Sức khỏe hôm nay

Sự thay đổi nào của thai nhi 9 tuần tuổi mẹ cần nắm rõ?

Bước sang tuần thứ 9, em bé của bạn đã lớn bằng một quả nho. Lúc này, thai nhi đã có rất nhiều sự thay đổi về hình thái, kích thước, nhịp tim so với tuần thai thứ 8.

Vậy thai 9 tuần tuổi, sẽ có những sự thay đổi nào mà mẹ bầu cần nắm rõ? Tất cả những thắc mắc của mẹ bầu khi mang thai 9 tuần sẽ có trong bài viết dưới đây.

Thai nhi tuần 9 phát triển như thế nào?

Ở tuần thứ 9, thai nhi vẫn nằm trong quá trình phát triển của tam cá nguyệt thứ nhất. Lúc này, kích thước và cân nặng của thai nhi đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể những thay đổi này đó là:

Những thay đổi về hình dáng, kích thước

Kích thước thai nhi: Khi bước sang tuần thứ 9, bé có thể đạt tới chiều dài khoảng 2,5cm, tức là có kích thước tương đương với một trái nho. Lúc này, các khớp vai, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay,... đã phát triển và em bé của bạn đã có những cử động linh hoạt hơn.

Khi siêu âm, bạn cũng có thể nhận ra cột sống qua lớp da mỏng, dây thần kinh cũng bắt đầu căng ra từ tủy sống. Não của bé cũng đang phát triển khá mạnh mẽ ở tuần này trở đi.

Móng tay và móng chân của thai nhi: Bước sang tuần thứ 9, lớp móng tay và móng chân đã hình thành và hoàn thiện hơn. Cùng với đó, các lớp màng giữa các ngón mất dần đi, lớp lông tơ bắt đầu xuất hiện trên da của bé.

Cổ tay của thai nhi: Nhờ sự phát triển của các khớp mà vùng cổ tay của bé cũng hoạt động nhiều hơn. Với những bé hiếu động, các bé còn có thể uốn và đặt tay gọn gàng trên vùng ngực.

Khuôn mặt của thai nhi: Khuôn mặt rõ nét, thành hình với các bộ phận như tai, mắt, mũi, miệng có thể được nhìn rõ qua ảnh siêu âm. Đặc biệt đôi tai đã hoàn thiện cả bên trong lẫn bên ngoài và thính giác đã phát triển. Lúc này, bé có thể bắt đầu cảm nhận âm thanh từ bên ngoài.

Những thay đổi về hệ cơ quan của bé

Bước sang tuần thứ 9, những bộ phận nằm bên trong người bé như gan, thận, não,... đã bắt đầu hoạt động để sản xuất tế bào máu trong suốt thai kỳ. Em bé của bạn ở giai đoạn này cũng đã bắt đầu nuốt chất lỏng vào trong và thực hiện sự trao đổi chất.

Tuần thai thứ 9 cũng là thời điểm mà nhau thai thực hiện hoạt động chính là sản xuất hormone và cung cấp dưỡng chất nuôi tế bào thai.

Ở tuần thai thứ 9, cơ quan sinh dục của bé đã thành hình và bắt đầu phát triển. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn chưa thể biết chính xác qua ảnh siêu âm mà phải đợi tới tuần 15 - 16 nhé.

Cũng ở giai đoạn này, nhịp tim của thai nhi có thể đo được vào khoảng 170 lần/nhịp và có thể tăng lên 180 lần/nhịp nếu bé nghịch ngợm trong bụng mẹ.

Sự thay đổi của cơ thể người mẹ trong tuần thứ 9 của thai kỳ

Cùng với sự phát triển của thai nhi, cơ thể của người mẹ khi mang thai 9 tuần cũng có nhiều sự thay đổi rõ rệt hơn so với thời điểm trước đó. Cụ thể những thay đổi này là gì, hãy cùng khám phá nhé.

Những thay đổi về cơ thể

Tử cung to hơn, vòng bụng, mông lớn hơn: Cùng với sự thay đổi kích cỡ bầu ngực ở giai đoạn đầu, thời điểm này, tử cung và vùng bụng, mông của mẹ bầu đã có sự tăng kích thước đáng kể.

Lúc này, mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được sự căng chật từ những chiếc quần. Thậm chí ở một vài mẹ bầu, dấu hiệu tăng cân cũng bắt đầu xuất hiện.

Nổi tĩnh mạch, hoa mắt chóng mặt: Khi mang thai ở tuần thứ 9, lượng máu của mẹ bầu sẽ tiếp tục tăng. Điều này có thể dẫn tới các biểu hiện như tĩnh mạch nổi rõ ở tay, chân hoặc chảy máu mũi…

Đi vệ sinh nhiều hơn: Tử cung lớn đồng nghĩa với việc bàng quang bị chèn ép nhiều hơn dẫn tới tình trạng đi vệ hơn.

Những thay đổi về cảm xúc

Bước sang tuần thứ 9, mẹ bầu đã quen dần với việc có thêm một sinh linh bé bỏng trong cơ thể. Lúc này, phần đa tâm trạng mẹ đã dần tốt hơn, cảm thấy phấn chấn, bớt lo lắng, rầu rĩ hơn.

Với những mẹ bầu trước đây hay có tâm trạng khó chịu, cáu gắt, cảm thấy không được thoải mái tinh thần… thì ở giai đoạn này, cảm xúc, tâm lý cũng sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Siêu âm thai tuần thứ 9 - Những lưu ý quan trọng

Tuần 9 - Cột mốc siêu âm thai cần ghi nhớ

Tuần thai thứ 9 là mốc cần phải theo dõi kỹ lưỡng để kịp thời phát hiện những bất thường, từ đó có được những biện pháp xử lý phù hợp, tránh những nguy hại có thể xảy ra cho mẹ và bé.

Rất nhiều trường hợp, sự cố thai kỳ đã được phát hiện thông qua siêu âm thai 9 tuần tuổi. Trong đó, những điều thường gặp nhất có thể thấy như bé không có tim thai, thai lưu…

Vì vậy trong quá trình mang thai đầu tiên này, mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám được các bác sĩ chỉ định để có thể theo dõi sự phát triển của thai kỳ một cách chính xác, an toàn, ổn định nhất.

2 hình thức siêu âm thai nhi 9 tuần tuổi phổ biến nhất hiện nay

Để biết được sự phát triển của thai nhi 9 tuần tuổi, các bác sĩ có thể thực hiện việc chẩn đoán hình ảnh thông qua hai phương pháp siêu âm là siêu âm đầu dò và siêu âm ổ bụng.

Siêu âm đầu dò: Là hình thức siêu âm mà các bác sĩ sẽ đặt một đầu dò vào âm đạo của người mẹ. Lúc này, sóng siêu âm sẽ giúp thu lại hình ảnh của thai nhi.

Siêu âm ổ bụng: Các bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị siêu âm cùng với một loại gel siêu âm đặc biệt và thu lại hình ảnh thai nhi từ vùng bụng của mẹ.

Trong hai phương pháp siêu âm trên, phương pháp siêu âm đầu dò sẽ cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên nếu không có bất kỳ bất thường nào về thai nhi thì ở tuần này, phần đa các bác sĩ sẽ chỉ thực hiện việc siêu âm ổ bụng.

Những lưu ý khi chăm sóc mẹ bầu mang thai 9 tuần

Ở tuần thai thứ 9, mẹ bầu vẫn cần hết sức cẩn trọng trong việc ăn uống, sinh hoạt. Dưới đây là những lưu ý mà các bác sĩ khuyên mẹ bầu nên tuân thủ trong quá trình mang thai.

Sử dụng những thực phẩm, chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Ở tuần thứ 9 của thai kỳ, mẹ bầu vẫn cần đảm bảo 4 nhóm chất bổ sung cho cơ thể đó là:

  • Chất bột đường (carbohydrate);

  • Chất đạm (protein);

  • Chất béo (lipid);

  • Các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Ở giai đoạn này, mẹ chưa cần tăng cân mà chỉ cần duy trì chế độ ăn uống bình thường, đảm bảo đủ và ngon miệng là được. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chú ý đặc biệt hơn tới những nhóm chất sau.

Acid Folic

Acid Folic là vi chất quan trọng để phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung viên uống acid folic nên kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ.

Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ bầu hãy tiếp tục bổ sung acid Folic. Ngoài viên uống, những thực phẩm chứa nhiều acid folic có thể kể đến như bông cải xanh, rau chân vịt, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc thô, quả bơ…

Canxi

Canxi sẽ giúp mẹ bầu có hệ xương chắc khỏe, hạn chế tình trạng đau lưng khi mang thai. Bên cạnh đó, canxi còn giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và thần kinh của mẹ bầu và thai nhi hoạt động bình thường.

Ở giai đoạn này, nếu sức khoẻ của mẹ bình thường, mẹ chưa cần uống canxi từ ngoài mà có thể bổ sung thêm từ thực phẩm giàu canxi như: sữa, bông cải xanh, cải xoăn, nước ép trái cây, ngũ cốc…

Vitamin D

Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời buổi sớm. Vì vậy mẹ bầu đừng quên tắm nắng thường xuyên ở giai đoạn này cho cả hai mẹ con nhé.

Cùng với đó, các thực phẩm như cá hồi, sữa, nước cam… cũng rất giàu vitamin D. Vitamin D cùng với canxi sẽ hỗ trợ cho sự phát triển xương của thai nhi, hạn chế nguy cơ tiền sản giật ở mẹ.

Protein

Protein là một dưỡng chất quan trọng, không thể thiếu trong suốt quá trình mang thai, trong đó có giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Protein sẽ giúp cho sự phát triển của các mô và cơ quan của em bé, đặc biệt là bộ não; hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của mẹ trong thai kỳ.

Để bổ sung protein hay chất đạm khi mang thai tuần thứ 9, mẹ nên sử dụng các thực phẩm như thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng, các loại hạt, đậu, sản phẩm từ đậu nành...

Sắt

Khi mang thai, cơ thể của mẹ cần thêm khoảng 50% lượng máu để nuôi thai nhi. Vì vậy, mẹ cần bổ sung thêm 1000 mg sắt/ngày để tăng lượng máu của mẹ, cung cấp đủ máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.

Cùng với viên sắt uống, mẹ có thể bổ sung sắt cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm như thịt đỏ, trứng, rau muống, củ dền, nước trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng cường hấp thu chất sắt.

Magie

Magie cũng là vi chất cần thiết khi mang thai những tuần đầu tiên. Bổ sung đầy đủ Magie cho cơ thể mẹ bầu sẽ giúp tăng cường sức khỏe hệ cơ, trong đó có các cơ đang nâng đỡ tử cung.

Mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 9 có thể bổ sung thêm Magie cho cơ thể thông qua các loại rau xanh, các loại hạt họ lạc, đỗ tương, hạt bí, hạt dưa, hạt hướng dương và ngũ cốc nguyên cám.

Những thực phẩm cần kiêng, tránh trong quá trình mang thai 9 tuần

Cùng với những thực phẩm tốt, sẽ có những loại thực phẩm mà mẹ bầu cần tránh khi mang thai tuần thứ 9 để giúp cơ thể mẹ và thai nhi luôn khỏe mạnh ổn định. Những thực phẩm đó lá:

Những thực phẩm gây co bóp tử cung mạnh: Rau ngót, đu đủ xanh

Những thực phẩm dễ gây ngộ độc: Nội tạng động vật, thức ăn tái, thức ăn sống, đồ ăn mất vệ sinh

Bên cạnh đó, mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 9 cũng cần tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá; tránh lạm dụng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý quan trọng khi khi mang thai 9 tuần

Hạn chế vận động mạnh, mang vác nặng

Mặc dù đã bước sang tuần thứ 9 thế nhưng, thai nhi của bạn vẫn chưa thể khẳng định là thực sự ổn. Vì vậy ở tuần này, mẹ bầu vẫn cần tránh những hoạt động thể chất nặng để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của cả mẹ và con.

Kiêng hoặc hoạt động tình dục nhẹ nhàng

Đây là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu. Hiện nay, không có bất kỳ khuyến cáo nào nói rằng mẹ bầu không được quan hệ khi mang thai. Tuy nhiên, việc quan hệ cần tuỳ theo tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

Để đảm bảo an toàn, ổn định cho cả mẹ và thai nhi, mẹ bầu nên quan hệ tình dục nhẹ nhàng, tránh những tư thế phức tạp gây ảnh hưởng tới thai nhi.

Lời khuyên khi mẹ bầu ốm nghén

Ở tuần thai thứ 9, với những chị em bị ốm nghén thì tình trạng này vẫn chưa dứt hẳn, thậm chí có phần nghiêm trọng hơn. Để giảm thiểu tình trạng ốm nghén, chị em có thể sử dụng tới một số mẹo dân gian như:

  • Ngậm một lát gừng nhỏ để giảm cơn buồn nôn. Tuy nhiên, nếu bạn bị huyết áp thấp, lượng đường thấp hay loãng máu thì không nên dùng phương pháp này.

  • Dùng bạc hà, chanh tươi: Tinh dầu bạc hà hay chanh tươi có thể giúp mẹ bầu dễ chịu hơn, từ đó giảm cảm giác ốm nghén

  • Ăn các loại hoa trái mình thích cũng có thể khiến các mẹ bầu cảm thấy tốt hơn, từ đó có thể sức để chống lại những cơn ốm nghén

  • Đọc sách, nghe nhạc, ngồi thiền… cũng là những gợi ý tuyệt vời cho những mẹ bầu mang thai tuần thứ 9 có các triệu chứng ốm nghén nặng.

  • Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể nghe nhạc và nói chuyện với thai nhi. Lúc này, thai nhi đã có thể cảm nhận được âm thanh từ bên ngoài. Nói chuyện với em bé của mình sẽ giúp cải thiện tâm trạng mẹ bầu, từ đó cải thiện tình trạng ốm nghén ở tuần thai thứ 9.

Thai nhi 9 tuần tuổi, tức là khoảng hơn 2 tháng theo cách tính thông thường. Đây vẫn là mốc thời gian vàng, thai nhi cần được mẹ bảo vệ tuyệt đối. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, mẹ bầu đã nắm rõ về sự phát triển của thai nhi cũng như có được những biện pháp chăm sóc, bảo vệ con hợp lý.

Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, cán đích thành công.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/su-thay-doi-nao-cua-thai-nhi-9-tuan-tuoi-me-can-nam-ro-33095/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY