Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 27 tuần - Tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ hai

Thai nhi 27 tuần tuổi cũng chính là tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ hai - giai đoạn mà cả sức khoẻ của mẹ và bé ổn định nhất trong thai kỳ. Kết thúc tuần này, thai nhi sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng kích thước của toàn bộ cơ thể, sẵn sàng về đích.

Vậy thai nhi 27 tuần tuổi mang những đặc điểm về hình thái, hệ cơ quan cũng như những hoạt động như thế nào? Mẹ bầu cần chú ý những gì khi mang thai 27 tuần tuổi?

Để biết câu trả lời, mẹ bầu đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thai 27 tuần tuổi phát triển như thế nào?

1.1. Kích thước, cân nặng, chỉ số cơ thể

Bước sang tuần 27, thai nhi có sự tăng trưởng đáng kể về chiều dài, cân nặng cũng như số đo ở các bộ phận quan trọng. Cụ thể, em bé của bạn lúc này sẽ nặng từ khoảng 875 gram - 1000 gram; Chiều dài từ đầu đến chân khoảng 36,6 cm. So sánh hình dáng, em bé sẽ tương đương như một chiếc súp lơ.

Các chỉ số khác của cơ thể ở mức trung bình, phù hợp như sau:

Đường kính lưỡng đỉnh: 69mm

Chiều dài xương đùi: 52mm

Chu vi đầu: 252mm; chu vi vòng bụng: 229mm.

1.2. Sự phát triển của các cơ quan

Mắt: Đôi mắt đang tiếp tục phát triển, võng mạc đang hình thành. Bé cũng đã biết mở mắt trong bụng mẹ và có sự hoạt động thức - ngủ một cách rõ ràng. Cùng với đó, lông mày, lông mi và mí mắt cũng được định hình sắc nét hơn.

Não, hệ thần kinh: Não của bé tiếp tục hình thành và phát triển. Não lúc này giữ vai trò là trung tâm chỉ huy của cơ thể. Hệ thần kinh hoàn thiện một cách tương đối, có phản ứng mạnh với âm thanh, nhiệt độ của môi trường trong bụng cũng như bên ngoài.

Tai, thính giác: Hoàn thiện về hình dáng về ngoài cũng như chức năng nghe, phân biệt được âm thanh rõ ràng.

Tóc: Mọc dài hơn, màu tóc rõ ràng. Mẹ có thể nhận thấy điều này thông qua hình ảnh siêu âm.

Tay và chân: Phát triển cứng cáp hơn, linh hoạt hơn. Các nếp gấp bàn tay cũng nhiều và rõ ràng hơn.

Cơ quan sinh sản: Nếu bạn mang thai một bé gái, lúc này buồng trứng đã hình thành và di chuyển đến xương chậu. Đổi lại nếu thai nhi là một bé trai, tinh hoàn đã hạ xuống bìu và dễ dàng quan sát thấy.

Cùng ở tuần thai này, mẹ đã có thể biết chính xác bản thân đã mang bầu bé trai hay bé gái thông qua siêu âm.

Phổi: Bắt đầu có những hoạt động thở đầu tiên dù chưa thực sự được linh hoạt, hoàn thiện. Nếu không may xảy ra sự cố và sinh non trong tuần này, em bé vẫn có cơ hội sống sót với những can thiệp từ y học.

1.3. Hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ

Nằm mơ: Nhiều chuyên gia cho rằng ở tuần thai này, em bé của bạn đã có thể có những giấc mơ khi ngủ. Tuy nhiên, điều này cũng chưa được khẳng định chắc chắn.

Bé quay đầu: Phần đa thai nhi 27 tuần đều chưa quay đầu, thế nhưng các em bé cũng đã có xu hướng xoay ngang bụng mẹ.

Thai máy: Ở tuần mang thai này, mẹ dễ dàng nhận thấy bé hoạt động nhiều hơn trong bụng với các động tác xoay người, đạp vào bụng mẹ, mút tay, nghịch dây rốn…

2. Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 27 tuần

Ở tuần thai thứ 27, cơ thể mẹ có sự thay đổi rõ rệt về vóc dáng, nhất là dáng đi và vùng bụng. Đây là những thay đổi hoàn toàn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu lớn lên của thai nhi mỗi ngày.

Bên cạnh đó, mẹ cũng gặp phải những hiện tượng khác như:

Thở nhiều hơn, thở gấp, đôi lúc đau ngực: Điều này xảy ra do tử cung to hơn, được đẩy lên cao và chèn vào phổi. Đây là dấu hiệu bình thường ở nhiều mẹ bầu. Tuy nhiên nếu sự khó chịu tăng cao, mẹ cần tới gặp bác sĩ ngay.

Chân, tay, mặt bị phù: Do hiện tượng tích nước của cơ thể khi mang thai. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu của nguy cơ tiền sản giật. Vì vậy mẹ cần theo dõi thật kỹ cơ thể, đi khám đúng lịch hẹn để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đau lưng, đau chân, chuột rút: Xảy ra do áp lực của tử cung lên các dây thần kinh ở cột sống cũng như các vùng xương. Để cải thiện, mẹ có thể thực hiện các động tác massage nhẹ nhàng, tắm nước ấm, ngâm chân…

Đi tiểu nhiều lần: Ở tuần thai thứ 27, mẹ sẽ có xu hướng đi tiểu từ 2 - 3 lần mỗi đêm. Cộng với việc mất ngủ, đau nhức thì việc đi tiểu này sẽ khiến mẹ vô cùng khó chịu. Để cải thiện, mẹ không nên sử dụng những thực phẩm lợi tiểu, hạn chế uống nước trước khi đi ngủ.

Rạn da, rốn lồi: Mẹ bầu tuần 27 sẽ nhận thấy rõ sự thay đổi này. Điều này là một hiện tượng hoàn toàn bình thường nên mẹ không cần phải quá lo lắng nhé.

Các vấn đề về tiêu hoá: Nhiều mẹ bầu ở tuần mang thai này sẽ có thể gặp phải tình trạng táo bón nghiêm trọng, thậm chí là bệnh trĩ. Để cải thiện, mẹ cần tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, uống đủ nước. Ngoài ra, mẹ cũng có thể nhờ tới sự can thiệp của các bác sĩ nếu tình trạng quá nặng hoặc kéo dài.

3. Mẹ bầu mang thai 27 tuần cần chú ý những gì?

3.1. Chế độ dinh dưỡng

Ở tuần thai 27, mẹ cần tập trung cho việc bổ sung sắt, canxi, magie, acid folic cũng như các loại vitamin để giúp mẹ khoẻ, con phát triển toàn diện. Cụ thể hàm lượng vi chất mà mẹ bầu cần mỗi ngày sẽ được tính toán như sau.

  • Năng lượng: tăng thêm 475 Kcal/ngày so với trước mang bầu

  • Protein: tăng 18g/ngày.

  • Chất béo: chiếm 20 - 25% tổng số năng lượng (60g chất béo/ngày). Các chất béo không chỉ giúp tăng năng lượng mà còn giúp hòa tan các vitamin min tan trong dầu.

  • Vitamin: vitamin A (500mcg/ngày), vitamin D (5mcg/ngày), vitamin B12 (2.6mg/ngày), Vitamin B1(1.4mg/ngày), vitamin C (80mg/ngày), folic (600mcg/ngày)

  • Chất khoáng: Canxi (1,000mg/ngày), sắt (tăng từ 15 - 30 mg/ngày so với khi chưa mang thai), Kẽm

Căn cứ vào hàm lượng trên thì những thực phẩm mẹ bầu được khuyên dùng đó là:

Thực phẩm giàu sắt: các loại rau có lá màu xanh đậm (rau bina, rau cải xoăn...), trái cây sấy khô (nho khô, mơ khô, hạt bí ngô, vừng...), đậu nành, thịt đỏ và thịt gia cầm.

  • Thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, đậu lăng, đậu xanh, đậu và các sản phẩm từ sữa…

  • Thực phẩm giàu canxi: sữa, phô mai, paneer, sữa chua, hải sản…

  • Thực phẩm giàu magie: đậu đen, cám yến mạch, lúa mạch, atiso, hạnh nhân và hạt bí ngô.

  • Thực phẩm giàu DHA: Dầu cá, cá béo như cá ngừ, quả óc chó, hạt lanh…

  • Thực phẩm giàu acid folic: rau có lá màu xanh đậm, cam, bột yến mạch, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt…

  • Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C: trái cây họ cam quýt (chanh, cam, dưa), trái cây tươi, tiêu xanh, bông cải xanh, các loại rau xanh lá…

Ngoài thực phẩm thì ở tuần mang thai này, để đảm bảo đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển, mẹ cũng được khuyến cáo sử dụng thêm dưỡng chất tổng hợp. Cụ thể, những sản phẩm mà mẹ nên dùng ở giai đoạn này gồm canxi, acid folic, sắt.

Riêng với sắt bổ sung từ đường uống, mẹ nên chọn sắt hữu cơ ở dạng nước. Ưu điểm của sắt ở dạng này đó là dễ hấp thu, hạn chế táo bón. Tuy nhiên, sắt ở dạng nước thường khó uống hơn dạng viên.

3.2. Luyện tập thường xuyên

Các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu nên tham gia vào những hoạt động vận động từ 20 - 30 phút mỗi ngày. Việc nâng cao sức khỏe qua thể dục thể thao sẽ giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi của mẹ, đồng thời kích thích sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Mẹ bầu nên thực hiện các hoạt động vào buổi sáng để vừa cải thiện tinh thần của một ngày mới, vừa tận dụng được nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời buổi sớm.

Với tuần thai thứ 27, mẹ có thể lựa chọn vận động với những bộ môn phù hợp như yoga, bơi lội, đi bộ ngắn, đạp xe, dưỡng sinh… Mẹ cũng nên tránh những bộ môn đòi hỏi sức bền, thể lực mạnh như gym, đi bộ đường dài.

3.3. Những dấu hiệu nguy hiểm

Khi mang thai ở tuần thứ 27, mẹ cần để ý cơ thể của mình mỗi ngày. Nếu thấy có một trong những bất thường sau hoặc bất kỳ bất thường nào khác mẹ không yên tâm, mẹ cần tới ngay bệnh viện để kiểm tra kỹ lưỡng.

- Chuột rút liên tục, đau khó chịu kèm theo các hiện tượng như tiêu chảy, buồn nôn hoặc khó tiêu

- Đau bụng dữ dội hoặc có các cơn co thắt theo chu kỳ

- Dịch âm đạo có màu bất thường, có bọt hoặc có mùi khó chịu

- Mẹ bị đau hoặc cảm giác có áp lực trên xương chậu, đùi hoặc háng.

- Bị rò rỉ nước từ âm đạo ở dạng dòng chảy nhỏ giọt đều đặn hoặc phun thành dòng vì đây có thể là hiện tượng rỉ ối.

4. Lịch khám thai, các xét nghiệm cần thiết

Tuần 27, mẹ chưa cần phải thực hiện các siêu âm đánh giá phát triển của thai nhi theo định kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn sẽ chỉ định, yêu cầu mẹ tiến hành siêu âm nếu nhận thấy những bất thường như:

- Bé nấc quá mức bình thường

- Thai nhi ít hoặc thiếu cử động

- Bé hoạt động quá nhiều hoặc đạp liên tục trong nhiều giờ

- Sưng nề bất thường hoặc có triệu chứng của tiền sản giật

- Mẹ gặp phải các vấn đề sức khỏe đặc thù do tiền sử bệnh của mẹ

Ngoài ra, việc siêu âm trong tuần 27 cũng có thể giúp phát hiện những bất thường muộn của thai nhi như:

- Bất thường ở động mạch.

- Dị tật tim và một vùng cấu trúc não.

- Bất thường hệ tiêu hóa.

- Hệ tiết niệu: ứ nước thận.

Sau tuần 27 này, mẹ sẽ chính thức bước sang giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba. Lúc này, mẹ hãy luôn giữ cho bản thân một tinh thần sảng khoái, thoải mái, không cần lo lắng quá nhiều. Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng, theo dõi hoạt động của thai nhi để đảm bảo sự phát triển ổn định của em bé.

Chúc mẹ bầu 27 tuần luôn vui khoẻ và cũng sẵn sàng chờ đón những điều thú vị trong tuần mang thai 28.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-27-tuan--tuan-cuoi-cung-cua-tam-ca-nguyet-thu-hai-33345/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY