Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 36 tuần đã hoàn thiện để chào đời chưa?

Thai nhi 36 tuần đã đủ ngày đủ tháng chưa hay sinh con ở tuần 36 có sao không là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu. Vậy thai nhi tuần 36 có chiều dài, cân nặng và những hoạt động như thế nào

Đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc nêu trên, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

1. Sự phát triển của thai nhi ở tuần 36

1.1. Cân nặng, kích thước

Thai nhi ở tuần 36 đã có kích thước tương đương như một cây cải thảo. Ở tuần thai này, em bé sẽ có cân nặng khoảng từ 2,6 - 2,8kg, chiều dài khoảng 47.3cm.

Những chỉ số cơ thể khác của thai nhi ở tuần này như sau:

+ BPD - Đường kính lưỡng đỉnh: 89mm

+ FL - Chiều dài xương đùi: 68mm

+ AC - Chu vi bụng: 322mm

+ HC - Chu vi đầu: 328mm

+ CRL - Chiều dài đầu mông: 47,4mm

1.2. Sự phát triển của các hệ cơ quan

Lớp sáp bã nhờn bao phủ da biến mất: Bước sang tuần 36, chất sáp màu trắng mà các bác sĩ hay gọi là bã nhờn bao phủ cơ thể bé sẽ biến mất. Cùng với đó, lớp lông tơ cũng gần như rụng hết. Khi rụng và hoà lẫn vào nước ối, những chất này có thể được thai nhi nuốt vào bụng.

Hệ tiêu hoá, hệ bài tiết: Vẫn tiếp tục phát triển với các hoạt động co bóp dạ dày, sản xuất nước tiểu, phân su. Phân su sẽ được thải ra ở những khoảng thời gian sau khi bé chào đời hoặc ngay khi bé còn ở trong bụng mẹ. Hệ tiêu hoá sẽ tiếp tục hoàn thiện cho tới vài năm sau khi em bé ra đời.

Trong trường hợp bé ị phân su khi chưa ra đời, mẹ cần được can thiệp ngay để đảm bảo không gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

Đôi tai, thính giác: Ở tuần 36, thính giác của bé đã nhạy bén hơn rất nhiều. Thậm chí bé còn có thể phân biệt được giọng nói của mẹ ở thời điểm này. Vì vậy mẹ hãy trò chuyện cùng con nhiều hơn cũng như cho bé nghe nhạc, các âm thanh theo chương trình thai giáo để con phát triển toàn diện nhé.

Hệ xương, cơ: Mặc dù hộp sọ đã phát triển đầy đủ nhưng các mảnh xương sọ của em bé vẫn chưa liền hẳn. Điều này nhằm giúp cho đầu thai nhi có thể dễ dàng di chuyển qua kênh sinh. Xương hộp sọ sẽ tiếp tục phát triển và dần đóng sau khi em bé ra đời từ 1 - 2 năm.

Ngoài ra lúc này, hệ xương và sụn của bé cũng khá mềm, cho phép quá trình sinh nở được diễn ra dễ dàng hơn. Xương lúc này cũng cần nhiều canxi để có thể dài ra và phát triển tiếp về sau.

1.3. Hoạt động của thai nhi tuần 36

Phần đa thai nhi ở tuần 36 đã ở tư thế ngôi thuận, di chuyển về vị trí sinh phù hợp. Nếu bé vẫn chưa quay đầu ở tuần này, mẹ có thể thực hiện các bài tập cũng như làm theo các hướng dẫn của bác sĩ để giúp bé sớm về vị trí đúng.

Ở tuần 36, kích thước tử cung lớn, thai nhi cũng tăng trưởng mạnh mẽ khiến diện tích thoải mái ở trong bụng mẹ không còn nhiều. Vì vậy mà lúc này, bé sẽ không thể thực hiện các hoạt động nhào lộn, uốn mình linh hoạt như trước kia nữa. Thay vào đó, thai nhi sẽ có xu hướng đạp, xoay người nhiều hơn.

Các hoạt động thức, ngủ của thai nhi khi được 36 tuần cũng khá rõ rệt. Ngoài ra, mẹ còn có thể cảm nhận được tim thai, những tiếng nấc của con một cách dễ dàng.

2. Cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào khi mang thai 36 tuần?

Ở tuần thai thứ 36, cơ thể mẹ sẽ không có sự thay đổi quá nhiều so với khi mang thai tuần 35 trước đó. Ngoài việc tăng cân, tăng kích thước vòng bụng cũng như cảm thấy nặng nề hơn thì mẹ còn có những cảm giác sau.

Đau vùng xương chậu: Do lúc này thai nhi đã xuống thấp để chuẩn bị cho ngày chào đời. Điều này tạo áp lực lớn lên vùng xương chậu. Mẹ có thể cảm thấy dễ thở hơn, tuy nhiên lại có thêm cảm giác đau bại hông.

Để giảm bớt sự khó chịu do quá trình đau vùng xương chậu gây ra, mẹ có thể thư giãn bằng cách thực hiện một số bài tập, tắm nước ấm, massage…

Dịch nhầy âm đạo: Các mẹ bầu mang thai 36 tuần sẽ cảm thấy ẩm ướt hơn do lúc này, dịch nhầy ở cổ tử cung đã bắt đầu bong, chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp diễn ra. Dịch nhầy có đặc trưng là đặc, màu trắng, không mùi.

Tuy nhiên nếu dịch nhầy có lẫn máu thì bạn nên tới bệnh viện để kiểm tra vì đây có thể là dấu hiệu của chuyển dạ.

Rối loạn tiêu hoá: Bao gồm các triệu chứng như ợ nóng, táo bón, đầy hơi hoặc khó tiêu. Nguyên nhân của tình trạng này là do dạ dày bị tử cung chèn ép, quá trình tiêu hoá bị ảnh hưởng. Để hạn chế và kiểm soát tốt tình trạng trên, mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ và uống đủ nước.

Ngứa bụng, căng da, khô da: Kích cỡ bụng bầu đạt gần mức cực đại là lúc mẹ cảm thấy ngứa ngáy, bong tróc da nhiều hơn. Khi gặp tình trạng này, mẹ có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm lành tính để làm dịu làn da.

Phù nề: Nguyên nhân do tử cung và thai nhi to gây chèn ép các mạch máu. Hơn nữa, việc cơ thể bị tích nước khi mang thai cũng khiến cho tình trạng này nặng nề hơn. Nếu phù nề không gây sưng mặt, mí mắt hay các biểu hiện khó chịu thì bạn không cần quá lo lắng.

Ngược lại, mẹ cần tới gặp bác sĩ để kiểm tra, dự phòng nguy cơ tiền sản giật. Mất ngủ: Đây là hiện tượng mà nhiều bà bầu gặp phải. Để có giấc ngủ tốt hơn, mẹ nên nằm nghiêng về bên trái, giữ cho không gian phòng ngủ thoáng sạch, sử dụng thêm gối bầu hỗ trợ.

3. Sinh con ở tuần 36 có sao không?

Tuần 36 được xem là toàn mà thai nhi đạt tới sự hoàn thiện về các cơ quan cũng như các chức năng, sẵn sàng chào đời. Mặc dù vậy, việc sinh con ở tuần 36 vẫn được coi là sinh sớm. Dù những nguy cơ, biến chứng về sức khỏe đã xuống rất thấp so với những tuần trước đó song thai nhi vẫn phải đối mặt với những rủi ro khác như:

+ Hội chứng suy hô hấp (RDS).

+ Nhiễm trùng huyết.

+ Còn ống động mạch (PDA).

+ Vàng da cần điều trị bằng quang tuyến.

+ Cân nặng khi sinh là thấp.

+ Khó điều chỉnh nhiệt độ.

+ Khó khăn khi bú.

+ Chậm phát triển, cần chăm sóc đặc biệt.

+ Tử vong.

Khi sinh con ở tuần 36, thai nhi vẫn cần được chăm sóc đặc biệt, chuyên sâu ở bệnh viện. Mẹ bầu khi sinh con chưa đủ ngày tháng cũng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ, lượng sữa cung cấp cho trẻ sau sinh.

4. Lời khuyên khi mang thai 36 tuần

Bước sang tháng thứ 9 của thai kỳ, sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu cần thực hiện để chuẩn bị cho việc sinh nở sắp tới. Lời khuyên dành cho mẹ bầu khi mang thai 36 tuần như sau:

4.1. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Bước sang tuần thai 36, thai nhi sẽ có sự tăng trưởng chậm lại. Mặc dù vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng vẫn là điều cần phải làm hằng ngày.

Với mẹ bầu 36 tuần, việc đảm bảo đủ 4 nhóm dưỡng chất gồm tinh bột - đạm - béo - vitamin vẫn cần được bổ sung đủ. Mẹ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, chú trọng tới những thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tăng cường hàm lượng rau xanh, trái cây tươi hằng ngày để giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi tốt hơn.

Ngoài thực phẩm ăn hằng ngày thì các loại thực phẩm tổng hợp, nhất là canxi, sắt. DHA , acid folic là những thành phần cần chú trọng. Mẹ nên mua và uống theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

4.2. Luyện tập nhẹ nhàng

Mang thai 36 tuần, bụng bầu của mẹ đã rất lớn, gây cảm giác nặng nề. Nhiều mẹ bầu còn cảm thấy “thở không xong" chứ chưa nói là luyện tập.

Tuy nhiên theo lời khuyên của các chuyên gia, việc luyện tập nhẹ nhàng hằng ngày với cường độ vừa sức sẽ giúp mẹ khoẻ mạnh hơn. Ngoài ra, việc vận động này cũng sẽ giúp mẹ dễ sinh hơn trong những tuần tới.

Những môn thể thao, hoạt động luyện tập mà mẹ có thể lựa chọn trong tuần mang thai này đó là yoga, bơi lội, đi bộ…

Khi luyện tập, mẹ nên luyện tập với cường độ vừa sức, tránh vận động mạnh. Ngoài ra trong quá trình luyện tập, nếu mẹ cảm thấy mệt thì cần nghỉ ngơi ngay, tránh bị mệt quá sức.

4.3. Chuẩn bị đồ đi sinh

Tuần 36 là thời điểm phù hợp nhất để mẹ bầu chuẩn bị quần áo, bỉm sữa… cho quá trình sinh nở. Mẹ hãy kiểm tra thật kỹ những vật dụng cần có để tránh thiếu sót bất kỳ vật dụng nào nhé.

Ngoài ra cũng ở tuần này, mẹ đã có thể bắt đầu làm hồ sơ sinh. Hồ sơ sinh sẽ giúp cho quá trình nhập viện chờ sinh được nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Do đó, mẹ nên chuẩn bị sẵn các loại giấy tờ tùy thân cần thiết, đặt riêng vào túi gọn gàng. Trong quá trình thăm khám, mẹ cũng có thể hỏi thêm bác sĩ để có được sự chuẩn bị tốt nhất.

4.4. Khám thai đầy đủ

Bước sang tuần mang thai thứ 36, mẹ sẽ được chỉ định khám thai 2 tuần 1 lần hoặc 1 tuần 1 lần. Điều này nhằm đánh giá cân nặng, sự phát triển của thai nhi những ngày gần sinh.

Vì vậy, mẹ cần tuân thủ đúng lịch hẹn khám thai để biết tình trạng, hạn chế những nguy cơ biến chứng cuối thai kỳ.

Thai nhi tuần 36 đã hoàn thiện đầy đủ các chức năng của cơ thể, có thể chào đời ở tuần này. Tuy nhiên để em bé chào đời khỏe mạnh hơn thì vẫn cần thêm từ 2 - 3 tuần nữa trong bụng mẹ. Vì vậy khi mang thai 36 tuần, mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi vận động phù hợp và chuẩn bị các vật dụng cần thiết cho ngày dự sinh.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-36-tuan-da-hoan-thien-de-chao-doi-chua-33572/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY