Sức khỏe hôm nay

Thai 17 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu phải bất ngờ khi bước sang tuần mang thai thứ 17. Vậy thai nhi 17 tuần sẽ có sự phát triển như thế nào về hình dáng, kích thước cũng như các hoạt động trong bụng mẹ

Để biết câu trả lời, các mẹ bầu đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.

Sự phát triển của thai nhi 17 tuần tuổi

Hình dáng, kích thước, cân nặng của thai nhi

Bước sang tuần thai 17, em bé của bạn đã có rất nhiều những thay đổi đáng kể về kích thước, hình dáng, cân nặng. Thông qua hình ảnh siêu âm, các bác sĩ và mẹ bầu có thể nhận thấy các đặc điểm như:

Chiều dài, cân nặng: Thai nhi 17 tuần sẽ có chiều dài trung bình từ 20cm. Lúc này, trọng lượng thai sẽ vào khoảng 180gr, tức là đã tăng khoảng 80gr so với khi mang thai tuần 16.

So sánh có thể thấy, thai nhi 17 tuần tuổi sẽ có kích thước tương đương như một trái cam hoặc một củ hành tây.

Lớp da bắt đầu phát triển: Ở tuần thai 17, lớp da mỏng của bé bắt đầu phát triển. Sự phát triển này sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt quá trình mang thai nhằm bao bọc, bảo vệ các cơ quan bên trong.

Tóc, lông tơ: Thai nhi 17 tuần tuổi sẽ xuất hiện những sợi tóc đầu tiên trên đỉnh đầu. Cùng với đó, lớp lông tơ mỏng bao quanh cơ thể cũng dần được hình thành.

Đặc điểm phát triển của các cơ quan trong cơ thể

Phổi: Phổi phát triển mạnh mẽ để có thể tiếp nhận được oxy từ không khí khi ra ngoài

Mỡ: Bắt đầu từ tuần thai 17, thai nhi sẽ có một lớp mỡ nâu hình thành dưới da. Lớp mỡ này có nhiệm vụ giữ ấm cho thai nhi sau khi được sinh ra.

Hệ thần kinh: Não của bé đang trong giai đoạn phát triển mạnh, hệ thần kinh liên quan tới vị giác đã đạt mức trưởng thành.

Thận: Bắt đầu làm việc để sản xuất nước tiểu

Tai: Cảm nhận âm thanh rõ ràng hơn, chính xác hơn

Nhịp tim: Nhịp tim thai nhi tuần thứ 17 khoảng 140 - 150 nhịp/phút, gần gấp đôi nhịp tim của mẹ. Lúc này, tim đã đập dưới sự điều khiển của não bộ chứ không đập tự do như trước nữa.

Cơ quan hô hấp: Đã có những hoạt động hít vào, thở ra.

Thai nhi 17 tuần tuổi đã có những hoạt động nào trong bụng mẹ?

Nấc cụt: Ở tuần 17, thai nhi đã có biểu hiện của việc nấc cụt. Nếu tinh ý, mẹ có thể cảm nhận được tiếng nấc của con.

Nuốt nước ối: Bé đã có hoạt động nuốt một chút nước ối khi bước sang tuần 17.

Di chuyển: Nhờ nước ối cùng lớp da và lớp lông mao đã hình thành, em bé đã có nhiều hoạt động di chuyển linh hoạt hơn trong bụng mẹ.

Cơ thể mẹ thay đổi thế nào khi mang thai 17 tuần?

Mang thai tuần 17, tương đương với tháng mang thai thứ 4, cơ thể của mẹ bước vào giai đoạn ổn định. Lúc này, mẹ không còn bị quá nhiều những cơn ốm nghén, mệt mỏi hành hạ nữa. Cùng với đó, mẹ có sự thay đổi rõ rệt về vóc dáng, ngoại hình.

Ăn nhiều hơn, ngon miệng hơn: Trải qua những tháng đầu ốm nghén, không ăn được nhiều, đây là quãng thời gian để mẹ tìm lại sự cân bằng trong chế độ ăn. Một điều dễ dàng nhận thấy nhất đó là mẹ bầu rất nhanh đói ở tuần thai này và luôn có đồ ăn vặt bên mình.

Khi lựa chọn những món ăn phụ, món ăn chống đói… mẹ bầu nên lựa chọn những loại thức ăn lành mạnh, giàu chất xơ, vitamin để vừa tốt cho sức khoẻ, vừa giúp ổn định thai kỳ nhé.

Những vết rạn bắt đầu xuất hiện: Từ thời điểm thai 17 tuần tuổi, mẹ có thể nhận thấy những vết rạn ở vùng bụng và đùi bắt đầu xuất hiện. Đây là hiện tượng rất bình thường khi da phải giãn ra để thích nghi với bụng bầu đang lớn dần lên.

Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể sử dụng tới những loại kem chống rạn hoặc các thảo dược tự nhiên như dầu dừa để giúp da mềm hơn, đàn hồi tốt hơn, từ đó ngăn rạn hiệu quả.

Gặp những cơn đau đầu thường xuyên hơn: Điều này có thể xảy ra do yếu tố nội tiết của mẹ thay đổi mạnh mẽ. Khi bị đau đầu trong quá trình mang thai, mẹ hãy tới gặp các bác sĩ để có phương án giải quyết tốt nhất.

Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc ở giai đoạn này vì có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.

Hiện tượng đau lưng: Thai lớn đồng thời sẽ kéo theo áp lực lên vùng lưng, cột sống của người mẹ. Đây cũng là một biểu hiện rất bình thường. Mẹ khi bị đau lưng lúc mang thai hãy cố gắng nghỉ ngơi điều độ, uống đủ nước và bổ sung đầy đủ canxi cho cơ thể.

Những lưu ý khi chăm sóc mẹ bầu mang thai 17 tuần

Hàm lượng dưỡng chất mẹ cần bổ sung

Khi bước sang tuần thai thứ 17, lượng dưỡng chất mà mẹ bổ sung cho cơ thể cũng cần nhiều lên. Theo tính toán của các chuyên gia thì hàm lượng các vitamin, khoáng chất mẹ cần nạp vào mỗi ngày như sau:

Calo (năng lượng): Tăng thêm 340 calo so với trước mang thai. Mẹ có thể bổ sung năng lượng từ nguồn tinh bột, thịt cá, rau củ.

Vitamin và khoáng chất: Khi mang thai tuần 17, mỗi ngày mẹ bầu cần 600mcg folate, 27mg sắt, 770 mcg vitamin A và 1000mg canxi mỗi ngày.

Mẹ bầu mang thai 17 tuần có thể bổ sung các loại vitamin, khoáng chất từ rau cải bó xôi, bông cải xanh, nước cam, thịt gia cầm, thịt đỏ, tăng cường ngũ cốc, đậu nành… và viên uống tổng hợp.

DHA: Ở tuần thai này, hàm lượng DHA mẹ cần là rất lớn để đảm bảo sự phát triển của thị giác, thần kinh của bé. Mỗi ngày, mẹ hãy bổ sung 200 – 300 mg DHA từ nguồn hải sản như: cá hồi, cá ngừ, cá da trơn và viên uống tổng hợp.

Những điều mẹ bầu cần tránh

Cũng ở tuần mang thai thứ 17, để đảm bảo sức khỏe ổn định, không gây ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của thai nhi, mẹ không nên ăn các loại thức ăn cay, các món nướng, chocolate, cà phê, rượu, bia và đồ uống có gas…

Bên cạnh đó, các loại cá như cá thu, cá kiếm, cá kình... cũng cần được hạn chế sử dụng bởi hàm lượng thủy ngân trong những loại cá này khá cao, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bé.

Mẹ bầu mang thai 17 tuần cũng cần tuyệt đối tránh xa rượu, bia, cafein, chất kích thích, khói thuốc… để tránh cho thai nhi bị ngộ độc, dị tật.

Tổng hợp những câu hỏi thường gặp khi mang thai tuần 17

Mang thai 17 tuần có quan hệ tình dục được không?

Bước sang tuần thai 17, tức là giai đoạn giữa của tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu có thể có các hoạt động tình dục bình thường. Tuy nhiên ở thời điểm này, một số mẹ sẽ có cảm giác “khô hạn" khi “yêu".

Bởi vậy mà khi sinh hoạt vợ chồng, mẹ có thể sử dụng tới bao cao su để chất lượng cuộc yêu không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, bao cao su cũng sẽ giúp bảo vệ mẹ và thai nhi tốt hơn.

Hạn chế táo bón khi mang thai tuần 17 bằng cách nào?

Có rất nhiều mẹ bầu thắc mắc rằng, mặc dù đã ăn rất nhiều rau nhưng tình trạng táo bón thai kỳ vẫn không thể cải thiện. Thực chất, hiện tượng táo bón khi mang thai là do sự gia tăng nội tiết tố progesterone làm cho quá trình tiêu hóa bị chậm lại.

Cùng với đó, tử cung không ngừng lớn lên và đè phần ruột già cũng như đại tràng, ruột già hấp thụ nhiều nước hơn khiến cho phân cứng hơn và việc đi tiêu trở nên khó khăn hơn.

Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu có thể chia nhỏ bữa ăn; nhai kỹ khi ăn, đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày cũng như tăng cường vận động nhẹ nhàng. Ngoài ra, mẹ cũng nên tăng cường bổ sung chất xơ để giúp hệ tiêu hoá hoạt động ổn định hơn.

Thai nhi 17 tuần tuổi đã biết đạp, cử động nhiều chưa?

Ở tuần mang thai thứ 17, hệ cơ xương của bé đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động linh hoạt. Cũng trong tuần này, với sự hỗ trợ của nước ối, lớp da mỏng, thai nhi đã có thể dễ dàng đùa nghịch, đạp, uốn éo và nấc cụt, mút tay, nháy mắt, và nghịch dây rốn.

Mặc dù hoạt động trong bụng mẹ khá mạnh mẽ thế nhưng mẹ vẫn chưa thể cảm nhận rõ ràng, chính xác các lần thai máy. Nếu chưa thấy con máy thường xuyên, mẹ cũng đừng quá lo lắng bởi mỗi bà bầu lại có một đặc điểm cơ địa, sự phát triển của thai nhi khác nhau.

Theo các chuyên gia, chỉ khi nào qua tuần 20 mà mẹ vẫn chưa thấy thai máy liên tục thì mới cần lo lắng và cần phải đi khám ngay.

Mang thai 17 tuần bị ra máu có sao không?

Thai 17 tuần là quãng thời gian thai phát triển ổn định trong buồng tử cung theo lẽ thông thường. Ở tuần thai này, mẹ thường chỉ gặp các hiện tượng như dịch âm đạo có màu trong, trắng bình thường, không có mùi, không có hiện tượng lạ.

Trong trường hợp mẹ bầu bị ra máu ở tuần 17 thì rất có thể quá trình mang thai đang gặp phải vấn đề bất thường. Bởi vậy ngay khi phát hiện ra tình trạng này, mẹ bầu cần tới ngay cơ sở y tế để kiểm tra, xác định nguyên nhân cũng như có những biện pháp can thiệp kịp thời.

Thai 17 tuần tuổi nên tập luyện như thế nào?

Ở tuần thai 17, mẹ đã có thể luyện tập để tăng sức khoẻ, sự dẻo dai. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên lựa chọn những hình thức vận động nhẹ nhàng, phù hợp. Mẹ bầu tuần 17 vẫn cần tuyệt đối tránh những hoạt động thể lực mạnh để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ, thai nhi.

Những môn thể thao mà mẹ có thể lựa chọn như: Yoga, đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng, các bài tập cho vùng xương chậu…

Thai 17 tuần là giai đoạn tăng trưởng chiều dài, trọng lượng tương đối mạnh mẽ. Đối với mẹ bầu, mang thai tuần 17 cũng là lúc cơ thể có nhiều thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi.

Khi mang thai 17 tuần, mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, giữ một tinh thần thoải mái, lạc quan để cùng con tiếp tục trải nghiệm hành trình mang thai 23 tuần tiếp theo.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-17-tuan-tuoi-phat-trien-nhu-the-nao-33172/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY