Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Thâm cung bí sử (206 - 1): Duyên phận là gì?

MangYTe - Duyên phận phải chiều là một bài hát chèo cổ. Nhưng duyên phận là gì? Chưa có một định nghĩa nào đầy đủ về khái niệm này. Và trên đời có cái gọi là duyên phận hay không? Nó có thật không hay đó chỉ là trí tưởng tượng đầy lãng mạn của các nghệ sĩ ngày xưa. Điều này tôi cũng không biết mà chỉ biết rằng trong nghệ thuật chèo có bài hát Duyên phận phải chiều.

Tôi rất yêu chèo. Thời còn là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia), thỉnh thoảng tôi lại lóc cóc đạp xe đến trường trung cấp chèo để nghe các học viên ở đó hát. Tôi đứng thập thò ngoài hội trường nghe người ta hát và lẩm nhẩm hát theo. Có một cô gái đã bắt quả tang tôi làm việc này. "Anh thích hát chèo?". "Vâng, rất thích". "Vậy tại sao anh không thi vào trường chèo?". "Có lẽ tôi không đủ tài để làm diễn viên chèo nên đã thi vào Trường Đại học Tổng hợp". Cô gái ấy tên là Thanh Tình, học viên Trường Trung cấp Chèo. Thanh Tình quê ở Sơn Tây, một cô gái đẹp có vẻ nền nã, đúng là cổ cao ba ngấn, lông mày nét ngang. Có lẽ trời sinh ra Thanh Tình là để diễn chèo. Thấy tôi đam mê chèo, Thanh Tình đã tranh thủ dạy tôi hát chèo và bài em dạy tôi đầu tiên là "Duyên phận phải chiều". Đây là một bài hát nhiều cảm xúc và tâm trạng. "Anh hát rất hay. Về phách nhịp thì anh không thể bằng chúng em nhưng về cảm xúc và hồn vía thì anh hơn hẳn chúng em. Anh mê bài "Duyên phận phải chiều" như thế này thì có khi duyên phận nó sẽ theo anh suốt đời". "Liệu có duyên phận thật hay không?". "Có chứ. Đó là thứ trời cho mỗi người. Cũng có thể xem đó như một định mệnh. Đã có duyên phận với nhau thì suốt đời nhớ nhau, không bao giờ quên được". "Anh cũng rất nhớ em". Thanh Tình cười: "Anh nhớ bài hát chứ không nhớ em. Nếu anh nhớ em thì trái tim sẽ mách bảo cho em biết. Chúng ta không có duyên phận". Có lẽ Tình nói đúng, chúng tôi không có duyên phận.

Máy bay Mỹ ném bom Hà Nội ngày càng ác liệt hơn, các trường đại học phải sơ tán khỏi thành phố. Trường chúng tôi sơ tán về làng Trám, thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đây là nơi chôn rau cắt rốn của Tuấn, một người bạn học cùng lớp với tôi. Được sơ tán về làng của Tuấn đối với tôi là một may mắn. Mẹ Tuấn coi tôi như con cái trong nhà. Bà chăm sóc chúng tôi rất chu đáo. Ngày đó cả nước đói ăn, sinh viên càng đói hơn vì lương thực phải ưu tiên cho chiến trường. Cứ nửa buổi học là mẹ Tuấn lại cho chúng tôi một đĩa sắn luộc hoặc khoai sọ luộc chấm muối vừng. Với sinh viên ngày đó được như thế là đã hạnh phúc lắm rồi.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/tham-cung-bi-su-206-1-duyen-phan-la-gi-2020022119000704.htm)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY