Sức khỏe hôm nay

Sự tuyệt diệu của phương pháp Shichida: Giáo dục là không nhồi nhét

Bạn có định dạy con theo phương pháp giáo dục Shichida - một phương pháp có nguồn gốc từ Nhật Bản, mới “du nhập” vào Việt Nam trong thời gian gần đây và đang gây ra những “cơn bão” lớn nhỏ trong cộng đồng các bậc cha mẹ trẻ

“Thiên tài đều tập trung vào não phải, không phải não trái… mỗi đứa trẻ từ 0-6 tuổi đều có những khả năng bẩm sinh ở bán cầu não phải. Tuy nhiên, nếu không được chú ý thì những khả năng này sẽ bị bỏ lỡ và biến mất hoàn toàn khi trẻ lên 6” - Đó chính là quan điểm của Giáo sư Makoto Shichida, người sáng lập phương pháp giáo dục Shichida Nhật Bản, một nhân vật có uy tín lớn ở Nhật.

Giáo sư Makoto Shichida đã nhận được rất nhiều giải thưởng cho những đóng góp của mình đối với nền giáo dục mầm non. Năm 1978, ông đã thành lập Viện Giáo Dục Trẻ Em Shichida (Nhật Bản). Đến nay, hơn 450 trung tâm Shichida đã được thành lập trên khắp nước Nhật và Phương Pháp Shichida đã được công nhận trên toàn thế giới.

Nói đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ tò mò không hiểu Shichida này thực chất là gì. Nhiều người cho rằng Shichida là những cách giúp khai thác tiềm năng của não phải. Thế nhưng, thực chất, đây là một phương pháp giáo dục tập trung vào việc nuôi dưỡng, bồi dưỡng tâm hồn của một đứa trẻ. Nó khác các phương pháp khác ở chỗ đây không phải là một kiểu giáo dục nhồi nhét mà là sự giáo dục tập trung vào não bộ con người thông qua những trò chơi, hình ảnh, và sự tương tác của mẹ và bé.

Ảnh minh họa

Sơ sinh: Giai đoạn vàng

Theo quan điểm của Shichida, mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài và ngay cả khi mới lọt lòng, bé đã có những khả năng tiềm tàng vô hạn. Vậy nên, phương pháp này thực sự bắt đầu từ rất sớm, khi trẻ mới được 0-3 tháng tuổi. Theo đó, sẽ có rất nhiều bài tập giúp con làm quen và nhận biết thế giới trong giai đoạn này.

Điểm đặc biệt là phương pháp Shichida không chỉ giáo dục trẻ, mà còn cùng lúc hướng dẫn và giáo dục các bậc phụ huynh. Khi trẻ phát triển thì cha mẹ cũng phát triển theo. Với cách giáo dục này, ít nhất phải có cha hoặc mẹ cùng học với bé. Do vậy, Shichida chỉ có thể thành công khi có mối liên kết giữa bố mẹ và còn cái, còn không, nó sẽ trở nên vô giá trị.

Theo các chuyên gia, khi khi áp dụng Shichida, nghĩa là, cùng với quá trình phát triển của bé, cha mẹ sẽ học hỏi được nhiều kỹ năng trong cuộc sống, cũng như cách nuôi dạy và giáo dục con cái, đồng thời, học cách trở thành một người cha, người mẹ gương mẫu, một công dân tốt.

Có lẽ chính vì những ưu điểm trên mà ngay khi vừa “du nhập” vào Việt Nam, phương pháp giáo dục Shichida đã được nhiều bậc cha mẹ vô cùng hào hứng đón nhận.

5 nguyên tắc cốt lõi

Cũng như nhiều phương pháp giáo dục khác, để có thể giáo dục trẻ thành công theo phương pháp Shichida, cha mẹ cần nằm lòng các nguyên tắc sau:

Thứ nhất: Con trẻ khi sinh đều là một cá nhân hoàn hảo, sự phát triển của bé phụ thuộc vào môi trường sống và cách dạy dỗ của cha mẹ. Mọi trẻ em đều mong muốn được yêu thương, nhìn nhận và khen ngợi. Cha mẹ giỏi là cha mẹ nắm bắt được tâm lý này và khéo léo dạy con thông qua những lời khen ngợi. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng sự cân bằng giữa nghiêm khắc và tình thương là vô cùng quan trọng trong quá trình nuôi dạy con. Chỉ mắng đúng lỗi lầm mà trẻ phạm phải, không la mắng chung chung và không nhắc lại lỗi lầm của trẻ ngày này qua ngày khác. Ba mẹ hãy luôn nhớ, không có đứa trẻ hư chỉ có hành động chưa đúng.

Thứ hai: Cha mẹ đừng xem trạng thái hiện tại của con là trạng thái đã hoàn thiện. Bởi vì thực tế trong quá trình phát triển và trưởng thành con sẽ bộc lộ nhiều điều cần phải uốn nắn và điều đó cần sự kiên trì và nỗ lực cùng con hàng ngày của cha mẹ.

Thứ ba: Đừng là những bậc cha mẹ quá cầu toàn, đừng đòi hỏi ở con quá nhiều bởi vì bản thân cha mẹ cũng đâu có hoàn hảo đúng không bạn. Hãy biết chấp nhận những điểm yếu của con và cùng con khắc phục nó, cuộc sống là luôn luôn hoàn thiện bản thân mình.

Thứ tư: Đừng so sánh con với trẻ khác: Sai lầm thường thấy của cha mẹ là hay so sánh con với các trẻ khác. Sai lầm này khiến cho việc nuôi dạy trẻ con trở nên khó khăn hơn. Khi cha mẹ không thấy con đạt thành tựu như các trẻ khác họ trở nên buồn và thất vọng. Mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, bước phát triển và sở thích riêng hoàn toàn khác biệt với người khác. Chúng ta không thể đánh giá con dựa trên một tiêu chuẩn chung được. Điều này thể hiện sự thiếu kiễn nhẫn của cha mẹ. Khi bạn cố thúc giục con, ngược lại con bạn sẽ không thể phát huy được năng lực của mình. Nếu bạn đối xử dịu dàng, thoải mái với con thì những khả năng của con sẽ dần bộc lộ.

Và nguyên tắc cuối cùng là: Đừng chỉ chú trọng vào kết quả học tập của con: Một số cha mẹ thường ép buộc con học bằng mọi giá. Bản chất của giáo dục không phải là cố nhồi nhét kiến thức vào đầu con. Giáo dục phải là giúp con phát triển những tài năng và những phẩm chất thiên bẩm của mình. Hãy dạy con biết làm việc chăm chỉ, tự thân vận động và biết kiên trì, không đầu hàng trước khó khăn. Có đạt được điểm số cao hay không cũng không quan trọng, mà quan trọng là cha mẹ phải nhìn nhận được sự nỗ lực của con, dù con chỉ đạt điểm 6/10 thì cha mẹ cũng nên trân trọng sự cố gắng đó, bởi vì điểm số thực sự không quan trọng so với quá trình cố gắng nỗ lực của con.

An Nhiên

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/su-tuyet-dieu-cua-phuong-phap-shichida-giao-duc-la-khong-nhoi-nhet-21685/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY