 của thai kỳ, tình trạng này có phần nghiêm trọng hơn. Để cải thiện, mẹ cần tăng cường chất xơ, uống đủ nước. Nếu táo bón kéo dài và nghiêm trọng, mẹ có thể tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ.

Phù nề

Phù nề là hiện tượng bình thường xảy ra ở rất nhiều phụ nữ mang thai. Phù nề là do nguyên nhân các động mạnh chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu bị tử cung chèn ép sẽ dẫn đến máu không xuống đến chân.

Khi bị phù nề, mẹ bầu không cần quá lo lắng. Tuy nhiên nếu nhận thấy khuôn mặt hoặc quanh mắt bị sưng hay việc phù nề gây khó chịu kéo dài, mẹ cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra, theo dõi.

Đau cột sống lưng

Thai nhi và tử cung lớn sẽ khiến cho các dây thần kinh và mạch máu ở sau lưng bị chèn ép. Cùng với đó, nồng độ estrogen và progesterone tăng cao khiến các khớp và dây chằng lỏng lẻo làm cột sống lưng bị đau. Ngoài ra, hiện tượng này cũng có thể bắt nguồn từ việc mẹ bầu không bổ sung đủ canxi khi mang thai.

Ngoài những triệu chứng thay đổi điển hình nêu trên, bà bầu mang thai 35 tuần còn gặp nhiều tình trạng như: hay quên, dễ cáu, tâm trạng lo lắng, suy giãn tĩnh mạch, các cơn co tử cung giả, các cơn nhức đầu thường xuyên…

3. Lời khuyên của bác sĩ khi mang thai 35 tuần

3.1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng

Tuần thứ 35 nói riêng và những tuần cuối của thai kỳ nói chung, cả mẹ và bé đều cần bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn so với các tuần khác. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là mẹ ăn càng nhiều càng tốt.

Trên thực tế, mẹ nên bổ sung lượng thức ăn như đã khuyến cáo với các nhóm dưỡng chất đa dạng. Mẹ cũng nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để có thể giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giúp con phát triển toàn diện.

Bên cạnh dinh dưỡng từ thực phẩm, mẹ cũng cần bổ sung những dưỡng chất từ nguồn tổng hợp. Cụ thể, mẹ sẽ sử dụng thêm sắt, canxi, acid folic cũng như vitamin tổng hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ. Mẹ cũng không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm nào mà không có sự chỉ dẫn, tham khảo, đánh giá kỹ lưỡng.

3.2. Chuẩn bị đồ đi sinh

Nhiều bà mẹ cho rằng, vẫn còn quá sớm để chuẩn bị các vật dụng sơ sinh ở tuần thai thứ 35. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ khoảng 1 - 2 tuần nữa thôi, thai nhi của bạn có thể chào đời bất kỳ lúc nào.

Vì vậy mà ngay từ tuần này, mẹ nên lên danh sách chuẩn bị những vật dụng thiết yếu cần mua. Sau đó, mẹ có thể bắt đầu lựa chọn những sản phẩm phù hợp và sắp xếp lại để sẵn sàng chờ cho ngày dự sinh.

Ngoài ra, các loại giấy tờ cần thiết như giấy tờ tùy thân, siêu âm khám thai… cũng nên được chuẩn bị cẩn thận trước từ giai đoạn này.

3.3. Theo dõi sát các hoạt động của thai nhi

Ở tuần 35, nguy cơ sinh non của mẹ bầu xảy ra với tỷ lệ thấp. Tuy nhiên mẹ cũng không nên chủ quan mà cần theo dõi cơ thể, hoạt động của thai nhi hằng ngày.

Lúc này, thai nhi đã không còn nhào lộn liên tục trong bụng mẹ nữa. Các kết nối, nhận biết chủ yếu thông qua những cú đạp của con. Mẹ có thể đếm tần suất đạp, thời gian đạp và ghi chú lại sau đó theo dõi.

Mẹ bầu 35 tuần cũng nên tìm hiểu và phân biệt các cơn gò sinh lý với các cơn gò chuyển dạ để nhận biết kịp thời, không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả hai mẹ con.

Ngoài ra, khi có bất kỳ dấu hiệu không ổn định nào như thai ngừng đạp, thai đạp chậm và ít hơn, chảy máu âm đạo, rỉ ối… thì mẹ cũng cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra.

4. Những câu hỏi thường gặp ở tuần thai 35

4.1. Thai sinh non ở tuần 35 có sao không?

Nếu xảy ra hiện tượng chuyển dạ và sinh con ở tuần 35 thì em bé của bạn vẫn được tính là sinh non. Lúc này tuỳ theo tình hình mà bác sĩ có thể chỉ định sinh thường hoặc sinh mổ để đảm bảo an toàn.

Thai nhi khi sinh ở tuần 35 vẫn cần phải theo dõi và có sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị y tế. Em bé sau khi được chăm sóc đặc biệt vẫn sẽ lớn lên, phát triển bình thường như những trẻ sinh đủ ngày tháng.

Tuy nhiên với những trẻ sinh non, trong đó có việc sinh non ở tuần 35 sẽ gặp nhiều nguy cơ về bệnh tim, hệ hô hấp, hệ miễn dịch… Vì vậy mà việc chăm sóc trẻ sinh non cũng cần được chú ý, quan tâm nhiều hơn.

4.2. Tuần 35 đã được ăn các thực phẩm kích thích chuyển dạ chưa?

Có rất nhiều các loại thực phẩm có khả năng kích thích việc chuyển dạ theo quan niệm của dân gian. Những loại thực phẩm này có thể kể đến như dứa chín, chè vừng đen, nước tía tô…

Khi thai nhi bước vào tuần 35 tức là cả mẹ và bé vẫn còn tới 5 tuần nữa để tiếp tục phát triển, hoàn thiện. Vì vậy đây chưa phải là thời điểm thích hợp để sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ sinh dễ.

Theo lời khuyên cũng như kinh nghiệm dân gian, mẹ chỉ nên bắt đầu sử dụng những loại thực phẩm này từ tuần mang thai thứ 37 - 38 trở đi với lượng phù hợp.

4.3. Mang thai 35 tuần đã làm hồ sơ sinh chưa?

Hồ sơ sinh là những giấy tờ cần thiết mẹ cần làm trước khi đến tuần sinh nở. Tuy nhiên ở tuần 35 thì vẫn còn quá sớm để tiến hành làm hồ sơ sinh.

Mặc dù vậy từ tuần này, mẹ cũng nên xác định và đăng ký bệnh viện nơi sẽ dự kiến sinh. Điều này sẽ giúp mẹ chủ động hơn, quen với không gian bệnh viện cũng như tâm lý cần thiết để chờ ngày sinh.

Thai nhi 35 tuần tuổi tương đương với tuần cuối trong tháng mang thai thứ 8 của thai kỳ. Thai nhi ở tuần này đã đạt được sự ổn định nhất định. Nếu có sinh trong tuần này, em bé của bạn vẫn có cơ hội sống sót cao, phát triển bình thường.

Để chăm sóc tốt cho thai nhi, mẹ nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, nghỉ ngơi đầy đủ hợp lý. Ngoài ra, mẹ cũng nên chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng cần thiết để chờ ngày dự sinh.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/su-phat-trien-cua-thai-nhi-35-tuan-va-nhung-thay-doi-cua-me-bau-nhat-dinh-phai-biet-33571/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY