Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 29 tuần tuổi: Bé bước vào thời kỳ tăng trưởng vượt trội

Thai nhi 29 tuần tuổi bước vào giai đoạn tăng cân và tăng chiều dài nhanh chóng. Cùng với đó, các hệ cơ quan như não bộ, phổi, mắt gần như hoàn thiện chức năng, sẵn sàng cho ngày chào đời.

Nếu mẹ bầu đang mang thai 29 tuần và quan tâm tới sự phát triển của thai nhi ở tuần này thì những thông tin dưới đây chắc chắn là điều mẹ đang tìm kiếm.

1. Thai 29 tuần tuổi phát triển như thế nào?

1.1. Đặc điểm về chiều dài, cân nặng

Ở tuần thai thứ 29, em bé của bạn sẽ đạt chiều dài đỉnh - gót chân khoảng 39.3cm. Cân nặng của em bé cũng này cũng dao động ở mức 1,2 - 1,4kg. Như vậy, thai nhi tuần 29 sẽ có kích thước tương đương như một trái bưởi.

Cùng với chiều dài toàn thân, kích thước ở một số cơ quan khác cũng đo được trong khoảng tiêu chuẩn như sau:

Chu vi vòng đầu: 259-291mm

Chu vi bụng: 233-272mm

Chiều dài xương đùi: 51-61mm

Đường kính lưỡng đỉnh: 67-79mm

Não thất hai bên ngã tư não thất: dưới 10 mm.

1.2. Sự phát triển của các cơ quan

Ở tuần 29, thai nhi có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể những thay đổi về hệ cơ quan ở giai đoạn này có thể điểm qua những nét nổi bật gồm:

Xương khớp: Hoàn thiện, cứng cáp hơn. Các hoạt động tay chân dưới sự chỉ huy của não bộ cũng trở nên linh hoạt hơn rất nhiều so với các tuần trước. Đây cũng là giai đoạn mẹ cần bổ sung đủ canxi cần thiết cho sự tăng trưởng của thai nhi.

Não bộ: Chu vi vòng đầu lớn hơn, kích thước não tăng lên rõ rệt. Não bé lúc này cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn, giữ vai trò chỉ huy toàn bộ hoạt động của cơ thể.

Phổi, hệ hô hấp: Hoàn thiện, có thể trao đổi khí một cách trơn tru và có thể thở ở môi trường bên ngoài.

Mắt, lông mày: Mí mắt và lông mày sắc nét hơn; mắt bé đã có thể nhắm, mở liên tục. Ở tuần này, bé có sự phân biệt sáng - tối rõ rệt.

Móng tay, móng chân: Đã cứng cáp hơn và bắt đầu dài ra

Làn da: Hồng hào, mịn màng hơn nhờ lớp mỡ liên tục được tích tụ ở dưới da. Điều này sẽ giúp giữ ấm cơ thể bé khi chào đời.

Răng: Mầm răng đã được hình thành ở phía trong lợi. Thậm chí một vài em bé đặc biệt còn bắt đầu nhú răng.

Mạch máu: Mạch máu được luân chuyển liên tục. Máu cũng bắt đầu được vận chuyển tới gan, tuỷ sống để thực hiện các chức năng của cơ thể. Vì vậy ở giai đoạn này, mẹ cần tăng cường bổ sung sắt.

Lông tơ: Lớp lông tơ bao phủ khắp cơ thể có xu hướng dày và sậm hơn. Lớp lông ở một số vùng trên cơ thể như mặt, lưng… sẽ biến mất khi đến những tuần cuối của thai kỳ.

1.3. Hoạt động của thai nhi trong bụng mẹ

Trong tuần thai thứ 29, các hoạt động cử động, vận động của bé sẽ linh hoạt và mạnh mẽ hơn. Mẹ có thể cảm nhận rõ ràng điều này mỗi ngày thông qua các cú đạp của con.

Cũng ở tuần này, các hoạt động của bé như mút ngón tay cười hoặc nhăn mặt, chớp mắt,… cũng diễn ra nhiều hơn và mẹ có thể thấy nếu siêu âm.

Bước sang tuần 29, hầu hết thai nhi đã bắt đầu quay đầu, chúc phần đầu xuống xương chậu của mẹ, chuẩn bị cho quá trình ra đời. Thai nhi sẽ ổn định tư thế này cho tới khi được sinh ra.

Mặc dù vậy, nếu mẹ thấy thai nhi chưa quay đầu thì cũng được quá lo lắng nhé. Nếu tới khi qua tuần 32 mà bé vẫn chưa quay đầu thì các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ thực hiện các bài tập để đẩy nhanh quá trình này. Thậm chí một vài trường hợp, chỉ khi tới gần sát ngày dự sinh thì thai nhi mới “hợp tác" về ngôi thuận.

2. Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai 29 tuần?

Bước sang tuần thai thứ 29, mẹ sẽ cảm thấy nặng nề hơn rất nhiều. Cùng với sự thay đổi về kích thước vòng bụng, cân nặng cơ thể thì mẹ sẽ bắt gặp những thay đổi khác như:

Móng tay, móng chân mọc dài nhanh hơn, cứng hơn. Điều này được cho là bởi sự thay đổi của các hormone thai kỳ.

Táo bón: Mẹ có thể nhận thấy tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn ở tuần thai này. Đi cùng với việc bị táo bón, mẹ còn có nguy cơ gặp phải các triệu chứng khác như đau bụng, đầy hơi, ợ nóng…

Suy giãn tĩnh mạch: Có thể nhận thấy rõ thông qua việc quan sát bằng mắt thường. Nếu tình trạng này không quá nhiều và không gây bất ổn về sức khoẻ thì mẹ không cần quá lo lắng. Ngược lại, mẹ cần tới gặp bác sĩ để đánh giá chính xác tình hình.

Khó thở: Do kích thước tử cung lớn gây chèn ép phổi và các dây thần kinh. Để cải thiện tình trạng, mẹ có thể lựa chọn tư thế hoạt động phù hợp; nghỉ ngơi hợp lý, vận động thích hợp. Trường hợp gây nhiều khó chịu, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Đi tiểu nhiều, nhất là vào ban đêm: Điều này xảy ra cũng do kích thước của tử cung chèn ép lên bàng quang. Để cải thiện, mẹ nên hạn chế uống nhiều nước trước khi đi ngủ; không tự ý sử dụng các loại thực phẩm lợi tiểu…

Nguy cơ tiền sản giật: Đây là một biến chứng sản khoa có thể xuất hiện trong tuần này. Tiền sản giật có thể khiến mẹ bị cao huyết áp, ảnh hưởng tới chức năng gan và thận. Vì vậy nếu có các dấu hiệu phù nề nghiêm trọng hay bất kỳ bất thường nào của cơ thể, mẹ cần tới gặp bác sĩ ngay.

Mệt mỏi, buồn nôn: Ở tuần thai thứ 29, mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi, bồn chồn, khó chịu, căng thẳng nhiều hơn. Đôi khi, mẹ còn cảm thấy buồn nôn khi ngửi mùi thức ăn hoặc những mùi dễ gây kích thích khác.

3. Cách chăm sóc mẹ bầu mang thai 29 tuần

3.1. Chế độ dinh dưỡng cân bằng

Ở tuần 29, các bác sĩ vẫn khuyên mẹ không nên tăng cân quá nhiều. Tuy nhiên thì việc bổ sung các dưỡng chất đầy đủ, đa dạng là điều cần được thực hiện mỗi ngày.

Khi mang thai 29 tuần, những dưỡng chất mà mẹ cần tập trung bổ sung có thể kể đến như:

Canxi: Mỗi ngày, thai nhi sẽ cần tối thiểu khoảng 250 miligam để đảm sự phát triển của hệ xương. Ngoài ra, canxi cũng cần thiết để bé phát triển dây thần kinh, hệ cơ, trái tim và răng. Nếu mẹ không nạp đủ canxi, thai nhi sẽ lấy canxi từ xương của mẹ, gây hậu quả là tăng huyết áp và nhẹ cân lúc sinh.

Những thực phẩm giàu canxi mà mẹ nên lựa chọn trong chế độ ăn hàng ngày gồm sữa chua ít béo, sữa hạnh nhân hoặc sữa đậu nành, đậu hũ, cá mòi, quả sung khô, bông cải xanh.

Ngoài ra, mẹ cũng cần bổ sung canxi từ viên uống tổng hợp để đảm bảo đủ hàm lượng canxi cần thiết.

Sắt: Ở tuần 29, nhu cầu máu của mẹ tăng cao hơn; cùng với đó, bé cũng sử dụng máu để luân chuyển khắp cơ thể. Vì vậy, mẹ cần bổ sung lượng sắt đầy đủ thông qua viên uống tổng hợp và các loại thực phẩm như thịt bò, cá, đậu, đậu lăng, gà tây…

DHA: Là dưỡng chất cần thiết để giúp não bộ phát triển, cơ thể tăng trưởng. Những thực phẩm giàu DHA có thể kể đến như sữa, cá thu, cá hồi…

Bên cạnh các thực phẩm nêu trên, mẹ cần tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin khác từ nguồn rau củ quả, các loại hạt cũng như uống đủ nước để cơ thể luôn khoẻ mạnh, không mệt mỏi.

3.2. Chăm sóc y tế

Ở tuần thai 29, mẹ có thể thực hiện siêu âm để tầm soát các dị tật muộn có thể gặp ở thai nhi như não úng thủy, tim bẩm sinh… Vì vậy, mẹ hãy tuân thủ lịch hẹn và lời khuyên từ các bác sĩ nhé.

Khi bước vào tuần 29 của thai kỳ, mẹ cũng nên theo dõi các chuyển động của thai nhi. Nếu phát hiện thấy bất kỳ bất thường nào như thai ít cử động đi, thai không cử động, đau bụng, có cơn gò dữ dội… thì mẹ cần đi khám bác sĩ ngay.

Ngoài ra, mẹ nên sử dụng quần lót sáng màu để kịp thời phát hiện những điều không ổn của dịch âm đạo như khí hư, máu, thậm chí là nước ối.

3.3. Tư thế khi ngủ

Thai nhi 29 tuần đã tương đối lớn. Lúc này, tư thế nằm ngửa không còn phù hợp với các mẹ bầu. Nếu mẹ nằm ngửa lâu còn có thể gây ra hiện tượng tụt huyết áp, khó trở mình, khó ngồi dậy, dễ bị chuột rút…

Vì vậy khi ngủ, mẹ nên nằm nghiêng, nhất là nghiêng về bên trái để làm giảm áp lực lên các hệ cơ quan, giúp máu lưu thông tốt hơn, mẹ ngủ ngon hơn. Nằm nghiêng về bên trái cũng giúp hạn chế tình trạng chuột rút vào ban đêm.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng gối chuyên dụng cho bà bầu để hỗ trợ giấc ngủ. Nếu cảm thấy chân nặng nề, mẹ cũng nên kê một chiếc gối mỏng ở dưới đây.

4. Những điều cần hạn chế khi mang thai 29 tuần

Bước qua tuần thai 29, để đảm bảo mẹ và bé ổn định, mẹ bầu nên tránh một số điều sau:

Hoạt động tình dục gây kích thích mạnh: Điều này có thể tác động không tốt tới thai nhi, tăng nguy cơ co bóp tử cung. Mẹ bầu 29 tuần cũng nên sử dụng bao cao su để bảo vệ mẹ và thai nhi tốt hơn.

Di chuyển xa: Thời điểm thai nhi 29 tuần tuổi là thời điểm mẹ cần theo sát những thay đổi của cơ thể để kịp thời xử trí. Vì vậy, mẹ không nên di chuyển quá xa vào lúc này.

Sử dụng các chất gây hại: Rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt… đều là những điều nên tránh khi mang thai 29 tuần.

Trên đây là những thông tin tổng quan về sự phát triển của thai nhi 29 tuần tuổi cũng như cách chăm sóc mẹ bầu, thai nhi. Hy vọng với những kiến thức đã chia sẻ, các mẹ bầu đã yên tâm hơn và cùng con tận hưởng những điều thú vị trong tuần 29 của thai kỳ.

Thanh Thanh

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-29-tuan-tuoi-be-buoc-vao-thoi-ky-tang-truong-vuot-troi-33348/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY