Sức khỏe hôm nay

Tập các thói quen tốt để tăng sức đề kháng giúp bé không ốm

Ăn rau xanh, ngủ đủ giấc, tăng cường hoạt động thể chất hàng ngày là những thói quen tốt giúp tăng cường sức đề kháng nội sinh - tiền đề để bé có thể chống chọi với nhiều mầm bệnh.

Dù đã gần 5 tuổi nhưng cu Bi nhà chị Hương (Đầm Trấu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn thường xuyên bị ốm vặt. Khi thì hắt hơi, sổ mũi, lúc lại húng hắng ho hay tiêu chảy. Biết sức đề kháng của bé yếu, chị đã cất công cho uống rất nhiều loại thuốc bổ cũng như vitamin nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Chỉ cần thời tiết thay đổi chút xíu, cu cậu lại lăn ra ốm. Mà mỗi lần ốm cũng phải mất đến nửa tháng mới hồi phục lại. Cũng chính vì thế, so với bạn bè cùng trang lứa, cu Bi còi cọc và kém nhanh nhẹn hơn hẳn.

Với nhiều người, việc các bé “uống thuốc nhiều hơn ăn cơm” như trường hợp cu Bi chỉ là chuyện “bình thường như cân đường hộp sữa”. Khi đó, các mẹ thường cho rằng lý do chính là vì bé non nớt quá và nghĩ rằng chỉ khi lớn hơn, bé mới đủ sức chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, sự thật là, ngay cả khi còn bé xíu, các bé vẫn có thể có sức đề kháng dồi dào nếu được rèn luyện những thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Ảnh minh họa

Tăng đề kháng nội sinh bằng cách nào?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, một trong những thói quen sinh hoạt giúp bé có thể khỏe hơn là duy trì chế độ ăn nhiều rau xanh. Bởi lẽ, chất xơ trong các thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh, hấp thụ thức ăn tốt.

Ngoài ra, vitamin C thiên nhiên trong các loại rau, củ, quả sẽ giúp cơ thể sản sinh ra sức đề kháng nội sinh, chống lại sự xâm nhập của nhiều loại vi trùng, vi khuẩn. Theo khuyến cáo, trẻ từ 7-12 tháng, mỗi bữa cần 20g rau; từ 1-2 tuổi, mỗi bữa cần 30g; từ 3-5 tuổi, trẻ cần 40-50g và từ 6 tuổi trở lên, trẻ có thể ăn rau như người lớn.

Bên cạnh bổ sung rau, để tăng cường hệ miễn dịch, bạn cũng cần cho bé ngủ đủ giấc. Theo nghiên cứu của bác sĩ Kathi Kemper, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và giáo dục sức khỏe trẻ em thuộc Bệnh viện nhi Boston (Mỹ): Thiếu ngủ không chỉ khiến cơ thể bé hoạt động kém linh hoạt mà còn dẫn đến tình trạng căng thẳng, hay cáu gắt, hệ tiêu hóa và bài tiết hoạt động kém… Thế nên, dù có bận rộn với thật nhiều công việc, bạn cũng không nên để bé thức cùng mà cần dỗ bé ngủ, sau đó mới làm tiếp những việc dang dở.

Ngoài hai yếu tố trên, các chuyên gia cũng khuyến cáo trẻ nhỏ cần được tập dục đều đặn. Do đó, để khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất, cha mẹ nên tham gia tập cùng bé. Và như vậy, việc tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày không chỉ giúp cả nhà khỏe mạnh hơn mà còn mang lại không khí vui tươi, gắn kết giữa các thành viên.

Cuối cùng, trước khi quyết định có nên cho bé dùng kháng sinh hay không, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, bởi lẽ kháng sinh chỉ thực sự có tác dụng với vi khuẩn, trong khi đó, phần lớn trẻ mắc bệnh lại do virus. Lạm dụng khám sinh không chỉ dẫn đến tình trạng lờn thuốc mà còn khiến hệ tiêu hóa, hệ bài tiết của bé chịu thêm nhiều gánh nặng. Và đương nhiên, điều này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe của các con.

Chế độ dinh dưỡng cho bé

Ăn gì tốt cho sức khỏe của bé là điều hết sức quan trọng. Bởi chế độ dinh dưỡng quyết định sự phát triển thể lực, vóc dáng, trí tuệ và khả năng học tập của trẻ. Vì thế, bạn hãy lưu ý những yếu tố sau khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bé nhé:

- Bổ sung thực phẩm giàu sắt và kẽm như: thịt bò, gan, cải bó xôi,… vào khẩu phần ăn của trẻ: Vì sắt có nhiệm vụ sản xuất homeglobin (tạo máu), sắt và kẽm còn là tiền chất của rất nhiều gốc enzyme- ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cơ thể, thần kinh và trí tuệ của trẻ.

- Cung cấp đủ canxi từ các rau củ quả: như nước ép cam, bông cải xanh, rau dền, khoai lang,… Bởi canxi là thành phần cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống xương và răng chắc khỏe. Ngoài ra, uống sữa hằng ngày cũng giúp bé phát triển chiều cao và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Ăn đủ axit béo để hỗ trợ sự phát triển của não bộ: Axit béo, đặc biệt là omega 3 và omega 6 rất cần thiết trong sự hình thành và phát triển trí tuệ. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những loại axit béo quý giá trong hầu hết các loại cá biến, cá hồi, các loại đậu hạt và dầu thực vật đấy.

Bảng định lượng thời gian ngủ và độ tuổi của trẻ

Độ tuổi

Thời gian ngủ trung bình của trẻ

0-2

11.5 đến 15.5 tiếng

3

11 đến 14 tiếng

4

10 đến 13 tiếng

5

10 đến 12.5 tiếng

6

10 đến 11.5 tiếng

7

9.5 đến 11.5 tiếng

8

9.5 đến 11.5 tiếng

La Giang

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/tap-cac-thoi-quen-tot-de-tang-suc-de-khang-giup-be-khong-om-20028/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY