Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 38 tuần: Những dấu hiệu sắp sinh mẹ cần biết

Thai nhi 38 tuần đã đạt được sự phát triển hoàn thiện cần thiết để chào đời. Em bé chào đời ở tuần thai thứ 38 cũng có thể được coi là đã đủ ngày, đủ tháng.

Ở tuần mang thai thứ 38, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có những dấu hiệu chuyển dạ là tới bệnh viện ngay. Vậy những dấu hiệu chuyển dạ ở tuần 38 gồm có những gì? Đặc điểm phát triển của thai nhi 38 tuần ra sao? Để biết câu trả lời, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây. 

1. Đặc điểm về kích thước, cân nặng của thai nhi 38 tuần 

1.1. Chiều dài, cân nặng 

Bước sang tuần thai thứ 38, em bé của bạn sẽ nặng từ 3 - 3,2kg và chiều dài khoảng 50cm tính từ đỉnh đầu tới chân. Như vậy với tổng thể kích thước cân nặng này, em bé đã rất tương đồng với một đứa trẻ sơ sinh bình thường. 

 

Ngoài ra, các chỉ số khác của thai nhi 38 tuần có thể kể đến gồm có:

+ Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 86 - 98 mm, trung bình 92mm

+ Chiều dài xương đùi (FL): 67 -  81mm, trung bình 71mm

+ Chu vi vòng bụng (AC): 302 - 317mm, trung bình 336mm

+ Chu vi vòng đầu (HC): 319 - 358mm, trung bình 338mm

Cũng bước vào tuần 38, việc tăng trưởng kích thước thai nhi sẽ chậm hơn. Bé có tăng cân ở tuần này nhưng cũng với tốc độ chậm, khoảng 100 gram mỗi tuần. 

1.2. Sự phát triển của các cơ quan

38 tuần tuổi, thai nhi đã đạt được sự ổn định về các hệ cơ quan cũng như các chức năng, sẵn sàng cho môi trường sống bên ngoài bụng mẹ. Cụ thể những thay đổi của các bộ phận trên cơ thể thai nhi trong tuần 38 như sau:

Móng chân rõ ràng: Nếu như những tuần trước, chỉ có móng tay của bé mọc dài và cứng cáp thì sang đến tuần này, móng chân đã được hình thành rõ ràng và liên tục dài ra mỗi ngày. 

Hoạt động cầm nắm: Thực hiện thông qua việc nắm dây rốn, cầm chân, ngón tay… được thực hiện nhuần nhuyễn. Điều này giúp cho việc chạm tay, bú mẹ thực hiện tốt hơn sau này. 

 

Màu mắt: Mặc dù đã định hình nhưng vẫn chưa rõ ràng và có sự thay đổi liên tục. Màu mắt của trẻ sơ sinh chỉ thực sự ổn định khi lên 1 tuổi. 

Lớp nhờn, lông tơ biến mất: Lớp bã nhờn cũng như lớp lông tơ bao phủ toàn bộ cơ thể thai nhi mặc dù đã rụng từ những tuần trước đó nhưng đến tuần này mới biến mất hẳn. Tuy nhiên với những trường hợp thai nhi còn bị sót lại phần này thì mẹ cũng không có gì cần phải lo lắng nhé. 

Hệ hô hấp: Ở trong bụng mẹ lúc này, bé đã bắt đầu tập thở bằng mũi. Ngoài ra, phổi cũng bước vào giai đoạn trưởng thành, sản xuất ngày càng nhiều hơn các chất có hoạt tính bề mặt. Điều này giúp cho các túi khí trong phổi của bé không bị xẹp và gắn chặt với nhau khi bé thở ngoài bụng mẹ. 

Bé có thể khóc: Điều này xảy ra ngay khi bé còn ở trong bụng và sau đó là lúc sinh ra. Ở tuần 38, các dây thanh âm đã được tăng cường và phát triển hơn. Nhờ vậy mà bé có thể dễ dàng khóc. Tiếng khóc là sự kết nối dễ nhận thấy nhất của bé với bố mẹ. 

Não bộ, hệ thần kinh: Đạt tới sự hoàn thiện của giai đoạn thai kỳ, có nhiều nếp nhăn. Diện tích bề mặt não dành cho các tế bào thần kinh cũng được tăng lên một cách đáng kể. Não và hệ thần kinh đóng vai trò là trung tâm chỉ huy, điều khiển mọi hoạt động, cảm xúc của thai nhi. 

Hệ tiêu hoá: Hoạt động nhiều hơn do bé liên tục nuốt nước ối cùng lớp lông măng, bã nhờn bong ra từ da. Hệ tiêu hoá sẽ “xử lý" những chất này và sẽ tạo phân su, nước tiểu, thứ mà chúng ta sẽ được thấy sau khi em bé sinh ra. 

1.3. Hoạt động trong bụng mẹ

Hoạt động cầm nắm: Thực hiện thông qua việc nắm dây rốn, cầm chân, ngón tay… được thực hiện nhuần nhuyễn. Điều này giúp cho việc chạm tay, bú mẹ thực hiện tốt hơn sau này. 

Hoạt động đạp, xoay người: Ở tuần 38, đầu của thai nhi đã xuống sâu phần khung chậu của mẹ. Lúc này, mẹ sẽ chỉ cảm nhận thấy những lần đạp và trở mình của bé chứ không còn thấy bé nhào lộn nữa. 

Trường hợp thai nhi của bạn chưa quay đầu ở tuần này, bạn có thể thực hiện các bài tập giúp bé về ngôi thuận dễ hơn. Tuy nhiên bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần sinh mổ nếu đến ngày dự sinh mà bé vẫn không về đúng tư thế. 

2. Mẹ bầu 38 tuần có những thay đổi nào?

 

Bụng tụt sâu xuống: Sang tuần thai này, thai nhi đã tụt xuống sâu phần khung xương chậu, dưới cổ tử cung để chuẩn bị cho ngày chào đời. Vì vậy, mẹ sẽ cảm thấy nặng nề hơn, khó di chuyển, khó thực hiện mọi hoạt động. 

Đau, sút lưng, đau hông: Tình trạng này gặp phải ở hầu hết các mẹ bầu. Điều này xảy ra do áp lực từ kích thước thai lớn. Vì vậy mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn khi gần đến ngày dự sinh. 

Phù nề bàn chân, mắt cá chân: Xảy ra do việc cơ thể tích nước và áp lực do thai nhi tạo nên đối với các dây thần kinh. Để cải thiện tình trạng khó chịu, mẹ có thể massage chân, ngâm chân trước khi đi ngủ. 

Sữa non: Nếu mẹ nhận thấy có một chút dịch màu trắng hoặc màu ngả vàng ở đầu ngực thì rất có thể đây là sữa non đã về. Sữa non là nguồn dưỡng chất quý, chứa rất nhiều dinh dưỡng và đề kháng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. 

Mất ngủ nhiều hơn: Càng gần tới ngày dự sinh, mẹ càng có xu hướng mất ngủ nhiều hơn. Điều này sẽ khiến mẹ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, khó chịu, thậm chí là cáu gắt. Vì vậy, mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, giữ sức chuẩn bị cho ngày chào đời của bé.

3. Dấu hiệu sắp sinh khi mang thai 38 tuần 

Bước sang tuần mang thai thứ 38, nếu nhận thấy những dấu hiệu dưới đây thì mẹ nên chuẩn bị và tới bệnh viện, chuẩn bị sinh con. Những dấu hiệu báo chuyển dạ khi mang thai 38 tuần gồm: 

3.1. Dịch nhầy và máu chuyển dạ 

 

Nếu bạn nhận thấy nhiều dịch nhầy, dịch có màu hồng hoặc đỏ thì rất có thể nút nhầy tử cung đã bong và bạn sẽ chuyển dạ trong 24h sắp tới. Tuy nhiên đây là dấu hiệu báo ban đầu, vì vậy bạn có thể bình tĩnh, chuẩn bị đồ đạc tới bệnh viện để kiểm tra bình thường. 

3.2. Các cơn co thắt 

Nếu xuất hiện các cơn gò, liên tục và theo chu kỳ thì rất có thể em bé của bạn đã muốn chào đời rồi. Cơn co thắt chuyển dạ sẽ khác với cơn gò sinh lý bình thường. Đặc điểm của cơ co chuyển dạ như sau:

+ Các cơn co diễn ra mạnh và khiến bạn cảm thấy đau, khó chịu

+ Cơn co thắt không có dấu hiệu thuyên giảm hay biến mất khi bạn thay đổi tư thế

+ Cơn đau sẽ bắt đầu ở phần từ khu vực lưng dưới và di chuyển dần tới phần bụng

+ Tần suất co thắt sẽ dồn dập và liên tục, đều đặn cách nhau khoảng từ 5-7 phút

 

3.3. Vỡ ối, rỉ ối 

Đây được xem là dấu hiệu đặc trưng nhất. Khi bị vỡ ối, mẹ cần tới ngay bệnh viện để được các bác sĩ hỗ trợ sinh con. Nếu tình trạng vỡ ối mà không được can thiệp kịp thời thì rất có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. 

 

4. Gợi ý các phương pháp giúp mẹ bầu dễ sinh thường hơn 

Ở tuần mang thai 38, mẹ bầu đã có thể sử dụng các loại thực phẩm cũng như luyện tập để hỗ trợ cho việc chuyển dạ, sinh thường được dễ dàng. 

4.1. Thực phẩm giúp sinh dễ

Chè vừng đen

Vừng đen là loại hạt chứa dầu, protein, nhiều vitamin E, axit folic rất cần thiết để hỗ trợ quá trình sinh đẻ của mẹ bầu. Nấu chè vừng đen với bột sắn còn giúp cơ thể mát hơn, mẹ bầu dễ chịu hơn, nhất là khi mẹ chuẩn bị sinh vào những ngày hè. 

Dứa chín

Ăn dứa trực tiếp hoặc uống nước ép dứa cũng là lựa chọn được nhiều mẹ bầu tuần 38 lựa chọn. Trong dứa chín có chứa nhiều hoạt chất bromelain - 1 loại enzyme giúp co thắt và làm mềm cổ tử cung. Nếu như những giai đoạn trước của kỳ mẹ cần kiêng thì ở tuần này, mẹ có thể sử dụng thường xuyên hơn. 

 

Nước lá tía tô

Nước lá tía tô có tác dụng làm giãn, mềm cổ tử cung. Do đó mà ở những tuần cuối của thai kỳ, mẹ có thể uống loại nước này để hỗ trợ quá trình sinh nở. 

Để thực hiện, mẹ chỉ cần lấy lá tía tô tươi rửa sạch, ngâm kỹ với nước muối rồi đem xay nát lấy nước. Mẹ cũng có thể cho lá vào nấu đặc với nước và uống như nước bình thường. 

Mẹ bầu chuẩn bị sinh nên uống khoảng 0,5 - 0,8 lít nước lá tía tô mỗi ngày. 

4.2. Chế độ luyện tập 

Tập thở đúng cách

Việc thở đúng cách sẽ giúp mẹ giữ sức trong suốt quá trình chuyển dạ, từ đó sinh con dễ hơn. Mẹ có thể tham gia vào các lớp yoga hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để luyện tập phương pháp này. 

 

Vận động nhẹ nhàng

Mặc dù cơ thể nặng nề mệt mỏi song ở tuần mang thai thứ 38, mẹ vẫn nên dành thời gian để vận động nhẹ nhàng. Việc này vừa giúp tăng cường sức khoẻ, vừa giúp chân tay mẹ không bị buồn, mỏi. Ngoài ra, luyện tập cũng sẽ giúp tinh thần của mẹ tốt hơn, sẵn sàng cho quá trình vượt cạn sắp tới. 

38 tuần là tuần chào đời của rất nhiều em bé. Vì vậy mẹ bầu cần sẵn sàng cho thời điểm chuyển dạ có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Hy vọng với những dấu hiệu chuyển dạ cũng như những lời khuyên trên đây, mẹ đã sẵn sàng để đón em bé chào đời một cách khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-38-tuan-33573/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY