Hoàng hậu Shoda Michiko (1934) sinh ra tại Tokyo, Nhật Bản. Mặc dù xuất thân là thường dân, nhưng gia đình Michiko là một gia đình giàu có và quyền lực. Cha Michiko là một nhà đại tư bản công nghiệp, ông luôn biết cách dẫn dắt để gia đình lúc nào cũng tràn đầy hạnh phúc. Michiko còn có một anh trai, một em trai và một em gái. Tử nhỏ, Michiko được dạy dỗ để trở thành một phụ nữ có học thức, độc lập và nhân hậu. Nàng đã học trong trường Đại học Tokyo và sở hữu tấm bằng cử nhân nghệ thuật Văn học Anh.
Thế rồi cuộc gặp gỡ tình cờ với Thái tử Akihito (sau này là Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản) đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của nàng Michiko.
Thổi một làn gió mới vào Hoàng gia Nhật
Gặp Michiko tại một giải tennis được tổ chức ở một khu nghỉ mát mùa hè sang trọng năm 1957, Thái tử Akihito đã siêu lòng trước vẻ đẹp thuần khiết của người con gái ngồi bên cạnh có mái tóc ngắn, xoăn nhẹ được giữ gọn với chiếc băng-đô giản dị trên đầu. Nụ cười tự tin và trong sáng của nàng đã hút hồn thái tử.
Tháng 11/1958, họ làm lễ đính hôn. Mặc dù hôn nhân bị nhiều người trong hoàng tộc phản đối, xì xào bàn tán. Nhưng Thái tử Akihito vẫn quyết tâm kết hôn với một cô gái không thuộc tầng lớp danh giá để trở thành người bạn trăm năm.
Trước khi quyết định kết hôn với Thái tử Akihito, Michiko cũng biết trước được những quy định hà khắc của Hoàng gia, nhưng bà vẫn đồng ý với hy vọng có thể thay đổi những truyền thống cứng nhắc ăn sâu vào suy nghĩ của tầng lớp quý tộc.
Xưa nay, những đứa con của hoàng gia thường được chăm sóc bởi những người hầu đặc biệt trong sự giám sát chặt chẽ của những thành viên hoàng gia. Nhưng Hoàng hậu Michiko là người đầu tiên muốn tự tay chăm sóc, chuẩn bị cơm và trò chuyện với các con, điều trước nay chưa hề có ở một vị hoàng hậu. Đích thân bà chăm sóc ba người con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako. Hoàng hậu nấu ăn cho các con và trò chuyện với người dân. Những hành động bình thường của Hoàng hậu Nhật Michiko đã thổi làn gió mới, làm mềm mại những nét cứng rắn, bảo thủ của một trong các hoàng tộc lâu đời nhất thế giới.
Ngày ấy, Hoàng hậu Michiko đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong xã hội Nhật. Thế nhưng nhiều người dân Nhật hy vọng với nét trẻ trung, duyên dáng, tao nhã và một tâm hồn đầy nghị lực, Michiko sẽ có thể phần nào “thay đổi” Hoàng gia Nhật Bản. Và bà đã không làm mọi người thất vọng.
Thậm chí, ngay từ khi mới là Thái tử phi, Hoàng hậu Michiko đã là nhân vật hoàng tộc đặc biệt được người dân vô cùng yêu mến bởi sự giản dị, nhân hậu và tốt bụng của mình. Hình ảnh bà quỳ gối và ôm lấy các nạn nhân trong thảm họa động đất Kobe vào năm 1995 đã khắc sâu vào trí nhớ của bao người dân Nhật. Hoàng hậu Michiko đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp toàn vẹn về cả nhan sắc lẫn trí tuệ, tâm hồn, đức độ.
Khủng hoảng tinh thần vì những quy định hà khắc
Để có được hạnh phúc như ngày hôm nay, Hoàng hậu Michiko đã phải đánh đổi cuộc đời và sự tự do của bản thân mình. Những nỗi khổ và quy định khắc nghiệt nơi Hoàng cung đã khiến bà không ít lần khủng hoảng tinh thần trầm trọng.
Khi mới về làm dâu, không ít lần Michiko khổ sở với Hoàng hậu Nagako, mẹ của Thái tử Akihito. Bà là một nhân vật điển hình của tầng lớp quý tộc xưa cũ, luôn đánh giá thấp nàng công nương xuất thân từ dân thường. Không những thế, các thầy tu đạo Shinto đầy quyền lực luôn chỉ trích việc gia đình Michiko theo đạo Công giáo và việc bản thân công nương được giáo dục trong trường Công giáo. Thậm chí, những người trông nom hoàng gia cũng đối xử với Michiko hết sức khắt khe.
Còn có nhiều quy định hà khắc khác được đặt ra từ bao thế hệ khiến Michiko không thể làm khác. Chẳng hạn, muốn có một chuyến đi đến Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày; trong bất kỳ lần xuất hiện chính thức nào trước công chúng, bà cũng phải đi sau chồng... ba bước. Hoàng hậu phải thay Kimono ba lần mỗi ngày… Bà không có tiền riêng, thậm chí ngay cả việc gọi một cú điện thoại cho người thân hoặc bạn bè cũ cũng phải xin phép.
Có lần, Hoàng hậu Michiko bị khiển trách vì đã vén màn cửa xe, giúp các phóng viên thuận lợi hơn trong việc chụp ảnh vị hoàng tử mới sinh mà bà đang bế. Nhưng, cũng chính vì những điều bình thường đó mà người dân Nhật hết lòng ngưỡng mộ vị hoàng hậu của mình. Thái độ của Hoàng hậu Michiko trước những lời la rầy của “bề trên” chỉ là im lặng và tiếp tục nuôi dạy các con theo cách của mình. Nhà văn của Hoàng gia Nhật- Midori Watanabe đã viết trong một bài báo rằng “Hoàng hậu đã vượt qua những thời điểm khó khăn bằng tinh thần kiên trì”.
Hoàng hậu Michiko đã thổ lộ nỗi lòng của mình rằng bà luôn cảm thấy buồn bã và lo lắng, vì sợ không thỏa mãn được kỳ vọng của những người xung quanh. “Tôi cảm thấy giống như vậy ngay cả trong thời điểm hiện nay. Thật sự là một điều thách thức khi tôi phải trải qua mỗi ngày với nỗi buồn và sự lo lắng trong lòng”, Hoàng hậu Michiko tâm sự. Bà đã bị suy sụp tinh thần vào năm 1963 và một lần nữa vào năm 1993.
Cuộc sống của Hoàng hậu Michiko còn khó khăn hơn khi Thái tử Akihito chính thức lên ngôi Nhật hoàng vào năm 1989. Có lần bà bị một cơn đột quỵ dẫn đến mất giọng vào năm 1993. Nhiều người cho rằng chính vì quá tức giận với những bài báo lá cải, chuyên đơm đặt, bịa chuyện mà bà rơi vào tình trạng này. May mà sau một thời gian chữa trị, bà đã tìm lại được khả năng phát âm.
Cách đây không lâu, bà phải tạm dừng các nhiệm vụ lễ nghi hằng ngày, vì bị chảy máu ruột mà nguyên nhân là do stress. Bộc lộ ước muốn của mình ở độ tuổi 72, bà chỉ mong sao có được một chiếc áo tàng hình để được đi giữa những nhà ga đông đúc người qua lại, được đến Kanda-Jimbocho (một nơi nổi tiếng về sách tại Tokyo) và dành nhiều thời gian để lướt sách giống như bà vẫn thường làm hồi còn đi học.
Hoàng hậu Michiko đã trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn bằng sự dũng cảm và mạnh mẽ và kiên trì của chính bản thân.
An Bình
Theo tạp chí Sống Khỏe
Chủ đề liên quan: