Kinh tế xã hội hôm nay

Tăng số giờ làm thêm trong một năm: Cần thiết cho doanh nghiệp và người lao động

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội và dự kiến được nhấn nút thông qua tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Trong đó, việc có nên cho doanh nghiệp (DN) tăng thêm thời gian làm việc hay không, cụ thể là mở rộng khung thỏa thuận làm thêm trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ lên 400 giờ mỗi năm, đang tồn tại những quan điểm trái chiều.

Không ít ý kiến cho rằng, công nhân cần làm ít giờ đi để có thêm thời gian nghỉ ngơi nhằm tái tạo sức lao động và lương phải cao lên. Quá đúng và quá đạo đức! Có người khuyên: DN phải áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, giảm cường độ làm việc cho người lao động. Quá đúng và không sai! Tuy nhiên trên thực tế, việc quy định số giờ làm thêm của người lao động không được nới rộng, sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhiều vấn đề.

Việc tăng số giờ làm thêm trong một năm để đảm bảo sự linh hoạt cho người sử dụng lao động, tăng khả năng cạnh tranh về thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt là trong hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các điều kiện nước ta là một nước đang phát triển và phù hợp với thực tế người lao động có nhu cầu làm thêm giờ để tăng thu nhập. Khi mở rộng khung thời gian được phép làm thêm thì cần bảo đảm quyền tự quyết của người lao động khi tham gia hoạt động này.

Theo các chuyên gia lao động, nhu cầu làm thêm chủ yếu rơi vào nhóm DN thâm dụng lao động như dệt may, giày da... Đơn hàng từ đối tác của nhóm các DN này thường không ổn định dẫn đến việc phải hoàn thành gấp. Từ đó, chủ sử dụng lao động buộc phải thỏa thuận tăng ca với người lao động.

Việc nâng thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ cho một số ngành nghề có tính đặc thù trong năm đã phần nào đáp ứng nhu cầu làm thêm giờ của đa số người lao động, đồng thời giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động và không bị gò bó bởi thời gian làm thêm giờ trong năm, tạo điều kiện cho các DN có tính thời vụ. Hơn nữa, nếu nhiều ngành không cho làm thêm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Như mía đường chỉ sản xuất trong 4 tháng, thủy sản, lúa cũng thu hoạch theo vụ nếu không cho làm thêm thì sản phẩm nông sản sẽ không thể bảo quản được. Một số ngành công nghiệp như: dệt may, da giày, điện tử nếu DN có đơn đặt hàng mà không cho làm thêm thì rất khó để hoàn thành đúng tiến độ.

Ở góc nhìn của các đơn vị sử dụng lao động cho thấy, DN chịu áp lực cạnh tranh với DN trong khu vực chứ không chỉ DN nội địa. Quy định thời gian làm thêm còn tác động đến khả năng được nhận đơn hàng hay không, bởi phải trải qua quá trình đánh giá về trách nhiệm xã hội từ đối tác dựa trên Bộ luật Lao động. Chất lượng sản phẩm, khách rất vừa lòng, nhưng rớt hợp đồng vì ảnh hưởng từ số giờ làm việc chính thức và giờ làm thêm. Trong khi các nước khác đạt hợp đồng dù điều kiện làm việc, bảo hộ lao động, lương bổng, chăm lo cho công nhân không bằng DN nước mình. DN không phát triển thì đời sống công nhân ảnh hưởng, tác động kim ngạch xuất khẩu và ảnh hưởng nền kinh tế, thu nhập quốc gia.

Nhìn ra các quốc gia khác cho thấy, nước Nhật Bản giàu có gấp bội ta, người lao động bên Nhật luôn làm việc hết sức mình cùng với tính kỷ luật cao độ, Chính phủ Nhật vẫn cho phép DN và người lao động được tăng thêm thời gian làm việc hàng năm cao hơn nhiều so với Việt Nam. Với các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan hay Trung Quốc cũng vậy... Trong khi tại Indonesia, giờ làm thêm là 728 giờ/năm, còn Việt Nam nếu không nới rộng thời gian làm thêm cho DN và người lao động, thì đối tác sẽ lựa chọn các nước khác cho đơn hàng.

Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi ngày một tăng, đặc biệt là chi phí nhân công (gồm tiền lương, thưởng, các loại bảo hiểm...) thường chiếm từ 85 - 87% trong tổng giá trị gia công. Còn lại trên 15% chi phí tiếp dành cho khấu hao, phí quản lý, phục vụ, điện, nước, vận tải, giao nhận, đồng phục...

Không những thế, giá gia công mỗi ngày một giảm bởi sức mua giảm sút của thị trường. Do vậy, việc khống chế thời gian làm thêm ở DN Việt Nam thấp hơn nhiều so các nước xung quanh chắc chắn sẽ làm sức cạnh tranh của các DN Việt càng thêm yếu, GDP quốc gia sẽ bị sụt giảm nhiều, DN sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm vì dự trữ tài chính quá hẻo, không đủ sức chống đỡ các tình huống bất khả kháng của thời vận.

Ðề nghị tăng thêm thời gian làm việc mỗi năm, cũng là để người lao động có điều kiện tận dụng máy móc, thiết bị, nhà xưởng, vật tư đang có sẵn trên dây chuyền sản xuất với thời gian làm thêm vừa phải để tăng thêm nguồn thu nhập lương thiện và chính đáng cho mình...

Trung Kiên

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/tang-so-gio-lam-them-trong-mot-nam-can-thiet-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-n165569.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY