Tình yêu và giới tính hôm nay

Tài chính gia đình: Chồng “nổ”, vợ đau

Vợ: Anh khuấy động cho vui nhưng mỗi lần tiếng nổ lại thêm to. Và em thấy anh đang dần đi quá giới hạn.

“Này, lại đây chị hỏi tí. Cô chú làm gì mà trúng đậm thế, bày cho anh chị với”, nghe chị chồng rỉ tai, chưa kịp hết giật mình, miệng còn há hốc thì chị chồng đã nhanh nhảu: Hôm trước chú ấy bảo với mấy đứa cháu là “Mày theo chú thì chỉ làm một năm mua được nhà mới”. Lúc đưa tiền cho mẹ thì chú nói “Ở quê như thế là nhiều nhưng con cố gắng chăm chỉ thêm một ngày là đủ”. Chú ấy còn bảo với thằng Hải (bạn nối khố của chồng khi còn ở quê) là “Ông lên phố mở cái cửa hàng giầy nhỏ cũng kiếm bộn tiền, tôi không chịu nổi cảnh luẩn quẩn ở làng thế này. Ngày nào không làm ra tiền thì thấy chồn chân lắm”. Mình gần ngã ngửa, mấy hôm trước, chồng còn vắt tay lên trán hỏi vợ: “Sao thiên hạ kiếm ra tiền thế nhỉ, mình làm gì đây nhỉ? Hay chúng nó cứ nói cho vui miệng nhỉ?”. Chắc là quả bom “nổ” của chồng lại được rút ngòi đây! Đây chẳng phải lần đầu nhưng dường như mỗi lần quả bom ấy được rút kíp thì tiếng nổ ngày một to hơn.

Chồng có biết rằng không ít lần em thấy xấu hổ và khó xử! Có lần em theo mẹ sang thăm bác cả, ai ngồi đó cũng bảo: “Bà được nhờ thằng Tuấn, lớn lên có chí, làm ăn giỏi giang, tháng lương của nó bằng nhà tôi làm cả năm”. Mình cứ nghĩ mọi người động viên nào ngờ, mẹ bảo: “30 triệu so với quê thì lớn chứ các cháu trên ấy chi phí đắt đỏ, cũng là thường thôi, chỉ trông vào lương cũng chẳng dư giả gì”. Lúc ấy vợ chỉ định biếu bác cả 200.000 thì đành phải rút ra 500.000 cho khỏi muối mặt. Khi về, vợ hỏi mẹ: “Lương chồng con đâu được cao, sao mẹ nói thế…”. Mẹ gạt phắt: “Nó bảo với mẹ thế mà! Gớm, chị sợ tôi quản lương của vợ chồng chị à, nó lấy vợ thì thuộc về vợ con nó chứ có gì thuộc về mình nữa đâu”. Lúc ấy anh có thấy anh nói cho vui nữa không? Đâu phải em là nàng dâu keo kẹt với gia đình chồng, vậy mà mẹ giận dỗi thế đấy.

Hay như kỳ nghỉ năm trước, cả gia đình đoàn tụ, chị cả cứ luôn miệng bảo: “Chồng cô thu nhập cao mà đi chợ cái gì cũng đắn đo”. Lúc đi thăm mấy bác cao tuổi trong họ thì chị gợi ý: “Vợ chồng cô chú khá giả, nên rộng tay với các cụ, các cụ ngày xưa có tình nghĩa với gia đình mình lắm, họ cũng sắp về với tổ tiên rồi. Cô chú làm thế cũng là báo hiếu bố mẹ và làm đẹp mặt gia đình đấy”. Thế là mỗi khoản lại tăng gấp đôi. Em nói thật thì bị cho là kẹt, là trốn tránh, âm thầm chịu đựng thì không biết lấy tiền đâu bù vào.

Bạn bè tới nhà thì anh bảo: “Xem có ngôi nhà nào được được thì gọi tôi nhé” hay thỉnh thoảng anh lại bảo “Muốn đổi sang ô tô cho vợ con đi làm đi học khỏi ướt, khỏi bụi…”. Cứ làm như nhà mình thừa tiền rồi không biết tiêu gì trong khi đó ngày ngày em vẫn phải đau đầu với kế hoạch tiết kiệm để đảm bảo tài chính lâu dài. Vợ mới là người luôn phải gánh chịu những mảnh vỡ của vụ “nổ”, nên em thấy xấu hổ và gánh nặng thêm, chồng biết không?!

Chồng: Đàn ông mà suốt ngày than nghèo, kể khổ, cố khiêm tốn mức thu nhập của mình chắc chắn có vấn đề, vợ ạ!

Tại sao chuyện này lại có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ của vợ chồng mình nhỉ?! Anh không lừa dối vợ con, không lang chạ bên ngoài... Tài chính là bí mật của một gia đình, nó là phần ngầm ai kiểm chứng được. Có phải mình đang trong cuộc điều tra tài sản đâu mà sợ khai cao thì bị đánh thuế nặng. Đôi khi anh nói cho vui, cho thêm tự tin. Này nhé, bố mẹ già rồi, lúc nào cũng tiết kiệm, chắt chiu lo lắng cho con cái; anh nói thu nhập cao (hơn có chút thôi) là để các cụ yên tâm nhận tiền từ con cái để vui vẻ tuổi già. Anh chị, các cháu cũng thế, lúc nào cũng luôn phải tính toán chi li từng tí một, lúc nào cũng “tiếc” nên anh muốn thỉnh thoảng mọi người được thoải mái. Anh nói lên phố cố gắng sẽ kiếm được tiền cũng là để làm động lực cho các cháu cố gắng, khao khát. Em không thấy vì những lời anh nói mà mấy đứa thêm chăm chỉ học tập à. Mình cứ nói ít tiền lắm thì ai chả nản, nhìn mình nhếch nhác thì làm sao còn vui được. Có khi mọi người còn nghĩ rằng vợ chồng mình giả nghèo giả khổ vì sợ bị nhờ vả. Có khi mọi người còn nghĩ tại em không rộng rãi nên anh phải giả nghèo (ấy chứ). Tại sao em lại xem đó là việc xấu hổ nhỉ?! Anh có “tâng” mình lên mây xanh đâu, chỉ là ở ngưỡng vừa phải thôi mà. Em nghĩ thế nào khi đàn ông cứ luôn miệng bảo “Ối, anh nghèo lắm, làm chỉ đủ ăn thôi”. Chẳng phải anh thích sỹ diện  mà anh nói thế cũng là để cho mọi người cảm thấy tin tưởng mình.

Trong gia đình, thì vợ chồng không thể “nổ” với nhau vì mọi điều đều đã minh bạch nhưng mình nên để người khác thấy mình lịch sự, sang trọng. Ngoài kia có lẽ bao nhiêu gia đình cũng thế thôi. Đấy cũng là cách để thực sự tiến tới cái đích tài chính ấy. Này nhé, nếu suốt ngày mình than nghèo kể khổ thì ai muốn mời mình làm ăn, ai muốn nói chuyện về tiền với mình, ai dám mời mình vào dự này án kia. Anh nói với bạn bè rằng muốn đổi xe mua nhà, thế nên chúng nó mới rủ rê anh đầu tư chỗ này chỗ kia, giới thiệu chỗ này bán nhà, chỗ kia bán đất. Đấy cũng là cách để bạn bè giúp đỡ nhau biết thêm thông tin mà làm ăn.

Và này em, khi anh nói thu nhập cao nghĩa là anh đang đặt ra mục tiêu để tiến tới nó. Đó cũng giống như một động lực vì đàn ông khi đã nói ra miệng là trong đầu anh ta cũng đang khao khát và muốn tiến tới điều đó.

Còn chuyện ai đó vay mượn, em cứ từ chối khéo cho anh. Em cứ bảo thì anh ấy nói kiếm ra đấy nhưng lại phải đầu tư quay vòng ngay chứ có rút ra được tiền mặt đâu. Thường thì những người có thu nhập cao họ thường hay phải đầu tư, mấy ai giữ tiền mặt trong người.

Anh nói mình thu nhập cao đâu có nghĩa em phải cho người này, biếu người kia nhiều lên, phải sẵn sàng cho mọi người vay mượn mọi lúc mọi nơi. Nghe em bảo “mất mặt”, “muối mặt”, anh nghĩ như mình đang làm gì tội lỗi ấy. Có nâng anh cũng biết nâng đến bậc nào mình có thể với được thôi. Anh đang quá giới hạn ư, anh hứa với vợ là sẽ kiểm soát những lời mình nói ra, được không em?

Như Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tai-chinh-gia-dinh-chong-no-vo-dau-6503/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY