12 cung hoàng đạo hôm nay

12 cung hoàng đạo

Tết Dương lịch rét đậm rét hại, cẩn trọng với những bệnh này

Thời tiết rét đậm, khiến chúng ta dễ mắc nhiều bệnh như cảm cúm, tê cóng, đột quỵ, trầm cảm theo mùa. Đặc biệt, nhiệt độ hạ thấp khiến các vấn đề tim mạch trở nên trầm trọng hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dịp nghỉ Tết Dương lịch từ 29/12/2018 đến 2/1/2019 các tỉnh miền Bắc sẽ đón đợt rét đậm rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ C; vùng cao khả năng dưới 5 độ C.

Theo các chuyên gia y tế, người dân cần giữ ấm cơ thể và khi có những biểu hiện sau người dân chớ nên coi thường.

1. Tê cóng

Tê cóng xảy ra khi da và các mô bên dưới da “đóng băng” khi tiếp xúc với thời tiết lạnh và nhiều gió.

Tình trạng tê cóng quá nghiêm trọng có thể dẫn tới da bị phồng rộp hoặc chuyển màu đen do hoại tử các mô bên trong.

Tê cóng được chia thành ba mức độ: Độ 1: Lạnh buốt, tê và da tái nhợt, có thể rộp da nếu được sưởi ấm tức thì; Độ 2: Tê cóng bên ngoài, phần da bên ngoài lạnh cứng nhưng mô bên dưới vẫn còn co giãn bình thường.

Có thể bị rộp da; Độ 3: Tê cóng sâu. Da trắng nhợt hoặc thâm tím. Da và mô bên dưới cứng và rất lạnh.

Cần làm gì?

Điều đầu tiên cần làm là cách ly với giá lạnh, làm nóng vùng da này một cách dần dần, đây là chìa khóa để điều trị tê cóng. Có thể sưởi ấm các vùng như tai, mặt, mũi, các ngón tay, ngón chân bằng hơi thở ấm của mình hoặc áp phần chân tay có quần áo ấm vào nơi da bị lộ ra ngoài. Tránh để phần cơ thể bị cóng nhiễm lạnh thêm. Nếu có thể, ngâm vùng tê cóng vào nước ấm trong 10-15 phút.

Chú ý: Không hơ lửa sưởi ấm lại ngay vùng bị tê cóng. Không chà xát hoặc xoa bóp phần cơ thể bị tê cóng để tránh gây tổn thương cho các mô. Nếu có thể, tránh đi lại khi chân bị tê cóng. Nếu bị rộp da khi sưởi, không bóc da vùng bị rộp. Da có thể bị tấy đỏ, bỏng, nóng rát hoặc rất đau. Đối với tê cóng độ 3 nghĩa là da tái nhợt, cứng và lạnh sau khi sơ cứu cần đến cơ sở y tế nhất để được tư vấn và điều trị.

Để phòng tê cóng, cần mặc phù hợp với thời tiết, trang bị đầy đủ áo khoác, găng tay, mũ, tất ấm khi ra ngoài. Nên lựa chọn các loại áo khoác, găng tay, mũ... làm từ vật liệu chống thấm ướt, phù hợp với thời tiết mùa đông lạnh, ẩm ướt và nhiều gió.

2. Nguy cơ đột quỵ

Ảnh minh họa

Theo BS. Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), trong môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng, dẫn đến đột quỵ.

Mặt khác, huyết áp dễ tăng cao dẫn đến tăng áp lực trong lòng mạch. Với người bị xơ vữa động mạch, nguy cơ mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.

Thực tế, không ít người bị đột quỵ lúc sáng sớm 4-5 giờ sáng, vì dậy đi vệ sinh, gặp gió lạnh dẫn đến tai biến.

Trong trường hợp này, nhiều người tưởng mình bị cảm, gọi người nhà đánh gió sẽ rất nguy hiểm bởi việc cạo gió, uống nước đường, nước gừng giải cảm sẽ càng khiến cho việc chảy máu nặng thêm.

Cần làm gì?

Khi phát hiện người đột quỵ cần sơ cứu bằng cách: để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, theo dõi sắc mặt, nhịp thở. Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất nôn từ mũi và miệng bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân co giật, cần để bệnh nhân nằm nghiêng đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi. Nếu thấy người bệnh có những cơn đau đầu dồn dập, buồn nôn thì nên đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Để tránh bị đột quỵ trong thời tiết lạnh giá, BS. Mai Duy Tôn khuyến cáo, người dân nên giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đột ngột; đặc biệt giữ ấm ngực và chân. Lưu ý không tập thể dục vào sáng sớm hay buổi tối ở ngoài trời. Ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường. Không nên dậy vào 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng. Bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ.

3. Các bệnh về đường hô hấp

Nền nhiệt rất thấp, độ ẩm thấp (chỉ xấp xỉ 50%) cũng dễ khiến nhiều người mắc bệnh, chủ yếu là bệnh viêm đường hô hấp. Đó là bởi vì khi không khí vào cơ thể, qua niêm mạc mũi-họng không được sưởi ấm kịp thời, không được làm ẩm và lọc sạch trước khi vào khí quản khiến hệ thống hô hấp hoạt động kém, dễ gây các bệnh mũi - họng, nặng hơn là viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.

Một số người có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính thì vào mùa lạnh thì bệnh rất dễ tái phát dễ xuất hiện các biến chứng. Yếu tố thuận lợi gây bệnh trước hết phải kể đến người nghiện hút thuốc lá, thuốc lào. Thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi (tổ chức phổi) do đó làm tăng nguy cơ bội nhiễm.

Hoài Nguyễn (T/H)

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/khoe-+/tet-duong-lich-ret-dam-ret-hai-can-trong-voi-nhung-benh-nay-26801/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY