Hiểu đúng vị trí của hương thơm
Cu Tít con chị Lan (Giáp Bát, Hà Nội) sau khi đến nhà bạn chơi thì nhất định đòi mẹ mua sữa giống như của bạn Hùng. Nguyên do là hôm đó, Tít được “uống chực” sữa của Hùng: “Sữa của bạn Hùng thơm lắm, sữa mẹ mua không thơm...”. Chị Lan hỏi mẹ Hùng mới biết trước đây cu cậu cũng lười uống sữa, đến khi chọn được loại có mùi thơm này thì bé mới chịu dùng. Vậy là chị Lan đành phải bỏ sữa cũ đổi cho con dùng loại mới với hy vọng sẽ bổ dưỡng hơn.
Gần đây, khi đã chán quảng cáo sữa có thêm thành phần dinh dưỡng này, tiền tố nọ, một số nhà sản xuất đã thêm hương vị để quảng cáo “thơm ngon hơn, trẻ thích dùng hơn”. Không riêng sữa bột mà sữa đóng hộp, nhiều loại chế phẩm như sữa chua, caramen, váng sữa cũng nhấn mạnh giá trị của hương thơm. Không ít người nhầm tưởng rằng sữa càng thơm thì giá trị dinh dưỡng càng lớn, nhiều cha mẹ đi mua sữa chỉ ngửi mùi mà quên mất bảng thành phần dinh dưỡng. Nhiều người chọn sữa đóng chai bổ sung hương thơm hoa quả thì đinh ninh ngoài thành phần sữa bò, chúng đã có thêm dinh dưỡng từ trái cây.
Thực chất mùi hương không đánh giá được giá trị dinh dưỡng của sữa mà chỉ để “lừa” vị giác của trẻ. Mùi vị trong sữa bột được làm từ hương liệu tự nhiên hoặc nhân tạo, có tác dụng kích thích vị giác, khiến bé thích uống hơn. Những loại đóng chai hương vị trái cây có thể chỉ là dùng phụ gia có mùi chứ chưa chắc đã có thêm dưỡng chất từ hoa quả. Nếu nguồn phụ gia không đảm bảo còn gây ra những rắc rối cho trẻ như rối loạn hành vi, béo phì…
Sữa mất mùi thơm = Sữa hỏng?
Nhiều cha mẹ trẻ cũng thường đánh giá sữa bằng… mũi, khi thấy mùi thơm giảm đi thì cho rằng chúng mất dinh dưỡng. Thực chất sữa dễ bay mùi hơn là mất dinh dưỡng. Ánh sáng đèn của siêu thị và ánh đèn huỳnh quang trong gia đình, ánh sáng tự nhiên cũng làm cho sữa bay mùi.
Thử nghiệm của giáo sư Robert Marshall tại ĐH Missouri (Mỹ) cho thấy khi sữa đựng trong hộp giấy nằm cách ánh sáng huỳnh quang vài centimet trong khoảng 12 giờ sẽ có mùi khó chịu khen khét. Sữa để trong bình đựng màu trong (thủy tinh, nhựa, giấy trong…) thì tốc độ mất mùi càng nhanh. Nguyên nhân là do ánh sáng đã tạo ra mùi oxy hóa, lấn át mùi của sữa. Còn mùi thơm của hương liệu thì dễ bị “tan” khi phơi nhiễm dưới ánh sáng và không khí. Những loại bình trong suốt thì ánh sáng dễ đi qua và ảnh hưởng tới sữa hơn là hộp giấy.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, ánh sáng huỳnh quang và ánh sáng nhẹ trong nhà không ảnh hưởng nhiều tới giá trị dinh dưỡng của sữa. Do đó nếu con bạn vẫn dùng sữa bình thường, không có biểu hiện bất thường thì không nên bỏ sữa đi. Bạn chỉ nên bỏ khi sữa đã mở nắp quá hạn một tháng hoặc có dấu hiệu vón cục, ẩm ướt.
Để sữa giữ được mùi thơm, bạn nên: - Nên bọc kín và đựng sữa trong hộp có bọc giấy; tránh để sữa trong bình thủy tinh, giấy bóng kính, giấy mờ. - Sữa đã pha chưa dùng không nên để ở cốc thủy tinh, cốc nhựa, nên dùng cốc sứ đậy kín. - Khi chọn mua sữa nên mua những hộp để ở bên trong kệ vì chúng hạn chế tiếp xúc với ánh sáng. |
Minh Tiến
Chủ đề liên quan: