12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Tại sao không nên uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh?

Uống rượu mỗi ngày một vài ly không phải là điều đáng lo ngại nhưng khi bạn đang sử dụng thuốc kháng sinh, ngay cả một ly cũng có thể gây ra tác dụng phụ bất lợi.

Trên thực tế, trộn thuốc kháng sinh với rượu sẽ làm tăng thêm, kích hoạt hoặc làm phức tạp thêm các tác dụng phụ của thuốc. Đó là lý do tại sao bạn không bao giờ nên uống rượu khi đang dùng thuốc kháng sinh.

Thuốc kháng sinh có những tác dụng phụ nào?

Các chuyên gia y tế cho biết một số loại thuốc kháng sinh gần như chắc chắn sẽ gây ra tác dụng phụ tiêu cực thậm chí là mạnh khi được pha với rượu uống. Chúng có thể bao gồm:

Metronidazole (Flagyl) là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng ở âm đạo, dạ dày, gan hoặc não.

Tinidazole (Tindamax) là một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng ở âm đạo và ruột.

Khi dùng những loại thuốc kháng sinh này, bạn nên tránh xa rượu, bia và bất cứ thứ gì có chứa cồn, kể cả xi-rô ho và nước súc miệng. Nếu bạn uống rượu trong khi dùng những loại thuốc kháng sinh này, cơ thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ mạnh, chẳng hạn như: Đau bụng, buồn nôn, nhức đầu, nôn mửa và nhịp tim nhanh.

Nếu bạn vô tình uống phải khi đang dùng thuốc kháng sinh, các tác dụng phụ thường sẽ biến mất trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, nếu bị phản ứng nghiêm trọng sau khi dùng thuốc kháng sinh và uống rượu, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế từ bác sĩ hoặc đến cơ sở chăm sóc y tế khẩn cấp.

Uống rượu có thể làm tăng những tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

Các loại kháng sinh thông thường khác không được sử dụng cùng với rượu, mặc dù các tác dụng phụ có thể ít nghiêm trọng hơn, bao gồm:

Sulfamethoxazole-trimethoprim (Bactrim DS), được sử dụng phổ biến cho nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng da. Nó có tác dụng phụ tương tự như metronidazole.

Cefotetan (Cefotan), được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn ở phổi, da và xương, cũng có tác dụng phụ tương tự như metronidazole.

Linezolid (Zyvox), được kê đơn để điều trị nhiễm trùng da và viêm phổi, có tương tác mạnh với bia - ngay cả bia không cồn và rượu vang đỏ. Uống rượu trong khi dùng linezolid có thể khiến huyết áp của bạn tăng đột biến.

Isoniazid (Nydrazid) được sử dụng để điều trị bệnh lao và có thể lấn át gan của bạn, dẫn đến độc tính, khi kết hợp với rượu.

Bạn có thể tiếp tục uống rượu sau khi thuốc kháng sinh đã đào thải khỏi cơ thể, thường là ba ngày sau liều cuối cùng.

Tại sao bạn không nên uống rượu khi dùng kháng sinh?

Vì uống rượu làm giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, do đó uống rượu khi bạn đã được kê đơn thuốc kháng sinh không bao giờ là một ý tưởng đúng đắn. Mặc dù không phải tất cả các loại thuốc kháng sinh đều dẫn đến tương tác nghiêm trọng khi trộn chung với rượu, nhưng nhìn chung, khi bạn đang điều trị bằng thuốc kháng sinh, đó là do cơ thể bạn đang cố gắng chống lại tình trạng nhiễm trùng và hệ thống miễn dịch yếu.

Hơn nữa, ngay cả những loại thuốc kháng sinh không chống chỉ định trực tiếp với rượu, nghĩa là việc trộn chúng với rượu cũng không được nhắc tới, vẫn có nguy cơ gây buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.

Các dược sĩ cho biết doxycycline (Vibramycin, Monodox) và amoxicillin (Amoxil) là hai ví dụ về thuốc kháng sinh thường gây ra các vấn đề tiêu hóa. Và vì có cồn trong cơ thể cũng có thể tự gây ra các triệu chứng này, nên việc sử dụng cả thuốc kháng sinh và rượu cùng nhau sẽ làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.

Uống ượu có làm cho thuốc kháng sinh kém hiệu quả hơn không?

Uống rượu sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, uống rượu khiến cơ thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau bất kỳ bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh nào khác mà bạn đang dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Điều này một phần là do khi bạn bị ốm, cơ thể cần được cung cấp đủ nước. Trong khi đó, một trong những tác dụng phụ của việc uống rượu là khiến cơ thể mất nước, khiến bạn lâu hồi phục sức khỏe hơn.

Giống như nhiều loại kháng sinh, rượu được gan phân hủy và xử lý trước khi thoát ra khỏi cơ thể. Khi gan của bạn đã hoạt động để giúp chống lại nhiễm trùng, việc thêm rượu vào hỗn hợp có thể khiến gan hoạt động quá mức. Trong một số trường hợp hiếm hoi, điều này có thể gây nhiễm độc gan do thuốc.

Có nên bỏ một liều kháng sinh để uống rượu?

Ngay cả khi bạn muốn uống rượu, hãy nhớ là không được bỏ qua một liều hoặc một ngày thuốc kháng sinh cho đến khi hết liệu trình thuốc theo quy định. Bỏ qua một liều ngay lúc đó cũng sẽ không thực sự bảo vệ bạn khỏi các tác dụng phụ, vì phải mất vài ngày để thuốc đào thải hết khỏi cơ thể.

Khi dùng thuốc kháng sinh, bạn thường sẽ cảm thấy tốt hơn trong vòng 48 giờ. Nhưng điều đó không có nghĩa là không còn nhiễm trùng trong cơ thể. Do vậy, nếu bạn ngừng dùng thuốc kháng sinh sớm để uống rượu, bạn đang tạo cơ hội cho sự nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm quay trở lại.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/tai-sao-khong-nen-uong-ruou-khi-dang-dung-thuoc-khang-sinh-29771/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY