Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 21 tuần tuổi: Nửa chặng đường cuối thai kỳ bắt đầu

Bước sang tuần 21, mẹ bầu và thai nhi sẽ bước vào chặng đường sau của thai kỳ. Kể từ tuần này, thai nhi sẽ có sự hoàn thiện và tăng trưởng nhanh chóng. Mẹ bầu 21 tuần cũng sẽ cảm thấy khoẻ khoắn, ăn uống ngon miệng hơn nhiều.

Vậy thai nhi 21 tuần sẽ đạt chiều dài, trọng lượng như thế nào? Mang thai 21 tuần, mẹ cần chú ý những gì trong chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc?

Để biết câu trả lời, mẹ đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây nhé.

1. Thai nhi 21 tuần tuổi đã phát triển những gì?

1.1. Cân nặng, kích thước

Ở tuần 21, kích thước của thai nhi đo theo mông - gót chân sẽ đạt khoảng 24,7cm. Cân nặng trung bình của thai nhi 21 tuần vào khoảng 320 - 400 gram. Lúc này, hình dáng của em bé sẽ như một củ cà rốt lớn.

Các chỉ số khác:

- Đường kính lưỡng đỉnh: 46mm

- Chiều dài xương đùi: 31mm

1.2. Sự phát triển của các cơ quan

Lông mày, mí mắt: Bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên chưa rõ ràng. Bé cần thêm một vài tuần nữa để có thể hoàn thiện bộ phận này.

Tai, thính giác: Tai di chuyển dần về vị trí chuẩn; xương ống tai hoàn thiện, giúp bé cảm nhận rõ rệt âm thành từ bên ngoài tử cung.

Cơ quan sinh dục: Nếu là bé gái, âm đạo sẽ được hình thành. Nếu là bé trai, dương vật và bìu cũng sẽ phát triển hơn, nhìn rõ hơn thông qua siêu âm.

Hệ tiêu hoá: Bắt đầu làm việc. Từ tuần 21, bé có thể nuốt một chút dịch mang ối vào trong bụng. Phân su cũng đang hình thành ở tuần thai này.

Xương: Phát triển mạnh mẽ, tiếp nhận công việc là tạo ra các tế bào máu. Chân, tay đã cân đối và hoạt động linh hoạt.

Não, hệ thần kinh: Kích thước não tăng nhanh, hệ thần kinh phát triển khắp cơ thể. Não bộ giữ vai trò trung tâm chỉ huy, giúp cho các hoạt động trong bụng bé được nhịp nhàng hơn. Tim cũng hoạt động ổn định với nhịp tim trung bình từ 120 - 160 nhịp mỗi phút.

Chất gây bao bọc cơ thể: Được hình thành để giúp bảo vệ bé và giúp thai nhi dễ dàng di chuyển trong bọc nước ối.

Tuyến tụy: Đang phát triển, giữ vai trò tạo ra một số nội tiết tố quan trọng.

1.3. Hoạt động của thai nhi 21 tuần

Ở tuần 21, mẹ có thể dễ dàng cảm nhận sự chuyển động của thai nhi. Lúc này, thai nhi sẽ có những cú đá, cú huých mạnh mẽ.

Hàng ngày, bé sẽ liên tục “bơi lội" trong bọc nước ối. Bé cũng cảm nhận được âm thanh rõ ràng từ bên ngoài, vì vậy mẹ hãy tăng cường tương tác với bé trong giai đoạn này nhé.

21 tuần, mắt của bé vẫn nhắm thế nhưng đã có thể cảm nhận được ánh sáng từ bên ngoài. Mắt của bé sẽ tiếp tục nhắm cho tới khoảng tuần 28.

2. Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 20 tuần

Huyết áp: Khi mang thai 21 tuần, huyết áp của mẹ sẽ thấp hơn so với mức bình thường. Tuy nhiên nếu mẹ không cảm thấy mệt mỏi thì điều này là hoàn toàn bình thường.

Ngực, bụng lớn hơn: Bụng mẹ đã lớn hơn trông thấy kể từ tuần thai này. Ngực của mẹ cũng sẽ to hơn, đầu ngực thâm sạm hơn. Một vài mẹ bầu còn nhận thấy cơ thể đã sản xuất sữa non ở tuần này.

Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không nên nặn sữa non mà chỉ cần lau nhẹ, vệ sinh sạch sẽ vùng ngực là được.

Đau lưng, đau bụng dưới: Xảy ra do hormone thai sản. Nếu mẹ cảm thấy đau nhiều, khó chịu thì cần tới ngay bác sĩ để kiểm tra.

Dịch âm đạo: Xuất hiện nhiều hơn. Dịch âm đạo bình thường ở tuần 21 là dịch trong, không màu, không mùi. Nếu dịch có mùi, màu bất thường, mẹ nên đi khám ngay.

Mẹ bầu cũng nên mặc quần lót sáng màu để kịp thời nhận biết màu dịch âm đạo.

Tăng cân: Sau tuần mang thai 20, mẹ sẽ tăng khoảng 0,5kg mỗi tuần. Mẹ không nên tăng nhiều quá để tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

Suy giãn tĩnh mạch: Do áp lực tăng cân, áp lực từ tử cung là cho lưu lượng máu ngày càng tăng.

Rạn da: Xuất hiện nhiều hơn, ở nhiều vùng hơn như bụng, ngực, mông, đùi… Mẹ có thể sử dụng dầu dừa hoặc kem dưỡng chuyên dụng để cải thiện tình trạng này.

3. Lưu ý khi chăm sóc mẹ bầu mang thai 21 tuần

3.1. Thực phẩm tốt cho thai nhi tuần 21

Thực phẩm giàu sắt: Ở tuần thứ 21, mẹ nên chú ý bổ sung thêm sắt cho cơ thể. Lúc này, thai nhi sẽ cần lượng sắt lớn để tạo hồng cầu, nuôi dưỡng các mạch máu. Mẹ bầu cũng cần bổ sung sắt để ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu, giảm thiểu hiện tượng chóng mặt, mệt mỏi.

Những thực phẩm giàu sắt có thể kể đến như thịt nạc đỏ, thịt lợn, cá, ngũ cốc bổ sung sắt, rau chân vịt… Ngoài ra, mẹ cũng cần bổ sung sắt từ nguồn tổng hợp để đảm bảo đủ lượng sắt cần thiết.

Tinh bột: Tinh bột là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày. Tinh bột sẽ giúp cung cấp năng lượng cho mẹ bầu làm việc, học tập; giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh.

Các bà bầu mang thai 21 tuần nên bổ sung từ 350 - 400 gram tinh bột mỗi ngày. Những thực phẩm giàu tinh bột có thể kể đến như cơm, bún, bánh mì, khoai lang…

Chất béo: Chất béo hay Lipit giúp hình thành và phát triển cấu trúc màng tế bào, là nguồn dự trữ năng lượng cho cơ thể. Theo khuyến cáo, mỗi ngày mẹ bầu nên bổ sung khoảng 54 – 65g lipid.

Những thực phẩm giàu Lipit mà mẹ có thể lựa chọn gồm các loại hạt, trứng, thịt, cá,thuỷ sản,…

Protein: Để cơ thể phát triển toàn diện thì protein là phần không thể thiếu. Protein sẽ giúp tạo ra các tế bào của cơ thể, hormon và các enzym, tham gia vào các hoạt động chuyển hóa và duy trì cân bằng dịch thể.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mẹ cần bổ sung từ 60 – 70g protein mỗi ngày. Những thực phẩm giàu protein đó là thịt, cá, trứng, sữa…

Vitamin, khoáng chất: Các vitamin, khoáng chất quan trọng trong suốt quá trình mang thai cũng như tuần 21 đó là axit folic, sắt, kẽm, vitamin B6, vitamin B12, vitamin D, mangan, đồng, iod, cholin, kẽm, omega – 3.

Mẹ bầu có thể bổ sung nguồn vitamin, khoáng chất thông qua các thực phẩm như trái cây tươi, rau xanh đậm, hải sản, thịt nạc… Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng thêm các loại viên uống tổng hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3.2. Những điều cần kiêng tránh khi mang thai 21 tuần

Thực phẩm gây co bóp tử cung: Đu đủ xanh, rau răm, rau ngót… là những loại thực phẩm có khả năng gây co bóp tử cung mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, mẹ cũng nên tránh hoặc hạn chế những thực phẩm lên men như dưa muối, cà muối, măng chua…

Chất kích thích, khói thuốc: Mang thai 21 tuần, mẹ không nên hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc dưới bất kỳ hình thức nào. Khói thuốc không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của mẹ mà còn nguy cơ gây dị tật thai nhi. Ngoài ra, các chất kích thích như rượu, bia, trà, cafe cũng không nên sử dụng.

Không tự ý sử dụng thuốc, thực phẩm: Mẹ bầu 21 tuần đều rất mong muốn bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi. Thế nhưng mẹ tuyệt đối không nên mua, sử dụng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào mà không có chỉ dẫn, khuyến cáo từ các bác sĩ.

3.3. Xét nghiệm cần thực hiện trong tuần 21

Tuần 21, mẹ bầu có thể thực hiện các xét nghiệm cũng như siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai cũng như các chỉ số của cơ thể. Cụ thể, những xét nghiệm thông thường tại tuần mang thai này sẽ gồm:

- Xét nghiệm nước tiểu để đo lượng đường và đạm trong cơ thể mẹ

- Siêu âm thai để kiểm tra nhịp tim.

- Sờ nắn bên ngoài để đo kích thước của tử cung

- Kiểm tra xem chiều cao của đáy vị (đỉnh của tử cung) của mẹ hiện ra sao

- Kiểm tra chân, tay để xác định hiện tượng phù, suy giãn tĩnh mạch

- Nhận biết, theo dõi những bất thường của thai kỳ

3.4. Luyện tập, vận động trong tuần 21

Ở tuần mang thai thứ 21, cơ thể mẹ đã khoẻ khoắn hơn rất nhiều. Ở tuần này, mẹ được khuyến khích tăng cường vận động để giúp nâng cao thể trạng cũng như kích thích sự phát triển của thai nhi.

Mang thai 21 tuần, sẽ có rất nhiều bộ môn phù hợp với mẹ bầu như yoga, thiền định, đi bộ, đạp xe, bơi lội…

Khi luyện tập, mẹ cũng không nên quá gắng sức để tránh làm ảnh hưởng tới sức khoẻ. Ngoài ra, mẹ nên vận động vào buổi sáng sớm hoặc chiều tà để cơ thể có thể tận dụng được vitamin D từ ánh nắng mặt trời.

4. Dấu hiệu bất thường của thai nhi 21 tuần

Tuần mang thai thứ 21 vẫn nằm trong giai đoạn ổn định nhất của cả thai kỳ. Thông thường,đây là khoảng thời gian mà mẹ bầu cảm thấy an tâm nhất. Tuy nhiên, quá trình mang thai có rất nhiều điều không thể dự báo trước. Vì vậy, mẹ vẫn cần theo dõi chặt chẽ cơ thể.

Những dấu hiệu bất thường của thai kỳ mà mẹ cần lưu tâm trong tuần mang thai 21 bao gồm:

- Chưa thấy thai máy hoặc thai đã máy ổn định nhưng không thấy máy nữa/máy chậm lại

- Dịch âm đạo có máu, có màu hoặc có mùi bất thường

- Đau bụng dữ dội, đau thành từng cơn

- Chân tay phù nề nghiêm trọng; mẹ bầu thấy tức ngực, khó thở nhiều

- Cảm giác bất ổn ở cơ thể, có những biểu hiện lạ không giống thường ngày

Khi gặp phải những dấu hiệu trên, mẹ cần tới ngay bệnh viện để trao đổi và tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ.

Trên đây là những thông tin cơ bản về sự phát triển của thai nhi ở tuần 21. Kể từ tuần này, mẹ có thể cảm nhận em bé rõ ràng hơn thông qua các cú đạp. Thai nhi cũng sẽ có sự hoàn thiện và tăng trưởng nhanh chóng các hệ cơ quan.

Mang thai tuần 21, mẹ cần tránh các thực phẩm gây hại, tăng cường vận động và chú ý tới chế độ dinh dưỡng để có bước vào một nửa chặng đường cuối nhiều điều thú vị nhé.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-21-tuan-tuoi-nua-chang-duong-cuoi-thai-ky-bat-dau-33338/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY