Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 10 tuần tuổi - Bé đã lớn như một trái quất

Thai nhi 10 tuần tuổi là bước vào tháng cuối của tam cá nguyệt thứ nhất. Lúc này, em bé có hình dáng tương đương như một trái quất. Thai nhi 10 tuần cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng về kích thước, cân nặng cũng như các hệ cơ quan trong cơ thể.

Ở tuần mang thai thứ 10, tình trạng nghén của mẹ vẫn còn, đôi khi là nặng nề hơn. Để nắm rõ thông tin về sự phát triển của thai nhi 10 tuần tuổi cũng như cách chăm sóc mẹ bầu ở giai đoạn này, bạn đọc đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Thai nhi tuần 10 phát triển như thế nào?

1.1. Kích thước, cân nặng

Ở tuần thứ 10, thai nhi sẽ có chiều dài mông đỉnh khoảng từ 2,5 - 3,1cm. Cân nặng của thai nhi lúc này sẽ vào khoảng 35gr.

Tuần thai thứ 10, các bác sĩ sẽ chưa thực hiện việc đo các chỉ số như chiều dài xương đùi, đường kính lưỡng đỉnh, chu vi vòng bụng…

1.2. Nhịp tim và các cơ quan trong cơ thể

Nhịp tim: Nhịp tim của thai nhi 10 tuần tuổi sẽ vào khoảng 140 - 170 nhịp mỗi phút. Nếu nhịp tim dưới 90 nhịp hoặc cao trên 180 thì mẹ cần theo dõi rất sát bởi rất có thể thai nhi đang gặp vấn đề.

Xương, khớp: Phần xương đuôi đã dần biến mất và biến mất hoàn toàn trong 2 - 3 tuần sau đó. Khi siêu âm, hình ảnh của xương sẽ có màu trắng.

Cùng với đó, xương và sụn ở chân đang phát triển thành đầu gối và mắt cá chân. Ở tay, khuỷu tay đã được hình thành

Chân, tay: Phát triển mạnh mẽ, các ngón chân, ngón tay đã tách rời nhau

Tai: Hai lỗ tai đã định hình và dần phát triển vành tai cũng như cơ quan thính giác bên trong.

Răng: Mầm răng đã bắt đầu phát triển ở dưới lợi, đang cứng dần và có sự liên kết chặt chẽ với xương hàm.

Não bộ, hệ thần kinh: Kích thước não lớn lên nhanh chóng, đầu của thai nhi cũng to hơn. Mỗi phút có 250.000 tế bào thần kinh được sản sinh.

Thận: Bắt đầu sản sinh nước tiểu. Nếu thai nhi là con trai thì hoóc-môn testosterone cũng đang được sản xuất trong giai đoạn này.

Dạ dày: Bắt đầu sản sinh dịch vị.

1.3. Thai nhi 10 tuần đã biết giới tính chưa?

Giới tính của thai nhi được hình thành từ khi quá trình thụ tinh bắt đầu. Tuy nhiên ở tuần thứ 10, mẹ chưa thể biết chính xác giới tính của thai nhi. Điều này chỉ được dự đoán ở tuần 12 và biết chính xác hơn ở trong tuần 16 - 20.

2. Sự thay đổi của cơ thể người mẹ khi mang thai 10 tuần

Ở tuần mang thai thứ 10, mẹ bầu chưa có nhiều sự thay đổi về vóc dáng. Tuy nhiên cũng có mẹ đã nhận thấy bụng bắt đầu nhô ra. Ngoài ra, hiện tượng nổi gân xanh ở ngực, bụng cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Bước sang tuần thứ 10 của thai kỳ, những hiện tượng thường gặp khác ở mẹ bầu cũng có thể xuất hiện như:

Người mệt mỏi, khó chịu: Xảy ra do những thay đổi về thể chất trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Lúc này, mẹ nên chú ý nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng nhiều hơn để đảm bảo sức khoẻ.

Nghén ngẩm: Đây là điều dễ gặp nhất, phổ biến nhất ở mẹ bầu giai đoạn đầu. Tuỳ theo mỗi thể trạng mà mức độ nghén, đặc điểm nghén sẽ khác nhau. Thông thường, mẹ sẽ cảm thấy buồn nôn, dị ứng với mùi, không ăn được những món thông thường…

Khó tiêu, ợ nóng, trào ngược dạ dày: Đây cũng là hiện tượng tương đối phổ biến. Để cải thiện, mẹ nên hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ; tăng cường chất xơ, các loại hạt, thức ăn nhẹ nhàng để không làm tình trạng nặng hơn.

Ngoài ra cũng từ tuần này, mẹ đã có thể cảm nhận rõ tình trạng táo bón của cơ thể.

Đi tiểu nhiều lần: Sang tuần thứ 10, tử cung của mẹ sẽ lớn lên rõ rệt. Điều này vô tình tạo áp lực lên bàng quang, dẫn tới tình trạng bàng bàng bị chèn ép, làm mẹ đi tiểu nhiều hơn.

Chóng mặt, ngất xỉu: Xảy ra ở một số ít bà bầu. Điều này do nguyên nhân lượng máu được vận chuyển liên tục để cung cấp cho thai nhi. Khi áp lực máu cao sẽ dẫn tới hiện tượng chóng mặt, choáng váng, thậm chí ngất xỉu.

Nếu điều này xảy ra quá thường xuyên, mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn và tới gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp tốt nhất.

Đau dây chằng: Để chuẩn bị cho sự lớn lên của bụng bầu, các dây chằng sẽ bắt đầu giãn ra. Điều này có thể khiến mẹ cảm thấy đau, khó chịu. Để cải thiện, mẹ có thể thực hiện các động tác massage hoặc tăng cường thời gian nghỉ nhé.

3. Lưu ý khi chăm sóc mẹ bầu mang thai 10 tuần

3.1. Mẹ bầu 10 tuần nên ăn gì, uống gì?

Thực phẩm giàu vitamin B6

Vitamin B6 giúp cơ thể dự trữ năng lượng, hỗ trợ quá trình phát triển của các tế bào hồng cầu, giảm tình trạng thiếu máu, chóng mặt, đau đầu khi mang thai.

Đặc biệt ở tuần thứ 10, khi mà các cảm giác thai nghén có thể lên mức cao nhất thì việc bổ sung đủ B6 sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng này.

Những thực phẩm giàu vitamin B6 mà mẹ bầu có thể lựa chọn gồm cam, quýt, trứng, các loại rau lá xanh, khoai tây…

Thực phẩm giàu acid folic

Acid folic là dưỡng chất đặc biệt cần thiết trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Thiếu acid folic có thể dẫn tới các nguy cơ như sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân, thai nhi bị khuyết tật (nứt đốt sống và não úng thủy).

Vì vậy, mẹ nên bổ sung acid folic trước khi mang thai khoảng 3 tháng và ít nhất trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Những thực phẩm giàu acid folic có thể kể đến như súp lơ xanh, cải làn, trong các loại hạt như đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen và các loại hoa quả và nước hoa quả thuộc họ cam quýt.

Ngoài ra, mẹ nên sử dụng thêm viên uống cung cấp acid folic để đảm bảo đủ hàm lượng mà cơ thể cần mỗi ngày.

Thực phẩm giàu sắt

Thiếu sắt có thể gây thiếu máu ở cả mẹ và thai nhi, làm tăng nguy cơ thai chậm phát triển, dễ bị sinh non, còi cọc. Vì vậy ngay từ thời điểm biết bản thân mang thai, mẹ cần đảm bảo cung cấp thêm tối thiểu 15gr sắt mỗi ngày.

Những thực phẩm giàu sắt mà mẹ có thể lựa chọn gồm thịt nạc, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt,… Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung sắt tổng hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Thực phẩm giàu vitamin C, D

Vitamin D là vi chất cần thiết cho sự chuyển hoá canxi vào xương, nuôi dưỡng thai nhi phát triển toàn diện. Vitamin D có nhiều trong ánh nắng mặt trời buổi sớm và trong trứng, sữa, các loại hạt.

Vitamin C cần thiết để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Đây cũng là vi chất hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây, rau xanh như cam, bưởi, ổi, xoài…

3.2. Mẹ bầu nên kiêng những loại thực phẩm nào?

Ở tuần thứ 10, mẹ vẫn chưa qua giai đoạn thai kỳ còn nhiều bất ổn. Vì vậy để đảm bảo cho thai nhi phát triển tốt, mẹ khoẻ mạnh thì ở tuần này, mẹ vẫn cần tránh những loại thực phẩm sau:

Đu đủ xanh

Trong đu đủ xanh có chứa thành phần enzym và mủ có thể gây ra các cơn co thắt tử cung. Điều này có thể làm tăng nguy cơ sảy thai ở giai đoạn đầu. Vì vậy, mẹ tuyệt đối không nên ăn đu đủ chưa chín hẳn.

Măng

Măng tươi hay măng muối chua đều có chứa hàm lượng lớn Cyanide. Cyanide khi kết hợp với các Enzym của đường tiêu hóa có thể biến thành Acid Cyanhydric (HCN). Đây là một chất cực độc với cơ thể.

Vì vậy để đảm bảo thai kỳ ổn định, mẹ cũng cần tuyệt đối tránh xa loại thực phẩm này.

Rau ngót, dứa

Đây cũng là những đồ ăn khiến tử cung tăng cường co bóp. Vì vậy, mẹ chỉ nên ăn rau ngót sau khi sinh; chỉ nên ăn dứa từ tuần thứ 36 của thai kỳ.

Những thực phẩm chưa chín

Sữa chưa tiệt trùng, các loại thức ăn tái, chưa chín… có chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây hại cho sức khoẻ của bà bầu. Vì vậy khi mang thai 10 tuần, mẹ nên thực hiện ăn chín uống sôi; không nên ăn đồ ăn ôi thiu, chưa được nấu kỹ.

Mẹ cũng không nên ăn các thực phẩm như thịt muối, pho mát mềm, sữa chưa được tiệt trùng vì đây là những thực phẩm có thể chứa khuẩn listeria.

3.3. Siêu âm, xét nghiệm cần thiết khi mang thai 10 tuần

Ở tuần thai thứ 10, phần đa các mẹ bầu chưa đến lịch hẹn siêu âm, xét nghiệm. Tuy nhiên tuỳ theo mong muốn cũng như các chỉ định từ bác sĩ mà mẹ có thể tiến hành hoạt động đánh giá sự phát triển của thai nhi ở tuần này.

Khi siêu âm lúc thai nhi 10 tuần, các bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá các chỉ số như:

  • Kiểm tra huyết áp, chiều cao, cân nặng, khám da, niêm mạc.

  • Kiểm tra tay chân của mẹ để đánh giá có bị phù và tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân.

  • Đo nhịp tim của thai nhi.

  • Kiểm tra kích thước tử cung để xem độ tương quan đối với ngày dự sinh.

  • Đo chiều cao đỉnh tử cung.

Sau tuần 10, vào khoảng tuần 11 - 14, mẹ sẽ được chỉ định thực hiện các siêu âm, xét nghiệm sàng lọc chuyên sâu để dự phòng các dị tật bẩm sinh.

Ngoài ra nếu có điều kiện, mẹ có thể tiến hành làm Nipt để đánh giá các chỉ số phát triển của thai nhi cũng như dự đoán dị tật sớm ngay từ tuần 10.

Thai nhi tuần thứ 10 đã bước qua giai đoạn phôi thai, tiến tới giai đoạn hoàn thiện hình dáng và phát triển các hệ cơ quan. Mẹ bầu ở tuần thai này sẽ có thể nghén, mệt mỏi nhiều hơn. Vì vậy, mẹ cần tăng cường nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để cả mẹ và thai nhi đều khoẻ mạnh, ổn đinh.

Khi mang thai tuần thứ 10, mẹ cũng đặc biệt phải tăng cường bổ sung sắt, acid folic để hạn chế dị tật, đảm bảo lượng máu cần thiết và ngăn ngừa nguy cơ sảy thai, sinh non.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-10-tuan-tuoi--be-da-lon-nhu-mot-trai-quat-33339/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY