Tình yêu và giới tính hôm nay

Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch: Nguồn gốc và ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam

Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 hàng năm, mỗi gia đình đều quây quần ngôi bên nhau nặn những đĩa bánh trôi, bánh chay để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Tết này.

Nguồn gốc ngày Tết Hàn thực

Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hồng, ngày Tết Hàn Thực bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, gắn với câu chuyện về Giới Tử Thôi theo điển tích cổ của Trung Quốc.

Giới Tử Thôi theo phò tá vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công phò tá, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Nhà vua hối hận cho lập miếu thờ. Hàng năm, đến ngày 3/3 Âm lịch là ngày chết cháy của 2 mẹ con Tử Thôi thì cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước, đây được coi là ngày Tết Hàn thực.

Ý nghĩa việc cúng bánh trôi, bánh chay

Trong quá trình giao thoa văn hóa, Tết Hàn Thực của Việt Nam có những điểm khác biệt lớn, mang đậm bản sắc dân tộc rõ nét.

"Vào ngày Tết Hàn Thực, người dân Việt Nam không có tục cấm lửa, cũng không phải cúng để tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi. Bánh được làm ra đều đặt lên bàn thờ để cúng bái và tưởng nhớ gia tiên, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đặc biệt, hình tượng nặn nhiều chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, nho nhỏ, xếp đầy trên đĩa cũng mang hàm ý tưởng nhớ đến mẹ Âu Cơ khi sinh ra bọc trăm trứng, thể hiện người dân Việt Nam nhớ rõ cội nguồn con rồng cháu tiên của mình" - chuyên gia văn hóa Nguyễn Hồng chia sẻ.

Hai thứ bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.

Ở một số vùng, người ta làm thêm món bánh nhót, cách làm tương tự bánh chay nhưng chỉ khác hình dáng được người dân nơi đây nặn giống như trái nhót lạ mắt.

Việc nặn bánh trôi bánh chay tuy đơn giản nhưng cũng rất cần sự tỉ mẩn, vậy nên cần có sự tham gia của cả gia đình. Điều này dễ thấy ở nhiều gia đình, khi đến ngày 3/3, các thế hệ lại cùng nhau nặn bánh, cúng tổ tiên và quây quần thụ lộc, vô cùng đầm ấm.

Hoài Nguyễn

Theo tạp chí Sống Khỏe

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/song-tam-ly/tet-han-thuc-33-am-lich-nguon-goc-va-y-nghia-trong-van-hoa-viet-nam-25386/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY