Sức khỏe hôm nay

“Sữa mát” có chống táo bón?

Mặc dù chưa có thông tin chính thống nào đưa ra tiêu chí để phân biệt “sữa nóng- sữa mát”, nhưng nhiều người bán hàng và kể cả các bậc phụ huynh đã tự phân loại chúng theo hiểu biết và kinh nghiệm của mình.

Điên đầu tìm sữa mát

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Dương Quảng Hàm, Tp.HCM) có con 14 tháng tuổi, từ khi sinh đến giờ, chị vẫn chưa tìm được loại sữa bột nào ưng ý cho con. Chị cho biết trước 6 tháng, con toàn bú sữa mẹ thì bé ít bị táo. Nhưng đến khi chị cho con dùng thêm sữa bột và ăn dặm thì tình trạng táo bón của bé càng ngày càng trầm trọng. Phải mất vài ngày bé mới đi ngoài một lần, mỗi lần đi thì rặn đỏ mặt và kêu khóc.

Tình trạng táo bón càng nặng càng khiến con chị càng lười ăn, tăng cân rất chậm. Vì vậy, dù biết thuốc thụt hậu môn không tốt cho đại tràng của trẻ nhưng chị vẫn phải dùng cho con đỡ đau. Song song đó chị tiến hành đổi sang loại sữa thích hợp với đường tiêu hóa của con hơn.

Đến nay chị đã đổi chừng 7-8 loại sữa khác nhau. Nhưng vẫn không thấy kết quả. Chị kể: “Nghe người ta mách loại sữa này mát, sữa kia mát là tôi lập tức đi mua. Rồi thì các loại sữa xách tay, hãng nào nào tôi cũng thuộc tên, nhưng cũng chẳng ăn thua gì…”.

Gặp phải hoàn cảnh như con chị Oanh không phải ít. Trên các diễn đàn dành cho các bà mẹ trẻ, câu hỏi phổ biến nhất thường là: “Con em đổi nhiều sữa mà vẫn táo bón quá, mọi người có thể tư vấn giúp em sữa nào mát không?”. Ngay sau đó là hàng loạt những câu trả lời dựa trên kinh nghiệm của từng người kiểu như: “Con tớ trước uống sữa X thì bị táo bón, từ ngày chuyển sang dùng sữa Y thì ngày nào cũng đi ngoài, phân rất đẹp”; hay “Kinh nghiệm của tớ là dùng sữa A, B, C… mát, còn sữa X, Y, Z thì nóng.”…

Trong khi các thông tin hướng dẫn cách nhận biết thế nào là sữa mát, thế nào là sữa nóng thì tuyệt nhiên không có. Những ý kiến, góp ý như thế khiến người cần tìm thông tin dễ bị “nhiễu sóng”. Kết quả là khá nhiều người dù đã đổi đủ loại sữa theo tư vấn của các thành viên mà vẫn không thấy hiệu quả?!.

Khi các nhà sản xuất vào cuộc

Nắm được tâm lý của các ông bố, bà mẹ trong việc chọn sữa cho con, không ít hãng sữa hoặc nhà phân phối đã “lớn tiếng” quảng cáo sữa của mình là sữa mát với những thông tin rất thuyết phục: mát như sữa mẹ, các thành phần, tỷ lệ dinh dưỡng tương đương sữa mẹ, sử dụng các loại đường tự nhiên giống đường có trong sữa mẹ sẽ cung cấp cho trẻ đầy đủ dưỡng chất mà không sợ bị táo bón…

Trao đổi về vấn đề sữa mát-sữa nóng với TS. Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng, bà cho biết: “Thật ra không có sữa nào được gọi là sữa nóng hay sữa mát. Đó chỉ là cách nói dân gian, truyền miệng. Thông thường các loại sữa công thức hiện nay có tỷ lệ thành phần dinh dưỡng không giống nhau. Một số loại có bổ sung thêm chất xơ, vi khuẩn có ích, sử dụng đường lactose hoặc một số loại đường chức năng khác… sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa, giảm bớt tình trạng táo bón. Đây là các loại sữa mà các phụ huynh thường gọi là sữa mát. Còn lại các loại sữa có nhiều đường thì bị cho là sữa nóng”.

Táo bón là do sữa?

TS. Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết, các loại sữa mát theo quan điểm của các bậc phụ không hẳn giải quyết được việc trẻ bị táo bón hay không. Táo bón có nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ yếu là do sai lầm trong chế độ ăn uống như pha sữa quá đặc, uống ít nước dẫn đến thiếu nước, ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ (chế độ ăn ít rau xanh, quả chín), ăn chưa đủ về số lượng khiến trẻ không đủ phân để đi tiêu mỗi ngày…

Tùy vào cơ địa của từng bé mà bé này có thể bị dị ứng gây nên táo bón với thành phần trong sữa X hay Y nhưng bé khác thì không. Điều này lý giải tại sao loại sữa X hay Y mát với trẻ này nhưng vẫn nóng với trẻ khác.

Điều đáng lưu ý nữa là ngoài các nguyên nhân do cơ địa trên thì táo bón ở trẻ có thể do nguyên nhân bệnh lý. Chẳng hạn những tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa như các dị tật bẩm sinh (phình to đại tràng, bệnh suy giáp trạng…) cũng khiến trẻ thường bị táo bón rất sớm từ ngay sau khi sinh. Ngoài ra, những trẻ bị thiếu máu phải uống vi chất sắt hay trẻ ôm phải uống thuốc lâu ngày cũng có thể bị táo bón.

Để con hết táo bón

Để tránh táo bón cho trẻ, bác sĩ Lâm khuyên:

- Không chỉ quan tâm chọn sữa mà phải lưu ý chế độ ăn hằng ngày của trẻ.

- Cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, uống nhiều nước.

- Khi pha sữa phải pha đúng hướng dẫn của nhà sản xuất như: đúng nồng độ (không đặc, không loãng), pha sữa với nước ấm đúng nhiệt độ.

- Khi trẻ ăn dặm, phải cho trẻ ăn đủ chất xơ, đặc biệt cho ăn nhiều rau xanh và củ quả có tính nhuận tràng như rau lang, mồng tơi, rau dền, khoai lang, bí đỏ, chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long…

- Khi trẻ đã bị táo bón không nên ăn cà rốt, hồng xiêm (sa-pô-chê), táo…

- Thường xuyên xoa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ giữa các bữa ăn để kích thích tăng nhu động ruột đồng thời tăng cường cho trẻ vận động.

- Tập cho trẻ đại tiện vào một thời điểm nhất định trong ngày sẽ giúp trẻ có nhu động ruột khỏe mạnh. Đặc biệt không nên dùng các loại thuốc thụt hậu môn khi chưa có chỉ định của bác sỹ vì khi lạm dụng có thể làm mất phản xạ co bóp đẩy phân ra ngoài.

Hoàng Tùng

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/sua-mat-co-chong-tao-bon-6939/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY