Sức khỏe hôm nay

Tất tần tật về Chân vòng kiềng ở trẻ: Cha mẹ nên biết

Chân vòng kiềng không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên biết làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng để xử trí đúng, tránh được những hệ lụy không tốt cho trẻ. Dưới đây là những điều về tật chân vòng kiềng ở trẻ mà cha mẹ cần nắm để bảo vệ trẻ.

1. Chân vòng kiềng là gì?

Chân vòng kiềng hay còn gọi là chân cong, chân hình chữ O.

Chân vòng kiềng (chân cong, chân hình chữ O) là tình trạng chân bị cong ra ngoài, thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Những trẻ chân vòng kiềng khi đứng ngón chân sẽ hướng về phía trước và dù 2 mắt cá chân chạm vào nhau thì hai bên đầu gối vẫn có khoảng cách chứ không thể chạm vào nhau như bình thường.

Trẻ sơ sinh thường bị chân vòng kiềng do tư thế gấp khi còn trong bụng mẹ. Trong giai đoạn phát triển, đứa trẻ sẽ thay đổi khi chúng bắt đầu đứng và đi. Vì lý do này, cho đến khi hai tuổi, chân vòng kiềng không phải là bất thường. Trong hầu hết các trường hợp, chân của trẻ bắt đầu duỗi thẳng sau khi chúng bắt đầu chịu trọng lượng lên khi đứng hoặc đi (thường từ 12 đến 18 tháng tuổi).

2. Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của Chân vòng kiềng là gì?

Chân vòng kiềng thường không làm phiền trẻ nhỏ vì tình trạng này không gây đau hoặc khó chịu. Cha mẹ có thể lo lắng về hình dạng của đôi chân của con mình hoặc đi bộ khó khăn. Nhưng chân vòng kiềng không ảnh hưởng đến khả năng bò, đi hoặc chạy của trẻ.

Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng chân vòng kiềng là đầu gối của trẻ không chạm vào nhau khi đứng. Nếu tiếp tục kéo dài sau ba tuổi, thì có nghĩa là có dị tật chân vòng kiềng, và cha mẹ nên đưa con đi khám để có biện pháp can thiệp.

Các triệu chứng khác mà trẻ bị chân vòng kiềng gặp phải bao gồm:

- đau đầu gối hoặc hông

- giảm phạm vi chuyển động ở hông

- khó khăn khi đi bộ hoặc chạy

- đầu gối không ổn định

- cảm giác tự ti về ngoại hình

Cách kiểm tra xem có đúng trẻ bị chân vòng kiềng không

Nếu băn khoăn làm thế nào khi chân bé bị vòng kiềng thì trước tiên cha mẹ có thể làm một bài kiểm tra nho nhỏ. Trước tiên cha mẹ hãy đặt bé ở tư thế nằm ngửa, duỗi thẳng 2 chân, để cho 2 mắt cá trong chạm vào nhau rồi đo khoảng cách giữa 2 đầu gối của trẻ ở vị trí lồi cầu trong xương đùi.

Khi kết quả đo thu được dưới 10cm thì chứng tỏ trẻ vẫn phát triển bình thường. Khi kết quả đo trên 10cm thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để có biện pháp can thiệp.

3. Nguyên nhân nào gây ra chân vòng kiềng?

Hầu hết các trường hợp bị chân vòng kiềng là do khi ở trong bụng mẹ, chân của trẻ thường xuyên bị gấp hoặc uốn cong.

Ở trẻ sơ sinh, hầu hết các trường hợp bị chân vòng kiềng là do khi ở trong bụng mẹ, chân của trẻ thường xuyên bị gấp hoặc uốn cong nên đã thành thói quen. Sau khi sinh ra, hầu hết trẻ sẽ theo thói quen nằm co chân ấy vì nó là tư thế đã quen thuộc. Đây được gọi là chân vòng kiềng sinh lý. Nó được coi là một phần bình thường trong quá trình tăng trưởng và phát triển của một đứa trẻ.

Khi một đứa trẻ bắt đầu tập đi, vòng kiềng có thể tăng lên một chút và sau đó sẽ tốt hơn. Trẻ em bắt đầu biết đi ở độ tuổi nhỏ hơn có biểu hiện vòng kiềng dễ nhận biết hơn.

Ở hầu hết trẻ em, hiện tượng cong ra ngoài của chân sẽ tự điều chỉnh khi lên 3 hoặc 4 tuổi. Chân thường thẳng khi 7 hoặc 8 tuổi.

Ngoài ra, chân vòng kiềng có thể do tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn gây ra, chẳng hạn như:

- Còi xương, một vấn đề về phát triển xương do thiếu vitamin D hoặc canxi. Tình trạng này phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, nơi trẻ em không được bổ sung đủ thực phẩm bổ sung vitamin D. Đôi khi bệnh còi xương có thể xảy ra trong các gia đình do vấn đề di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng vitamin D.

- Bệnh Blount, một chứng rối loạn tăng trưởng ảnh hưởng đến xương chân

- Các tình trạng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương xung quanh đầu gối bao gồm chấn thương, nhiễm trùng hoặc khối u.

4. Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện chân bị vòng kiềng?

Như đã nói ở trên, đối với hầu hết trẻ sơ sinh thì hiện tượng chân vòng kiềng là do tư thế quen từ trong bụng mẹ khiến cho chân bị cong, theo thời gian dần dần chân trẻ sẽ trở lại bình thường nên cha mẹ không cần quá lo lắng để khắc phục tình trạng này. Trường hợp này cha mẹ cũng không cần nắn chân cho trẻ vì nó không có tác dụng gì cả.

Trong trường hợp quá 2 tuổi chân của trẻ vẫn bị vòng kiềng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để có thể biết được nguyên nhân và nhận được phác đồ điều trị phù hợp.

Các phương pháp được các bác sĩ thường xuyên sử dụng để khắc phục tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ có thể kể đến như:

- Vật lý trị liệu, tập cho trẻ khỏi dáng chân đi hình vòng kiềng với nhiều cách.

- Cho bé tập đi theo đường thẳng với quyển sách trên đầu. Cách đi này nhằm để lấy thăng bằng sẽ khiến cho chân, lưng, hông thẳng, giúp khắc phục dáng đi chân hình vòng kiềng ở trẻ.

- Tăng cường các bài tập thể dục như vươn vai, nhảy múa theo nhạc, hai tay chống hông lắc lư sẽ tạo được thói quen giữ thẳng vai, lưng và hông cho trẻ.

- Áp dụng phương pháp phẫu thuật xương ở các trường hợp trẻ bị chân vòng kiềng bẩm sinh. Có hai phương pháp là phẫu thuật bó (tiến hành nẹp chân hoặc bó bột cho trẻ) hay phẫu thuật sắp lại xương khi phương pháp bó chân, nẹp chân không có kết quả.

5. Cách hỗ trợ điều chỉnh chân vòng kiềng cho trẻ

Bú sữa mẹ

Sữa mẹ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và các loại vitamin rất tốt cho sự phát triển hệ xương của trẻ. Trong 6 tháng đầu đời, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn để hệ xương có được sự phát triển tốt nhất. Không những thế, sữa mẹ còn có vitamin D giúp hạn chế còi xương - nguyên nhân gây ra chân vòng kiềng. Khi trẻ đến độ tuổi ăn dặm, bên cạnh nguồn sữa mẹ thì cha mẹ cũng hãy cố gắng bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm cho trẻ để cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D.

Không tập đi sớm

Một điều cha mẹ cần hết sức lưu ý để hạn chế chân vòng kiếng là không nên cho trẻ nhỏ hơn 9 tháng tuổi ngồi xe tập đi vì lúc này hệ xương chân của trẻ chưa đủ thời gian phát triển. Thời điểm thích hợp để làm việc này là ngoài 9 tháng vì khi tập đi quá sớm, toàn bộ trọng lượng cơ thể sẽ dồn ép xuống chân càng dễ khiến chân bị biến dạng.

Trước khi tập đi cho trẻ hãy tập cho trẻ giữ thăng bằng trọng lượng cơ thể đã. Trong quá trình tập đi cần luôn theo sát trẻ, dùng chăn hoặc gối chặn sát ngay sau trẻ để nâng đỡ, tránh việc trẻ bị ngã ảnh hưởng tới toàn bộ hệ chân hoặc đốt sống.

Bổ sung đủ canxi và vitamin D

Trong một thời gian dài, nếu trẻ bị thiếu vitamin D sẽ khiến cho việc hấp thu canxi và photpho giảm đi, gây trở ngại cho sự phát triển của hệ xương. Bản thân canxi và vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển xương của trẻ nên việc bổ sung đầy đủ những chất này là vô cùng cần thiết và giúp hạn chế được chân vòng kiềng.

Nắn chân cho trẻ sơ sinh bị chân vòng kiềng

Massage sẽ giúp lưu thông khí huyết, tăng cường lưu lượng máu đến vùng chân, kích thích trẻ ăn và ngủ tốt hơn.

Đối với trẻ sơ sinh, việc massage nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ cảm thấy được thư giãn và thoải mái. Các động tác massage sẽ giúp lưu thông khí huyết, tăng cường lưu lượng máu đến vùng chân, kích thích trẻ ăn và ngủ tốt hơn.

Việc massage cho trẻ sơ sinh được thực hiện như sau:

Chuẩn bị:

- Khi massage, mẹ nên để bé ở trần hoặc mặc mỗi bỉm. Đặt bé trong phòng yên tĩnh và có nhiệt độ phòng duy trì ở mức 27-28 độ C.

- Mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ và cắt gọn móng tay để tránh làm xước da bé. Bỏ trang sức trên tay như vòng, nhẫn để không làm bé bị đau.

Cách thực hiện:

- Đặt bé nằm thẳng, dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng theo chiều từ trên xuống dưới để khí huyết được lưu thông.

- Xoa nhẹ nhàng cẳng chân và đầu gối cho trẻ.

- Nắn bóp nhẹ bàn chân và xoa lòng bàn chân.

Lưu ý:

- Nên điều chỉnh lực massage theo phản ứng của trẻ: Nếu thấy trẻ khó chịu, mẹ nên massage nhẹ nhàng hơn.

- Thời gian massage không nên kéo dài quá 10 phút. Nếu mẹ massage quá lâu, các cơ của trẻ sẽ bị nhão, gây tổn thương phần mềm.

- Các mẹ chỉ nên massage bằng tay không, không sử dụng tinh dầu vì da bé rất nhạy cảm.

- Thực hiện việc massage đều đặn mỗi ngày.

Nhìn chung, khi trẻ sơ sinh bị chân vòng kiềng, cha mẹ không nên quá lo lắng. hãy từ từ quan sát, bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ, thực hiện cách nắn chân cho trẻ, nếu sau 2-3 tuổi không thấy tình hình được cải thiện, hãy đưa trẻ tới bác sĩ để nắm rõ nguyên nhân và nhận được phác đồ điều trị thích hợp.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/tat-tan-tat-ve-chan-vong-kieng-o-tre-cha-me-nen-biet-34333/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY