Sức khỏe hôm nay

Tập thể dục nhiều hơn trong tam cá nguyệt đầu tiên giúp giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ thấp hơn ở những phụ nữ tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 38 phút mỗi ngày.

Duy trì hoạt động thể chất khi mang thai có nhiều lợi ích cho sức khỏe của cả mẹ và con. Ít nhất 30 phút tập thể dục cường độ trung bình được khuyến khích cho hầu hết phụ nữ mang thai vào hầu hết các ngày trong tuần hoặc năm ngày một tuần.

Tập thể dục thường xuyên giúp phụ nữ mang thai giữ dáng, giảm nguy cơ sinh mổ, rút ​​ngắn thời gian chuyển dạ, cải thiện tâm trạng và mức năng lượng, giảm các triệu chứng mang thai như đau lưng, táo bón, đầy hơi và sưng tấy.

Giờ đây, một nghiên cứu đã gợi ý rằng tập thể dục nhiều hơn trong ba tháng đầu của thai kỳ có khả năng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ là gì?

Tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ. Các chuyên gia ước tính cứ 100 phụ nữ thì có 6-10 phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ. Lượng đường trong máu cao khi mang thai có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tiểu đường thai kỳ có liên quan đến nguy cơ bị cao huyết áp, tiền sản giật (huyết áp tăng đột ngột, nguy hiểm), sẩy thai, chuyển dạ sớm hoặc sinh non.

Những phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ cũng có nhiều khả năng bị tiểu đường loại 2 trong suốt cuộc đời của họ. Bên cạnh đó, nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em.

Tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh tiểu đường phát triển trong thai kỳ.

Tập thể dục nhiều hơn để tránh tiểu đường thai kỳ

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Diabetes Care (Mỹ) cho thấy nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ thấp hơn ở những phụ nữ tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 38 phút mỗi ngày - nhiều hơn một chút so với khuyến nghị hiện tại.

Đối với nghiên cứu này, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu thu thập từ 2.246 phụ nữ mang thai có hoạt động tập thể dục trong ba tháng đầu của thai kỳ. Họ phát hiện ra rằng tập thể dục ít nhất 38 phút mỗi ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ giảm 2,1 trường hợp trên 100 phụ nữ và nguy cơ đường huyết bất thường giảm 4,8 trường hợp trên 100 phụ nữ.

Dựa trên những phát hiện của mình, các tác giả cho rằng các khuyến nghị hiện tại về ít nhất 30 phút mỗi ngày, năm ngày một tuần có thể cần được xem xét lại để cải thiện cơ hội phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ của phụ nữ.

Ai nên tránh tập thể dục khi mang thai?

Mặc dù có nhiều hình thức tập thể dục đều an toàn khi mang thai, nhưng điều quan trọng là bạn phải tham khảo ý kiến các chuyên gia sức khỏe trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục. Theo các chuyên gia, việc tập thể dục khi mang thai cũng có thể không an toàn nếu bạn gặp một số vấn đề như:

- Một số dạng bệnh tim và phổi

- Tiền sản giật hoặc huyết áp cao phát triển lần đầu tiên khi mang thai

- Vấn đề cổ tử cung

- Chảy máu âm đạo dai dẳng trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba

- Vấn đề về nhau thai

- Chuyển dạ sinh non trong thai kỳ hiện tại của bạn

- Đa thai có nguy cơ chuyển dạ sinh non

- Vỡ ối sớm

- Thiếu máu trầm trọng

Đối với những người có thể tập thể dục thì bơi lội, thể dục nhịp điệu tác động thấp và đạp xe trên một chiếc xe đạp tĩnh là những lựa chọn tốt. Ngoài ra, bạn đừng quên khởi động, căng cơ và hạ nhiệt, đồng thời uống nhiều nước để cơ thể luôn đủ nước.

Với những người đang có ý định mang thai, tốt nhất là nên tham khảo các bài thể dục phù hợp trong 3 tháng đầu. Việc tập luyện trong thời gian này giúp giảm thiểu rõ rết nguy cơ tiểu đường thai kỳ, đảm bảo hơn cho sức khỏe cả mẹ và con.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/tap-the-duc-nhieu-hon-trong-tam-ca-nguyet-dau-tien-giup-giam-nguy-co-tieu-duong-thai-ky-29890/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY