Sức khỏe hôm nay

Thai 41 tuần - Mẹ cần chú ý và kiểm tra thường xuyên

Thai 41 tuần tuổi tức là đã quá ngày dự sinh. Điều này vẫn nằm trong giới hạn bình thường nếu các chỉ số của thai nhi vẫn đang trong ngưỡng ổn định. Tuy nhiên, việc quá ngày dự sinh đòi hỏi mẹ bầu phải theo dõi sát sao, tránh những rủi ro không đáng có.

1. Chỉ số của thai nhi 41 tuần tuổi

Thai nhi 41 tuần đã đạt sự hoàn chỉnh về thể chất, cân nặng, các hệ cơ quan trong cơ thể. Lúc này, em bé đã rất sẵn sàng để chào đời. Thậm chí theo quan niệm dân gian, em bé đã rất “già" ở trong bụng mẹ.

Thai nhi 41 tuần tuổi sẽ có cân nặng trung bình từ 3,2 – 4,1kg, chiều dài trung bình từ 48 – 56cm. Lúc này, em bé trông rất mũm mĩm và tử cung của mẹ đã khá chật chội. Vì vậy, các cử động chuyển động của thai nhi ở trong bụng mẹ sẽ khó khăn hơn.

Ở tuần 41, làn da của bé cũng có sự thay đổi rõ rệt. Da bé có xu hướng đỏ hơn, khô, bong tróc. Khi em bé được sinh ra, mẹ có thể dễ dàng nhận thấy lớp “mốc" trên bề mặt. Đây là hiện tượng bình thường, vì vậy mẹ bầu không cần quá lo lắng nhé.

Cũng ở tuần 41, nước ối trong tử cung sẽ dần cạn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Để đảm bảo đủ nước ối cho bé, mẹ nên uống đủ nước, uống thêm những loại nước tốt cho ối như nước dừa để tăng lượng ối cần thiết.

Trong trường hợp bé ị phân su trong bụng mẹ, mẹ bầu cũng cần được nhanh chóng cấp cứu bắt thai để tránh bé bị ngạt, xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy khi thai nhi đã được 41 tuần, mẹ cần tuân thủ đúng lịch kiểm tra, yêu cầu xét nghiệm cũng như các hướng dẫn chăm sóc từ bác sĩ.

2. Sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai tuần 41

Mẹ bầu mang thai tuần 41 đã vô cùng nặng nề. Cùng với sự mệt mỏi là cảm giác lo lắng vì quá tuần, rất nhiều mẹ sẽ mong muốn nhanh chóng có các dấu hiệu chuyển dạ.

Cụ thể, mẹ sẽ nhận thấy các dấu hiệu của tuần mang thai 41 như sau.

Đau, tức, khó chịu vùng xương chậu: Ở tuần 41, thai nhi đã tụt xuống rất sâu vùng đáy xương chậu. Đây cũng là lúc mà áp lực tại vị trí cổ tử cung và bàng quang tăng lên đáng kể. Điều này khiến mẹ vô cùng đau nhức, nặng nề.

Táo bón, trĩ: Mẹ có thể nhận thấy những dấu hiệu trĩ ở những tuần trước đó hoặc trong tuần thai 41 này. Ngoài ra, hiện tượng táo bón thai kỳ vẫn xảy ra một cách khá nghiêm trọng.

Mất ngủ: Càng đến ngày sinh, mẹ càng mất ngủ nhiều hơn. Điều này có thể do sự thay đổi của hormone, sự lo lắng của mẹ cũng như áp lực từ thai nhi. Vì vậy, mẹ cần tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể để đảm bảo sức khỏe cho ngày con ra đời nhé.

Các cơn co thắt tử cung: Ở tuần thai cuối này, các cơ co thắt tử cung cũng xuất hiện, báo hiệu thời điểm chuyển dạ. Vì vậy khi nhận thấy dấu hiệu sắp sinh này, mẹ cần tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ nhé.

3. Những câu hỏi thường gặp khi mang thai tuần 41

3.1. Thai tuần 41 có phải là quá ngày không?

Trên lý thuyết, hành trình mang thai của mẹ sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Như vậy với các mẹ bầu bước sang tuần 41 mà chưa sinh thì có thể được xem là quá ngày.

Tuy nhiên trên thực tế, việc xác định ngày sinh, tuần thai còn phụ thuộc nhiều vào thời điểm thụ tinh, chu kỳ kinh của mẹ trước đó. Rất nhiều trường hợp thụ tinh muộn nên 41 tuần vẫn chưa phải là thai đã quá ngày.

3.2. Thai quá ngày có những nguy hiểm gì?

Nếu thai quá ngày mà không được kiểm tra, đánh giá kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên trong trường hợp thăm khám, kiểm tra, nếu nhận thấy các dấu hiệu sinh trưởng vẫn ổn định thì mẹ bầu không cần quá lo lắng.

Trên thực tế việc quá ngày dự sinh chỉ gây ra nguy hiểm nếu xảy ra các hiện tượng, biến chứng như:

  • Thai chết lưu.

  • Thai nhi quá lớn.

  • Thai nghén quá kỳ.

  • Có phân trong phổi của thai nhi, nước ối

  • Lượng nước ối giảm khiến dây rốn bị chèn ép và hạn chế lưu lượng oxy cung cấp

3.3. Thai nhi 41 tuần cần làm những xét nghiệm gì?

Ở tuần thứ 41, các bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu thực hiện nhiều xét nghiệm, siêu âm để đánh giá tình trạng của cả mẹ và con. Những xét nghiệm này có thể là?

Đo Monitor: Đây là phương pháp giúp kiểm tra tim thai và tần số co bóp của tử cung. Bà bầu sẽ thực hiện đo trong khoảng 30 phút. Kết quả đo sẽ giúp đánh giá tình trạng, dự báo các cơn chuyển dạ cũng như đánh giá sức khoẻ của mẹ và thai nhi.

Thử nghiệm Non-stress Test (NST): Phương pháp này giúp đo nhịp tim của thai nhi trong một khoảng thời gian cụ thể. Kết quả của Non-stress Test được ghi nhận là có phản ứng (kết quả tốt) hoặc không có phản ứng (kết quả xấu) sẽ giúp dự đoán được tình trạng của thai nhi

Trắc đồ sinh vật lý (BPP): Đây là một bảng trắc nghiệm để theo dõi nhịp tim của thai nhi cũng như siêu âm thai. Xét nghiệm này giúp kiểm tra nhịp tim, hơi thở, chuyển động và trương lực cơ của em bé, từ đó xác định tình hình sức khỏe hiện tại của thai nhi. Xét nghiệm cũng giúp đánh giá lượng nước ối còn lại ở trong tử cung của mẹ.

Ngoài ra, tuỳ tình trạng mang thai, sức khoẻ của mẹ mà các bác sĩ có thể yêu cầu mẹ thực hiện thêm một số xét nghiệm, đánh giá khác.

3.4. Kích thích sinh ở tuần 41 được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo thực tế mang thai, các bác sĩ có thể chỉ định hoặc mẹ bầu có thể yêu cầu thực hiện việc kích sinh ở tuần 41. Các biện pháp giục sinh ở giai đoạn này có thể kể đến gồm:

  • Lóc ối (bấm ối): Là phương pháp tách màng ối ra khỏi tử cung bằng cách dùng tay thực hiện trực tiếp.

  • Phá vỡ túi nước ối: Là phương pháp ạo một lỗ nhỏ trên túi nước ối để làm vỡ ối, qua đó kích thích sự chuyển dạ.

  • Oxytocin: Là một loại thuốc giúp tạo ra các cơn co thắt chuyển dạ, được tiêm theo đường tĩnh mạch vào cánh tay của thai phụ. Liều lượng có thể được tăng dần theo thời gian và được theo dõi cẩn thận bởi các bác sĩ.

  • Làm giãn nở cổ tử cung: Sử dụng ống thông có gắn một quả bong bóng rất nhỏ vào cuối cổ tử cung của thai phụ. Sau đó, nước sẽ được bơm vào quả bóng. Khi bóng đã được bơm căng, nó sẽ gây ra tác động áp lực, giúp cổ tử cung mở ra và quá trình chuyển dạ sẽ bắt đầu.

Lưu ý khi giục sinh, mẹ cần phải hiểu rõ về các phương pháp và cần được đánh giá, chỉ định từ các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm.

4. Những lưu ý khi chăm sóc mẹ bầu tuần 41

4.1. Chế độ dinh dưỡng

Ở tuần 41, mẹ không cần thiết phải tiếp tục tăng cân. Tuy nhiên nguồn dinh dưỡng mẹ cung cấp cho cơ thể cũng như nuôi dưỡng thai nhi vẫn cần được đảm bảo.

Mang thai 41 tuần, mẹ nên tập trung vào các loại thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi. Mẹ cũng cần hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt hay quá mặn.

Những loại thực phẩm gợi ý cho tuần thai thứ 41 là:

Dứa chín: Dứa chín, bao gồm việc ăn trực tiếp và uống nước ép sẽ giúp làm mềm cổ tử cung, kích thích chuyển dạ cũng như giúp cho quá trình chuyển dạ thuận lợi hơn.

Vừng đen: Có công dụng tương tự như dứa chín. Vừng đen cũng là thực phẩm rất tốt cho quá trình sinh con của mẹ. Mẹ có thể sử dụng vừng đen để nấu chè, vừa tốt vừa mát bổ.

Các loại trái cây tươi: Cam, táo, bưởi, đu đủ… là nguồn cung cấp vitamin C, các vitamin quan trọng cũng như khoáng chất dồi dào. Vitamin C cũng sẽ giúp mẹ dễ ăn hơn, không bị ngán khi ăn.

Ngoài ra, vitamin C còn giúp tăng cường đề kháng cho thai nhi, giúp thai nhi khoẻ mạnh ổn định, có hệ miễn dịch tốt sau khi chào đời.

4.2. Việc làm cần tránh

Mang thai 41 tuần, sẽ có rất nhiều điều mà mẹ cần tránh. Đây là thời điểm cận kề ngày sinh, vì vậy mẹ hãy:

Không quan hệ tình dục: Việc quan hệ tình dục sẽ vô cùng khó khăn ở thời điểm này do bụng bầu của mẹ đã rất lớn. Ngoài ra, chuyện “yêu" thời điểm này còn khiến mẹ bị mất sức, có thể gây động tới thai nhi.

Không di chuyển xa: Mang thai 41 tuần, em bé của mẹ có thể “đòi" ra bất kỳ lúc nào. Vì vậy mẹ nên ở nhà, quanh khu vực bệnh viện nơi đăng ký sinh để theo dõi chặt chẽ. Việc di chuyển thời điểm này có thể khiến mẹ không kịp chuẩn bị nếu bất ngờ chuyển dạ.

Vận động và thư giãn

Mặc dù tương đối nặng nề và mệt mỏi, tuy nhiên mẹ cũng hãy cố gắng vận động bằng những khoảng đi bộ ngắn, yoga nhẹ nhàng. Việc này sẽ giúp mẹ thư thái hơn cũng như có được sức khoẻ tốt cho ngày sinh.

Ngoài ra, mẹ cũng nên giữ tinh thần thoải mái, không quá căng thẳng. Tinh thần lạc quan, tích cực của mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thai nhi đấy ạ.

4.3. Chuẩn bị đồ cho ngày sinh con

Chắc hẳn thời điểm này, các mẹ bầu đều chuẩn bị tương đối đầy đủ các vật dụng cần thiết để chào đón bé yêu. Trong lúc chờ đợi khoảnh khắc gặp con, mẹ hãy kiểm tra lại đồ đạc, giấy tờ cần thiết một lần nữa để đảm bảo không có thiếu sót, sự cố xảy ra.

Thai 41 tuần cũng đồng nghĩa với việc thời gian chuyển dạ chỉ còn tính bằng ngày. Lúc này, mẹ hãy giữ cho bản thân một tinh thần thoải mái lạc quan; không quá lo lắng áp lực. Ngoài ra, mẹ cũng cần tuân thủ tốt các khuyến cáo, yêu cầu chăm sóc để sinh con khoẻ mạnh, bình an.

Chúc mẹ bầu mẹ tròn con vuông ở trong tuần thai thứ 41.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-41-tuan--me-can-chu-y-va-kiem-tra-thuong-xuyen-33469/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY