Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 20 tuần tuổi - Cột mốc nửa chặng đường của thai kỳ

Thai nhi 20 tuần tuổi là mốc thời gian vô cùng quan trọng đánh dấu một nửa chặng đường mang thai của mẹ. Kể từ tuần này, cơ thể và các hệ cơ quan bước vào giai đoạn tăng trưởng về kích thước, hoàn thiện về chức năng một cách tương đối rõ ràng.

Để biết thai nhi tuần 20 phát triển như thế nào, mẹ bầu đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.

1. Thai nhi 20 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Ở tuần 20, hình thái của thai nhi phát triển gần như trọn vẹn. Thông qua kết quả siêu âm, mẹ có thể nhận thấy những thay đổi rõ rệt bao gồm:

Chiều dài và cân nặng

Vào tuần thứ 20, kích thước của em bé tương đương với một quả chuối. Cụ thể khi được 20 tuần, thai nhi sẽ đạt chiều dài mông đỉnh khoảng 17cm, chiều dài đầu - chân khoảng 25 - 27cm và nặng khoảng 330 g.

Sự phát triển hình thể và da

Ở tuần 20, bé sẽ có 4 lớp da, lớp da sẽ dày hơn và phát triển các lớp dưới lớp vernix. Tuần thứ 20 này, sẽ có một lớp da với những đường kẻ phát triển. Đây là những hình thái ban đầu của vân tay, vân lòng bàn tay bàn chân - Điều sẽ đi theo em bé của bạn suốt cuộc đời.

Tóc và móng

Tóc của thai nhi 20 tuần tuổi cũng sẽ mọc nhiều hơn. Các móng chân, móng tay ở tuần này cũng hình thành tương đối rõ rệt dù còn là lớp rất mỏng.

Cũng ở tuần thai thứ 20, lông mày và lông mi của bé đã xuất hiện và có thể được nhìn thấy qua hình ảnh siêu âm.

Não bộ và thần kinh

Kể từ tuần 20, não của bé có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể trong suốt 20 tuần cuối của thai kỳ, não sẽ tăng 6 lần cả về kích thước lẫn khối lượng, tế bào. Cũng ở tuần 20, một phần của não bộ của bé gọi là tiểu não, đang không ngừng phát triển.

Tiểu não của bé giữ vai trò kiểm soát thần kinh vận động và liên quan tới cả chức năng nhận thức (sự tập trung, ngôn ngữ) và cảm xúc (kiểm soát phản ứng sợ hãi và vui sướng).

Cùng với đó, não bộ xây dựng kết nối phức tạp hơn, tốc độ hoàn thiện về cấu trúc và chức năng cũng nhanh hơn. Cũng vì vậy mà ở giai đoạn này, mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất bởi nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cho não chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Hệ tiêu hóa

Bước sang mốc 20 tuần tuổi, em bé của bạn đã tập nuốt nước ối nhiều hơn. Cùng với bế, bé cũng có hoạt động “tè" trong bọc nước ối của mẹ.

Ngoài nước ối thì tuần này, hệ tiêu hoá của bé cũng làm việc rất tích cực để đào thải chất thải, chính là phân su. Phân su sau khi hình thành sẽ được giữ lại trong ruột và sẽ thải ra ngoài khi bé được sinh ra.

Giác quan

Tế bào não phát triển mạnh mẽ cũng là lúc 5 giác quan gồm thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác của bé cũng phát triển tương ứng. Thai nhi 20 tuần tuổi đã có thể cảm nhận được ánh sáng dù chưa mở mắt; có thể nghe và phân biệt âm thanh cũng như có những hoạt động hít thở ban đầu trong bụng mẹ.

2. Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 20 tuần

Cùng với sự phát triển vượt trội về hình thái, các chức năng trong cơ thể của thai nhi, mẹ bầu mang thai 20 tuần cũng có nhiều thay đổi đáng kể. Cụ thể những thay đổi này có thể kể đến đó là:

Các cơ quan trong cơ thể: Khi thai nhi lớn dần cũng đồng nghĩa với các cơ quan trong cơ thể mẹ phải “dịch chuyển" để lấy chỗ cho tử cung lớn lên. Điều này có nghĩa là một vài cơ quan sẽ bị thay đổi khỏi vị trí thông thường.

Tiểu tiện giảm bớt: Lúc này, tử cung không còn chèn ép lên bàng quang nhiều. Vì vậy mẹ có thể cảm nhận được tần suất đi tiểu đã giảm bớt so với những tuần trước đó.

Đau mỏi các vùng trong cơ thể: Đây cũng là giai đoạn mẹ đau nhiều hơn ở lưng, chân tay, thậm chí là vùng khung chậu.

Cũng ở thời điểm này, mẹ sẽ có thể có những dấu hiệu của phù chân mà dân gian gọi là xuống máu. Mẹ bầu cũng sẽ gặp hiện tượng chuột rút nhiều hơn, nhất là vào ban đêm.

Bụng to hơn: Khi bước vào tuần thai 20, tức là tháng thứ 5, bụng mẹ đã to lên rõ rệt. Nhìn từ ngoài, ai cũng có thể dễ dàng đoán mẹ đang mang bầu. Xu hướng hình dáng của mẹ bầu mang thai tuần 20 đó là cơ thể sẽ nghiêng về phía trước.

Sữa non: Ở tuần mang thai thứ 20, cơ thể mẹ tích cực sản xuất sữa non hơn. Thậm chí có những khoảng thời gian, mẹ có thể cảm thấy ướt đầu ngực, ướt áo.

3. Mang thai 20 tuần, mẹ nên làm gì?

Theo dõi chuyển động của thai nhi hàng ngày

Khi bước sang tuần thai thứ 20, mỗi ngày mẹ đều cảm thấy thai máy một cách tương đối rõ ràng. Ngoài cảm nhận, mẹ cũng có thể quan sát các chuyển động của con từ bên ngoài.

Thai máy là một hoạt động bình thường của thai nhi, là dấu hiệu cho thấy em bé của bạn vẫn đang khoẻ mạnh bình thường. Vì vậy, mẹ cần theo dõi hoạt động của con mỗi ngày. Khi phát hiện thấy những biểu hiện bất thường như chưa thấy thai máy ở tuần 20, thai không máy nữa… thì mẹ cần tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Siêu âm 4D phát hiện dị tật

Ở tuần thứ 20 của thai kỳ, sản phụ sẽ được chỉ định thực hiện siêu âm 4A màu để các bác sĩ có thể quan sát đầy đủ hình thái, các cơ quan trong cơ thể của thai nhi.

Việc siêu âm này sẽ giúp kịp thời phát hiện những bất thường, dị tật ở thai mà những tuần siêu âm trước đó chưa thể phát hiện được. Bởi vậy, mẹ bầu cần tuyệt đối tuân thủ theo lịch siêu âm này nhé.

Không nên di chuyển xa

Mặc dù phải còn tới 20 tuần nữa mẹ mới tới ngày sinh thế nhưng mẹ bầu tuần 20 cũng đang có vóc dáng tương đối nặng nề. Bên cạnh đó, mẹ cũng đã phải đối mặt với tình trạng thở nhiều, phù chân, cơ thể đau nhức.

Bởi vậy mà ở tuần 20 này, mẹ cần hạn chế việc di chuyển xa, nhất là ngồi lâu trên xe. Nếu được, mẹ nên lựa chọn đi ô tô, xe giường nằm… để đảm bảo sức khỏe.

Mẹ nên hạn chế những hoạt động quá sức

Mang thai tuần 20 là thời điểm an toàn nhất của thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu không nên chủ quan mà tham gia vào các hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực.

Trên thực tế ở tuần thai này trở đi, cơ thể mẹ đã bắt đầu đau nhức, mệt mỏi. Vì vậy, mẹ chỉ nên lựa chọn tham gia vào những công việc, hoạt động nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Tăng nguồn thức ăn giàu sắt trong chế độ

Mang thai 20 tuần, cơ thể mẹ sẽ cần nhiều máu hơn cho mẹ cũng như hoạt động của thai nhi. Vì vậy, mẹ cần tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu sắt. Nếu cơ thể mẹ thiếu sắt thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, từ đó làm tăng nguy cơ suy thai, sinh non…

Những thực phẩm giàu sắt mà mẹ có thể tham khảo đó là gan, rau xanh đậm, các loại hạt, lòng đỏ trứng, trái cây…

Ngoài thực phẩm, mẹ cũng cần bổ sung sắt từ nguồn uống tổng hợp. Mẹ nên lựa chọn loại sắt hữu cơ, dạng nước để cơ thể dễ hấp thu, hạn chế táo bón.

Cùng với sắt, mẹ bầu nên bổ sung thêm vitamin C từ trái cây, rau xanh để cơ thể có thể hấp thu sắt tốt hơn.

Chưa cần tăng quá nhiều cân

Ở thời điểm mang thai 20 tuần, mẹ còn rất nhiều thời gian để có thể giúp bé phát triển khỏe mạnh. Vì vậy việc tăng nhiều cân quá ở giai đoạn này là điều chưa cần thiết.

Theo khuyến cáo, mẹ bầu mang thai từ tuần 1 đến tuần 20 chỉ nên tăng tối đa 5 kg. Kể từ thời điểm tuần thai thứ 20, mẹ cũng chỉ nên tăng khoảng 0,5kg mỗi tuần. Việc tăng cân quá nhanh, quá nhiều có thể khiến mẹ nặng nề hơn, tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ hoặc các biến chứng thai sản khác.

Làm ngân hàng máu cuống rốn

Lưu trữ máu cuống rốn được xem như một loại “bảo hiểm sinh học" theo bé suốt tuổi trưởng thành. Thực tế, máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi.

Chính bởi vậy, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường).

Ở tuần thai 20, mẹ có thể bắt đầu nghiên cứu về việc lưu trữ này cũng như lựa chọn bệnh viện lưu trữ, bảo quản tế bào máu cuống rốn của con.

Chọn những trang phục thoải mái, dễ hoạt động

Ở tuần thai thứ 20, bụng cũng như ngực, cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi rõ rệt theo hướng tăng lên. Vì vậy lúc này, mẹ nên hạn chế mặc các trang phục bó sát, nhất là ở vùng bụng. Điều này vừa đảm bảo cho sự phát triển bình thường của thai nhi, vừa giúp mẹ được thoải mái hơn.

Bên cạnh đó khi mang thai 20 tuần tuổi, mẹ cũng không nên đứng, ngồi, nằm ở một tư thế quá lâu. Điều này có thể dẫn tới tình trạng tê bì chân tay, chuột rút… rất khó chịu ở mẹ bầu.

Bước sang tuần thai thứ 20, mẹ bầu và thai nhi đã đi được một nửa hành trình mang thai. Sẽ còn thêm 20 tuần nữa mẹ và bé mới được gặp nhau thế nhưng ở tuần này, sự kết nối mẹ con đã rõ ràng hơn khi thai máy đều, máy mạnh.

Mang thai 20 tuần tuổi, mẹ bầu cần đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng, trong đó đặc biệt chú ý tới nguồn sắt bổ sung cho cơ thể. Ngoài ra, mẹ cũng không cần phải lo lắng về trọng lượng của thai nhi để rồi tăng cân quá nhanh.

Chúc mẹ bầu và thai nhi luôn khỏe mạnh, có những giây phút thật tuyệt vời ở tuần 20 của thai kỳ.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-20-tuan-tuoi--cot-moc-nua-chang-duong-cua-thai-ky-33197/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY