Sức khỏe hôm nay

Thai 39 tuần - Em bé đã hoàn thiện toàn bộ, sẵn sàng tới với thế giới

Thai 39 tuần cũng đồng nghĩa với quãng thời gian trong bụng mẹ sắp kết thúc. Lúc này, bé yêu đã gần như phát triển hoàn thiện như một em bé sơ sinh và đã sẵn sàng ra với mẹ bất kỳ lúc nào.

Vậy ở tuần thai thứ 39, những đặc điểm về hình thái, sự phát triển nào của em bé cần được lưu tâm? Mang thai 39 tuần, mẹ cần chuẩn bị gì cho ngày lâm bồn?

Để biết câu trả lời, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

Thai 39 tuần tuổi mang những đặc điểm gì?

Chắc hẳn khi bước sang tuần thai 39, các mẹ bầu đều có chung câu hỏi thai 39 tuần phát triển như thế nào. Thực tế khi bước vào những tuần cuối cùng này, em bé của bạn về cơ bản đã hoàn thiện như một đứa trẻ sơ sinh. Những đặc điểm của thai nhi 39 tuần có thể kể đến như:

Bé tăng cân nhanh: Đây là thời điểm bé tích tụ mỡ và tiếp tục tăng cân. Lớp mỡ này nhằm giữ ấm cho bé khi chào đời, giúp bé thích nghi tốt hơn với môi trường bên ngoài tử cung của mẹ.

Kích thước của thai tuần 39 sẽ tương đương một quả mít hoặc một quả dưa hấu lớn. Chiều dài trung bình của bé là 50 cm và trọng lượng vào khoảng 2,8 kg đến 3,2 kg.

Não bé phát triển mạnh: Cũng tại thời điểm thai 39 tuần, não của bé sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ tính trong 4 tuần cuối của thai kỳ, não của thai nhi có thể tăng trưởng lên 30% so với giai đoạn trước đó.

Điều này cũng sẽ xảy ra trong suốt 3 năm sau khi em bé chào đời. Việc phát triển bộ não sẽ giúp bé tiếp nhận những thông tin từ cuộc sống bên ngoài một cách tốt nhất.

Làn da của thai nhi: Em bé của bạn ở thời điểm 39 tuần sẽ có làn da đỏ hồng do những mạch máu dưới da tạo thành. Ngoài ra, hiện tượng da có thể có màu xanh, tím, vàng… do hệ tuần hoàn chưa hoạt động nhiều cũng có thể xảy ra.

Đây là những hiện tượng da hết sức bình thường. Sau khi chào đời, với sự chăm sóc của mẹ và các bác sĩ, em bé của bạn sẽ sớm có được một làn da khoẻ mạnh, bình thường.

Đạp nhiều hơn: Ở tuần 39, em bé của bạn sẽ đạp nhiều hơn, thậm chí gây đau, khó chịu cho mẹ. Mẹ bầu đừng quá lo lắng bởi lúc này, tử cung đã thực sự rất chật chội và bé đang rất mong ngóng ngày được ra ngoài đấy ạ.

Bé đã xoay đầu: Phần lớn khi bước qua tuần thai 39, các em bé đã xoay đầu để chuẩn bị chào đời. Tuy nhiên, vẫn sẽ có trường hợp bé không quay đầu hay còn gọi là thai ngược ở tuần 39. Lúc này, bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn các bài tập để giúp bé nhanh quay đầu hơn.

Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 39 tuần

Khi mẹ bầu mang thai 39 tuần, cơ thể mẹ đã nặng nề hơn rất nhiều. Cụ thể những thay đổi về vóc dáng, tâm trạng của mẹ bầu mang thai 39 tuần điển hình như sau:

Có các cơn gò sinh lý: Cơn gò sinh lý, chuyển dạ giả hay cơn co thắt sinh lý Braxton Hicks sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tuần thai 39. Điều này có thể khiến sinh hoạt của mẹ bị ảnh hưởng, đảo lộn.

Khó tiêu, ợ nóng thường xuyên: Thậm chí tình trạng này còn diễn ra liên tục, suốt cả ngày. Để hạn chế, mẹ bầu nên uống nước trước hoặc sau khi dùng bữa, hạn chế uống nước trong khi ăn.

Rò rỉ một chút máu hồng: Lúc này, có thể mạch máu ở cổ tử cung bị vỡ, cổ tử cung giãn rộng và làm xuất hiện những đốm máu hơi hồng hoặc nâu.

Bong nút nhầy cổ tử cung: Đây là một hiện tượng cần chú ý vì nó báo hiệu em bé sắp chào đời. Nút nhầy trông giống như tinh dịch hay nước mũi, có màu trong suốt hoặc lẫn màu đỏ tươi của máu, đôi khi lại có màu nâu, đặc và dính.

Tiêu chảy: Mang thai tuần 39, các cơ bắp tại trực tràng có thể nới lỏng ra, dẫn đến việc đi tiêu ra phân lỏng.

Đau vùng xương chậu: Ở tuần thai 39, đầu em bé đã lọt vào vùng xương chậu, gây áp lực không nhỏ lên các cơ và dây chằng tại đây, dẫn đến đau.

Đau lưng: Càng về những tuần cuối, áp lực lên vùng cột sống, thắt lưng của bà bầu càng trở nên nghiêm trọng. Để làm dịu bớt cảm giác này, bà bầu tuần 39 có thể tắm bằng nước ấm hoặc đắp khăn ấm lên những vị trí đau.

Chăm sóc mẹ bầu mang thai 39 tuần cần chú ý những gì?

Mang thai tuần 39 đồng nghĩa với việc bạn có thể sinh em bé bất cứ lúc nào. Vì vậy, mẹ bầu cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có dấu hiệu là tới ngay bệnh viện. Trong thời gian chờ lâm bồn, mẹ bầu cần chú ý tới chế độ ăn uống, sinh hoạt như sau:

Những thực phẩm nên ăn, uống

Ở tuần thai thứ 39, mẹ bầu được khuyên sử dụng các loại thực phẩm giúp co bóp tử cung, từ đó giúp dễ sinh hơn. Cụ thể những loại thực phẩm này đó là:

Vừng đen (mè đen)

Đây là loại thực phẩm đầu tiên mà mẹ bầu mang thai tuần 39 lựa chọn để giúp sinh dễ dàng.

Trong thành phần của vừng đen chứa nhiều dầu, axit folic, vitamin E và protein giúp hỗ trợ quá trình sinh đẻ diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Ngoài ra, vừng đen còn giúp mẹ bầu có thể giải nhiệt cơ thể, đẹp tóc, đẹp da, giúp tiêu hóa tốt, tăng cường được sức đề kháng.

Dứa

Trong thành phần của dứa (thơm) chứa nhiều enzyme bromelain giúp cổ tử cung mềm ra. Đây là thành phần cần thiết giúp kích thích quá trình sinh nở dễ dàng hơn.

Rau lang

Sử dụng rau lang ở tuần thai 39 sẽ giúp mẹ bầu thanh nhiệt, hạn chế táo bón, đặc biệt là giúp chuyển dạ sớm.

Tía tô

Nước tía tô hay thậm chí là lá tía tô sạch, sử dụng trực tiếp sẽ kích thích cổ tử cung mở to hơn, nhờ vậy mẹ sẽ chuyển dạ nhanh và ít đau hơn. .

Tuy nhiên để đảm bảo, mẹ bầu mang thai tuần 39 vẫn chỉ nên sử dụng nước tía tô đun sôi, hạn chế ăn sống.

Bà bầu mang thai 39 tuần cần kiêng gì?

39 tuần là tuần cuối của thai kỳ. Mặc dù lúc này, các tác động từ bên ngoài sẽ ít có khả năng ảnh hưởng tới thai nhi, thế nhưng mẹ vẫn cần phải chú ý kiêng cữ để đảm bảo việc sinh con được thuận lợi. Cụ thể những điều mẹ bầu 39 tuần cần tránh đó là:

Tránh hoạt động thể lực mạnh, bao gồm cả hoạt động quan hệ tình dục. Lúc này, bụng mẹ đã rất lớn, hoàn toàn không phù hợp cho các hoạt động nêu trên.

Tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích: Những chất này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của mẹ. Thời gian này, mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ, đảm bảo sức khỏe tốt để sẵn sàng sinh con. Vì vậy, mẹ bầu cần tuyệt đối tránh những chất kích thích nêu trên.

Lời khuyên của bác sĩ khi thai nhi 39 tuần tuổi

Ở tuần thai 39, sẽ có rất nhiều việc mẹ bầu cần làm để chuẩn bị chào đón con yêu. Lời khuyên của các bác sĩ với mẹ bầu mang thai 39 tuần như sau:

1. Theo dõi các biến chứng thai kỳ muộn

Ở tuần thai thứ 39, hầu hết các trường hợp thai đều đã sẵn sàng để sinh và không có nhiều sự cố nguy hiểm như những tháng đầu tiên. Tuy nhiên, vẫn có những biến chứng thai kỳ xảy ra muộn mà mẹ bầu cũng như các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ. Một vài biến chứng thai kỳ điển hình có thể gặp phải ở giai đoạn này như:

- Tiền sản giật

- Suy thai

- Khởi phát chuyển dạ…

Những biến chứng này có thể xảy ra ở bất kỳ thai phụ nào, tỉ lệ xảy ra cao hơn ở những phụ nữ có nhiều nguy cơ như mắc bệnh hoặc trước đó từng gặp phải. Vì vậy mẹ bầu mang thai 39 tuần cần theo dõi chặt chẽ cơ thể và thăm khám đúng lịch để kịp thời phát hiện.

2. Cố gắng dành thời gian ngủ

Có tới khoảng 70 - 80 % mẹ bầu khi mang thai 39 tuần đều gặp các tình trạng khó ngủ, mất ngủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như tinh thần của mẹ.

Vì vậy khi mang thai tuần 39, mẹ cần cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ. Mẹ có thể tận dụng cả những khoảng thời gian ban ngày để ngủ, đảm bảo tổng thời gian ngủ trong ngày.

3. Thực hiện các bài tập

Ở tuần thai 39, những bài tập yoga hay những khoảng thời gian đi bộ sẽ rất tốt cho quá trình chuyển dạ, sinh con sau đó. Vì vậy tùy theo tình hình sức khoẻ và thời gian mà mẹ bầu có thể lựa chọn phương pháp luyện tập phù hợp nhé.

Đặc biệt với những em bé chưa chịu quay đầu khi được 39 tuần, mẹ có thể thực hiện bài tập sau để hỗ trợ quá trình xoay ngôi thai diễn ra nhanh hơn.

Cách thực hiện: mẹ bầu thực hiện nghiêng xương chậu, quỳ gối với hai đầu gối cách xa nhau và cúi xuống để ngực chạm mặt đất, đều đặn ba lần mỗi ngày.

9 dấu hiệu sắp sinh ở tuần 39 thường gặp ở mẹ bầu

Ở tuần 39 là lúc thai nhi đã đạt được sự hoàn thiện, sẵn sàng ra ngoài và phát triển như một cá thể độc lập. Với những bà bầu tuân thủ đúng quá trình thăm khám và sức khoẻ bình thường thì việc sinh con ở tuần thai 39 hoàn toàn không có gì đáng lo ngại.

Những dấu hiệu sắp sinh ở tuần 39 mà mẹ bầu có thể bắt gặp như sau.

Bụng tụt xuống thấp: Dân gian còn gọi hiện tượng này là “rơi bụng". Đây là dấu hiệu hết sức đặc trưng khi toàn bộ thai đã lọt xuống vùng xương chậu của mẹ. Mẹ bầu sẽ có thể cảm thấy đôi chút khó khăn trong đi lại, cơ thể nặng nề hơn khi “tụt bụng".

Âm đạo ẩm ướt, tiết dịch nhầy: Nguyên nhân của tình trạng này là do cổ tử cung của mẹ bầu bắt đầu giãn ra để tạo điều kiện cho em bé chui ra ngoài. Nếu dịch nhầy không xuất hiện màu bất thường như nâu, đỏ máu thì mẹ vẫn có thể yên tâm ở nhà.


Rỉ ối, vỡ ối: Đây là dấu hiệu sắp sinh rất điển hình. Khi thấy bị rỉ ối hoặc vỡ ối, bạn cần đến bệnh viện ngay để được hỗ trợ quá trình sinh nở. Cổ tử cung mở: Cổ tử cung mở đồng nghĩa với việc mẹ sắp sinh. Việc xác định độ mở của cổ tử cung được thực hiện qua thăm khám đường âm đạo. Vì vậy, mẹ cần đi khám đúng lịch để có những sự chuẩn bị kịp thời nhé.

Xuất hiện các cơn chuyển dạ, gò cứng bụng: Điều này có thể do mẹ cảm nhận hoặc thông qua các thiết bị đo chuyên dụng. Khi thấy xuất hiện các cơn co, mẹ bầu mang thai 39 tuần cần nghĩ ngay tới dấu hiệu chuyển dạ và tới bệnh viện để theo dõi kịp thời.

Ra máu âm đạo: Hiện tượng này còn được gọi là máu báo. Máu sẽ xuất hiện với một lượng nhỏ, có màu nâu hoặc hồng. Khi thấy xuất hiện máu báo, mẹ bầu cũng cần tới viện ngay.

Hơi thở ngắt quãng và dồn dập: Dấu hiệu này thường xuất hiện ở những mẹ bầu sắp sinh. Ngoài ra, những cơn đau bụng, đau lưng trong lúc này cũng khiến mẹ kiệt sức hơn bao giờ hết.

Chuột rút: Chuột rút được xác định do các cơ khớp ở tử cung và xương chậu của mẹ kéo giãn ra để tạo điều kiện tốt nhất cho bé yêu chào đời.

Hiện tượng này sẽ biến mất sau một vài phút. Tuy nhiên nếu hiện tượng này kéo dài và gây nhiều khó chịu, mẹ bầu 39 tuần cũng nên tới viện để kiểm tra.

Mất ngủ: Càng về những ngày cuối, mẹ bầu càng có xu hướng mất ngủ nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc nằm ngủ cũng khá khó khăn do lúc này, bụng bầu của mẹ đã lớn, gây chèn ép lên các cơ quan.

Để cải thiện tình trạng này, mẹ bầu hãy thư giãn thoải mái, đi bộ nhẹ nhàng và cố gắng ngủ ở các khoảng thời gian khác nhau trong ngày.

Thai 39 tuần là mốc thời gian với nhiều cảm xúc của mẹ bầu. Bạn sẽ cảm nhận được từng chuyển động của con, thậm chí là cả bàn chân nhỏ xíu đang thúc vào thành bụng. Hãy nghỉ ngơi và giữ tinh thần thật tốt, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng bởi bạn có thể gặp bé yêu vào bất kỳ lúc nào.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-39-tuan--em-be-da-hoan-thien-toan-bo-san-sang-toi-voi-the-gioi-33119/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY