Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 5 tuần tuổi có đặc điểm về kích thước, sự phát triển như thế nào?

Thai nhi 5 tuần tuổi phần lớn đã làm tổ trong tử cung của mẹ một cách an toàn. Nếu nhi nhi phát triển nhanh thì ở tuần thai này, các bác sĩ cũng đã nhận thấy sự phát triển của tim thai. Vậy thi nhi 5 tuần tuổi có kích thước như thế nào, sự phát triển ra sao

Nếu mẹ bầu đang mang thai 5 tuần hoặc quan tâm tới sự phát triển của bào thai ở tuần thứ 5, các mẹ đừng bỏ quan bài viết dưới đây nhé.

1. Đặc điểm phát triển của thai nhi tuần thứ 5

Thông tin về hình dáng, kích thước, sự phát triển của bào thai 5 tuần

Ở tuần thai thứ 5, thai nhi đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là hệ thần kinh và hệ tuần hoàn. Lúc này, các cơ quan của hệ thần kinh ở bé rất dễ tổn thương, thậm chí dị tật. Vì vậy khi mang thai tuần thứ 5, mẹ cần tuyệt đối tránh những môi trường có thể gây hại cho bào thai.

Cụ thể thai 5 tuần tuổi sẽ mang những đặc điểm như sau:

Kích thước túi thai: Khoảng 6mm, tương đương với một chú nòng nọc nhỏ

Túi phôi: Hình thành mầm phôi 3 lá (lá phôi ngoài, lá phôi giữa và lá phôi trong).

Hệ tuần hoàn: Hình thành hệ thống tuần hoàn từ mesoderm. Nhịp tim của bào thai cũng đã xuất hiện khoảng 100 – 160 lần/phút, gấp đôi nhịp tim người lớn.

Khuôn mặt: Rõ dần các đường nét, phần đầu sau sẽ phát triển nhanh hơn so với nửa đầu trước

Não bộ: Phát triển nhanh chóng với khoảng 100 tế bào não được hình thành trong 1 phút.

Tuyến sinh dục: Bắt đầu phát triển, tuy nhiên thì mẹ cần chờ khoảng 10 tuần nữa thì mới biết được chính xác giới tính của bé.

Thai 5 tuần tuổi đã vào tử cung chưa?

Phần đa khi thai nhi 5 tuần tuổi, tức là tương đương với tuần thứ 3 sau thụ tinh thì thai đã vào tử cung và làm tổ ổn định. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp tính theo vòng kinh của mẹ và xác định mang thai 5 tuần, thế nhưng khi siêu âm vẫn chưa thấy hình ảnh túi thai.

Với trường hợp này, rất có thể bào thai của bạn làm tổ trong tử cung muộn. Điều này có thể liên quan tới thời điểm rụng trứng và thụ tinh. Nếu bạn rụng trứng ở cuối chu kỳ với thời gian thụ tinh muộn thì đây cũng là lý do hợp lý.

Tuy nhiên, trường hợp thai 5 tuần tuổi mà chưa vào tử cung thì cũng rất có thể bạn đang mang thai ngoài tử cung. Lúc này, bạn cần trao đổi với bác sĩ và có biện pháp kiểm tra kịp thời.

Những dấu hiệu cho thấy bào thai đã làm tổ trong tử cung an toàn

Trong trường hợp chưa kịp đi siêu âm hoặc siêu âm nhưng chưa thấy hình ảnh túi thai trong tử cung, mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng. Mẹ hãy đợi thêm từ 5 - 7 ngày tiếp theo và tiến hành kiểm tra lại bằng phương pháp siêu âm.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể dựa vào những dấu hiệu cho thấy thai đã vào tử cung rồi như sau:

  • Xuất hiện máu báo thai
  • Sự thay đổi thân nhiệt: thân nhiệt và huyết áp tăng cao
  • Tăng cảm giác thèm ăn. ...
  • Thường xuyên đi tiểu nhiều lần
  • Bị chuột rút nhẹ ở vùng bụng. ...
  • Ngực căng, đau đầu ngực, đầu ngực chuyển dần màu sạm, thâm
  • Xuất hiện nhiều dịch nhầy…

2. Những thay đổi của cơ thể người mẹ khi mang thai 5 tuần

Ở tuần thứ 5 của thai kỳ, cơ thể người mẹ đã bắt đầu có sự thay đổi đáng kể. Điển hình của khoảng thời gian này đó là sự xuất hiện của những triệu chứng ốm nghén. Cụ thể những thay đổi dễ nhận thấy nhất khi phụ nữ mang thai 5 tuần đó là:

Thay đổi về thể trạng, thể chất

Ốm nghén: Buồn nôn, nhạy cảm với mùi, vị… là những dấu hiệu ốm nghén phổ biến nhất mà mẹ bầu có thể gặp phải.

Thay đổi ở bầu ngực: Các biểu hiện như đau nhói ở vú và núm vú tối màu hơn cũng có thể gặp phải khi mang thai 5 tuần.

Táo bón, đi tiểu nhiều hơn: Khi mang thai tuần thứ 5, hormone progesterone sẽ được sinh ra, gây ra hiện tượng táo bón. Cùng với đó, tử cung cũng sẽ to lên gây chèn ép bàng quang khiến mẹ bầu phải đi tiểu nhiều hơn.

Ngủ gật: Tình trạng này còn gọi là nghén ngủ. Điều này xảy đến là do mức progesterone tăng vọt, lượng đường trong máu thấp hơn, huyết áp thấp hơn và lưu lượng máu tăng.

Thay đổi về cảm xúc, tâm trạng

Tâm trạng của mẹ thường sẽ thay đổi thất thường, rất khó kiểm soát ở giai đoạn này. Mẹ bầu cũng sẽ gặp tình trạng trên trong những tuần tiếp theo của thai kỳ. Thông thường phải bước tới giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2, tình trạng này mới được cải thiện tốt hơn.

3. Những điều mẹ bầu nên và không nên làm khi mang thai tuần thứ 5

Ở tuần thai thứ 5, tức là ở giai đoạn đầu của tam cá nguyệt thứ nhất, sẽ có rất nhiều điều mẹ bầu cần thực hiện cũng như kiêng khem hoặc tuyệt đối tránh.

Mẹ bầu nên thực hiện những điều sau.

Khám thai lần đầu: Tuần thứ 5 tức là khoảng thời gian từ 10 - 14 ngày sau khi bạn nhận thấy chậm kinh, thử que xuất hiện 2 vạch. Lúc này, mẹ bầu cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám thai, xác định thai đã vào tử cung hay chưa.

Việc khám thai ở mốc này rất quan trọng để xác định sự phát triển của thai nhi suốt chặng đường về sau. Vì vậy, bạn cần tới đúng thời điểm và tuyệt đối tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ.

Bổ sung acid folic: Acid folic là dưỡng chất quan trọng mẹ cần phải bổ sung để hạn chế tối đa khả năng dị tật bẩm sinh, khuyết tật ống thần kinh hoặc bệnh tim bẩm sinh cho thai nhi. Việc bổ sung acid folic nên được thực hiện trước 3 tháng mang thai và trong quá trình mang thai.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần bổ sung đầy đủ vitamin, sắt và canxi cho cơ thể thông qua ăn uống và dùng vitamin tổng hợp.

Thư giãn: Ở tuần mang thai thứ 5, việc ốm nghén cùng với những thay đổi về cảm xúc sẽ khiến không ít mẹ bầu rơi vào trạng thái căng thẳng. Vì vậy, mẹ cần thả lỏng cơ thể, tham gia vào những hoạt động nhẹ nhàng để luôn giữ được sức khoẻ ổn định, tinh thần cân bằng.

Đâu là những việc làm mẹ bầu cần tránh?

Cũng trong thời điểm thai nhi 5 tuần tuổi, những điều mẹ bầu cần tuyệt đối tránh đó là:

Tránh sử dụng các loại đồ ăn, thức uống có hại cho thai nhi: Các loại thực phẩm chưa tiệt trùng, đồ ăn chưa qua chế biến, xúc xích, thịt nguội, các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao,... có thể gây ra các bệnh ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Sử dụng các loại thực phẩm này cũng sẽ dẫn tới nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi, hoặc thậm chí là sảy thai.

Bên cạnh đó, những thực phẩm có khả năng gây co bóp tử cung mạnh như rau ngót, đu đủ xanh, rau răm, dứa, vừng đen… mẹ bầu cũng không nên sử dụng.

Không tùy tiện sử dụng thuốc: Tuần thai thứ 5 là thời điểm hệ thần kinh của bào thai phát triển rất mạnh mẽ. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm, có thể gây tổn thương hệ thần kinh từ bên ngoài. Vì vậy, mẹ bầu chỉ sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào.

Tránh khói thuốc lá, rượu, bia, chất kích thích: Bởi đây là những chất có nguy cơ gây dị tật ở thai nhi; ảnh hưởng tới toàn bộ quãng thời gian mang thai cũng như sức khỏe của người mẹ.

4. Gợi ý những loại thực phẩm, dưỡng chất tốt cho thai nhi 5 tuần tuổi

Khi mang thai, cơ thể mẹ cũng sẽ cần nhiều dinh dưỡng hơn để nuôi bào thai phát triển. Những dưỡng chất mà mẹ bầu nên chú trọng bổ sung ở giai đoạn này đó là:

Canxi: Khi mang bầu, mẹ cần bổ sung thêm khoảng 1000mg canxi mỗi ngày. Canxi sẽ giúp khung xương của mẹ bầu chắc hơn để mang thai, đồng thời cung cấp cho thai nhi hình thành hệ cơ, xương, răng hoàn chỉnh.

Những thực phẩm giàu canxi mà mẹ bầu nên bổ sung đó là tôm, cua, cá, trứng, váng sữa, sữa chua,…

Vitamin D: Đi liền với canxi chính là vitamin D. Thiếu vitamin D thì việc bổ sung nhiều canxi cũng không có tác dụng bởi đây là vi chất hỗ trợ hấp thụ canxi, thúc đẩy tăng trưởng và khoáng hóa xương của cơ thể.

Những thực phẩm giàu vitamin D có thể kể đến như lòng đỏ trứng gà, tôm, nấm, cá hồi, cá trích… Ngoài ra, vitamin D còn có rất nhiều trong ánh nắng mặt trời buổi sớm.

Omega 3: Trong suốt quá trình mang bầu, mẹ cần bổ sung thêm tối thiểu 500mg mỗi ngày và tăng hàm lượng vào cuối thai kỳ. Theo các chuyên gia, thai nhi Omega 3 để hình thành 70% não bộ và hệ thần kinh của trẻ.

Mẹ bầu có thể bổ sung Omega 3 từ những thực phẩm như mỡ cá, dầu oliu, dầu ăn,… hoặc trong các viên uống tổng hợp.

Sắt: Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, vận chuyển oxy nên cực kỳ cần thiết với sự phát triển của thai nhi. Ngay khi phát hiện mình có thai, mẹ bầu nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, uống kéo dài tới sau khi sinh một tháng. Mỗi ngày, mẹ nên bổ sung tối thiểu 60mg sắt.

Mẹ có thể bổ sung qua các loại thịt đỏ, đậu đỗ, trứng gà,… và viên uống sắt tổng hợp.

Axit folic: Tốt cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ, có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế dị tật ống thần kinh. Ở thời điểm trước khi mang thai, mẹ được khuyên nên bổ sung 400 microgam acid folic mỗi ngày. Trong thời gian thai kỳ, phụ nữ được khuyên sử dụng 600 microgam acid folic mỗi ngày.

Axit folic rất giàu trong gan động vật, các loại rau màu xanh thẫm, đậu,… và viên uống tổng hợp.

Chất đạm: Có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, đậu, nấm. Protein đóng vai trò quan trọng trong hình thành hệ cơ, xương và máu.

Kẽm: Kẽm rất cần thiết trong việc phát triển cân nặng và kích thước vòng đầu của bé. Không chỉ khi mang bầu, khi đã chào đời bé cũng cần nhận được lượng kẽm đầy đủ để đảm bảo phát triển toàn diện. Kẽm có nhiều trong hải sản, sữa, thịt gia cầm,…

Thai nhi 5 tuần tuổi là mốc quan trọng để kiểm tra xem đã vào tổ an toàn hay chưa cũng như xây dựng chế độ chăm sóc cho mẹ bầu. Ở giai đoạn này, mẹ bầu cũng có nhiều thay đổi về mặt thể trạng, cảm xúc. Lúc này, mẹ hãy giữ một tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt để cùng con yêu bước tiếp hành trình mang bầu nhiều điều thú vị sắp tới nhé.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-5-tuan-tuoi-co-dac-diem-ve-kich-thuoc-su-phat-trien-nhu-the-nao-33148/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY