Vậy khi bước sang tuần 12, em bé của bạn sẽ phát triển như thế nào? Cơ thể mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì? Chế độ chăm sóc mẹ và thai nhi sẽ có những điểm gì cần lưu ý ở tuần thai thứ 12? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bước sang tuần 12, tức là người mẹ đã mang thai được 3 tháng theo cách tính của dân gian. Lúc này, em bé của bạn đã phát triển đầy đủ các bộ phận, hình dáng cũng gần giống với một em bé khi được sinh ra.
Sự phát triển về kích thước, cân nặng, đặc điểm của thai nhi tuần 12 được ghi lại như sau.
Chiều dài, cân nặng: Thai nhi 12 tuần tuổi có thể nặng gần 15 gram, dài khoảng 5,5 cm.
Hệ xương, khớp: Hệ xương khớp của thai nhi 3 tháng đã hoàn thiện hơn rất nhiều, cứng cáp hơn và có thể điều chỉnh linh hoạt trong bụng mẹ. Lúc này, thai đã có những chuyển động như lật, xoay vòng, chân buông thoải ra, cơ thể quậy,… Tuy nhiên, mẹ vẫn rất khó để cảm nhận được những cú đạp của con.
Đặc biệt ở tuần 12, xương sống của thai nhi đã được hình thành rõ rệt, ống thần kinh cột sống cũng đã bắt đầu căng ra từ tủy.
Khuôn mặt: Bước sang tuần 12, gương mặt thai nhi đã hình thành rõ nét hơn. Cụ thể, đôi mắt đã di chuyển gần nhau hơn, môi có hoạt động mở - đóng.
Cùng với đó, hai tai của thai nhi có xu hướng chuyển vị trí về phía sau, đúng vị trí; hai mắt di chuyển sát lại gần nhau hơn.
Cơ quan sinh dục: Cơ quan sinh dục đã hình thành rõ ràng. Thời điểm này, các bác sĩ đã có thể dự đoán bạn mang thai bé trai hay bé gái.
Dây thanh quản: Sang tới tuần thai 12, dây thanh quản bắt đầu được hình thành trong thanh quản.
Ruột: Ruột của thai nhi tuần 12 phát triển tương đối hoàn chỉnh và bắt đầu tiếp nhận thức ăn thông qua dây rốn.
Thận: Lúc này, thận của thai nhi cũng đã bắt đầu bài tiết nước tiểu.
Hệ thần kinh: Tế bào thần kinh và các khớp thần kinh phát triển một cách nhanh chóng trong não em bé khi bước sang tuần tuổi 12.
Nhịp tim: Ở tuần 12, nhịp tim của bé đã ổn định, có thể nghe thấy rõ ràng thông qua siêu âm. Nhịp tim của thai nhi tuần 12 dao động từ 120 - 160 nhịp mỗi phút.
Giai đoạn cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất, mẹ đã quen thuộc với việc mang một sinh linh bé bỏng trong cơ thể. Lúc này ở một số mẹ bầu, tình trạng ốm nghén sẽ dịu bớt đi, tinh thần và thể chất của mẹ cũng sẽ tốt hơn.
Cụ thể những thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 12 tuần sẽ có những dấu hiệu điển hình như:
Vùng bụng to hơn: Lúc này, tử cung của mẹ đã lớn hơn rất nhiều so với khi không mang thai. Nhiều mẹ bầu thời điểm này cũng đã phải thay đổi trang phục, mặc đồ rộng hơn để đảm bảo sự thoải mái cho thai nhi phát triển.
Vùng kín ẩm ướt hơn: Do sự thay đổi và hoạt động mạnh của các loại hormon mà vùng kín của mẹ có thể có nhiều khí hư, tình trạng ẩm ướt kéo dài. Để khắc phục, mẹ có thể thường xuyên vệ sinh, thay quần lót 2 - 3 lần mỗi ngày hoặc sử dụng tới băng vệ sinh hằng ngày nhé.
Ợ chua, ợ nóng: Ở thời điểm này, hệ nội tiết tiết ra hormone progesterone gây thả lỏng các vách ngăn giữa dạ dày và thực quản. Do đó, axit trong dạ dày có thể trào ngược gây cảm giác ợ nóng khó chịu.
Táo bón, đầy hơi giảm: Khi bước sang tuần 12, cơ thể mẹ đã quen dần với trạng thái mang thai. Vì vậy, các hệ cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tiêu hoá đã điều chỉnh cho phù hợp. Những dấu hiệu về táo bón, đầy hơi ở thời điểm này cũng sẽ dần mất đi hoặc ít gây khó chịu cho mẹ bầu.
Sản xuất sữa non: Nhiều mẹ bầu cho rằng phải tới những tháng cuối của thai kỳ, cơ thể mới bắt đầu sản xuất sữa non. Tuy nhiên thực tế, sữa non có thể hình thành từ tháng thứ 3. Do đó, mẹ có thể để ý để nhận biết sự thay đổi này.
Tuy nhiên, lời khuyên của các bác sĩ đó là mẹ không nên kích thích bầu ngực hay nặn sữa non vì có thể gây co bóp tử cung, ảnh hưởng tới thai nhi.
Ở tuần cuối của tam cá nguyệt đầu tiên này, mẹ đã bớt ốm nghén hơn, cảm xúc cũng sẽ được cải thiện.
Một vài mẹ bầu sẽ tìm lại được sự cân bằng, vui vẻ khi mang thai sau tuần 12. Vì vậy, các mẹ hãy luôn suy nghĩ tích cực và nghĩ về con yêu để có một hành trình mang thai tuyệt vời nhé.
Ở tuần 12, các bác sĩ không chỉ thực hiện việc siêu âm để đánh giá sự phát triển của thai nhi mà còn chỉ định mẹ bầu làm thêm nhiều xét nghiệm liên quan.
Tuần thứ 12 là một trong 3 mốc quan trọng để tầm soát dị tật bẩm sinh ở thai nhi (nằm trong mốc tuần 11 - 14)
Ở thời điểm này, thai nhi của bạn đã phát triển tương đối đầy đủ về mặt hình thái và có những phản xạ như gập duỗi thân mình, duỗi các chi...
Khi tiến hành siêu âm (có thể là 2D hoặc 4D), các bác sĩ sẽ đặc biệt kiểm tra và sàng lọc các dị tật sớm về não, mặt, tim, tiêu hóa, tiết niệu, tứ chi và toàn bộ hình thể. Đây cũng là khoảng thời gian xác định tuổi thai, thời gian dự kiến sinh chính xác nhất.
Ngoài ra, việc siêu âm thai khi được 12 tuần cũng sẽ giúp phát hiện những bất thường hay gặp ở thai nhi như: Hội chứng Down, Hội chứng Edward…
Cùng với việc siêu âm đánh giá hình thái, ở tuần thai thứ 12, mẹ bầu cũng sẽ được yêu cầu làm các xét nghiệm để xác định dự phòng những bệnh thường gặp, từ đó đưa ra biện pháp xử lý kịp thời. Những xét nghiệm cụ thể ở đây là:
Xét nghiệm nhóm máy, công thức máu của mẹ
Đây là xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện sớm tình trạng bất đồng nhóm máu (nếu có).
Việc bất đồng nhóm máu có thể dẫn tới hiện tượng huyết tán ở trẻ sơ sinh (bệnh Rhesus). Em bé sơ sinh bị bệnh huyết tán nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây nguy hiểm tính mạng.
Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm từ mẹ sang con như viêm gan B, HIV…
Việc xét nghiệm và nhận biết sớm những bệnh lây truyền này sẽ giúp các bác sĩ đưa ra những biện pháp dự phòng, lời khuyên hợp lý. Kết quả của xét nghiệm sẽ được theo dõi trước thai kỳ, quá trình chuyển dạ cũng như sau khi sinh.
Xét nghiệm đường huyết ở phụ nữ mang thai
Xét nghiệm đường huyết hay còn được gọi là xét nghiệm glucose thai kỳ. Xét nghiệm này sẽ đánh lượng đường trong máu của mẹ. Kết quả của xét nghiệm sẽ giúp dự phòng, ngăn chặn tình trạng tiểu đường cũng như những biến chứng trong quá trình mang thai hay sinh nở.
Xét nghiệm nước tiểu cho mẹ
Kết quả của xét nghiệm nước tiểu mẹ ở tuần 12 của thai kỳ sẽ giúp phát hiện ra các biến chứng thường gặp trong thai kỳ như nhiễm trùng đường tiết niệu, nguy cơ tiền sản giật, các nguy cơ về thận hay thiếu hụt carbohydrate…
Xét nghiệm Double Test hoặc Triple Test cho thai nhi
Xét nghiệm này sẽ giúp tầm soát nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down, nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể…
Khám thai ở tuần 12, mẹ bầu vừa thực hiện việc siêu âm, vừa thực hiện các xét nghiệm máu và nước tiểu liên quan. Vì vậy khi đi khám thai, mẹ nên chú ý một số vấn đề sau:
Siêu âm: Thông thường ở tuổi thai tuần 12, mẹ sẽ được siêu âm ổ bụng. Tuy nhiên vẫn không loại trừ trường hợp bác sĩ chỉ định siêu âm đầu dò. Vì thế, mẹ bầu cần mặc đồ rộng rãi, thoải mái để tiện lợi cho quá trình siêu âm.
Làm xét nghiệm: Vì yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu nên mẹ cần tới bệnh viện vào buổi sáng và nên nhịn ăn. Ngoài ra vào tối hôm trước, mẹ cần thực hiện việc ăn tối trước 20h và không ăn gì cho tới hôm sau để đảm bảo kết quả được chính xác.
Bước vào tháng thứ 3, sang tháng thứ 4 của thai kỳ, thai nhi có sự phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó là nhu cầu về các dưỡng chất quan trọng, cần thiết cũng tăng lên đáng kể. Ở giai đoạn này, mẹ bầu nên chú ý bổ sung đầy đủ nguồn dưỡng chất sau:
Chất đạm: Đây là dưỡng chất quan trọng trong quá trình hình thành bào thai, nhau thai và mô cơ thể mẹ. Những thực phẩm giàu chất đạm có thể kể đến như thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…
Chất béo: Đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng màng tế bào và hệ thống thần kinh của thai nhi. Chất béo cũng sẽ cung cấp năng lượng, hỗ trợ thai phụ hấp thu các vitamin tan trong dầu.
Nguồn chất béo mà mẹ bầu có thể bổ sung trong tuần thai thứ 12 có thể kể đến như mỡ động vật, dầu nành, dầu mè, dầu cá…
Chất xơ: Giúp hệ tiêu hoá hoạt động ổn định, hạn chế tình trạng táo bón. Chất xơ có nhiều trong ngũ cốc, khoai lang, trái cây, rau xanh,...
Canxi: Ở tuần thai 12, mẹ bầu sẽ cần thêm khoảng 300 mg canxi mỗi ngày. Vì vậy các thực phẩm giàu canxi như chế phẩm từ sữa, đậu, rau xanh, cá, tôm đồng,... cần được bổ sung hợp lý trong các bữa ăn.
Axit folic: Là dưỡng chất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ dị tật ống thần kinh. Axit folic có nhiều trong các loại thực phẩm như bắp cải, bông cải xanh, măng tây, chuối, cam, trứng,...
Bên cạnh đó, để đảm bảo lượng acid folic cần thiết, mẹ bầu cũng sẽ cần bổ sung dưỡng chất này qua đường uống theo chỉ định.
Vitamin D: Có trong ánh nắng mặt trời buổi sớm hoặc trong các thực phẩm như gan cá, bơ, sữa, trứng, các loại cá béo,...;
Vitamin A: Có nhiều trong các loại thực phẩm như gan, lòng đỏ trứng, sữa, thịt, rau màu xanh, vàng, đỏ,... Vitamin A giúp tăng sức đề kháng cho mẹ bầu và giúp dự trữ cho thai nhi.
Sắt: Là vi chất quan trọng, đặc biệt cần thiết. Thiếu sát có thể gây thiếu máu, từ đó dẫn tới các biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Vì vậy, mẹ bầu cần uống thêm sắt theo chỉ định cũng như bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt, gan động vật, nghêu, sò, ốc, ngũ cốc, đậu đỗ,...
Bên cạnh đó, mẹ bầu mang thai tuần 12 cũng cần bổ sung thêm vitamin C để tăng cường khả năng hấp thu sắt.
Khi mang thai ở tuần thứ 12, mặc dù đã qua những tuần đầu cần kiêng cữ nghiêm ngặt song ở thời điểm này, mẹ bầu cũng cần hết sức chú ý về mặt ăn uống. Cụ thể, những loại thực phẩm, đồ ăn, thức uống mà mẹ bầu nên tránh như sau:
Các loại đồ ăn quá cay, chua như ớt, tiêu, giấm, tỏi vì chúng có thể gây đau dạ dày, trĩ và táo bón;
Cafe, trà vì đây là những loại đồ uống có cafein, một chất kích thích gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thu sắt ở mẹ bầu và thai nhi
Không sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, thực phẩm để qua đêm, đồ ăn không hợp vệ sinh
Không ăn các loại đồ ăn sống, đồ ăn tái chưa được làm chín
Để đảm bảo thai nhi 12 tuần tuổi phát triển khoẻ mạnh cũng như cả một thai kỳ ổn định, mẹ bầu cần chú ý thêm tới những vấn đề sau:
Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích. Khói thuốc lá, chất chất kích thích có thể làm tim đập nhanh, gây buồn nôn, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
Không nên ăn no trước khi đi ngủ và nên ăn chậm, ngồi thẳng khi ăn;
Nếu bị nghén nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và tránh thức ăn có mùi;
Giảm ăn mặn đối với những thai phụ bị phù, tăng huyết áp hoặc nhiễm độc thai nghén,... để tránh gặp tai biến khi sinh;
Hạn chế đồ ngọt vì lượng đường nạp vào cơ thể quá nhiều có thể làm hao tổn canxi, dễ gây tăng cân và tiểu đường thai kỳ;
Nên uống nhiều nước để tăng cường quá trình trao đổi chất, hạn chế nguy cơ táo bón
Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong việc thăm khám, sử dụng thuốc, các thực phẩm trong thai kỳ.
Thai nhi tuần 12 - tuần cuối cùng của tam cá nguyệt đầu tiên, cả mẹ và bé đã bước qua cột mốc quan trọng nhất. Lúc này, mẹ cần xây dựng chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý và cùng con bước vào giai đoạn 3 tháng quan trọng tiếp theo của thai kỳ.
Chúc các mẹ bầu luôn vui khoẻ và cùng con cán đích thành công.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin
Chủ đề liên quan: