Sức khỏe hôm nay

Thai nhi tuần 16 - Tuần cảm nhận cử động và di chuyển

Bước sang tuần 16, mẹ bầu đã có thể cảm nhận được những lần thai máy đầu tiên. Cũng kể từ thời điểm này, mẹ có thể dễ dàng nhận biết hơn những hoạt động, sự phát triển của thai nhi ở trong bụng.

Để có thể hiểu hơn về sự phát triển của thai nhi 16 tuần, những đặc điểm về hình thái, các cơ quan trong cơ thể cũng như những hoạt động thường ngày của thai nhi, mẹ bầu đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.

Đặc điểm về sự phát triển của thai nhi tuần 16

Thông tin về hình dáng, kích thước

Kích thước thai nhi: Ở tuần thai 16, thai nhi sẽ có chiều dài khoảng 10 - 13cm, trọng lượng của thai khoảng 100gr. Nếu so sánh, bạn có thể tưởng tượng em bé của bạn tương đương với một trái bơ nhỏ.

Hệ cơ, xương: Xương chắc hơn, chân tay dài hơn và cứng cáp hơn. Lúc này, các cử động của chân, tay cũng sẽ linh hoạt hơn. Tuần 16 cũng là thời điểm móng tay xuất hiện.

Bởi tay, chân bé có thể cử động linh hoạt nên bé sẽ dần có những hoạt động “thúc" vào tử cung của mẹ. Cùng với đó, xương cột sống và xương cổ phát triển mạnh mẽ, giúp cơ thể bé thẳng hơn, bé có thể ngẩng cao đầu hơn.

Mắt: Mắt di chuyển dần về trung tâm của khuôn mặt, ngay trước đầu. Mắt có thể cử động chuyển động mặc dù chưa mở.

Tai: Tai có thể cảm nhận âm thanh rõ ràng, nghe được giọng nói của mẹ. Tai của bé cũng đã trở về gần với vị trí như tai của trẻ sơ sinh.

Sự phát triển của các hệ cơ quan

Tim: Tim phát triển mạnh mẽ, tăng kích thước nhanh chóng. Mỗi ngày, tim có thể bơm khoảng 25 lít máu để nuôi dưỡng cơ thể và lượng máu này tiếp tục tăng sau đó. Nhịp tim của bé vẫn dao động từ 120 - 160 nhịp mỗi phút.

Hệ thần kinh: Các tế bào thần kinh phát triển mạnh mẽ, chỉ đạo các cơ quan trong cơ thể hoạt động trơn tru.

Buồng trứng: Với bé gái, buồng trứng lúc này đã có hàng triệu trứng bắt đầu hình thành.

Ở tuần thai 16, mẹ cũng có thể biết gần như chính xác bản thân đã mang bầu bé trai hay bé gái.

Hoạt động của thai nhi

Kể từ tuần 16, thai nhi sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn trong bụng mẹ. Cụ thể những hành động ghi nhận được ở tuần thai này đó là:

Bé đạp vào tử cung: Tay, chân hoạt động linh hoạt hơn cũng là lúc bé thực hiện những cú đạp. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn chưa thể cảm nhận rõ ràng được. Nếu mẹ nằm im và quan sát thì có thể thấy các biểu hiện của thai máy. Mặc dù vậy để chính xác hơn sự cảm nhận này, mẹ cần phải chờ thêm 1 - 2 tuần nữa.

Nấc cụt: Thai nhi đã xuất hiện những cơn nấc cụt dù mẹ bầu chưa thể nhận ra từ bên ngoài.

Biểu cảm khuôn mặt: Bé có thể nheo mắt, nhăn mặt hoặc thực hiện các biểu cảm khác mà mẹ có thể thấy thông qua hình ảnh siêu âm.

Sự thay đổi của cơ thể người mẹ thai 16 tuần

Bước sang tuần mang thai thứ 16, mẹ bầu cũng có rất nhiều sự thay đổi về vóc dáng, tâm trạng. Cùng xem những khác biệt lớn nhất ở cơ thể mẹ bầu tuần thai này là gì nhé.

Thay đổi về hình dáng cơ thể: Ngực to lên, bụng nhô ra và vòng mông nở hơn là những điều dễ thấy nhất. Điều này là hết sức bình thường để kịp thích nghi với sự phát triển của thai nhi trong bụng.

Táo bón, đi tiểu nhiều hơn: Ở tuần thai 16, tử cung lớn hơn rất nhiều là tăng áp lực lên đại tràng, khiến tình trạng táo bón có thể nặng hơn, mẹ đi tiểu nhiều hơn. Dù vậy, mẹ hãy cố gắng uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, chất xơ để hạn chế tình trạng này.

Tăng dịch tiết âm đạo: Một vài mẹ bầu ở tuần 16 vẫn cảm nhận được vùng kín ẩm ướt, dịch âm đạo tiết nhiều. Tuy nhiên điều này là hoàn toàn bình thường và mẹ không cần phải quá lo lắng nhé.

Đau lưng, đau mỏi cơ, tê bì chân tay: Điều này do kích thước thai lớn khiến hệ cơ xương khớp của mẹ phải chịu áp lực nhiều hơn. Để khắc phục, mẹ có thể xoa bóp nhẹ nhàng, tắm bằng nước ấm dưới vòi hoa sen.

Chảy máu chân răng: Nguyên nhân do các nội tiết tố khi mang thai khiến nướu răng bị viêm và dễ chảy máu. Vì vậy, mẹ cần thường xuyên vệ sinh răng miệng với bàn chải mềm, kem đánh răng phù hợp.

Mẹ bầu có thể thực hiện các xét nghiệm nào khi mang thai tuần 16?

Khi mang thai tuần 16, sẽ có rất nhiều các xét nghiệm, đánh giá thai kỳ mà mẹ nên tham khảo và thực hiện. Cụ thể những xét nghiệm này đó là:

Siêu âm 4D đánh giá hình thái toàn diện của thai nhi

Kỹ thuật siêu âm 4D thực hiện ở tuần mang thai thứ 16 sẽ giúp các bác sĩ, mẹ bầu sớm phát hiện những dị tật bất thường ở thai nhi. Không chỉ là những dị tật về hình dáng bên ngoài mà còn cả các dị tật ở các hệ cơ quan bên trong.

Ở tuần mang thai này, kỹ thuật siêu âm sẽ chủ yếu được thực hiện thông qua phương pháp siêu âm ổ bụng.

Tầm soát tiểu đường thai kỳ

Việc tầm soát này nhằm kiểm tra mức đường huyết của mẹ khi mang thai. Các bác sĩ có thể chỉ định mẹ lấy máu, lấy nước tiểu hoặc cả hai. Kết quả của xét nghiệm đường huyết sẽ giúp đánh giá, dự phòng những rủi ro trong quá trình mang thai cho cả mẹ và bé.

Để kết quả tầm soát đường huyết được chính xác, mẹ bầu nên ăn trước 8h tối ngày hôm trước; Trong ngày tới tầm soát, mẹ bầu nên nhịn ăn sáng. Mẹ bầu cũng yên tâm là việc lấy mẫu sẽ diễn ra rất nhanh, vì vậy mẹ không cần quá lo lắng về việc bản thân hay em bé bị đói sau đó.

Làm xét nghiệm sàng lọc Triple test

Nếu mẹ chưa làm sàng lọc Double test ở tuần 12 hoặc muốn có được những kết quả chắc chắn hơn thì ở tuần mang thai này, mẹ có thể tiến hành việc làm Triple test.

Triple test là một xét nghiệm máu để đo nồng độ một số chất, nhằm ước đoán khả năng thai nhi có mắc rối loạn di truyền hay không. Thời điểm làm xét nghiệm là giữa tuần thứ 14 và 22 của thai kỳ, nhưng để kết quả chính xác nhất nên tiến hành xét nghiệm ở tuần thứ 16 tới 18.

Làm xét nghiệm Quad test

Xét nghiệm Quad test có tác dụng kiểm tra 4 yếu tố từ máu của mẹ do thai nhi và nhau thai sản xuất ra. Xét nghiệm này thường được chỉ định làm từ 14 – 22 của thai kỳ. Trong đó, kết quả Quad test chính xác nhất sẽ có ở tuần 16 - 18.

Kết quả xét nghiệm Quad test cho biết thai nhi có nguy cơ dị tật hay bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Vì vậy mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm này để chẩn đoán, phòng ngừa và đưa ra giải pháp xử lý sớm.

Lời khuyên cho bà bầu khi mang thai tuần 16

Những thực phẩm giúp thai nhi phát triển khoẻ mạnh

Ở tuần 16, mẹ bầu cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tăng lên mỗi ngày của thai nhi. Những thực phẩm tốt ở giai đoạn này mẹ có thể lựa chọn bổ sung đó là:

Các loại thực phẩm giàu xơ

Ở tuần 16 mang thai, mẹ sẽ phải đối mặt với tình trạng táo bón nghiêm trọng. Vì vậy, những loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh (bông cải xanh, các loại đậu), ngũ cốc nguyên hạt, yến mạch, atiso, các loại trái cây,... cần được chú trọng bổ sung hằng ngày.

Thực phẩm giàu canxi

Kể từ tuần 16, nhu cầu canxi của bé và mẹ sẽ tăng cao hơn so với những tuần trước đó. Lý do của điều này là bởi bé đang phát triển mạnh mẽ hệ cơ, xương, khớp, răng. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần duy trì khung xương chắc chắn để có thể nâng đỡ thai nhi lớn lên.

Vì vậy, mẹ cần chú trọng bổ sung hàm lượng canxi lớn cho giai đoạn này thông qua các thực phẩm như sữa, hải sản và viên uống bổ sung canxi.

Thực phẩm giàu acid béo

Acid béo giúp phát triển trí não cho thai nhi mạnh mẽ ở tuần 16 cũng như giảm nguy cơ sinh non.

Mẹ bầu có thể bổ sung acid béo lành mạnh cho cơ thể với các nguồn thực phẩm như các loại cá, nhất là cá hồi, các loại hạt hoặc dầu ô liu,… Ngoài ra, mẹ cũng nên sử dụng thêm viên uống vitamin tổng hợp.

Các vitamin, khoáng chất khác

Bên cạnh những dưỡng chất nêu trên, mẹ bầu cũng cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để đảm bảo cung cấp đủ nguồn protein, sắt, acid folic, các loại khoáng chất… cho thai nhi phát triển toàn diện.

Hoạt động thai giáo khi mang thai 16 tuần

Ở tuần 16, thai nhi đã có phản ứng linh hoạt với âm thanh bên ngoài. Vì vậy ở tuần mang thai này, bố mẹ có thể tiến hành các hoạt động thai giáo để giúp con phát triển thính giác như:

- Nói chuyện, đọc truyện hoặc kể chuyện cho thai nhi. Hoạt động tương tác ngôn ngữ này vừa giúp hệ thần kinh của thai nhi làm quen với giọng cha mẹ, vừa tăng tình cảm gắn kết, đồng thời kích thích các giác quan khác phát triển.

- Cho thai nhi nghe nhạc nhẹ nhàng, du dương…

Thai nhi 16 tuần tuổi, tương đương với tuần 14 sau thụ thai và cũng là 4 tháng mang thai theo quan niệm dân gian, mẹ bầu đã dần cảm nhận được sự hoạt động của bé ở trong bụng. Trong thời gian này, mẹ hãy đảm bảo bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh xa những chất có hại để đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi.

Bên cạnh đó, ở tuần thai 16, các hiện tượng ốm nghén, mệt mỏi của mẹ cũng sẽ biến mất, cơ thể mẹ sẽ khỏe hơn. Vì vậy giai đoạn này, mẹ bầu có thể luyện tập trở lại nhẹ nhàng; thực hiện các hoạt động thai giáo để tăng gắn kết cũng như giúp con phát triển toàn diện.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-tuan-16--tuan-cam-nhan-cu-dong-va-di-chuyen-33164/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY