Sức khỏe hôm nay

Thai nhi tuần 8 phát triển như thế nào?

Thai nhi tuần thứ 8 bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ nhất. Ở tuần thứ 8, bào thai đã được coi là thai nhi và có tốc độ phát triển khá nhanh. Muốn biết thai nhi tuần thứ 8 phát triển như thế nào, mẹ bầu đừng bỏ qua bài viết dưới đây nhé.

Những thay đổi đáng kể của thai nhi khi bước sang tuần thứ 8

Thay đổi về hình dáng, kích thước

Ở tuần thứ 8, lúc này trên hình ảnh siêu âm thai nhi, các bác sĩ sẽ cung cấp cho mẹ bầu thông tin về chiều dài đầu mông của bé, đường kính túi thai.

Với những thai nhi phát triển một cách ổn định, bé có thể dài khoảng 15mm và có đường kính túi thai khoảng 30mm.

Về hình thái, khi được 8 tuần tuổi, phần đuôi thai của thai nhi đã biến mất. Lúc này, các cơ quan như tay, chân, mắt, mũi, miệng, tim thai… đã bắt đầu hình thành. Khi quan sát kỹ trên chất lượng hình ảnh siêu âm sắc nét, bạn sẽ thấy được sự hình thành của môi trên, mũi và mí mắt.

Mặc dù vậy lúc này, các ngón chân và ngón tay, dù vẫn có màng dính với nhau và chỉ thực sự chia tách ở những tuần tiếp theo.

Thay đổi về nhịp tim của thai nhi

Phần đa thai nhi khi bước sang tuần thứ 8 là đều đã đo được dấu hiệu của tim thai. Lúc này, tim có 4 ngăn tim, vách tim và bắt đầu đập những nhịp đầu tiên, dao động từ 100 - 160 nhịp/phút.

Trong trường hợp mẹ bầu 8 tuần mà không đo thấy tim thai thì rất có thể bạn tính sai tuần, thai có thể chậm phát triển hoặc do nguyên nhân khác. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để nắm rõ thông tin nhất.

Mẹ bầu thay đổi như thế nào khi bước sang tuần thai thứ 8?

Sự thay đổi của mẹ bầu khi mang thai 8 tuần có sự khác nhau theo thể trạng của từng người. Tuy nhiên, những dấu hiệu điển hình dễ nhận thấy nhất có thể kể đến như:

Tiếp tục tình trạng ốm nghén: Điều này xảy ra ở khoảng ¾ số phụ nữ mang bầu. Với các mẹ bầu mang thai lần đầu, tình trạng này có thể xảy ra rõ rệt hơn.

Rất nhiều mẹ bầu 8 tuần khi có các dấu hiệu ốm nghén đều tỏ ra vô cùng lo lắng, tự hỏi liệu như vậy thì thai nhi có ổn hay không. Tuy nhiên, việc ốm nghén là một trong những dấu hiệu mang thai bình thường, hoàn toàn không có vấn đề nghiêm trọng cần lo lắng.Những triệu chứng nghén ngẩm phổ biến nhất ở mẹ bầu mang thai 8 tuần có thể kể đến như buồn nôn, chán ăn hoặc ăn không ngon miệng, không thể ăn những món ăn thường ngày…

Trong trường hợp mẹ bầu cảm thấy sức khỏe thực sự không ổn do lý do ốm nghén, mẹ bầu có thể tìm tới các chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn. Thông thường, triệu chứng ốm nghén sẽ kết thúc vào khoảng tuần 12 - 14 của thai kỳ.

Mệt mỏi, khó chịu: Khi mang thai, cơ thể mẹ thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, sự thai đổi về nội tiết tố, tâm sinh lý dẫn tới những căng thẳng, lo lắng. Chính điều này là nguyên nhân khiến cho không ít mẹ bầu cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, thậm chí hay cáu gắt.

Lúc này, mẹ bầu hãy tĩnh tâm, nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn và nghĩ về những điều tích cực. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tìm tới những hoạt động yêu thích nhẹ nhàng, nói chuyện với bạn bè người thân để được thư thái hơn, cải thiện tâm trạng.

Tăng tiết dịch âm đạo: Khi bắt đầu mang thai và đặc biệt là khi bước sang tuần thai thứ 8, lượng estrogen của cơ thể bà bầu tăng lên đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc dịch âm đạo được tiết ra nhiều hơn bình thường.

Khi gặp tình trạng này, mẹ bầu không nên căng thẳng hay lo lắng. Thực tế, dịch âm đạo ngăn cho đường sinh không bị nhiễm khuẩn.

Nếu dịch âm đạo tiết ra nhiều, mẹ bầu có thể sử dụng tới băng vệ sinh hằng ngày hoặc thay quần lót 2 - 3 lần mỗi ngày để luôn có cảm giác khô thoáng, sạch sẽ.

Tình trạng đầy hơi và táo bón: Thay đổi nội tiết cộng thêm với việc sử dụng các loại thuốc bổ như acid folic, sắt, vitamin tổng hợp… là những nguyên nhân khiến bà bầu mang thai tuần 8 táo bón, đầy hơi nhiều hơn.

Đừng quá căng thẳng, hãy thư giãn và có thể luyện tập nhẹ nhàng. Ngoài ra, bạn hãy ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước để cải thiện tình trạng này.

2 cách siêu âm thai 8 tuần tuổi được áp dụng nhiều nhất hiện nay

Trong quá trình khám và đánh giá thai nhi 8 tuần tuổi phát triển như thế nào, các bác sĩ có thể chỉ định hai hình thức siêu âm là siêu âm qua ổ bụng và siêu âm đầu dò.

Tuỳ theo đặc điểm, thể trạng cũng như yêu cầu đánh giá hình ảnh thai nhi mà bác sĩ sẽ khuyên bạn lựa chọn hình thức phù hợp.

Cả hai hình thức này đều là hai hình thức siêu âm rất an toàn. Thực tế hiện nay, chưa có bất kỳ một đánh giá bất lợi nào khi mẹ bầu thực hiện siêu âm thai ở tuần thứ 8. Vì vậy, mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm và hợp tác với các chỉ định từ bác sĩ.

Siêu âm đầu dò

Phương pháp này sử dụng một đầu dò đặt vào âm đạo của người mẹ. Lúc này, đầu dò phát ra nguồn sóng âm thanh vào tử cung và giúp thu nhận lại các hình ảnh của thai nhi ở bên trong.

Ưu điểm của phương pháp siêu âm đầu dò là cho kết quả chính xác hơn so với siêu âm qua thành bụng. Tuy nhiên khi đã đến tuần thai thứ 8, phương pháp này thường ít được chỉ định.

Siêu âm ổ bụng

Đây là phương pháp siêu âm thai nhi 8 tuần tuổi phổ biến hơn cả. Với phương pháp này, các bác sĩ sĩ sử dụng một đầu siêu âm kết hợp với gel và đo thông quan bụng của mẹ.

Để có kết quả chính xác khi thực hiện phương pháp này, mẹ bầu cần làm căng bàng quang, từ đó đẩy tử cung lên cao và nhìn rõ hơn.

Mang thai 8 tuần tuổi, mẹ bầu nên và không nên ăn gì?

Thai nhi 8 tuần tuổi đã bắt đầu có tim thai, bước vào giai đoạn cuối của tam cá nguyệt thứ nhất. Đây là thời kỳ vô cùng quan trọng và mẹ vẫn cần tuân thủ các yêu cầu kiêng cữ để đảm bảo thai phát triển khoẻ mạnh, ổn định.

Những thực phẩm tốt cho mẹ bầu mang thai 8 tuần

Rau củ: Đây là loại thực phẩm mà mẹ bầu nên bổ sung nhiều nhất. Rau củ không chỉ giúp mẹ dễ ăn, dễ hấp thu hơn mà còn hạn chế tình trạng táo bón xảy ra ở đầu thai kỳ.

Về loại rau củ, mẹ bầu nên chọn các loại rau có màu xanh đậm (cải xoăn, bông cải xanh, cải bó xôi), màu vàng (bắp, ớt chuông vàng), và màu đỏ (cà chua, ớt chuông đỏ), màu cam (cà rốt, bí mùa đông, khoai lang, bí ngô). Đây là những loại rau củ có giá trị dinh dưỡng rất cao.

Ngũ cốc: Các loại ngũ cốc nguyên hạt được khuyên sử dụng nhiều trong giai đoạn này.

Ngũ cốc nguyên hạt ngoài mang tới năng lượng thì còn cung cấp rất nhiều chất xơ cho cơ thể mẹ. Đây là chất rất tốt cho đường ruột,giảm nguy cơ mắc chứng táo bón và bệnh trĩ trong quá trình mang thai.

Thực phẩm giàu protein: Khi mang thai ở tuần thứ 8, mẹ bầu nên chọn thịt nạc, thịt gia cầm, cá và trứng, các sản phẩm thịt ít chất béo.

Ngoài ra, mẹ cũng nên nạp protein cho cơ thể từ các loại đậu như đậu pinto, đậu thận, đậu đen, đậu gà hay đậu lăng, đậu Hà Lan…

Các loại trái cây: Những loại trái cây tự nhiên, trái cây có múi như cam, bưởi, quýt… là gợi ý rất phù hợp cho mẹ bầu mang thai 8 tuần.

Nếu có điều kiện, mẹ bầu có thể bổ sung trái cây mỗi ngày theo thực đơn sau: táo hoặc cam, 1/2 quả chuối, 1/2 chén trái cây xắt nhỏ hoặc trái cây đóng hộp, 1/4 chén trái cây sấy khô hoặc 3/4 cốc nước ép trái cây 100%.

Những loại thực phẩm mà mẹ bầu không nên sử dụng

Bên cạnh những thực phẩm tốt, cũng có rất nhiều loại đồ ăn, thức uống mà mẹ cần tuyệt đối tránh trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Những thực phẩm, thức ăn cần kiêng có thể kể đến đó là:

Đồ ăn sống, đồ tái: Đây đều là những loại thực phẩm chưa được làm chín và còn nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng… Vì vậy khi mang thai 8 tuần, mẹ cần tuyệt đối tránh để không bị đau bụng hay làm hại tới sức khoẻ của bản thân cũng như thai nhi.

Pho mát mềm: Mẹ bầu cũng nên loại bỏ phomat mềm trong quá trình mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu bởi pho mát mềm có thể chứa vi khuẩn E. coli, gây nhiễm trùng và các biến chứng khi mang thai.

Không nên uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá trong suốt quá trình mang thai, nhất là những tháng đầu của thai kỳ.

Mang thai tuần thứ 8 cần làm xét nghiệm gì?

Ở tuần thứ 8 của thai kỳ, phần đa các sản phụ đều chưa phải làm bất kỳ xét nghiệm gì để đánh giá. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ có những bất thường cần xem xét. Lúc này, nếu có những nghi ngờ cần làm rõ, bác sĩ sẽ tư vấn để mẹ bầu thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.

Khi thực hiện xét nghiệm, mẹ bầu mang thai tuần thứ 8 nên tới những bệnh viện lớn, những cơ sở sản khoa uy tín để thực hiện.

Những lời khuyên hữu ích khi mang thai tuần thứ 8

Mặc dù khi bước sang tuần thai thứ 8, mẹ bầu vẫn chưa thể cảm nhận được những chuyển động, thay đổi của thai nhi nhưng đối với cơ thể mẹ, những dấu hiệu mang thai đã xuất hiện rõ rệt. Để chăm sóc tốt bản thân cũng như đảm bảo sự phát triển ổn định của con yêu, mẹ bầu đừng quên những lời khuyên dưới đây nhé.

Ăn uống đầy đủ, đảm bảo dưỡng chất cần thiết cho cơ thể

Ở tuần thai thứ 8, bạn nên cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như sắt, canxi, kẽm, magie,… để cả bé và mẹ có thể phát triển khỏe mạnh nhất. Những dưỡng chất này có thể được nạp vào qua thực phẩm ăn uống hàng ngày hoặc từ thuốc bổ theo sự kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ.

Giữ một tâm lý ổn định, thoải mái, tích cực

Thay đổi, biến đổi về thể trạng có thể khiến tâm lý mẹ bầu thay đổi mất kiểm soát. Điều này có thể dẫn tới một vài hành động tiêu cực. Khi mẹ quá căng thẳng, mệt mỏi, rất có thể thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Bởi vậy mà khi mang thai, mẹ bầu hãy giữ cho mình một tâm lý nhẹ nhàng, thoải mái nhất trong suốt thai kỳ nhé.

Hạn chế những hoạt động thể lực, mất sức, vận động mạnh

Giai đoạn đầu của thai kỳ, thai nhi vẫn chưa thực sự bám thật chắc và vẫn cần được bảo vệ. Đây là lý do mà mẹ nên giảm bớt các công việc nặng, tạm dừng các hoạt động thể lực mạnh.

Điều này có nghĩa là mẹ nên hoạt động nhẹ nhàng, không bê vác vật nặng bởi điều này có thể ảnh hưởng tới hệ thống xương khớp của mẹ,

Hạn chế sinh hoạt vợ chồng

Vì vẫn trong giai đoạn đầu của thai kỳ nên mẹ hãy hạn chế quan hệ tình dục bởi nếu không thực hiện đúng cách có thể ảnh hưởng tới thai nhi. Trường hợp vẫn muốn duy trì quan hệ tình dục, mẹ nên tìm hiểu các tư thế nhẹ nhàng và thực hiện với tần suất thấp.

Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ

Tuân thủ đúng lịch khám thai theo chỉ dẫn cũng là cách để mẹ biết được tình trạng phát triển của thai nhi, từ đó có biện pháp chăm sóc tốt hơn. Vì vậy, mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 8 cần theo đúng lịch hẹn để tới khám kịp thời nhé.

Ở tuần thai thứ 8, mẹ bầu còn một quãng hành trình 32 tuần thai kế tiếp trước khi chính thức gặp con yêu. Lúc này, thai nhi đã có sự phát triển, thay đổi qua từng ngày. Việc của mẹ bầu khi mang thai tuần thứ 8 đó là hãy chăm sóc bản thân thật tốt, giữ một tinh thần lạc quan, thoải mái, tận hưởng từng phút giây tuyệt vời của quá trình mang thai.

Chúc các mẹ bầu tuần thai thứ 8 có một thai kỳ khỏe mạnh.

Ánh Dương

Theo Người đưa tin

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khoẻ gia đình (https://suckhoegiadinh.com.vn/cho-con/thai-nhi-tuan-8-phat-trien-nhu-the-nao-33089/)

Chủ đề liên quan:

Tin cùng nội dung

    Dữ liệu đang được cập nhật, vui lòng quay lại sau!
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY