Chẩn đoán đúng bệnh
Dấu hiệu điển hình: Táo bón kéo dài
Táo bón dễ mắc ở trẻ lười ăn rau củ quả. Nhưng nếu táo bón kéo dài thì cha mẹ chớ chủ quan. Lúc đầu là 2 ngày, bé mới đi đại tiện một lần, sau thì thành 3 ngày, rồi kéo dài thành 1 tuần. Lúc đầu trẻ còn tự đi được vì phân tuy có cứng nhưng còn nhỏ. Sau thì khối phân quá to, to hơn cả kích thước lỗ hậu môn nên trẻ đi ngoài rất khó khăn và không thể tự đi được. Giai đoạn nặng, mỗi lần đi đại tiện là phải đi thụt tháo.
Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh phình giãn đại tràng, ở trẻ nhỏ thường là do bẩm sinh khiến đại tràng xích ma bị giãn, phân bị dồn ứ lại tạo điều kiện cho ruột hấp thu nước trong phân. Nếu trẻ táo bón kèm triệu chứng đau bụng, sờ thấy khối cứng thì rất nhiều nguy cơ trẻ bị bệnh này.
Dấu hiệu nâng cao: Thiếu máu, học kém
Thiếu máu trong trường hợp này do hai nguyên nhân: thiếu chất và nhiễm độc.
Thiếu chất là bởi vì đứa trẻ sợ không dám ăn. Nhiễm độc là vì khi bị táo, phân bị tích tụ lại, cơ thể hấp thu các chất trong phân một cách không chọn lọc. Ruột hấp thu nước và muối khoáng nhưng cũng hấp thu cả các chất độc trong phân như H2S, SO2… khiến sự tái tạo máu bị giảm. Đồng thời, những chất độc trong phân mà ruột hấp thu vào có thể làm ức chế thần kinh, khiến trẻ mệt mỏi, giảm khả năng tập trung.
Do đó mà khi phát hiện thấy đứa trẻ thiếu máu một cách bất thường kèm theo táo bón thì hãy đưa con bạn đi khám bệnh này ngay.
Chăm sóc đúng cách
Thuốc nhuận tràng: phải chọn đúng loại
Trong các thuốc hỗ trợ điều trị thì chỉ có nhóm thuốc nhuận tràng và nhóm thuốc vitamin hướng thần kinh (vitamin nhóm B) là tốt nhất.
Thuốc nhuận tràng chủ yếu thích hợp nhất trong bệnh này là những hợp chất dạng đường cao phân tử như sorbitol, macrogol. Không nên dùng các thuốc nhuận tràng dạng chất hoá học như magiê sunphat vì những chất này sẽ bị tái hấp thu một phần vào trong cơ thể và lâu dần sẽ gây ra nhiễm độc thứ phát.
Sữa làm bệnh nặng hơn
Chế độ ăn nhiều rau, củ quả, ngũ cốc toàn phần, vitamin hạn chế những thực phẩm đóng hộp, những thực phẩm công nghiệp sẽ giảm triệu chứng táo bón, loại thải chất độc. Nhưng khi con bị phình giãn đại tràng, phụ huynh không nên ép uống sữa vì càng làm nặng thêm mức độ táo bón. Thay vào đó là uống nhiều nước trắng là tốt nhất, loại nước này vừa giúp chống táo bón lại vừa giúp thải độc nhanh cho cơ thể.
Khi nào nên phẫu thuật?
Phẫu thuật là biện pháp triệt để nhất để giải quyết phình giãn đại tràng. Bác sỹ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn đại tràng bị giãn, nối hai đầu ruột lại để tránh không cho phân bị ứ đọng. Khi đã xác định chính xác trẻ bị bệnh và đã tích cực thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc hỗ trợ tối đa nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, táo bón ngày càng nặng hơn thì nên đưa trẻ đi phẫu thuật.
BS. Cao Hồng Phúc
Học viện Quân Y
Chủ đề liên quan: