Sức khỏe hôm nay

Thai nhi 7 tuần tuổi: Khoảng thời gian vàng của tam cá nguyệt thứ nhất

7 tuần tuổi, thai nhi bước vào thời điểm giữa của tam cá nguyệt đầu tiên. Đây là thời điểm quan trọng giúp mẹ kiểm tra hình thái, sự phát triển của thai nhi cũng như dự đoán sơ bộ về ngày em bé chào đời.

Nếu mẹ đang chuẩn bị bước vào tuần mang thai thứ 7 và hồi hộp mong ngóng sự phát triển của con yêu, hãy đừng bỏ qua những thông tin trong bài chia sẻ dưới đây nhé.

1. Mang thai tuần 7: Khoảng thời gian vàng của tam cá nguyệt đầu tiên

Hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày của mẹ sẽ được chia làm 3 tam cá nguyệt, mỗi tam cá nguyệt kéo dài khoảng 13 tuần. Ở tuần thai thứ 7, mẹ và bé đang bước vào giai đoạn vô cùng quan trọng - thời điểm giữa của tam cá nguyệt đầu tiên.

Ở thời điểm này, những thay đổi về hình dáng, các cơ quan của thai nhi sẽ được mô tả cụ thể như sau:

Sự phát triển về hình dáng thai nhi

Kích thước thai nhi: Em bé của bạn lúc này đã lớn hơn nhiều với chiều dài mông - đầu khoảng 1,3cm. Với kích thước này, thai nhi của bạn sẽ tương đương với một quả mâm xôi.

Tứ chi: Đã phát triển rõ rệt. Thông qua hình ảnh siêu âm, bạn có thể nhìn thấy bàn tay và bàn chân bắt đầu phát triển những ngón tay và ngón chân có màng.

Xương đuôi (phần mở rộng của xương cụt): Đang dần co lại. Phần xương đuôi này sẽ sớm biến mất và biến mất hoàn toàn khi kết thúc tam cá nguyệt thứ nhất.

Mắt bé: To hơn, xuất hiện màu mắt và đã có mí mắt.

Tai của thai nhi: Đã hình thành rõ rệt cả bên ngoài cũng như các bộ phận bên trong.

Sự phát triển của các hệ cơ quan trong cơ thể

Hệ thần kinh: Các tế bào thần kinh đang tích cực phân nhánh nhằm kết nối lại với nhau, tạo thành một hệ thần kinh sơ khai.

Nội tạng: Phát triển nhanh chóng. Thời điểm 7 tuần cũng là lúc bé đã hình thành ống thở kéo dài từ cổ họng đến các nhánh của phổi.

Lưỡi, răng: Bắt đầu hình thành

Tim thai: Đã có tim thai và có thể nghe được qua ống siêu âm. Đây cũng là thời điểm quan trọng để khẳng định thai có đang phát triển toàn diện theo đúng các mốc hay không.

Cơ quan sinh dục: Đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên chưa thể quan sát qua hình ảnh siêu âm.

Dự đoán ngày sinh khi thai nhi 7 tuần tuổi

Ở tuần thai thứ 7, các bác sĩ sẽ không còn đo kích thước túi thai nữa. Đổi lại lúc này, chiều dài từ đỉnh đầu đến mông của bé sẽ được đo cụ thể.

Căn cứ vào chỉ số này, các bác sĩ sẽ tính sơ bộ về tuổi thai cũng như dự đoán được ngày em bé chào đời. Tuy nhiên để kết quả này chính xác nhất thì bạn cần chờ tới tuần 12 của thai kỳ.

2. Mang thai 7 tuần, cơ thể người mẹ thay đổi như thế nào?

Đặc trưng nhất của giai đoạn mang thai 7 tuần đó là mẹ đã nhận thấy sự thay đổi về hình dáng cơ thể. Cùng ở thời điểm này, mẹ bầu bị ốm nghén sẽ rơi vào quãng thời gian mệt mỏi nhất.

Về tổng quan, cơ thể mẹ bầu khi mang thai 7 tuần sẽ có những điểm nổi bật như sau.

Sự xuất hiện của các mạch máu: Mặc dù bụng mẹ bầu ở thời điểm này chưa nhô ra song mẹ vẫn có thể cảm nhận sự thay đổi của các vùng ngực, mông, bụng.

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể nhận thấy những mạch máu nổi rõ lên ở vùng ngực và chân. Điều này sẽ khiến cho mẹ bầu thường xuyên có cảm giác tê, đau chân khi đứng lâu ở 1 tư thế.

Sự thay đổi của bầu ngực: Hai đầu vú lớn hơn, thâm lại hay có những mụn nhỏ li ti là những thay đổi dễ gặp nhất. Khi gặp hiện tượng này, mẹ hãy coi đó là một điều tự nhiên và không nên có bất kỳ hành động kích thích nào.

Dịch âm đạo: Mang thai 7 tuần, rất nhiều mẹ bầu có thể cảm thấy vùng kín của mình ẩm ướt, khó chịu hơn trước. Tuy nhiên đây là một điều bình thường do sự thay đổi của nội tiết tố gây ra. Mặc dù vậy, nếu dịch tiết có màu, mùi bất thường thì bạn cần tới các bác sĩ để kiểm tra ngay.

Gương mặt biến đổi: Mụn mọc nhiều hơn, các vết thâm sạm trên da cũng có thể xuất hiện ở thời điểm này. Mẹ bầu đừng quá lo lắng bởi sau khi sinh em bé, tình trạng trên sẽ nhanh chóng biến mất.

Cảm xúc của người mẹ khi mang thai 7 tuần: Vẫn là những cảm xúc xáo trộn, thời điểm 7 tuần, mẹ bầu đôi khi vẫn chưa thể làm chủ tâm trạng của bản thân. Đây là một hiện tượng bình thường bởi sự thay đổi nội tiết tố này đóng một vai trò vô cùng quan trọng giúp duy trì và ổn định thai kỳ, đồng thời đảm bảo cho bé yêu phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.

3. Chế độ dinh dưỡng khi mang thai 7 tuần tuổi mẹ cần lưu ý

Những thực phẩm giúp thai phát triển khoẻ mạnh

Các loại thực phẩm

Sữa

Bao gồm cả sữa hạt và sữa có nguồn gốc động vật như sữa bò, sữa dê. Trong sữa chứa đầy đủ các nhóm chất cần thiết cho sức khỏe mẹ bầu cũng như sự phát triển toàn diện của thai nhi như protein, lipit, đường, vitamin và các khoáng chất.

Trong thời kỳ mang thai, mẹ có thể uống 1 - 2 ly sữa mỗi ngày.

Trứng

Trứng là nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho cơ thể. Bên cạnh đó, trứng còn chứa rất nhiều sắt, folate và choline rất quan trọng cho sự phát triển trí não của thai nhi. Nhờ những dưỡng chất quan trọng này, nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của thai nhi sẽ giảm đi đáng kể.

Khi ăn trứng, mẹ bầu mang thai 7 tuần nên lưu ý là hãy sử dụng trứng chín, không nên ăn trứng sống hay tái. Bạn cũng nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng trứng bởi cả hai phần này đều mang những giá trị dinh dưỡng to lớn.

Cá hồi

Trong cá hồi có chứa hàm lượng lớn chất béo omega-3 và protein, những dưỡng chất vô cùng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.

Theo các chuyên gia, Axit béo omega-3 (hay còn gọi là DHA và EPA) trong cá hồi sẽ giúp não phát triển, bé thông minh hơn, các kỹ năng vận động của hệ thần kinh phát triển toàn diện hơn. Ngoài ra, Omega-3 còn tốt cho sự phát triển mắt của em bé.

Các loại rau củ, trái cây

Khoai lang

Khoai lang là loại rau củ rất giàu chất xơ, vitamin B6, kali (thậm chí nhiều hơn trong chuối), vitamin C, sắt cũng như đồng và beta-carotene – một chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A. Có thể khẳng định, khoai lang là thực phẩm vàng cho phụ nữ mang thai.

Ngoài những dưỡng chất trên thì trong khoai lang cũng chứa hàm lượng sắt khá lớn. Sử dụng khoai lang trong quá trình mang thai còn giúp hạn chế tình trạng táo bón - Điều mà hầu hết các bà bầu gặp phải.

Táo

Trong trái táo có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, có nhiều vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, táo cũng là thực phẩm giàu kali, các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và lão hóa ở con người.

Bên cạnh đó, lượng canxi trong táo cũng cao hơn trong các loại hoa quả, giúp trung hòa lượng muối dư thừa trong cơ thể mẹ bầu, giúp giảm nguy cơ phù nề.

Đặc biệt, vị chua ngọt ở các trái táo là thành phần cần thiết để tạo thành xương và răng cho thai nhi. Táo còn giúp bà bầu phòng ngừa hiện tượng mềm xương và bí tiện.

Các loại rau xanh lá

Rau xanh lá chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, dưỡng chất cần thiết. Trong đó, những vi chất đặc biệt tốt có thể kể đến như canxi, chất xơ, kali, vitamin A và folate.

Bổ sung các loại rau xanh lá trong mỗi bữa ăn hàng ngày cũng có thể cung cấp một hàm lượng chất xơ lớn, giúp các bà bầu hạn chế nguy cơ táo bón.

Nước ép cam, bưởi, trái cây có múi

Một ly nước ép trái cây có múi như cam, quýt, bưởi… sẽ cung cấp các dưỡng chất cần thiết như kali, axit folic, potassium và vitamin C để ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh sớm trong thai kỳ.

Đặc biệt, hàm lượng C lớn trong những loại nước ép này cũng sẽ giúp hấp thu sắt một cách tốt hơn.

Các loại hạt

Các loại hạt như hạt bí, hạt chia, hạt óc chó, hạt mắc ca… chứa rất nhiều axit béo thiết yếu như omega 3, vitamin, protein, phốt pho, glucid… Đây là những khoáng chất vô cùng quan trọng cho sự hình thành và phát triển trí não thai nhi.

4. Những điều mẹ cần tránh khi mang thai 7 tuần

Thời điểm tuần thai thứ 7 là giai đoạn vàng trong sự phát triển của thai nhi. Vì vậy bên cạnh việc chăm lo chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu cũng cần tránh những điều sau.

Các loại thực phẩm không tốt cho thai nhi

Dưa muối, cà muối, măng chua: Đây là những loại thực phẩm lên men có nguy cơ gây nhiễm độc cho thai nhi. Vì vậy mẹ bầu 7 tuần cần tuyệt đối tránh những thực phẩm này.

Rau ngót, đu đủ xanh, rau răm, dứa: Đây là những loại rau củ quả có khả năng tăng sự co bóp tử cung, gây nguy cơ sảy thai. Vì vậy trong suốt những tháng mang thai, mẹ cần loại bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm này ra khỏi thực đơn.

Các hoạt động, việc làm gây ảnh hưởng tới thai nhi

Mang vác nặng, hoạt động thể lực mạnh: Thai nhi 7 tuần tuổi vẫn là thời điểm khá nhạy cảm, cần thêm thời gian để ổn định. Vì vậy trong lúc này, mẹ cần tránh mang vác, lao động nặng hay có những hoạt động thể lực mạnh gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Tránh xa khói thuốc, chất kích thích: Trong khói thuốc và các loại chất kích thích chứa nhiều thành phần có thể gây nguy cơ dị tật thai nhi. Vì vậy, bạn cần “say no" với thuốc lá, rượu bia, cafein trong suốt hành trình mang thai.

Thai nhi 7 tuần tuổi là thời điểm vàng để xác định sự phát triển ổn định cũng như dự báo ngày sinh. Khi mang thai 7 tuần, mẹ bầu vẫn cần phải rất cẩn trọng, tuân thủ những điều nên và không nên làm cũng như khám thai đầy đủ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

Chúc các mẹ bầu có một hành trình mang thai an toàn, cán đích thành công.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-7-tuan-tuoi-khoang-thoi-gian-vang-cua-tam-ca-nguyet-thu-nhat-33151/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY