Tình yêu và giới tính hôm nay

Tại sao phụ nữ không dám bỏ chồng?

(SKGĐ) Phụ nữ cần phải học cách hiểu rằng hạnh phúc của một gia đình không chỉ đến từ sự hi sinh của người phụ nữ mà cần có sự vun đắp từ cả hai phía.

Tôi nhận thấy phụ nữ Việt Nam khổ là do ảnh hưởng của lối giáo dục trọng nam khinh nữ. Điều đó ăn sâu vào tư tưởng của phụ nữ từ bao đời nay. Từ đời này sang đời khác người ta luôn rao giảng, đề cao, nhấn mạnh đến sự hi sinh ở phụ nữ.

Điều đó khiến sự “hi sinh” vô tình trở thành một chuẩn mực mà người phụ nữ buộc phải cố gắng đạt được, buộc phải ôm vào mình rồi oằn lưng chịu đựng, gồng gánh biết bao gánh nặng cuộc đời trên vai.

Ảnh minh họa

Tôi biết có nhiều gia đình vốn chẳng hòa thuận với nhau, người chồng đi ngoại tình bên ngoài, người vợ biết nhưng cố “khuất mắt trông coi”, thậm chí là 2 vợ chồng ở chung một nhà nhưng thực ra là đã ly thân từ lâu, nhưng bên ngoài, trước mặt người khác vẫn cố tỏ ra là một gia đình hạnh phúc.

Tôi cũng biết có những người phụ nữ bị chồng đánh cho thâm tím cả mặt mũi, nhưng khi ra ngoài, có ai đó hỏi tới, lại chối đây đẩy rằng là do mình bị té ngã, do vô ý trượt chân, do bị va vào cầu thang… chẳng hạn. Cứ như thể, bị chồng bạo hành là lỗi lầm, là điều đáng xấu hổ, hổ thẹn của chị ấy. Chứ không phải người đàn ông vũ phu kia mới đáng lên án, chê cười.

Vì sao người phụ nữ lại cam chịu và có cách hành xử như vậy?

Vì sao phụ nữ không dám ly hôn khi cuộc hôn nhân của mình không hạnh phúc?

Vì chị ta yêu chồng chăng?

Không, tôi nghĩ chả có ai lại mù quáng đến mức dành tình yêu cho kẻ đã hành hạ, đánh đập bản thân mình không chút thương xót.

Vì kinh tế ư?

Không hẳn, tôi thấy có nhiều gia đình mà người vợ thì giỏi giang, độc lập về kinh tế trong khi người chồng thì chẳng ra gì, đối xử tệ bạc với vợ con. Nhưng chị vợ vẫn một mực không dám bỏ chồng?

Vậy... phải chăng vì chị ta xấu hổ, chị ta sợ người khác chê cười mình. Đàn ông thì thường sĩ diện “hão” còn cái sự sĩ diện của đàn bà không chỉ cho bản thân mà còn là suy nghĩ cho con cái, cho bố mẹ, cho cả gia đình mình. Ai cũng lấy con cái ra làm lí do, là động lực để níu kéo cuộc hôn nhân vốn đã rạn nứt của mình.

Người phụ nữ luôn cố gắng giữ cho con một gia đình trọn vẹn, có đủ cả bố lẫn mẹ. Họ sợ điều tiếng. Họ sợ thay đổi. Vậy nên họ cố tiếp tục mối quan hệ vợ chồng chỉ còn trên danh nghĩa, họ tiếp tục những trận cãi vã liên miên trước mặt con cái.

Nhưng liệu có ai nghĩ đến việc con cái họ sẽ có cảm giác như thế nào khi liên tục chứng kiến những cuộc cãi vã của bố mẹ? Họ không biết rằng, con cái của họ khi chứng kiến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành tính cách, tâm lí cũng như xu hướng hôn nhân sau này của bọn trẻ. Bố mẹ không tôn trọng nhau, thì lấy đâu ra tình yêu và sự tôn trọng dành cho con cái?

Vậy nên, nếu đã vì con vì cái thì hoặc cắt đứt cuộc hôn nhân rạn nứt, hoặc là phải quyết liệt thay đổi. Đơn giản vậy thôi, nhưng có mấy người làm được?

“Đã từng li dị”, “đã từng một đời chồng” luôn là những bản án cay nghiệt với cuộc đời người phụ nữ. Đàn ông bỏ vợ thì không sao. Nhưng đàn bà mà bỏ chồng thì “có sao” đấy. Sẽ có lời ra tiếng vào, có những lời dị nghi kiểu như “chắc cũng chẳng ra gì nên mới bị chồng bỏ”, hay “chắc cũng thuộc dạng ghê gớm nên mới dám bỏ chồng”.

Vậy nên người ta mới bảo “phụ nữ ỏ Việt Nam quá khổ”, họ khổ vì những tư tưởng phong kiến, họ khổ vì những định kiến xã hội, và khổ hơn nữa vì miệng lưỡi thế gian lắm điều lắt léo.

Đến bao giờ mà người phụ nữ Việt Nam đủ bản lĩnh để sống vì bản thân mình, đủ mạnh mẽ để làm cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời mình thì khi đó người phụ nữ mới hạnh phúc được.

Theo WTT

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tai-sao-phu-nu-khong-dam-bo-chong-18584/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY