Khiến tay trẻ bận rộn
Ngay khi bạn thấy con chuẩn bị đưa tay vào miệng, hãy đánh lạc hướng trẻ bằng cách cho trẻ chăm chú vào một đồ vật khác. Bạn cũng có thể đặt vào tay trẻ một số đồ chơi như một cây xúc xắc, một chú gấu nhỏ. Lúc ấy, bé mải mê với đồ chơi và sẽ không còn thời gian để ngậm tay.
Hãy xem vì sao trẻ mút tay
Trẻ mút tay là bản năng tự nhiên hình thành từ lúc thai kỳ. Hành động này có thể xuất phát từ việc trẻ căng thẳng, sợ hãi, đói, ngứa nướu. Vì thế bạn hãy để ý xem con mình thường mút tay khi nào.
Nếu là sau khi ăn một khoảng thời gian dài, và khi cho bé ăn lại thì bé không mút nữa, tức là bé mút tay vì đói. Nếu bạn bắt gặp trẻ hay mút tay khi bạn bỏ bé lại một mình thì chứng tỏ bé sợ hãi, lo lắng – hãy ôm hôn vỗ về, động viên bé. Tìm ra nguyên nhân, bạn sẽ có những cách hạn chế.
Cho con biết tác hại
Nếu bé dưới 1,5 tuổi thì việc bạn nói về tác hại của mút tay là không hiệu quả. Nhưng nếu con bạn lớn hơn, bạn hãy cho bé đứng trước gương. Hãy nói cho biết về việc răng sẽ nhô ra ngoài khi con hay mút tay hoặc vi khuẩn sẽ đi vào ruột làm con đau bụng, tiêu chảy.
Cho bé một ti giả
Ngậm ti giả sẽ khiến trẻ thích thú và tất nhiên chẳng còn cơ hội mút tay. Nhưng cách này chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, khi bạn không thể quản lý bé. Việc ngậm ti giả quá thường xuyên sẽ gây bất lợi khác cho trẻ.
Đeo bao tay
Nếu con bạn còn nhỏ thì việc đeo bao tay sẽ giúp trẻ tránh việc cào vào mặt, lại quên được thói quen mút tay. Nhưng khi bạn đang ẵm bé thì nên bỏ bao tay ra cho tay bé được “thở”.
Giữ tay bé trước khi ngủ say
Trẻ nghiện mút tay thường sẽ lặp lại hành động này trước khi ngủ, để rồi trẻ có thể ngậm tay trong miệng tới sáng hôm sau. Để “cai” cho bé, bạn hãy giữ hai tay bé (có thể làm động tác massage bàn tay cho bé thêm dễ chịu). Đến khi bé ngủ, bạn mới thả tay con ra. Làm như vậy có thể giúp bé không cho tay vào miệng, dần dần thành quen.
Như Bình
Chủ đề liên quan: